Tạp chí Sông Hương -
Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể
15:17 | 05/07/2012

Tròn ba năm từ ngày NSND Phùng Há ra đi (5-7-2009, 13-5 âm lịch), cuộc đời gần trọn thế kỷ của bà trở lại với bạn đọc qua câu chuyện kể của NSƯT Nam Hùng - người được Phùng Há nhận làm con nuôi năm 1950.

Phùng Há - 100 năm bây giờ mới kể
Nghệ sĩ nhân dân Phùng Há thời trẻ - Ảnh tư liệu gia đình

“Những chuyện tôi viết ra đây do má tôi kể hoặc do bà con trong gia đình kể lại, cũng có chuyện do tôi chứng kiến”, NSƯT Nam Hùng viết vậy khi gửi cho Tuổi Trẻ tập bản thảo 14 trang đánh máy. Tuổi Trẻ trích đăng.

Như một ngày hội lớn, bà con của hai gia đình, bạn bè thân hữu, chòm xóm thân quen cùng nâng ly chúc mừng ngày thôi nôi của bé Trương Phụng Hảo.

Sinh ngày 30-4-1911, Phụng Hảo là con thứ sáu của ông Trương Nhơn Trường ở làng Hạt Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, và mẹ là bà Lê Thị Mai, người làng Điều Hòa, Mỹ Tho. Hai ông bà chung sống với nhau có được bảy người con, ba trai bốn gái: Trương Tích Kỳ (con trai trưởng), Trương Ngân Hảo (nữ), Trương Liên Hảo (nữ), Trương Tích Hoa (nam, mất lúc còn nhỏ), Trương Tích Trung (nam), Trương Phụng Hảo (nữ), Trương Nguyệt Hảo (nữ).

Lễ thôi nôi được ăn mừng lớn hơn các anh em khác trong nhà cũng vì một lẽ: từ lúc mang thai bé Phụng Hảo, gia đình bắt đầu làm ăn khấm khá, từ một tiệm bán thịt bò nho nhỏ mà chỉ trên một năm đã mở lớn hơn và thêm một trại cưa lớn. Gia đình mới mời một thầy bói người Hoa đến xem tướng mạo cho bé Phụng Hảo, ông thầy xủ quẻ bảo rằng: “Cô bé mặt mày rất sáng, đẹp như nàng tiên trong tranh vẽ, mà tiên thì ở trên trời, tiên trốn xuống trần tiên sẽ bị đọa”. Quẻ báo rằng: “Bé Phụng Hảo tương lai sẽ là một tài nữ được sống trong vinh hoa phú quý, nhưng lại nhiều khổ lụy trong cuộc tình”.

Vượt ngàn dặm thọ tang cha

Cuộc sống gia đình yên vui, công cuộc làm ăn càng ngày càng sung túc. Khi bé Phụng Hảo được 7 tuổi thì ông Trương Nhơn Trường đột ngột từ trần chỉ sau vài ngày lâm bệnh. Bà Mai điện về Trung Quốc cho bên nội của các con hay. Đang chuẩn bị mai táng chồng thì bà Mai nhận được một bức điện tín từ Trung Quốc đánh sang: “Hãy hỏa táng ông Trương Nhơn Trường, bà Mai và tất cả các cháu phải đưa ông Trường về làng Hạt Sơn, Trung Quốc”. Bà Mai vô cùng bối rối.

Đường đến làng Hạt Sơn, Trung Quốc xa xôi vạn dặm. Thôi thì đành nhắm mắt đưa chân cho tròn câu đạo lý... Bà cùng sáu người con mua vé tàu thủy ra đi. Ở lại Mỹ Tho chỉ còn người con trai trưởng là Trương Tích Kỳ và em trai của ông Trường cùng trông coi gia sản.

Tang ma chu toàn nhưng lệnh của dòng họ là bà Mai và các con phải ở lại thọ tang ba năm. Ở lại Trung Quốc sống một cuộc sống ăn nhờ ở đậu với người vợ lớn của ông Trường và gia đình bên nội của các con, ngày ngày mẹ con bà phải đi làm ruộng, làm vườn cùng mọi người, cuộc sống hết sức vất vả và khó khăn.

Thấm thoát đã gần ba năm, ngày trở về sắp đến thì bất ngờ nạn dịch trái rạ hoành hành dữ dội, rất nhiều người chết. Loa truyền của chính quyền buộc tất cả những người có bệnh phải tập trung về một nơi để chữa bệnh, ai không tuân lệnh sẽ bị bắt.

Bé Nguyệt Hảo bị trái rạ rất nặng, bé Phụng Hảo cũng bị lây. Cuối cùng bé Nguyệt Hảo đã không qua khỏi. Sau khi chôn cất bé Nguyệt Hảo, bà Mai không muốn Phụng Hảo bị đưa vào nơi tập trung trị bệnh nên xin phép gia đình bên nội gửi các con ở lại và tìm cách chạy giấy tờ mua vé tàu đưa bé Phụng Hảo trở về Việt Nam. Trung Quốc lúc này là mùa đông giá rét, tuyết rơi trắng ruộng đồng. Bé Phụng Hảo được che kín mặt mày cùng bà Mai xuống tàu trở về Mỹ Tho.

Phút hãi hùng trên biển

Chiếc tàu chở hàng hóa và mấy mươi hành khách người Hoa, thuyền trưởng là một người Pháp. Sau vài ngày lênh đênh trên biển, người trên tàu tình cờ phát hiện Phụng Hảo bị trái rạ. Mọi người xôn xao sợ hãi. Một buổi họp liền mở ra ngay trên boong tàu, một số người nhất quyết đề nghị đoàn phải bỏ bé Phụng Hảo xuống biển trên một chiếc bè có lương thực và nước uống, một số người khác không đồng ý. Người ta nói nếu không bỏ bé xuống biển, tất cả mọi người sẽ chết vì bị lây trái rạ, phải hi sinh một người để cứu nhiều người vì còn lâu tàu mới về đến Việt Nam.

Đa số đã thắng thiểu số, mặc bà Mai lạy lục thuyền trưởng và van xin mọi người. Mở chiếc bè trong đó có lương thực và nước uống thòng xuống biển, hai người đàn ông to lớn chụp bé Hảo toan bỏ xuống chiếc bè. Trong khi bà Mai gào khóc quyết nhảy theo con, bé Hảo hét la khủng khiếp thì một tiếng thét thất thanh ra lệnh dừng lại. Một phụ nữ từ trong phòng thuyền trưởng bước ra cương quyết không cho quăng bé Hảo xuống biển. Đó là vợ người thuyền trưởng - một phụ nữ Việt Nam rất đẹp. Vị thuyền trưởng và nhiều người cùng người phụ nữ tranh luận rất dữ dội. Người vợ thuyền trưởng nói: “Không ai có quyền giết người khi luật pháp chưa luận tội. Đứa bé vô tội, chúng ta phải có bổn phận chăm sóc chu đáo cho đến khi tàu cập bến An Nam. Trừ khi đứa bé chết trên tàu ta mới có quyền quăng xuống biển, nếu đứa bé có bề gì thì tôi sẽ là người đứng ra tố cáo”. Thuyền trưởng và mọi người cuối cùng cũng đành đuối lý. Hai mẹ con được đưa vào ở một phòng nhỏ cuối tàu, gần phòng máy, được chu cấp thuốc men và nước uống.

Trở về Mỹ Tho

Qua nhiều ngày lênh đênh trên biển, mẹ con bà Mai cũng về đến quê hương, lạy tạ người nữ ân nhân, hai mẹ con chạy nhanh về nhà.

Ngôi nhà nơi hai mẹ con trở về lúc này do Trương Tích Kỳ cùng em trai của ông Trường quản lý. Bà Mai kể cho gia đình nghe những niềm đau và nỗi khổ suốt mấy năm thọ tang ở Trung Quốc, những ngỡ nhận được sự chia sẻ của những người thân yêu ruột thịt, nhưng thật bất ngờ khi con trai và chú ruột của Phụng Hảo lại không muốn cho cả hai ở lại nhà mà còn định mua vé tàu đưa bà và Phụng Hảo trở lại Trung Quốc. “Mẹ phải về với các em!” - người con trai nói. Còn người em chồng thì bảo bà Mai phải về chăm sóc mộ phần của ông Trương Nhơn Trường. Đau đớn, tức giận, bà đành đưa bé Phụng Hảo rời khỏi căn nhà thân yêu mà suốt bao năm bà đã cùng chồng gầy dựng.

Bà Mai dẫn Phụng Hảo về tá túc với bà ngoại ở chợ Giồng Nhỏ, Mỹ Tho. Từ lúc bà Mai cùng các con về thọ tang ở Trung Quốc, bà ngoại của bé Phụng Hảo sau một cơn bạo bệnh đã bị mù lại rất nghèo khổ, phải sống nhờ sự giúp đỡ của dòng họ. Bé Hảo phải ngày ngày mò cua bắt ốc phụ giúp mẹ nuôi ngoại.

Theo NSƯT NAM HÙNG - TTO






 

Các bài mới
Các bài đã đăng