Tạp chí Sông Hương -
Lolita và những kiệt tác đến muộn
14:30 | 20/03/2012

Hiếm có một cuộc ra mắt sách nào mà sách vừa ra khỏi nhà in, số người thực đọc chắc chưa hết hai đầu ngón tay, lại có thể thu hút lượng người đến giao lưu, mua sách và...xin chữ ký của dịch giả đông như vậy (chiều 15-3 tại Hà Nội).

Lolita và những kiệt tác đến muộn
Sách do Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành

Vì đó là Lolita. Và vì Lolita đã đến VN muộn hơn 57 năm so với lúc kiệt tác này được chính thức xuất bản lần đầu tại Pháp năm 1955. Cũng còn vì trong suốt 57 năm ấy, qua nhiều khúc xạ của truyền thông và của những lời đồn đại, Lolita đã vô tình hay cố ý bị biến thành biểu tượng của tình dục ở tuổi vị thành niên. Là một trong "10 cuốn tiểu thuyết gây tranh cãi nhất của thế kỷ 20", "ban đầu bị cấm xuất bản ở Mỹ, đến khi được xuất bản ở Pháp thì Bộ Nội vụ Anh phải gửi thư khuyến cáo Bộ Nội vụ Pháp không nên cho xuất bản..." - những thông tin mà dịch giả 81 tuổi Dương Tường công bố chính thức trong buổi ra mắt càng làm Lolita thêm "nóng".

Và vì tất cả những điều đó, khi cầm trên tay cuốn tiểu thuyết lừng danh này, đọc một cách chậm rãi và bình thản, người ta chợt nhận ra sau tất cả những hồi quang thăng trầm của quá khứ ấy, Lolita đến VN hôm nay đã mang một giá trị khác hẳn so với 57 năm trước, thời nó gây ra một cơn bão trong làng xuất bản thế giới.

Rất khó, nếu không nói là không thể tìm thấy trong Lolita một cảnh thật sự gợi dục. Rất khó, nếu đọc để thưởng thức một thiên diễm tình ngọt ngào với văn chương đẹp đẽ, mượt mà, trôi chảy. Rất khó, nếu muốn đọc và nắm bắt thật nhanh tất cả những gì mà Vladimir Nabokov - nhà văn Nga lưu vong viết bằng tiếng Anh rồi tự dịch ngược lại bằng tiếng Nga - gửi gắm trong Lolita.

Thực tế người đọc sẽ rất vất vả, nếu không muốn nói phải "đánh vật" với những cái "bẫy" ngôn từ, với thiên hình vạn trạng cách chơi chữ tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Latin, tiếng Ðức... của Nabokov mà dịch giả cựu trào Dương Tường thú nhận là khó có khái niệm tương đương trong tiếng Việt. Bằng những cố gắng phi thường của mình, Dương Tường đã dành ra hẳn hai năm để dịch cuốn sách mà ông nói rằng hơn một nửa số thời gian ấy là để dành cho việc làm 468 chú thích (không hề có trong nguyên tác) của tất cả những điển cố mà ông có thể giải thích được.

Cho nên dịch giả Phạm Anh Tuấn - người đã tình nguyện làm biên tập đầu tiên cho bản dịch - vừa ngưỡng mộ Lolita, khâm phục Dương Tường, vừa lo lắng cho sự đón nhận của độc giả, đã nói rằng: "Nếu bản tiếng Việt của Lolita lần này không gây ra được một cơn bão trong làng xuất bản VN thì người đọc VN chỉ có thể tự trách mình".

Có thể lắm chứ, vì bản tiếng Việt của Cái trống thiếc (NXB Hội Nhà Văn, 2002) của Gunter Grass - một kiệt tác của văn chương thế giới - cũng đã ra mắt một cách... im lìm, dù các nhà văn VN khi đọc nó đều ngẩn ngơ vì "giá mình được đọc từ khi mới vào nghề". Có hàng chục, hàng trăm kiệt tác của thế giới đã được những người ham đọc và cần đọc ở VN chờ đợi hàng thế hệ, rồi cuối cùng xuất hiện "không kèn không trống" như thế.

Không phải cuốn sách nào cũng có cái may mắn như Trăm năm cô đơn (NXB Văn Học) khi xuất hiện ở VN từ hồi 1986, lúc trào lưu văn học Mỹ Latin cực thịnh, đã được in với số lượng 20.000 bản lần đầu và liên tục tái bản sau đó, tạo ra một "cú hích" mạnh mẽ với các nhà văn VN lúc đó vốn chỉ biết một cửa ngõ giao lưu duy nhất là Ðông Âu.

Cũng không phải kiệt tác nào cũng có cái duyên đến muộn như Suối nguồn (NXB Trẻ, 2007) của nữ nhà văn kiêm triết gia Anny Ryan, bản tiếng Việt xuất hiện lần đầu năm 2007, và đến nay vẫn đều đặn tái bản.

Ðến muộn bao giờ cũng đối mặt với nguy cơ "lỡ làng", không ngoại trừ các kiệt tác.Vì vậy, mong cho nó sẽ là ngoại lệ với Lolita, và với các danh tác tiếp theo của nhân loại may mắn được dịch ra tiếng Việt.

Theo Thu Hà - TT

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng