Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật dù kê của người Khmer Sóc Trăng
08:40 | 09/07/2012

Dù kê là loại hình khân sấu dân gian của người Khmer miền Tây Nam bộ nói chung và người Khmer Sóc Trăng nói riêng. Với đời sống cộng cư, dù kê cũng chịu sự ảnh hưởng và giao thoa với loại hình nghệ thuật cải lương của người Việt, hát hồ Quảng của người Hoa ở vùng đất này.

Nghệ thuật dù kê của người Khmer Sóc Trăng

Các tác giả quyển Tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc Khmer Nam bộ (NXB Tổng hợp Hậu Giang năm 1988) cho rằng, thủy tổ của nghệ thuật sân khấu dù kê là ông Kru Cô, một người Khmer ở Trà Vinh. Năm 1920, ông Kru Cô thành lập gánh hát dù kê lấy tên là Nhật Nguyệt Quan, vừa biểu diễn phục vụ, vừa truyền bá và đào tạo diễn viên cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ này.

Khi đi tìm hiểu thực tế, chúng tôi được nghe ông Lý Pích, nhà gần chùa Hiếu Từ, huyện Tiểu Cần, Trà Vinh, kể lại: vào thập niên 20 của thế kỷ trước, tại chùa này có một chú tiểu tên là Kê, chú rất mê xem hát Quảng. Sau khi xem xong, chú thường rủ bạn bè đến sân sau của chùa để phân vai biểu diễn, trông vừa ngộ vừa vui. Dần dần, người Khmer và sau đó cả người Việt rủ nhau đi coi hát Kê, lâu ngày biến âm thành dù kê.

Theo danh sách 12 di sản văn hóa phi vật thể dự kiến lập hồ sơ trình UNESCO giai đoạn 2012 - 2016 do Bộ VH, TT và DL tổng hợp đề xuất của các địa phương và tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, các cơ quan liên quan, nghệ thuật dù kê của người Khmer Nam bộ được đề xuất vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Từ những năm 30 của thế kỷ XX, chiến tranh ác liệt, người dân ở nhiều vùng Khmer thuộc đồng bằng sông Cửu Long phải sơ tán lánh nạn. Một số nghệ sỹ dù kê chạy sang Campuchia thành lập đoàn biểu diễn, được người dân đất nước Chùa Tháp đón nhận một cách trân trọng và đặt tên mới cho nghệ thuật sân khấu dù kê là “Lkhôn ba Sắc” (kịch hát miền sông Hậu). Qua phỏng vấn bà Kim Thị Suông (sinh năm 1940), nghệ nhân dù kê Đoàn Nghệ thuật Khmer Sóc Trăng, chúng tôi được biết dù kê là một loại hình sân khấu mà theo lưu truyền trong dân gian thì người sinh ra nghệ thuật này là ông Lý Cọn, một người Khmer ở xã An Ninh, huyện Mỹ Tú, Sóc Trăng. Ông Cọn từng đi Tây học, làm chủ sòng bạc rồi mở một đoàn hát ở Trà Vinh. Dù kê có hát, múa, đọc thơ theo phong cách dân gian.

Ngày xưa, khi đi diễn, đoàn dù kê xin phép ông Tà trước rồi mới cúng Tổ khai diễn. Lễ vật khi đến xin phép ông Tà gồm một trái dừa, một con gà luộc và một xị rượu. Cúng ông Tà xong thì cúng để diễn. Người ta bày lên bàn thờ những lễ vật cúng. Bàn thờ được chia làm hai phần bằng nhau. Bên trái thờ Tổ, bên phải thờ Phật. Lễ vật bên Tổ thì đồ mặn gồm: 1 con gà; 2 trái dừa 2 bên; cốm nổ, bên trong có 3 trứng gà; Huyết gà tươi; bay sei 1 cặp (7 tầng); 1 đầu heo; thuốc hút. Lễ cúng Phật là đồ ngọt như bánh, trái cây, chè... Sau khi chuẩn bị xong lễ, mọi người tụ tập lại, hát bài Tổ và mời vị Acha đọc kinh làm phép. Hiện nay, những đoàn dù kê đang hoạt động trong tỉnh Sóc Trăng vẫn duy trì lễ cúng Tổ. Tuy nhiên, lễ vật chỉ cần có con gà luộc và nhất thiết mỗi đêm diễn phải bỏ lên bàn thờ Tổ một quả trứng tươi. Diễn viên lần lượt thắp nhang khấn vái và được vị trưởng đoàn xức lên người một thứ dầu thơm. Dầu thơm này họ mua ở chợ bình thường nhưng đã được các vị thầy đọc bùa chú và làm phép. Việc xức dầu thơm cũng mang ý nghĩa truyền phép màu cho diễn viên diễn hay và không mệt mỏi, cho khán giả thích thú. Những nghi lễ trên là hiện thân của đạo Bà-la-môn và đạo Phật mà người Khmer luôn có niềm tin sâu thẳm. Nó bao gồm những đặc điểm hành động về tôn giáo và sự tồn tại của đấng siêu nhiên, chúa trời, yêu quỷ, tổ sư...
Các đoàn dù kê rất ưa lấy những trích đoạn từ truyện dân gian Reamker để diễn. Đây là một tác phẩm có giá trị và ảnh hưởng lớn trong nền văn hóa Khmer. Truyện dài, các đoàn hát trích rất nhiều đoạn khác nhau, ở đây, chúng tôi tạm thời tóm tắt thành 3 tuyến nhân vật chính: tuyến Hoàng tử tiêu biểu cho cái thiện, tinh thần anh hùng, tài ba và lòng đức độ; tuyến bên Chằn tiêu biểu cho cái ác, cái xấu xa tồn tại trong thiên nhiên và xã hội; tuyến Khỉ tiêu biểu cho lòng quả cảm và trung thành, sự thông minh và mưu lược. Tùy theo “thầy tuồng” và tác giả của các đoàn, diễn viên sẽ được phân vai để tập luyện. Bà Kim Thị Suông còn cho chúng tôi biết thêm: muốn biểu diễn sân khấu dù kê tốt không phải dễ, nó đòi hỏi người có kinh nghiệm trong nhóm phải xây dựng kế hoạch tập luyện rất chi tiết, cụ thể, để diễn trong một đêm phải tập khoảng nửa tháng diễn viên mới thuộc hết phần lời và điệu múa.

Nhạc cụ trong đoàn Dù kê thường là dàn nhạc ngũ âm (cũng có khi không đủ), chủ yếu gọi theo tiếng Khmer. Dàn nhạc ngũ âm gồm có: 1. Rônek ek, 2. Rônek Thung, 3. Rônek Đek, 4. Kôông Vông Tôch, 5. Kôông Vông Thum, 6. Samphô, 7 Skô Thum, 8. Srolay PưnPet, 9. Chhưng.

Hát dù kê trước hết là loại hình nghệ thuật mang chức năng giải trí. Từ những vở diễn, tư tưởng Phật giáo, tín ngưỡng dân gian đặc trưng của đồng bào dân tộc được bảo lưu và phát triển. Loại hình dân tộc này thường diễn ra ở sân chùa trong những ngày lễ, Tết. Một lần nữa chứng tỏ ngôi chùa có một vị trí rất quan trọng trong tâm thức người Khmer.

Theo Trần Minh Thương - VHPG





 

 



 

Các bài mới
Các bài đã đăng