Tạp chí Sông Hương -
Cửa thư họa mở vào văn chương
09:30 | 22/11/2012

Lần đầu tiên, một triển lãm cá nhân đã đưa hàng loạt tác phẩm Hán Nôm thuộc dòng văn học trung đại VN trình hiện trước công chúng qua nghệ thuật thư pháp với nhiều chất liệu giấy và nhiều phong cách thể hiện.

Cửa thư họa mở vào văn chương
Anh Lâm Hán Thành bên các bài thơ thiền của Trần Nhân Tông - Ảnh: L.Điền

Đó là triển lãm thư pháp Hán Nôm của nhà thư pháp Lâm Hán Thành diễn ra ba ngày từ 23 đến 25-11 tại Nhà triển lãm TP.HCM (92 Lê Thánh Tôn, Q.1).

Bút hoa châu ngọc

Trong khi các tác phẩm văn học Hán Nôm thuộc giai đoạn cổ - trung đại VN thường chỉ được đề cập trong các giờ giảng dạy theo sách giáo khoa và phần lớn khó gây hứng thú cho các bạn trẻ, nhà thư pháp Lâm Hán Thành cho rằng đây là một kho tàng châu ngọc chưa khai thác và phát huy hết giá trị.

Trong triển lãm lần này, anh tuyển chọn một số danh tác được xem như tuyệt phẩm của văn học Hán Nôm VN để vận bút thực hiện thành các tác phẩm thư pháp kỳ công.

Và triển lãm như một chuyến du ngoạn trong rừng văn biển chữ, để chiêm ngưỡng những lời văn khúc chiết của chính luận, ý tứ siêu thoát của thơ thiền, ngôn từ hoa mỹ của từ phú...

Sẽ có dịp bắt gặp bốn bài thơ thiền của Trần Nhân Tông được thể hiện theo phong cách lệ thư trên bốn bức giấy xuyến hình quạt; bài Vạn Kiếp tông bí truyền thư tự của Trần Khánh Dư sánh vai với Ngọc tỉnh liên phú của Mạc Ðĩnh Chi; các bài nguyên tác Hán văn về sự tích bánh chưng, truyện Mai An Tiêm, sự tích Hòn Vọng Phu, truyện về trống đồng... trích trong Việt điện u linh.

Và tác giả thư pháp cũng ý tứ sử dụng lối hành thảo để thể hiện tiếng hú dài (trường khiếu nhất thanh) trong bài Ngôn hoài của Không Lộ thiền sư, bên cạnh là Dục Thúy sơn của Nguyễn Trãi, nỗi niềm trong Trung thu cảm sự của Nguyễn Phi Khanh. Cao Bá Quát cũng tề tựu cùng bài Tài mai nổi tiếng, Hồ Chí Minh trang trọng với bốn câu Tầm hữu vị ngộ...

Thư pháp chữ Nôm cũng là một phần đặc biệt của cuộc thưởng ngoạn, đó là chùm ba bài Thu điếu, Thu ẩm, Thu vịnh của Nguyễn Khuyến; bài Thương vợ của Trần Tế Xương. Ðặc biệt có hai bản dịch từ Nôm sang Hán hai bài thơ Vịnh quạt và Qua đèo Ngang của Hồ Xuân Hương và Bà Huyện Thanh Quan.

Không gian triển lãm cũng được sáng tạo thêm về thiết kế, bài trí: có trưng bày một số triện khắc, một số sách chuyên ngành thư pháp... để hành trình thưởng lãm không đơn điệu, nhàm chán.

Giữ được chân người

Đến nay, anh Lâm Hán Thành đã tham gia hơn mười cuộc triển lãm thư pháp quốc tế tại nhiều nước. Kinh nghiệm từ những chuyến “mang chữ đi đánh xứ người”, lạ thay, lại hướng anh về với vốn liếng văn thơ cổ của VN. Anh kể về một thực tế: “Triển lãm thư pháp, hầu như các tác phẩm đều khai thác các bài văn, thơ của Trung Quốc.

Tôi tham gia từ năm 2006, sau vài lần thì nảy ra sáng kiến viết thư pháp thể hiện các tác phẩm văn học VN, hiệu ứng thấy ngay: giới thư pháp các nước dừng lại trước các tác phẩm của tôi lâu hơn, vì lần đầu tiên họ bắt gặp thư pháp Trung Quốc thể hiện tác phẩm VN. Tôi nghĩ, khi mình giữ chân người xem dừng lại với tác phẩm của mình cũng là một thành công”.

Khi “chuyển thể” mỗi tác phẩm văn thơ thành tác phẩm thư họa, cũng chính là quá trình sáng tạo lại của nghệ nhân thư pháp. Lâm Hán Thành bày tỏ niềm yêu thích đặc biệt với thơ VN giai đoạn cổ - trung đại: “Thơ Nguyễn Trãi và Nguyễn Du thường có một nỗi buồn, hai ông tả sự mà có nhiều cảm sự.

Thơ Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương trong sáng; thơ Trần Nhân Tông, Mãn Giác thanh thoát, có ý đạo, không vương nỗi buồn... Tùy theo ý thơ, tôi chọn bút pháp, chọn giấy, dùng nước pha mực nhiều hay ít, cách hành bút nhanh hay chậm đều phải cân nhắc để thể hiện tốt nhất ý tứ trong tác phẩm văn, thơ.

Do vậy, với những bài thơ có tiết điệu khỏe khoắn, cảm hứng mạnh mẽ, nét bút của nghệ thuật thư pháp cũng mạnh mẽ, hào hứng; có tác phẩm ý tứ bình thường, giản dị, nhỏ nhặt thì bút pháp cũng đơn giản, nhẹ nhàng. Đó là cách hô ứng hỗ tương, bổ sung cho nhau giữa nghệ thuật thư pháp và nghệ thuật văn chương”.

Trong khoảng sáu năm trở lại đây, giới thư pháp Hán Nôm khai thác rất thành công các tác phẩm văn học VN. Anh Lâm Hán Thành cho rằng đây là một cửa ngõ để các thư pháp gia VN hội nhập, giao lưu quốc tế.

Anh Lâm Hán Thành lạc quan: “Thông qua thư pháp, người ta biết đến các tác phẩm văn thơ của tiền nhân, rồi họ sẽ đọc, tìm hiểu và như vậy là mình phổ biến, phát huy được giá trị của một dòng văn học quan trọng của ông cha mình”.

Vì vậy, hi vọng triển lãm này sẽ là một khởi đầu cho hành trình mới của văn học Hán Nôm VN.

Theo LAM ĐIỀN - TTO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng