Tạp chí Sông Hương -
Lập nhà lưu niệm cho các nhà văn: Ngổn ngang trăm mối
09:35 | 22/11/2012

Như ta đã biết, thực chất việc một gia đình xây dựng nội dung sưu tầm, lưu giữ di vật, tư liệu, hình ảnh, qua những giai đoạn hoạt động khác nhau cho đến khi mất của người nhà mình, ngay trên mảnh đất quê hương, là công việc xây dựng một bảo tàng tư nhân. Vậy gọi đó là nhà lưu niệm, tưởng niệm hay bảo tàng đều được. Nhưng nếu muốn ghi nhận là một di tích danh nhân hay lịch sử thì cần phải cân nhắc cho thấu đáo...

Lập nhà lưu niệm cho các nhà văn: Ngổn ngang trăm mối
Cô giáo Ngô Hương Lan giới thiệu những di vật còn lại của ông nội mình - nhà văn Ngô Tất Tố.

Lâu nay, việc xây dựng địa chỉ lưu niệm các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng đã trở nên phổ biến ở các địa phương trên cả nước. Nhưng cách làm mỗi nơi một khác và đều có tính tự phát, nên các mô hình thường lúng túng, đơn điệu về cách sắp đặt, bố cục; tổ chức tư liệu, sưu tầm di vật. Hơn nữa, cũng bởi những quan niệm khác nhau về ý tưởng và mục đích trong quá trình tạo dựng các địa chỉ bảo tồn, lưu trữ này nên ít có sự đầu tư thỏa đáng. Do đó, họ càng không để ý đến công việc tổ chức khai thác, giao lưu để các thế hệ độc giả tìm đến và tạo nên các mối quan hệ hữu ích, làm cho các tư liệu được khúc xạ nhiều màu sắc, sống động.

1. Mới đây, Nhà nước đã tổ chức gắn biển chứng nhận di tích cách mạng kháng chiến tại ngôi nhà của cố nhà văn Ngô Tất Tố, ở thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội. Nhưng phía sau tấm biển danh dự đó không hề có một không gian nào để trưng bày các tư liệu, hay di vật để mô tả quá trình hoạt động cách mạng và thành tựu trong sự nghiệp văn chương và báo chí của Ngô Tất Tố. Khi được hỏi về chuyện này, cô giáo Ngô Hương Lan, cháu nội của nhà văn cho chúng tôi biết: Hiện di vật của nhà văn chỉ còn hai cái cháp nhỏ, một cái điếu bát mà nhà văn vẫn thường dùng lúc sinh thời. Mấy di vật này để rất sơ sài ở một khoang tủ nhỏ, bám đầy bụi. Riêng có bộ sách chữ Nôm được cất trong một ngăn tủ, chung với rất nhiều thứ khác.

Ông Ngô Tất Hiểu, cháu nội trưởng của nhà văn, người được thừa hưởng và trông nom ngôi nhà di sản này đã dẫn chúng tôi ra trước tấm biển chứng nhận di tích. Ông Hiểu cho biết, hiện gia đình vẫn dành một khoảng đất rộng để xây phòng lưu niệm cho nhà văn, nhưng chưa biết đến bao giờ mới xây được bởi chưa có kinh phí. Khi nói đến sự quan tâm của chính quyền địa phương hay thành phố, ông Hiểu lắc đầu, tỏ ý không có hy vọng.

Với những đóng góp lớn lao về nhiều mặt, nhà văn Ngô Tất Tố đã được nhiều địa phương đặt tên đường phố, và Hội Nhà báo Hà Nội đã lấy tên ông đặt cho giải thưởng báo chí hàng năm, vậy mà chưa có một không gian tối thiểu để tôn vinh sự nghiệp văn chương và hoạt động cách mạng của ông.

Sự thiếu hụt này còn kể đến cả những người đã từng có nhà lưu niệm như nhạc sĩ Văn Cao, nhà thơ Nguyễn Bính, nhà văn liệt sĩ Nam Cao, nhà thơ Hàn Mặc Tử, nhà văn Vũ Trọng Phụng, hay như mảnh đất di sản của nhóm Tự lực Văn đoàn… Nói đến sự thiếu hụt ở những nơi này bởi lẽ nhiều việc còn dở dang và nghèo nàn về nội dung lưu trữ và thể hiện.

Nếu "Khu vườn hiện thực Nam Cao" ở xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam còn bỏ dở, chưa có hồi kết sau hơn mười năm thực hiện dự án, với diện tích hàng ngàn mét vuông bỏ hoang lạnh lẽo, ngoại trừ một ngôi nhà được xây dựng khá khang trang, rộng gần 100m2, với nội dung trưng bày khá sơ sài lại thường xuyên đóng cửa nên ít người lui tới. Cùng với tình trạng này là nhà lưu niệm nhà thơ Nguyễn Bính ở tại quê ông, thôn Thiện Vịnh, xã Cộng Hòa, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định, lại càng nghèo nàn nội dung lưu trữ hơn. Ngoài ngôi mộ ở sân vườn, thì ở trong nhà chỉ có một tủ sách nhỏ, bên cạnh bàn thờ treo ảnh nhà thơ. Ở dưới bàn thờ có để một chiếc điếu cày, được ghi đây là di vật còn lại của ông. Nhưng xem ra đây chỉ là một vật tượng trưng minh họa mà thôi, bởi lẽ chiếc điếu cày này còn mới lắm, so với hơn nửa thế kỷ đã trôi qua.

Sự ít ỏi này có mấy nguyên nhân: Trước hết, ngôi nhà lưu niệm Nguyễn Bính hiện không có ai thường xuyên trông coi và sưu tầm thêm. Thứ nữa, nhiều tư liệu hay di vật dễ bị phân tán bởi có đến mấy nơi đều có phòng lưu niệm về nhà thơ. Trong số đó, đặc biệt hiện có một nhà lưu niệm Nguyễn Bính do chính con gái cả của ông là nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu xây dựng ở Tp HCM. Mọi việc theo chúng tôi nên trao quyền cho nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu là đúng, nhưng nên chăng tập trung mọi di vật và tư liệu về quê, bên ngôi mộ ông, trên mảnh đất nơi ông sinh ra và lớn lên, thì ý nghĩa của một khu nhà lưu niệm sẽ đầy đủ và có giá trị sâu sắc hơn. Như ta đã thấy, phòng lưu niệm của các nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Phạm Tiến Duật, Đông Hồ, Mộng Tuyết… và các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Phùng Quán… đều được xây dựng tại quê hương, cho dù họ đã từng sống và dựng nghiệp ở nhiều nơi khác nhau.

2. Gần đây có chuyện gia đình nhà văn Vũ Trọng Phụng rất ngao ngán khi đề cập tới chuyện đã hơn chục năm nay họ làm đơn xin Nhà nước chứng nhận ngôi nhà mình là một di tích danh nhân mà không thành. Khi được hỏi, vì sao gia đình phải cố xin cho bằng được giấy chứng nhận di tích thì con rể nhà văn, người quản lý khu nhà nói ngay, cốt xin được ba chữ: "Không xâm phạm". Nhưng theo luật thì diện tích 300m2 vẫn phải do gia đình ông con rể quản lý và có sổ đỏ, đứng tên ông hẳn hoi. Vậy cái gọi là "không xâm phạm" thiết nghĩ cũng chẳng để làm gì, vì nó không xuất phát từ bản chất của một di tích cần có sự quản lý của Nhà nước.

Hiện tượng trên phản ánh sự chưa rõ ràng về điều lệ hay quy định mang tính nghiệp vụ khi triển khai những khu nhà lưu niệm như thế này. Như ta đã biết, thực chất việc một gia đình xây dựng nội dung sưu tầm, lưu giữ di vật, tư liệu, hình ảnh, qua những giai đoạn hoạt động khác nhau cho đến khi mất của người nhà mình, ngay trên mảnh đất quê hương, là công việc xây dựng một bảo tàng tư nhân. Vậy gọi đó là nhà lưu niệm, tưởng niệm hay bảo tàng đều được. Nhưng nếu muốn ghi nhận là một di tích danh nhân hay lịch sử thì cần phải cân nhắc cho thấu đáo. Bởi khi đã là di tích được chứng nhận, thì địa chỉ đó đã thuộc về cộng đồng; sở hữu công cộng và sự quản lý cũng thuộc về Nhà nước; chứ không còn thuộc về tư nhân, muốn làm gì cũng được và muốn thay đổi ra sao thì tùy ý.

Chính vì sự chưa thống nhất đó mà với những địa chỉ trưng bày của các nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Bính, Xuân Diệu thì gọi là Nhà lưu niệm; với nhà văn Nam Cao, nhà thơ Phạm Tiến Duật thì địa chỉ trưng bày có danh xưng là Nhà tưởng niệm. Còn như trên đã đề cập, đất nhà của Ngô Tất Tố thì lại được gắn biển Di tích…Và sắp tới tại Huế, cũng là nơi lưu giữ những tư liệu về các văn nghệ sĩ, họ lại đặt tên đó là Bảo tàng. Thì ra mọi chuyện vẫn dở dang lắm nỗi, ngay từ cánh cửa để mở ra "Một cõi đi về" của các nhà văn, nhà thơ.

3. Sự chồng chéo đó là do đâu? Ngoài quan niệm chưa đồng nhất, có lẽ cái chính là do chưa rõ ràng việc đầu tư từ nguồn kinh phí nào? Với mô hình nào và tổ chức khai thác ra sao?

Thực tế hiện nay các nhà lưu niệm nói trên hầu hết là do gia đình nhà văn, nhà thơ tự lo, ngoại trừ "Khu vườn hiện thực Nam Cao", nhà tưởng niệm Phạm Tiến Duật do chính quyền địa phương đầu tư. Ta có thể khảo sát mô hình nhà lưu niệm nhà văn Kim Lân, mới hay với sự đầu tư kỹ lưỡng của gia đình đã thiết kế được một bảo tàng nhà văn phong phú và lôi cuốn đến thế, cho dù địa chỉ này không phải là nơi nhà văn sinh sống từ trước. Tuy nhiên, khung cảnh, căn phòng hay những di vật mà nhà văn Kim Lân vẫn thường dùng đã được dựng lại gần như nguyên bản lúc nhà văn sinh thời ở xóm Hạ Hồi. Tất cả trở nên thân quen với gia đình và mọi người yêu mến ông.

Không có sự quản lý nào sâu sắc và tận tình bằng chính người nhà của nhà văn, nhà thơ. Ngay cả những công trình do Nhà nước xây dựng cũng nên trao cho những người thân của gia đình các nhà văn, nhà thơ trông nom và sưu tầm bổ sung tư liệu. Nếu có sự đầu tư thỏa đáng và cách tổ chức khai thác, với các đơn vị như nhà trường, câu lạc bộ văn học, các đồng nghiệp và bạn bè tham gia cùng tìm hiểu và khai thác thì các bảo tàng tư nhân về các nhà văn, nhà thơ sẽ phát huy hiệu quả cao hơn. Cách làm này sẽ tạo nên một không gian ấm cúng và sống động đối với bất kể ai đến đây. "Một cõi đi về" trở nên gần gũi với thời gian. Chốn tâm linh của nhà văn, nhà thơ là nơi gặp gỡ thân thiện của các tầng lớp bạn đọc, bởi lẽ nơi đây, ai cũng nhận ra: "Lại thấy trong ta hiện bóng con người…"


Theo Vương Tâm - CAND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng