Tạp chí Sông Hương -
Người thông ngôn của thế giới Hồi giáo
10:05 | 18/06/2012

Là nhà nghiên cứu lỗi lạc và đáng kính về lịch sử thế giới Hồi giáo, Bernard Lewis có sức thu hút kỳ lạ. Năm nay đã 96 tuổi, ở ông toát ra thứ hào quang được tờ Wall Street Journal miêu tả là “giống một bậc hiền triết”.

Sau khi bài phê bình gay gắt của Bernard Lewis dành cho tác phẩm Chủ nghĩa phương Đông (Orientalism) của Edward Said xuất hiện trên tạp chí New York Review of Books, tác giả bị tổn thương đã đáp trả bằng một lá thư “dài và giận dữ” gửi đến ban biên tập tờ tạp chí, trong đó chế giễu bài viết của Lewis là “vỏ bọc của thói uy quyền và tỏ ra biết tuốt”.

Một độc giả tận tâm với những cuốn sách của Bernard Lewis sẽ không bao giờ bận tâm đến điều đó. Dù viết về buổi sơ khai của các dân tộc Arab hay sự phát triển của nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, Lewis luôn cảnh giác với nguy cơ tối nghĩa cũng như yếu tố sắc thái của lời văn: ông luôn thận trọng với những nguồn thông tin có được, và không quên đối chiếu chúng với các bằng chứng khác. Trong cuốn hồi ký mới nhất về cuộc đời mình là Ghi chép về một thế kỷ (Notes on a Century), ông tiết lộ quá trình nghiên cứu các loại tài liệu lưu trữ đã gieo vào ông “một sự thiếu tin tưởng sâu sắc về độ xác tín của thể loại văn bản bằng chữ viết”.

Là một nhà sử học, Bernard Lewis đã bộc lộ không chỉ lòng cam kết kiên định với sự thật thuộc về lịch sử cùng sự căm ghét cái ông gọi là “xuyên tạc lịch sử”, học giả còn có một lòng nhiệt thành, đôi khi đến mức ám ảnh, kèm trí tò mò đối với phương diện nơi chốn và con người. Bernard Lewis quan tâm đến sự sụp đổ của các vương triều cũng nhiều như lòng yêu thích thực phẩm của bản thân.

Ghi chép về một thế kỷ vừa là hồi ký, đồng thời lại là một tuyên ngôn của nguồn gốc và thân thế chính tác giả. Trong suốt cuộc đời mình, Lewis đã gặp gỡ đủ loại người, từ thủ tướng Israel Golda Meir cho đến Mohammad Gaddafi, con trai cố lãnh tụ Libya Muammar Gaddafi. Ông từng ngủ trong lều tại các hoang mạc và chốn làng quê Syria hẻo lánh cũng như qua đêm trong những cung điện xa hoa. Song sự miêu tả ông dành cho khoảng thời gian bắt đầu đời mình mới là nhân tố quan trọng nhất. Cũng giống như nhà văn quá cố người Anh John Gross tiết lộ nguồn gốc Do Thái của bản thân trong tự truyện Chủ đề kép (The Double Thread), Bernard Lewis nhắc đến tuổi thơ Anh – Do Thái của mình với sự trìu mến êm đềm nhất.

Thú sưu tập sách cùng niềm đam mê ngôn ngữ từ rất sớm đã góp phần định hình khuynh hướng học giả của Lewis: ông tự học tiếng Ý căn bản bằng việc phụ cha nghiên cứu phần lời của những vở opera RigolettoNgười thợ cạo thành Seville (The Barber of Seville). Có lẽ đó cũng chính là sự tưởng nhớ về “những chiếc bánh phủ nho khô và quế tuyệt ngon” của bà ngoại ông, người di cư từ miền Tây nước Nga đến Anh vào năm 1895, và là người kích thích sự quan tâm của Lewis đối với lịch sử ẩm thực về sau này.

Cũng như đồng nghiệp John Gross, Lewis hầu như không trở thành nạn nhân (hoặc rất ít) của chủ nghĩa kỳ thị Xêmít(*) tại London. Mãi về sau này ông mới đối mặt với sự kỳ thị Xêmít công khai tại bang California, Mỹ vào năm 1950, nơi có rất nhiều khách sạn dán thông báo từ chối nhận khách Do Thái. Sau khi trải qua nghi lễ trưởng thành theo truyền thống Do Thái (Bar mitzvah), Lewis thuyết phục cha cho theo học một lớp dạy ngôn ngữ Hebrew (tiếng Do Thái cổ). Và thế là sau hai năm, dưới sự rèn dắt của một học giả Ba Lan tỵ nạn chính trị tại Mỹ, ông đã có thể đọc thông viết thạo cũng như giao tiếp bằng thứ ngôn ngữ cổ đại truyền thống của tộc Do Thái. Sau này ông còn học thêm tiếng Arab, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư cũng như tiếng Nga, Đan Mạch, Hy Lạp và Đức.

Tình yêu Lewis dành cho ngoại ngữ đã giúp nhiều cho sự nghiệp nghiên cứu của học giả. Ông không chỉ có khả năng tra cứu văn kiện viết bằng nhiều ngôn ngữ, mà những cuốn sách và bài viết về lịch sử của Lewis ngay từ đầu cũng được đánh dấu bằng “sự làm chủ văn xuôi tiếng Anh một cách hiếm có”. Dù chủ đề ông chọn có ngoại lai và khó hiểu đến đâu chăng nữa, Lewis vẫn viết một cách sắc sảo với sự tinh tế không chút khoa trương. Cây bút Eric Ormsby chọn ngẫu nhiên một đoạn văn từ cuốn Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại (The Emergence of Modern Turkey, 1961), kết quả của công trình nghiên cứu kinh điển chưa từng có trước đó do Lewis thực hiện về Đế chế Ottoman, thông qua các di khảo và văn bản cổ.

Nội dung đoạn văn mô tả cái chết của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Kemal Ataturk năm 1938, trong đó Lewis đem đến cái nhìn tổng quan về con người và khí chất của nhân vật. Tại đây, người đọc cảm nhận được sự chính xác và kiên định rất đặc trưng về phương diện mạch lạc trong tường thuật của Lewis. Đi kèm với đó là sự tham gia của Lewis vào quá trình hoạch định chính sách dưới thời tổng thống George W. Bush.

Trong Ghi chép của một thế kỷ, Lewis kể chi tiết về những tranh cãi ông phải trải qua, bao gồm cả những vụ việc rất nhạy cảm mang tầm quốc tế. Ví dụ, trong bản đầu tiên của cuốn Sự trỗi dậy của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại, ông viết “vụ diệt chủng kinh hoàng năm 1916, với một triệu rưỡi người Armenia bị sát hại”. Khi ấn bản thứ ba của cuốn sách xuất hiện một năm sau đó, ông thay khái niệm “diệt chủng” bằng “thảm sát”. Lewis giải thích ông làm thế “không phải để giảm mức độ của những gì đã xảy ra, mà để tránh né sự so sánh dễ xảy ra với sự kiện 6 triệu người Do Thái bị thiệt mạng khắp châu Âu bởi bàn tay quân Phát xít trong thế chiến thứ II, vốn khiến chữ ‘thảm sát’ từ đó trở thành một khái niệm gần như mang tính kỹ thuật”. Tuy thế, sau cuộc trò chuyện về chủ đề này trong cuộc phỏng vấn trên tờ Le Monde, một số người Pháp đã kiện Lewis với cáo buộc “chối bỏ cuộc thảm sát người Do Thái” (vốn là tội hình sự tại Pháp). Rốt cuộc, ông chỉ phải trả… một đồng franc Pháp duy nhất cho bên nguyên.

Từ những công trình nghiên cứu đầu tiên, như Nguồn gốc của Ismailism(**) (The Origins Ismailism, 1940) và Người Arab trong lịch sử (The Arabs in History, 1950), cho đến các cuốn sách và bài viết gần đây, Lewis đã tìm cách thể hiện các chủ đề khó “từ bên trong”. Một minh họa của nỗ lực này là bộ hợp tuyển gồm hai cuốn sách nhan đề Hồi giáo - từ nhà tiên tri Muhammad đến vụ chiếm đóng Constantinople (Islam: From the Prophet Muhammad to the Capture of Constantinople), xuất bản năm 1974. Chưa có một tác phẩm nào trước đó lại phô bày cả kiến thức sâu sắc của Lewis về đạo Hồi lẫn bút pháp tài hoa một cách trọn vẹn đến như vậy. Cụ thể, trong những câu văn và trích dẫn được ông biên dịch trực tiếp từ tiếng Arab, Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Judeo - Arabic (một ngôn ngữ Do Thái), chúng ta như nhận được tiếng vọng từ giọng nói của những bậc quân vương và tể tướng từ một thời đại rất xa xưa…

Theo Wall Street Journal

____________________________

(*): Nguyên văn là Antisemitism: chủ nghĩa bài Do Thái

(**): Ismailism là nhánh lớn thứ hai của dòng Hồi giáo Shia

Theo Vương Đỗ - NDBND

 

Các bài mới
Các bài đã đăng