Tạp chí Sông Hương -
Người khơi dậy tiềm lực dân tộc
08:38 | 23/11/2012

Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt là tập sách tập hợp 10 bài viết, 1 phỏng vấn và 1 truyện ký về nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhân dịp kỷ niệm 90 năm (23.11.1922 - 23.11.2012) ngày sinh của ông. 

Người khơi dậy tiềm lực dân tộc
Bìa cuốn Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt

“Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được”

Trong bài viết, Nguyễn Minh Nhị cho biết 10 năm ông làm Phó chủ tịch, rồi Chủ tịch tỉnh An Giang, một địa phương giữ vị trí trọng yếu trong sản xuất lúa gạo của đồng bằng sông Cửu Long, là “thời gian ấy An Giang nhận chỉ đạo trực tiếp từ Thủ tướng Võ Văn Kiệt, bản thân tôi làm tối mắt tối mũi nhưng cảm thấy hứng khởi lạ thường”.

Hai chuyên gia kinh tế Nguyễn Thiệu và Huỳnh Bửu Sơn cho biết, chính tầm nhìn xa và sự chỉ đạo mạnh dạn của ông Sáu Dân mà hai dự thảo pháp lệnh ngân hàng được hoàn thành trong thời gian nhanh nhất. Hai pháp lệnh chính là cơ sở pháp lý ban đầu làm nền tảng cho hệ thống ngân hàng Việt Nam vận hành và phát triển theo cơ chế thị trường. Nguyễn Thiệu và Huỳnh Bửu Sơn nói về “sức hút” đặc biệt của anh Sáu Dân: “Không những anh có thể khiến mọi người cảm thấy gần gũi và tin tưởng, mà còn khiến mọi người tự nguyện xắn tay áo, đem hết tâm huyết ra góp sức thực hiện những công việc vì lợi ích chung do anh đề ra”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc nhớ lại, chính ông Võ Văn Kiệt là người cổ vũ làm một hội thảo để đánh giá về Tổng trấn Lê Văn Duyệt. Cách đặt vấn đề của ông Võ Văn Kiệt là: vì sao những cán bộ chính trị, trong đó có cả một số người cho mình là khoa học, lên án đủ điều nhân vật này trong lịch sử thì nhân dân lại ngưỡng vọng, tôn vinh như một vị thành hoàng? Ông Dương Trung Quốc viết: “Với chúng tôi, những người viết sử, ông Sáu Dân và nhiều vị lão  thành có phẩm chất như ông không chỉ là những người đồng hành mà còn đang là những người cận vệ của lịch sử như một động lực phát triển đất nước. Vì điều đơn giản nhất, lịch sử trước hết là sự công bằng”.                                   

Không chỉ khao khát đem lại công bằng với quá khứ và sòng phẳng với lịch sử, ông Võ Văn Kiệt còn là người can trường đối mặt với hiện tại, kể cả một hiện tại ngổn ngang được mất, cái hiện tại mà nhà thơ Nguyễn Duy viết: “Tiềm lực còn ngủ yên trong quả tim mắc bệnh đập cầm chừng. Tiềm lực ngủ yên trong khối u tự mãn. Tiềm lực ngủ yên trong con mắt lờ đờ đục thủy tinh thể. Tiềm lực ngủ yên trong lỗ tai viêm chai màng nhĩ…”. Thời đó (có khi còn cả bây giờ), thơ mà viết dữ dội thế dễ bị kiểm điểm, bị kỷ luật, thậm chí bị quy chụp là “phản động”, thế nhưng ông Võ Văn Kiệt đã lắng nghe, nghe hết cả bài thơ mấy trăm câu gai góc và nặng như búa bổ đó. Nghe xong, ông nói: “Vấn đề ở đây (bài thơ) là văn hóa. Con người có thức dậy thì đất đai mới thức dậy được”. Bài thơ Đánh thức tiềm lực, trước khi được in phổ biến rộng rãi, để ghi một dấu ấn thời kỳ trước đổi mới, tác giả viết dưới tên bài thơ dòng chữ “Tiễn đưa anh Sáu Dân đi làm kinh tế”. Nhà thơ Nguyễn Duy viết: “Chính nhờ có những người-đánh-thức-tiềm-lực không biết mệt mỏi, những người dám “xé rào cơ chế”, dám “chịu nghe” những gì khác đi, thậm chí là ngược lại cái công thức phát ngôn chính thống, dám hành động vừa quyết đoán vừa nhân tình… như ông Sáu Dân, chúng ta mới có được một con đường đổi mới với những ngày “dễ thở hơn” như hôm nay”.

Còn đó những nỗi niềm

Dù hoạt động không ngừng nghỉ cho đến khi trút hơi thở cuối, nhưng những người thân và hiểu nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đều nhận ra, ở ông, còn đó những nỗi niềm của một người luôn đau đáu lo cho dân cho nước. Trong bài viết của các tác giả: nhà báo Lê Văn Nuôi, nhà báo Thế Thanh, nhà báo Huỳnh Sơn Phước, nhà văn Trầm Hương, đạo diễn Lê Văn Duy, nhà sử học Dương Trung Quốc, kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất…, ngoài ký ức sâu sắc, dấu ấn sâu đậm mà người lãnh tụ kiệt xuất để lại, còn là những kỳ vọng nơi ông vẫn còn dang dở, nhất là kỳ vọng vào những đội ngũ cán bộ đảm đương việc nước. Trả lời phỏng vấn của nhà báo Trần Trọng Thức, ông Võ Văn Kiệt nói: “Tôi phát hiện điểm yếu nhất của cán bộ chúng ta là họ nói được, suy nghĩ nhiều điều đúng, nhưng họ không quen chịu trách nhiệm về việc làm của mình”. Trong truyện ký Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã khắc họa tính cách ông Sáu Dân, đó là: “Vì dân. Đi với dân. Nghe dân. Linh hoạt, sáng tạo. Dám làm dám chịu trách nhiệm. Chơi được!”.

Khoảnh khắc Võ Văn Kiệt, dẫu chỉ là khoảnh khắc, nhưng đó là những khoảnh khắc mà ông đã “đánh thức tiềm lực” của mọi người, mọi giới; đặc biệt là tiềm lực cống hiến, tiềm lực về lòng khoan dung, tiềm lực khơi mở tầng sâu văn hóa, tiềm lực nối kết khối đại đoàn kết dân tộc… Những khoảnh khắc mãi lung linh và trường tồn mà nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một con người nhân hậu, một bộ óc chiến lược đã để lại, trong mỗi tâm hồn Việt Nam.

Theo Bích Ngân - TNO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng