Tạp chí Sông Hương -
Hư cấu nghệ thuật và chân lý lịch sử
15:25 | 15/11/2012

“Hư cấu cần cho sáng tác nhưng hư cấu làm rõ sự thực chứ không bóp méo sự thật, không xuyên tạc, làm sai lệch lịch sử. Đây là yêu cầu hàng đầu của công việc sáng tác và sáng tạo” - ý kiến của NSƯT Trần Minh Ngọc nhận được sự chia sẻ của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử do Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức sáng 14.11, tại Hà Nội.

Hư cấu nghệ thuật và chân lý lịch sử
Lý Thánh Tông tuyển hiền và Nhiếp chính Ỷ Lan thuộc bộ ba Bài ca giữ nước của NSND Tào Mạt

Trong mấy năm gần đây, nhiều văn nghệ sỹ quan tâm đến đề tài lịch sử với cách tiếp cận và thể hiện khác nhau, đặc biệt là biên độ hư cấu. Nhiều văn nghệ sỹ và cả công chúng băn khoăn trước những câu hỏi như: đâu là hư cấu, đâu là giải thiêng? Đâu là lịch sử, đâu là nghệ thuật?... Thậm chí không ít công chúng bức xúc khi thấy qua một số tác phẩm văn học nghệ thuật, các vị anh hùng lịch sử đã được cả dân tộc tôn vinh lại bị xuyên tạc, bôi nhọ. Trước tình hình đó, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật T.Ư đã đề nghị một số hội chuyên ngành tổ chức tọa đàm bàn sâu về lĩnh vực chuyên môn của mình, làm cơ sở cho hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề Sáng tạo tác phẩm văn học nghệ thuật về đề tài lịch sử, dự kiến vào tháng 12 tới.

Tọa đàm Nghệ thuật sân khấu sáng tác về đề tài lịch sử nhận được sự hưởng ứng của nhiều đối tượng trong lĩnh vực sân khấu, từ nhà nghiên cứu, lý luận phê bình đến các văn nghệ sỹ trực tiếp sáng tác, dàn dựng và biểu diễn. Tất cả đều thừa nhận: sự giàu có về sự kiện, sự phong phú của tính cách nhân vật, tính xung đột cao của tình huống và cả cái quá khứ mở cho hư cấu nghệ thuật đã cung cấp cho các tác giả nhiều cơ hội để sáng tác kịch bản về đề tài lịch sử. Tuy nhiên, nó cũng đặt ra cho người làm sân khấu một số vấn đề cần nghiên cứu, nhất là mối quan hệ giữa hư cấu nghệ thuật với chân lý lịch sử. Đành rằng sáng tác là hư cấu, nhưng giới hạn của hư cấu tới đâu? Giữa chân thực nghệ thuật và trung thực lịch sử thì phải tôn trọng sự thực thế nào? Theo NSƯT Trần Minh Ngọc, những nhân vật anh hùng dân tộc thuộc về thời đã qua có liên quan đến các sự kiện lịch sử đều cần được tôn trọng, không làm sai lệch tính cách, con người... Tác giả phải trung thực với diễn biến các sự kiện, không thêm bớt, soạn lại, sân khấu hóa. “Tái hiện lịch sử trên sân khấu, người sáng tác phải quan tâm đến chân lý lịch sử, dựa vào nhân vật và sự kiện lịch sử, tôn trọng những gì đã xảy ra. Tác giả có thể thêm thắt nhân vật, tình tiết, hoàn cảnh kịch theo xu thế trên mà vẫn đạt được sự chân thực nghệ thuật”.

Làm công tác lý luận phê bình tại Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam mấy chục năm, thường xuyên phải xem, phải đọc các tác phẩm về đề tài lịch sử, nhà nghiên cứu Hồ Ngọc nhấn mạnh: kịch lịch sử và lịch sử là hai phạm trù khác nhau, mặc dù chúng có những mối quan hệ nhất định. Kịch lịch sử thuộc phạm trù nghệ thuật, còn lịch sử thuộc phạm trù khoa học. Vì thế, không nên lấy tiêu chuẩn khoa học lịch sử để đánh giá kịch lịch sử với tư cách là tác phẩm hư cấu nghệ thuật. Sự khác biệt giữa kịch lịch sử và lịch sử trước hết là ở mục đích của chúng. Lịch sử chủ yếu mang lại cho chúng ta kiến thức, hiểu biết về đời sống của đất nước, của dân tộc trong từng thời kỳ lịch sử nhất định. Còn kịch lịch sử không làm thay sách giáo khoa lịch sử, mà chủ yếu thông qua các nhân vật lịch sử, đem lại cho người xem những bài học nhân sinh, vẻ đẹp tâm hồn, tư tưởng, tình cảm tốt đẹp, hành vi cao thượng..., qua đó tạo ra cảm xúc thẩm mỹ trong lòng người xem, vốn là mục tiêu chủ yếu của tác phẩm nghệ thuật.

Chính sự khác biệt trên là tiền đề cho hư cấu trong sáng tạo tác phẩm kịch lịch sử. Thiếu đi sự hư cấu, kịch lịch sử sẽ chỉ là sự minh họa thô thiển lịch sử, hoặc là bản sao chép vụng về sách giáo khoa lịch sử. Vậy ranh giới giữa hư cấu và lịch sử ở chỗ nào? Nhà nghiên cứu Hồ Ngọc bày tỏ quan điểm: “Kịch lịch sử là loại viết về người thực việc thực, nên nó có sự ràng buộc nhất định, có thể nói là chặt chẽ, về những lĩnh vực thuộc phạm vi sự thực lịch sử, cả nhân vật cũng như sự kiện lịch sử. Chẳng hạn, ta không thể biến một kẻ bán nước như Lê Chiêu Thống thành anh hùng, hay ngược lại, biến anh hùng thành kẻ hèn nhát... Cũng như không thể biến chiến thắng Đống Đa của vua Quang Trung thành chiến thắng X, Y, Z nào đó. Theo tôi, đó là tiêu chí duy nhất cần có giữa hư cấu và lịch sử. Còn quá trình trở thành anh hùng như thế nào thì người viết có toàn quyền khai thác từ sử liệu để hư cấu, nhất là về mặt tính cách nhân vật”.

PGs, Ts Trần Trí Trắc khẳng định: trong sáng tạo nghệ thuật, bất kỳ tác phẩm nào cũng phải có hai phần: phần từ đời sống thực và phần hư cấu của nghệ sỹ. Hai phần này có vai trò, vị trí ngang nhau, không thể thiếu nhau và không thể đối lập, tách biệt nhau. Nếu tác giả nào đó chỉ quan tâm, đề cao phần 1 thì tác phẩm ấy sẽ thành tư liệu lịch sử, ghi chép đời sống, và không thể là nghệ thuật - sáng tạo. Ngược lại, nếu ai tự vỗ ngực cho rằng: tôi là nghệ sỹ, tôi sáng tác lịch sử, lịch sử đối với tôi chỉ là cái cớ, cái đinh để tôi mắc tư tưởng, tiên nghiệm của tôi về quá khứ, nên tôi không cần sự chuẩn xác của lịch sử, tôi chỉ cần hư cấu..., thì tác phẩm đó sẽ phi thực tế, phi lịch sử, đánh mất vai trò nghệ sỹ - nhà sử học, nghệ sỹ - chiến sỹ cao đẹp của chính mình... Ta có thể ví von một cách hình ảnh: tác phẩm nghệ thuật là cái diều, hư cấu của nghệ sỹ là sợi dây, còn hiện thực lịch sử là mặt đất. Cánh diều bay bổng được không thể thiếu sợi dây nối nó với mặt đất. Sự thống nhất giữa các bộ phận của cánh diều, sự bay bổng cao thấp, huyền diệu của cánh diều là do tài năng của người tạo ra nó...

Kịch lịch sử là tác phẩm nghệ thuật. Vì vậy, một vở kịch lịch sử đích thực chắc chắn phải đem lại cho người xem những bài học có giá trị về nhân cách sống, qua vẻ đẹp tâm hồn của các nhân vật lịch sử, khiến người xem xúc động và gợi cho họ những suy ngẫm về cuộc sống hôm nay. Bằng không, xin mời họ đọc các sách lịch sử hay xem kịch tư liệu lịch sử.

Theo Nhật Linh - ĐBND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng