Tạp chí Sông Hương -
SÔNG HƯƠNG Tháng 6 (Số 280): Trên những lối đi chưa mòn
15:26 | 07/06/2012

Với họa phẩm “Không gian sống” của họa sỹ Lê Thánh Thư làm bìa 1, đó như là một tín hiệu khởi đầu cho bạn đọc thấy được một không khí mới lạ của Sông Hương kỳ này.

SÔNG HƯƠNG Tháng 6 (Số 280): Trên những lối đi chưa mòn

Đầu tiên, bạn đọc sẽ được đến với cuộc trò chuyện thú vị giữa nhà Thiên văn học Trịnh Xuân Thuận và nhà báo hoang vu Nguyễn Hàng Tình trong Ánh sáng trái tim và nhan sắc của giọt lệ trên mi người thiếu nữ. Qua cuộc trò chuyện chúng ta sẽ thấy được sự gần gũi giữa tư duy thi ca và tư duy khoa học. Suy cho đến tận cùng thì khoa học hay thi ca cũng đều vì nhân sinh. Khoa học đưa con người khám phá tự nhiên, vũ trụ, còn thi ca lại đưa con người thông hiểu chính mình. Trịnh Xuân Thuận là một nhà khoa học tầm cỡ nhưng sự tầm cỡ đó cũng phần nào được kiến tạo nên bởi lòng đam mê thi ca ở ông.

Mục VĂN XUÔI, là những câu chữ đậm màu sắc triết lý Phật Giáo trong các bài “Văn hóa chuỗi hạt” của Hòa thượng Thích Chơn Thiện và “Đi tìm ngọn núi thiêng” của Nguyễn Văn Dũng. Thông qua các bài viết chúng ta thấy rằng ý nghĩa của cuộc sống nằm ở sự hướng Thiện và nỗ lực giải thoát tham, sân, si trong chính bản thể của mình. Truyện ngắn “Động Thiên Đường” của Nhụy Nguyên là một truyện ngắn có cấu trúc lạ. Cấu trúc của truyện ngắn này xuất phát và song trùng với sự phân rã của chính bản thể của một nhân vật từ câu chữ của một nhà văn luôn nỗ lực hướng về với chính nội giới của mình. Lê Vũ Trường Giang là một tác giả trẻ luôn tìm kiếm không ngừng trong lối viết, anh đang dần hướng đến những truyện ngắn mang tính ý niệm. “Gọi đó là Sonata” là một truyện ngắn minh chứng cho điều đó ở anh.

Trọng tâm của Sông Hương kỳ này là Chuyên đề THƠ TÂN HÌNH THỨC, một trào lưu mới mẽ đối với sáng tạo và phê bình người Việt. Thông qua chuyên đề bạn đọc sẽ được đến với những tiểu luận vừa khái quát nhưng vừa cụ thể và hết sức nghiêm xác về thơ Tân Hình Thức. Những vấn đề cốt lõi của Tân Hình Thức như lịch sử hình thành, đặc trưng thi pháp và tình hình sáng tạo sẽ được làm rõ thông qua các tiểu luận Phong cách Tân chiết trung của Khế Iêm; Bình luận về thơ khác của Alexander Kotowske (Phạm Kiều Tùng chuyển ngữ); Về một nỗ lực làm mới thơ Việt của Văn Giá. Bất cứ một trào lưu sáng tạo nào, một lối chơi mới mẽ nào khi mới quảng diễn chắc chắn sẽ tạo ra những hiệu ứng khác nhau. Tân hình thức không phải là ngoại lệ. Việc truy vấn, hoài nghi về Tân Hình Thức là điều dễ hiểu bởi thông qua sự hoài nghi thì giá trị của nghệ thuật mới được kiểm chứng. Bạn đọc sẽ đến với điều đó qua Vài băn khoăn nhỏ từ Tân Hình Thức của nhà thơ trẻ Nhã Thuyên. Để minh chứng cho thi pháp Tân Hình Thức đã thực sự hiện hữu trong lòng thi ca Việt, chuyên đề cũng dành khá nhiều trang để giới thiệu với bạn đọc nhưng bài thơ mang đậm thi pháp Tân hình Thức của các tác giả Hồ Đăng Thanh Ngọc, Nguyễn Thị Khánh Minh, Trầm Phục Khắc, Đặng Xuân Hường, Nguyên Quân, Trần Phương Kỳ, Biển Bắc, Gyảng Anh Iên, Bỉm, Nguyễn Tuệ, Inrasara, Nguyễn Hoạt, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Thiền Đăng, Nguyễn Hoài Phương, Nguyễn Tất Độ, Trần Vũ Liên Tâm, Đoàn Minh Hải, Lý Đợi, Hà Duy Phương, Huy Hùng, Lê Hưng Tiến, Đài Sử.

Để cho chuyên đề thơ Tân Hình Thức được nghiêm xác và sâu rộng hơn, chuyên mục Cửa sổ nhìn ra văn học đương đại thế giới sẽ giới thiệu đến đọc giả bài viết Những thiên sứ nổi dậy: 25 nhà thơ Tân Hình Thức của Mark Jarman & David Mason qua sự chuyển ngữ của Nguyễn Tiến Văn và những tác giả tiểu biểu của thơ Tân Hình Thức Mỹ như: Marilyn Hacker, Rafael Campo, Tom Disch, Dana Gioia, Frederick Feirstein, R.S.Gwynn, Timothy Steele, Frederick Turner, Andrew Hyggins. Thông qua các thi phẩm của các nhà thơ Mỹ, người sáng tạo Việt Nam sẽ có một cái nhìn trong sự đối sánh giữa tư duy sáng tạo của chúng ta với thi nhân phương Tây trong địa hạt thơ Tân Hình Thức.

Triều Nguyên với Một số hình thức phủ định của phương ngữ Huế sẽ cho chúng ta thấy được một số đặc trưng thú vị của tư duy giao tiếp người Huế thông qua phương ngữ của họ trên mảnh đất giàu văn hóa này. Văn hóa Huế còn được tô đậm thông qua bài viết Từ Đồng Xá, Đại Đồng, đến Kinh nhân Phường đúc, Huế của Nguyễn Văn Dật. Rủ nhau đi cầu cũng là một phát hiện khá thú vị về văn hóa người Việt của Nguyễn Dư. Đặc tính địa lý nhiều sông ngòi, kênh rạch đã khiến cho người Việt có một nét đẹp mà ít nơi nào có được, đó là văn hóa đi cầu. Điều đó đã được phản ánh qua ca dao, dân ca và đến tận ngày nay chúng vẫn lấp lánh tựa như những huyền thoại đi sâu vào tâm thức chúng ta.

Mèo đi mẫu giáo là một truyện ngắn của Anh Thư gửi đến các em thiếu nhi. Đó là một truyện ngắn nhẹ nhàng nhưng mang tính giáo dục sâu sắc không chỉ đối với trẻ mà ngay chính người lớn chúng ta cũng tìm thấy ở đây những giây phút ấm lòng trong cuộc sống phồn tạp hôm nay.

Sông Hương xin trân trọng giới thiệu tới quý bạn đọc.





 

Các bài mới
Các bài đã đăng