Tạp chí Sông Hương -
Nốt trầm cho "Vua nhạc sến"
16:15 | 09/07/2012

Nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ ông là nhạc sĩ, hơn thế nữa, một nhạc sĩ có tài, tác giả của hơn 1.000 ca khúc, trong đó có cả trăm ca khúc được đông đảo quần chúng thuộc nằm lòng và thường nỉ non hát theo mỗi lúc có tâm trạng. Vinh Sử có dạng người cục mịch, hơi đẫy đà phố thị chứ không sương khói thôn dã như nhạc ông viết...

Nốt trầm cho "Vua nhạc sến"
Vua nhạc sến" Vinh Sử.

Tháng Sáu, tháng hoa phượng đỏ buồn, đột nhiên, báo chí đổ xô đi tìm ông. Đột nhiên, tên ông xuất hiện liên tục trên những trang văn nghệ của nhiều tờ báo. Người ta chợt nhớ ra rằng, nhiều thập niên qua, ông là một nhạc sĩ rất nổi tiếng, dù hầu như chẳng bao giờ thấy tên ông trên truyền hình hay các sự kiện âm nhạc. Và rồi, đêm 16-6-2012, cùng với một dàn ca sĩ lẫy lừng, trong nước có, hải ngoại cũng nhiều, ông bất ngờ xuất hiện "hoành tráng" tại Cung Văn hóa Lao động Hà Nội trong một đêm nhạc của riêng ông - đêm nhạc "Nhẫn cỏ trao em" của "vua nhạc sến" Vinh Sử.

Khó nhạc sĩ nào có nhiều ca khúc được hát khắp hang cùng ngõ hẻm như ông. Đêm nhạc ấy, bạn bè bảo là tổ chức để "tri ân", để cho riêng ông, nhưng nó đã khiến khán giả yêu thích những giai điệu trữ tình, buồn và ngọt có dịp được mãn nhĩ.

Nhìn bề ngoài, ít ai nghĩ ông là nhạc sĩ, hơn thế nữa, một nhạc sĩ có tài, tác giả của hơn 1.000 ca khúc, trong đó có cả trăm ca khúc được đông đảo quần chúng thuộc nằm lòng và thường nỉ non hát theo mỗi lúc có tâm trạng. Vinh Sử có dạng người cục mịch, hơi đẫy đà phố thị chứ không sương khói thôn dã như nhạc ông viết.

Quê gốc ở Hà Tây, nhưng ngoài dòng máu chảy trong huyết quản, ông không có chút ký ức nào với đất Bắc. Cha mẹ ông lưu lạc vào miền Đông Nam Bộ làm phu đồn điền từ những năm 40 của thế kỷ trước. Năm 1944, ông được sinh tại Sài Gòn, tên thật là Bùi Vinh Sử. Tuổi thơ ông quẩn quanh trong một xóm lao động nghèo ở quận 4, nơi gia đình có mở một lò bún. Cách đây chừng 15 năm, bên cạnh ngôi nhà mà nhạc sĩ Vinh Sử sinh sống vẫn còn một ao rau muống to đùng, quanh năm ao tù nước đọng.

Trong 4 anh em, chỉ mỗi mình ông là được học hành tàm tạm. Học xong lớp 6, vì say mê âm nhạc, ông thi vào Trường Quốc gia âm nhạc, nhưng chỉ chưa đầy 2 năm đã bị...đuổi vì mải ăn chơi lêu lổng. Thật ra, giai đoạn đó, gọi là ăn chơi cũng hơi oan, bởi Vinh Sử cũng chưa mấy dư giả, làm gì có tiền để đốt. Hàng ngày, ông vẫn lãnh báo đi bán dạo để mưu sinh. Nghề bán báo thu nhập chẳng bao nhiêu. Để có tiền đàn đúm, thỉnh thoảng nhạc sĩ tương lai của giới bình dân lại tìm cách...thó tiền của bố mẹ. Không chịu nổi gã con trai đua đòi, đã có lúc ba ông phải báo cảnh sát đi tìm đứa con mà ông gọi là phá gia chi tử.

Khi viết nhạc, ông ký nhiều tên. Giống như tác phẩm, những bút danh mà ông ký cũng đặc quánh quê mùa, đầy chất sến. Có khi đơn giản là Cô Phượng, lúc điệu đàng là Diễm Nhi, có khi chưa nghe đã thấy đẫm đầy nước mắt là Hàn Ni - tên nhân vật nữ chính trong tiểu thuyết diễm tình "Mùa thu lá bay" của nữ sĩ Quỳnh Dao (Đài Loan)... Ông đặt thì ông tự nhớ, còn khán giả thì cứ lưu ký tên thật của ông, kèm theo cái danh xưng "vua nhạc sến"

Đã có thời, người ta nhắc đến dòng nhạc sến ở miền Nam trước 1975 với hàm ý xem thường, dè bỉu, xem nó như một thứ âm nhạc chỉ để thỏa mãn thị hiếu "dưới mức trung bình". Chê cứ chê, dè bỉu cứ dè bỉu mà hát vẫn cứ hát, hát say mê nhiều thập kỷ. Với rất nhiều người, nhất là ở nông thôn, bất chợt, người ta ngớ ra rằng, trong vốn bài "tủ" mà họ thuộc, họ thích, nhạc sến vẫn chiếm số lượng nhiều hơn cả. Vinh Sử cũng thế. Thập niên 60 (của thế kỷ trước) ông đã từng rất say mê những giai điệu trầm buồn sâu lắng, đầy nét quê mùa mà các nhạc sĩ tài danh Hoàng Thi Thơ, Phạm Thế Mỹ, Thanh Sơn... là những người đi trước. Hát theo rồi viết theo, dù như ông thổ lộ, là chẳng bao giờ nghĩ rằng mình sẽ thành nhạc sĩ.

Sau này, khi ông đã là "nhạc sĩ vang danh", tác phẩm của ông vẫn không được giới hàn lâm đánh giá cao. Có người gọi đó là thứ âm nhạc bắt chước. Người khác chê nó quê mùa, đơn giản. Khúc thức, kỹ thuật âm nhạc của ông cũng không nhiều đột phá, chỉ là sự nối dài những giai điệu dân dã, đa phần là điệu bolero đơn giản, dễ hát theo, dễ thuộc và cũng dễ làm người ta thổn thức. Chất liệu cho ca từ, ông cũng chẳng cần tìm kiếm đâu xa hay sáng tạo gì nhiều, cứ chắt lọc ngay trong bộn bề cuộc sống. Cứ như thể rút ra từ những trang nhật ký tuổi trẻ của mình. Quẩn quanh thì cũng chỉ là những nỗi buồn, những yêu đương thất tình sướt mướt. Những "Nhẫn có cho em", "Yêu người chung vách", "Trả nhẫn kim cương", "Chuyện tình ong bướm", "Đêm lang thang"....cứ thế ra đời.

Viết cho riêng mình, viết để thỏa mãn khát khao âm nhạc, viết rồi để đó, Vinh Sử bước vào đời sống âm nhạc mà không hề chuẩn bị trước tâm thế để trở thành nhạc sĩ. Người hát nhạc phẩm của ông đầu tiên là chính ông. Không hát trên sân khấu mà phập phừng ghita trong những cuộc ăn nhậu, đàn đúm bạn bè. Hết tiền bia bọt, ông "cổ phần ăn nhậu" bằng tiếng hát. Giọng khàn ấm của ông khiến...bạn nhậu nhận ra cả một trời tâm sự rất bình dân: "Anh nghèo nên chẳng nhẫn kim cương/ Tặng em thay sính lễ tơ hồng... / Người ta trao em gấm lụa/ Còn anh trao em nhẫn cỏ. Thì em phải bận tâm gì...."

Hát mãi, tụ tập ăn chơi mãi, ông nợ như Chúa Chổm. Thay vì cho Vinh Sử vay tiền, những "đàn anh văn nghệ" dẫn ông đi "bán nhạc". Thật bất ngờ, ngay từ những lần xuất hiện đầu tiên trên sóng phát thanh, "Nhẫn cỏ cho em", rồi "Người phu kéo mo cau"… của Vinh Sử đã khiến khán giả thổn thức. Giới bình dân mê nhạc của ông như điếu đổ. Ước mơ giản dị, tâm sự lê thê, chủ yếu là buồn, là cay đắng, là than thân trách phận, nhạc Vinh Sử dường như đã nói hộ tấm lòng, kể giúp chuyện đời của tầng lớp bình dân lao động vốn không học hành nhiều, không có điều kiện để mơ ước cao xa.

Vinh Sử nhanh chóng nổi tiếng. Giới phát hành đĩa ma - nhê ca nhạc vồ vập săn đón ông. Đơn đặt hàng bay về tới tấp. Hồi tưởng thời vàng son, Vinh Sử cho biết, vào thời đó ông kiếm tiền rất dễ. Mỗi ca khúc được đặt, giới sản xuất đĩa trả ông khoản tiền tác quyền có khi tương đương cả một chiếc xe hơi. Lãnh tác quyền bài "Nhẫn cỏ cho em", ông có đủ tiền để đánh nguyên một "con xe" về nhà và trả hết số tiền đã "cạy tủ" gia đình để tiêu hoang trước đó.

Ông trở thành ngôi sao trong việc sáng tác ca khúc thị trường. "Em hãy về đi", "Đừng nhắc chuyện lòng", "Hai bàn tay trắng"… hàng loạt ca khúc sến rồi sến hơn nữa cứ thế nối nhau ra đời, thổi tên tuổi Vinh Sử lên ngôi "vua nhạc sến" từ khi nào, chính ông cũng không biết.

Trước năm 1975, nhạc của ông là một thương hiệu. Người ta hay so sánh hai nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc bình dân, đó là Trần Thiện Thanh và Vinh Sử. Nhạc Trần Thiện Thanh viết cho sinh viên, công chức không giàu nhưng ăn trắng mặc trơn, mơ mòng xa ngái. Nhạc Vinh Sử viết cho trai gái nông dân chân lấm tay bùn mau giận mau quên. Rất đông ca sĩ miền Nam gắn bó và thành danh cùng với nhạc của Vinh Sử, trong đó có Trường Vũ, Giao Linh, Chế Linh, Mạnh Quỳnh, Phương Dung…Sau ngày giải phóng, sân khấu ca nhạc trong nước "quên" Vinh Sử một thời gian khá dài rồi lại trỗi dậy mạnh mẽ qua giọng ca của những Ngọc Sơn, Cẩm Ly.. .và trở nên ồ ạt hơn cùng với sự trở về của Quang Lê, Phi Nhung, Như Quỳnh, Tâm Đoan…- hàng loạt ca sĩ hải ngoại. Đám cưới, đám tiệc sinh nhật, gặp gỡ, hát với nhau trong nhà hàng, nhạc Vinh Sử là lựa chọn số 1.

Gần như không thay đổi, Vinh Sử vẫn trung thành với cái mà ông gọi là sứ mạng viết cho những người nông dân, những người lao động. Ông tự nhận xét, sau  năm 1975, ca khúc của ông vẫn giữ nguyên tính chất dân gian, mang âm hưởng cổ nhạc (3 Nam, 6 Bắc). Nếu nói thêm thì hình ảnh thôn dã đã chuyển dịch từ trừu tượng, mơ hồ của tuổi mới lên thành thứ cụ thể, gần gũi, bất biến của tuổi trung niên. Được chú ý nhiều hơn cả là các nhạc phẩm: "Tình ngoại", "Bằng lòng đi em", "Để tóc nàng ngủ yên", "Qua ngõ nhà em", "Làm dâu xứ lạ", "Nhành cây trứng cá"...Ít có cơ hội xuất hiện trong các chương trình lớn, nhất là trên truyền hình nhưng nhạc của Vinh Sử vẫn được phát đều đều trên sóng phát thanh. Về nông thôn, nhất là miền Tây Nam Bộ, băng đĩa nhạc của ông vẫn bán rất chạy, ít nhất cũng không hề lép vế trong cuộc cạnh tranh với dòng pop - rock thị trường. Ông vẫn thường tự hào nhạc của mình là nhạc của dân lao động, rất Việt Nam, không một chút lai căng Thu nhập từ sáng tác đem lại cho "nhạc sĩ nghèo" một khoản không hề nhỏ. Ông vẫn thường khoe: "Riêng bài "Phượng Sài Gòn", Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh cũng đã trả cho tôi 9 triệu đồng  tiền tác quyền". Trong khi, bài hát của ông được phát đi phát lại thì lên tới hàng trăm…

Trái ngược với nội dung thường trực trong các ca từ đã viết, ngoài đời, nhạc sĩ tài danh Vinh Sử là một con người đầy mâu thuẫn, một đời sống được lập trình đầy lỗi hệ thống. Sáng tác nhạc đem lại thu nhập cao ngất ngưởng nhưng ông nghèo vẫn hoàn nghèo. Thời hoàng kim, có bao nhiêu tiền ông ăn chơi cho kỳ hết. Một đêm nhất dạ đế vương của ông có khi tiêu tan cả hơn chục lượng vàng, bằng cả gia tài của người khác. Tuổi tác nặng dần thì tài sản nhẹ đi. Bây giờ, nguồn sống của ông là một tiệm đóng và bán giày nho nhỏ. Đôi khi túng quẫn, Vinh Sử ông lại đánh liều "cầm nhầm" tên tác giả của một vài đồng nghiệp. Được cái, bị phát hiện thì ông không chối, chỉ nhận rồi cười trừ. Không ai thích nhưng đồng nghiệp cũng chẳng nỡ làm to chuyện. Đời Vinh Sử xem ra cũng chẳng còn gì nhiều…

Chính thức, Vinh Sử có 4 đời vợ. Nhưng hiện tại, bên cạnh ông chỉ còn cây ghi-ta cũ, ký ức lộng lẫy một thời và nỗi cô độc trong căn phòng trọ rộng chỉ hơn 10m2 và cảnh sống cơm hàng cháo chợ. Gần đây, ông lại phải một mình chống chọi với căn bệnh ung thư trực tràng, phải xạ trị suốt cả năm trời mới đỡ hơn một chút. Tiền thuốc thang, phần lớn do bạn bè cũ góp cho.

Cả đêm nhạc hoành tráng kia cũng là của bạn bè tặng cho người nhạc sĩ đã bước vào thời lận đận không còn đủ thời gian hồi phục. Thôi thì dù đầy lỗi, người nhạc sĩ ấy cũng đã từng phát tiết tinh hoa hàng chục năm, đóng góp cho đời bao nhiêu là câu hát. Vui thêm đêm nữa, hát xong rồi, thì "thôi em hãy về đi", chắc cũng chẳng hứa gì ngày vui sẽ có thêm lần nữa. Cho dù người nhạc sĩ tài hoa một thời chưa hề có ý định sẽ một ngày "đập vỡ cây đàn"


 Theo  Nguyễn Đức - CAND












 

Các bài mới
Các bài đã đăng