Nhờ có những công trình sưu tập sách báo đồ sộ, có hệ thống, trong đó phải kể ngay đến nhiều công trình của nhà văn - nghiên cứu phê bình văn học Lại Nguyên Ân đã được xuất bản trong những năm gần đây, tôi mới có điều kiện tìm hiểu sâu và thấy ra dần sự đóng góp của nhà văn, nhà báo lão thành Phan Khôi cho văn hóa, văn học nước nhà trong giai đoạn đầu. Đặc biệt là đóng góp của ông trong lĩnh vực dịch thuật.
Phan Khôi không những dịch Lỗ Tấn một cách thành công, để lại dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dịch thuật Việt Nam, thể hiện qua cuốn sách "Phan Khôi viết và dịch Lỗ Tấn" do Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, ra mắt bạn đọc cách đây đã 5 năm, ông còn dịch thơ văn của nhiều tác giả khác của văn học Trung Quốc, cổ điển cũng như hiện đại. Tham gia dịch cả Kinh Thánh cho đạo Tin Lành, cả truyện ngắn của nhà văn Nga Macxim Gorki, cả công trình nghiên cứu khoa học xã hội - tác phẩm "Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học" của Iôxif Stalin. Ông còn quan tâm đến công việc dịch thuật nói chung trong đời sống văn hóa văn học nước nhà: Ông phát biểu về quan niệm dịch thuật, ông đưa ra những ý kiến cụ thể về những yêu cầu phương pháp dịch thuật, góp ý cụ thể cho những bản dịch cụ thể. Bản thân ông tham gia công việc dịch thuật, và thành tựu dịch thuật trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp của ông đã được đánh giá cao, nhận giải thưởng của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1951-1952.
Ngay từ đầu năm 1930, trên tờ báo Trung lập ra ở Sài Gòn, nhà báo Phan Khôi đã sốt sắng cổ vũ cho công việc dịch thuật. Nhận được Thánh kinh báo số 1 do mục sư W.C. Cadman, chủ nhiệm báo ấy gửi tặng, ông đã mừng rỡ, viết bài giới thiệu cho độc giả của Phụ nữ Tân văn. Sau đó ít lâu, cũng trên Phụ nữ Tân văn, Phan Khôi lại viết tiếp một bài, nhân đọc tờ in làm mẫu bộ sách "Sự tích Phật Thích Ca Như Lai". Nhan đề bài viết này đã cho ta thấy một quan điểm về dịch thuật hết sức rõ ràng, đúng đắn của tác giả Phan Khôi: "Trong thời kỳ sáng tạo quốc văn này, đại khái có ba cái công việc mà chúng ta nên làm. Một là tìm tòi những nguyên tắc của tiếng nói, của cách sắp đặt tiếng nói cho thành văn, hầu sau này nhơn đó làm ra sách mẹo bằng tiếng An Nam, cho kẻ học có khuôn phép kiểu mẫu mà noi theo. Hai là dùng tiếng nói mà viết sách; như vậy, một là để tập cho quốc ngữ được dần dần thành văn, hai là để cống hiến mọi sự tri thức cho đồng bào. Ba là dịch sách các nước, hoặc sách xưa, hoặc sách nay để thâu thái các học thuyết của thế giới và cùng làm cho rừng văn của ta được thêm nhiều tư liệu.
Ba điều đó đều quan hệ như nhau, nhưng ở đây tác giả hẵng để riêng hai điều trên ra mà nói nội điều thứ ba là điều dịch sách...
Nói riêng về sự dịch sách, thì tôi tưởng ở nước ta ngày nay, bất cứ sách gì, nếu có thể dịch được thì nên dịch hết, vì sách gì bằng tiếng ta cũng chưa có. Bởi vậy chẳng luận các sách về khoa học đời nay, kinh truyện cùng sử ký của Tầu ngày xưa ta đều nên dịch ra mà cho đến kinh Phật, kinh Đạo, cũng nên dịch.
Ta nếu không dịch được những sách ấy, thì chính các nhà tông giáo họ dịch ra ta cũng nên tán thành và hoan nghinh".
Trong việc dịch, Phan Khôi kiên trì một nguyên tắc: "Bất kỳ dịch sách gì, tôi đều muốn dịch cho đúng nguyên văn nguyên ý. Hễ sai với nguyên văn nguyên ý là tôi sẽ đứng một bên nhắc chừng cho". Ông khen tờ in mẫu bản dịch "Sự tích Phật Thích Ca Như Lai" thật đẹp và có nhiều bức vẽ rất có công phu. Nhưng ông thẳng thắn nhận xét bản dịch. Không biết tên người dịch, ông chỉ trích người chủ trương công trình này: "ông Ngô (Trung Tín) học chữ Hán tinh thông và lại có tư tưởng mới, thêm nhà sẵn tiền, thế thì sao ông làm việc này là việc lớn mà hình như không được thận trọng, tôi rất lấy làm lạ, rất lấy làm tiếc". "Trong tờ mẫu ấy có in một bài trong sách ra, chừng như muốn cho người mua coi kiểu thì phải. In nửa phần chữ Hán, nửa phần quốc ngữ. Nhờ đó mà tôi đem đối chiếu nhau, thấy nhiều chỗ sai lầm quá. Nói "quá" đây, nghĩa là chỉ trong có mấy hàng mà đã sai bộn chỗ, thì nói "quá" cũng không hại".
Ông lấy thí dụ: "Như một bài kệ có tám câu mà chỉ dịch trúng có hai câu đầu mà thôi, còn thì dịch khác hết. Khác hết, tức là sai. Cứ theo bản dịch thì nghe cũng có nghĩa chớ không đến nỗi bậy… sai với nghĩa của nguyên văn.
Lại còn có chỗ bỏ đứt đi, không dịch. Như chữ "Tu-di", tiếng Phạn, tên núi, tức là núi Hymalaya, nghĩa đen là diệu và cao. Trong bài kệ có câu "nhi chỉ Tu-di đẳng", nghĩa là "và cùng núi Hymalaya bằng nhau", vậy mà không có trong bản dịch. Còn câu "Bất nghi cung kính ngã", chữ "ngã" ấy là "chư thiên hiện hình" mà tự xưng, bảo thế gian "chớ nên cung kính ta" mà chỉ nên cung kính Phật. Vậy mà lại dịch "Ai không cung kính ta", thật là sai đi đâu xa lơ xa lắc!".
Trong những năm kháng chiến chống Pháp, nhà văn Phan Khôi không những say sưa hoàn thành công trình tiếng Việt, mà tích cực tham gia viết bài cho tạp chí, tham gia các cuộc hội thảo sáng tác, làm thơ và dịch sách. Lao động sáng tạo của nhà văn Phan Khôi đã được đánh giá cụ thể qua một trong những giải thưởng lần đầu tiên của Hội Văn nghệ Việt Nam dành cho các hội viên: nhà văn Phan Khôi đã được giải Nhì năm 1951-1952 (không có giải Nhất) cho toàn bộ các bản dịch của mình.
Trên số Tạp chí Văn nghệ Xuân Quý Tỵ 1953 còn ghi rõ danh sách những người được giải thưởng, trong đó cho biết: "Toàn bộ các bản dịch của Phan Khôi (Việt Bắc) đã in và chưa in: "Chúc phúc" (truyện ngắn của Lỗ Tấn), "AQ chính truyện" (tiểu thuyết của Lỗ Tấn), "Dưới cây hòe" (thơ của Hồ Chính), "Thù làng" (truyện của Mã Phong), "Ánh lửa phía trước" (tiểu thuyết của Lưu Bạch Vũ), "Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học" (của Đại Nguyên soái Stalin)". Và cả nhận xét của Ban giám khảo: "Ưu điểm chính của người dịch là tinh thần trách nhiệm trong việc chọn tác phẩm dịch và trong cách dịch. Đã dịch và giới thiệu kịp thời một tác phẩm lớn về khoa học xã hội của Đại Nguyên soái Stalin viết "Chủ nghĩa Mác và ngôn ngữ học".
Đã chọn dịch nhiều tác phẩm có tiếng của nền văn học tiến bộ Trung Quốc trước cách mạng Trung Quốc thành công (tiểu thuyết của Lỗ Tấn) và những tác phẩm phản ánh cuộc kháng chiến, cuộc nông dân đấu tranh do các nhà văn có tiếng hiện thời của Trung Quốc viết (Lưu Bạch Vũ, Mã Phong), người dịch đã chú ý nghiên cứu, thấm nhuần nội dung tác phẩm chính. Do đó, một số bản dịch như "Chúc phúc", "Dưới cây hòe", "Thù làng" lột được tinh thần của nguyên tác.
Văn dịch chân thực sáng sủa, gọt giũa, quyện chặt với nội dung, có sức truyền cảm. Ngoài ra còn làm giàu cho văn dịch bằng hai cách: hoặc dựa vào bản dịch cách hành văn với mượn khéo léo ở tác phẩm nước ngoài, làm cho hình ảnh trong tác phẩm nước ngoài dễ cảm thông, dễ xúc động (Chúc phúc, Dưới cây hòe). Hoặc dùng một số tiếng địa phương Nam Trung Bộ, làm cho bản dịch thêm phong phú về ngôn ngữ, về phương tiện ở diễn tả (Ánh lửa đằng trước, 5 truyện ngắn trong Thù làng)".
Giở lại những số tạp chí Văn nghệ kháng chiến, bắt gặp những bài viết, bài dịch có ký tên Phan Khôi, ta có thể dễ dàng nhận rõ tấm lòng chân thành của nhà văn với sự nghiệp chung của dân tộc.
Chẳng hạn, bài viết ngắn giới thiệu cuốn tiểu thuyết "Thời gian tiến lên" của nhà văn Xôviết Katayev, nhà văn Phan Khôi đã gửi gắm ở đây mong muốn góp phần xây dựng nền văn học mới đến chừng nào. Cuốn tiểu thuyết đồ sộ dày mấy trăm trang không thể ngày một ngày hai dịch ra cho bạn đọc thưởng thức, học hỏi. Thì hãy tóm tắt giới thiệu trước. Cụ Phan Khôi viết: "Thời đại cũ của Nửa chừng xuân, Đoạn tuyệt, Vang bóng một thời, đã qua rồi, thời đại mới đã mở đầu sáu năm nay mà trong giới tiểu thuyết ta chưa thấy một cuốn sách nào có thể đánh dấu được nó cả. Chắc không phải vì lười không viết, mà vì những cây bút còn lạ với thời đại, không biết viết cái gì, không biết viết thế nào. Đề tài và tác phong. Trong khi ấy giới thiệu tiểu thuyết ngoại quốc là sự cần kíp. Không những của Liên Xô mà của các nước khác nữa. Thì đây, chưa đọc "Thời gian tiến lên!" mà đọc cái bài giới thiệu này, hoặc giả bạn đọc đã cho là có ích phần nào rồi vì thấy được một thứ đề tài mới và một thứ tác phong mới" .
Tất nhiên, trong sự phê bình bản dịch thuật của Phan Khôi không khỏi có những suy nghĩ chủ quan, cũng như trong thực hành dịch thuật của bản thân ông cũng vậy, không tránh khỏi những điều mà người khác thấy chưa được hoặc khiên cưỡng. Chẳng hạn tổng kết các công trình dịch thuật của Phan Khôi trong những năm kháng chiến, Hội Văn nghệ Việt Nam đã trao giải nhì năm 1951-1952 cho toàn bộ các bản dịch của ông, kèm theo những nhận xét, bên cạnh những lời khen, cũng có những nhận xét ngược lại, chỉ ra thiếu sót. Ngay trong giới nhà văn dịch thuật cũng như bạn đọc truyền tụng những chữ dịch quá "độc đáo", quá khác người của ông. Chẳng hạn, đã có chữ "khoai tây" quen dùng hằng ngày, Phan Khôi lại đưa ra từ "khoai nhạc ngựa" trong bản dịch của mình. Cái từ "original" ông lại đề nghị dịch là "cổ quái", chứ không theo mọi người dùng chữ "độc đáo". Tuy nhiên, đó là tiểu tiết. Còn tựu trung Phan Khôi suốt bao năm được nể trọng bởi trong việc khen chê, bao giờ ông cũng thành tâm, vì cái sự tiến bộ chung và bao giờ cũng đầy đủ lý lẽ.
Là một nhà Nho, Phan Khôi chỉ là ông tú, nhưng các bậc khoa bảng lừng danh cũng phải nể trọng, có người khen ông chẳng kém gì tiến sĩ. Ông lại là một tấm gương kiên trì tự rèn luyện, từ một nhà nho tự mày mò học hỏi trở thành nhà Tây học uyên bác, không chỉ giỏi chữ Hán, mà thông thạo cả tiếng Pháp, tiếng Anh. Tiếng nói của Phan Khôi trên văn đàn, báo chí Việt Nam có sức nặng lừng lẫy khắp cả nước. Riêng trong lĩnh vực dịch thuật nước nhà, như ta thấy đấy, tiếng nói của ông cũng được tôn trọng chẳng khác gì quan "ngự sử thơ văn" trên báo chí một thời
Theo Thuý Toàn - CAND