Tạp chí Sông Hương -
Ông “vua” sơn dầu
09:36 | 26/11/2012

Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm đánh giá Tô Ngọc Vân giỏi sơn dầu nhất trong số những người Trường Mỹ thuật Đông Dương đào tạo. Cùng chiếu với ông, có Trần Văn Cẩn siêu lụa, Nguyễn Gia Trí đỉnh cao sơn mài.

Ông “vua” sơn dầu
Họa sĩ Tô Ngọc Vân và gia đình tại Việt Bắc năm 1950 - Ảnh: tư liệu

Họa sĩ duy sắc

Sớm bộc lộ khả năng vẽ sơn dầu từ những ngày học Trường Mỹ thuật Đông Dương, tuy nhiên, phải tới thời kỳ 1940 -1944, Tô Ngọc Vân mới chín một lối vẽ, một cách chọn hình tượng. Giai đoạn này, hình tượng nổi bật trong hệ tác phẩm của ông là phụ nữ, chủ yếu là phụ nữ thành thị. Thiếu nữ bên hoa huệ, Thiếu nữ nằm bên hoa sen, Thiếu nữ tựa kỷ đều sớm được xếp vào hàng kiệt tác. Mang vẻ đẹp thuần Việt, nhân vật của ông kỳ lạ ở chỗ đã toát ra nét thanh thoát của thị thành, xa dần sự mộc mạc của thôn dã. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục trong trắng, hiền dịu, cao quý.

Từ những thể nghiệm đầu tay, ông đã sớm lộ ra tính cách của một họa sĩ “duy sắc”: ưa thích thể chất đẹp, say sưa với ánh sáng, với những phản quang phong phú của màu sắc nồng nàn... Trong những tác phẩm duy sắc này, bút pháp của ông nhuần nhuyễn, tình cảm thẩm mỹ của ông sâu đậm đến mức nếu không có xáo trộn gì lớn, nó có thể sẽ theo ông đến hết đời.

Rồi cuộc xáo trộn đến, cũng là cuộc chuyển mình của cả dân tộc sau Cách mạng Tháng Tám. Nó khiến ông trở thành nghệ sĩ cách mạng, một nghệ sĩ (của) nhân dân đúng nghĩa. Những sáng tác của ông sau đó gắn liền với người lính, với các chiến dịch. Trong những sáng tác này, Tô Ngọc Vân đem cái duy sắc vốn nằm sâu trong ngọn bút hòa với sức sống của những tâm hồn quyết hiến thân cho Tổ quốc. Màu sắc tranh ông vẫn đẹp và sáng thuần khiết giờ được bổ sung thêm chất anh hùng ca phảng phất.

Cũng thời gian đi chiến trường - sáng tác, khóa mỹ thuật kháng chiến được tổ chức, do ông giảng dạy trực tiếp. Khi khóa học hết kinh phí năm 1951, Tô Ngọc Vân bàn với vợ mang mấy cây vàng của nhà còn lại bán đi để nuôi học trò học tiếp thêm một năm cho trọn khóa. Vì thế, sau này nhiều người vẫn gọi đó là “Khóa hội họa Tô Ngọc Vân”.

“Học trò của Tô Ngọc Vân chịu ảnh hưởng của ông rất nhiều. Họ bắt chước thầy, theo nghĩa tốt, một cách tự nguyện. Điều đó ai cũng nhận thấy và có thể cắt nghĩa bằng hai lẽ. Một là bởi học vấn, tài năng và tư chất ông quá lớn đối với họ. Hai là, bởi cái hoàn cảnh sinh hoạt và trình độ của văn nghệ kháng chiến bấy giờ ở Việt Bắc hết sức lành mạnh, dân chủ, gần gũi và tin yêu nhau thực sự”, sau này nhà phê bình Thái Bá Vân viết.

Ngược ý Tổng bí thư

Cũng theo ông Thái Bá Vân, ông Tô Ngọc Vân ý thức được ngay từ đầu là đào tạo học trò của mình thành nghệ sĩ. Chữ nghệ sĩ như ông hiểu phải là sáng tạo không bó buộc sao chép như ảnh chụp, song cũng không được quá hồn nhiên như những bức tranh dân gian. Nhận thức này cho thấy tư tưởng tiếp nhận Tây hóa cởi mở của ông. Nhưng nó vẫn có sự chối bỏ quan điểm đào tạo thợ vẽ mà Trường Mỹ thuật Đông Dương áp dụng với chính ông.

Nhờ thế, theo giới phê bình, học trò ông Vân không có tâm trạng làm công chức mỹ thuật thời xưa hay làm cán bộ mỹ thuật như sau này. Không vướng mặc cảm thuộc địa đã đành, họ cũng không mang mặc cảm của người luôn chịu khuôn phép nghiêm nhặt ở các trường nghệ thuật. Để rồi, học trò ông mới có những cá tính hội họa riêng như Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Mai Văn Hiến, Mai Văn Nam, Trần Lưu Hậu, Lưu Công Nhân.

Ông Vân cũng băng lên trong những tranh luận quan điểm sáng tác. Chẳng hạn, ông phản đối lối vẽ kinh điển của châu Âu các thế kỷ trước vì cho rằng nó quá bạc nhược, không đủ sức nói lên thời đại của ông khi ấy. Nhưng nhận định về di sản nghệ thuật dân tộc của ông còn sơ xuất khi không đánh giá cao tính sáng tạo của nghệ thuật truyền thống. Cũng chính đánh giá này sau khi bị nâng quan điểm thành nhận thức chính trị đã khiến ông gặp rắc rối. Tất nhiên, đánh giá những tranh luận ấy, các nhà phê bình cho rằng ông Vân không hẳn đã đúng cả.

Mặc dù vậy, sự thẳng thắn của Tô Ngọc Vân vẫn còn được nhắc đến như một nhiệt kế đo không khí tranh luận nghệ thuật rất bình đẳng thời đó. Trong bài viết của mình, ông nói với Tổng bí thư Đảng: “Tôi cần phải diễn giải dài dòng để đi được vững vàng đến kết luận ngược với ý của ông Trường Chinh, là quần chúng phải học nghệ thuật hội họa mới thưởng thức sâu rộng được hội họa, phải học tiếng nói của hình sắc mới nghe được hình sắc kể lể những gì”.

Giờ đây, luận điểm phải học để thưởng thức hội họa không còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, cuộc tranh luận khi đó của ông Tô Ngọc Vân đã thực sự hữu ích cho một giai đoạn cách mạng. “Về cử chỉ đối thoại mà nói, tôi cho rằng đó là một cuộc tranh luận thẳng thắn, tự trọng và sang trọng của từng pháp nhân văn hóa, có ý nghĩa thực sự đối với một giai đoạn lịch sử”, nhà phê bình Thái Bá Vân viết.

Hiếm có họa sĩ nào có thể xuất sắc cả trong sáng tác lẫn giảng dạy và đấu tranh quan điểm như Tô Ngọc Vân.

Theo Ngữ Thiên - Trinh Nguyễn - TNO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng