Tạp chí Sông Hương -
Cổ tích kể trên nền thời đại
14:31 | 29/11/2012

Cổ tích vẫn còn sức hấp dẫn. Nhưng vì nguồn cung đã quá tải nên những câu chuyện tương tự như nhau về sau này không còn được người đọc đón nhận nhiều nữa - nhà nghiên cứu Wolfgang Mieder, người đoạt Giải thưởng Truyện cổ tích châu Âu (European Fairytale Prize) năm 2012 đã nói như vậy.

Cổ tích kể trên nền thời đại

Những câu chuyện cổ đã từng được lưu truyền theo thời gian nhưng nay đang dần trở nên lỗi thời. Truyện cổ cũng đã là nguồn cảm hứng cho cả khối lượng lớn phim ảnh, hàng loạt sách, truyện nhiều kỳ phổ biến tràn ngập trên thị trường.

 Giáo sư Wolfgang Mieder, người Đức, chuyên ngành văn hóa dân gian tại Đại học Vermont ở Mỹ phát biểu: “Có điều thường thấy rõ là mọi người đọc những câu chuyện khác nhau mà lại không thể nhận ra là chúng có chung một nguồn gốc. Các yếu tố kết nối giữa những câu chuyện ấy đã bị mai một”.

Tuy nhiên, ông là người lạc quan khi thuyết phục về sự tồn tại của thể loại cổ tích. Mối quan tâm của ông thiên về cách thức phổ biến và sự đón nhận những câu chuyện cổ. Mieder là một người Mỹ gốc Đức, đã bỏ ra hơn bốn mươi năm nghiên cứu ý nghĩa xã hội và sự lưu truyền của cổ tích. Đặt mình giữa hai nền văn hóa, nghiền ngẫm hai nền văn hóa ấy, ông nghiên cứu ảnh hưởng của truyện cổ tích Đức trên toàn thế giới. Ông cho rằng: “Cổ tích Đức vẫn còn có ý nghĩa rất trọng đại. Rất ít nơi nào trên thế giới mà người ta không tìm thấy chuyện cổ của Anh em nhà Grimm”. 
 

 


Bản in màu Người đẹp ngủ trong rừng, năm 1879

 

Những thay đổi ở cùng một chủ đề

 


Giáo sư Wolfgang Mieder

Mặc dù các câu chuyện xa xưa đã được điều chỉnh cho hợp với xã hội đương thời nhưng chúng vẫn giữ được cốt lõi nguyên vẹn.

Theo Mieder, “Loại cổ tích phép thuật thường được chọn là loại mang tính tích cực với phần kết có luân lý định sẵn. Tất nhiên, trong truyện luôn có một số yếu tố ác. Nhưng, cái thiện rồi sẽ giành lại sự công bằng và ở thế chiến thắng cuối cùng”. Các nguyên tắc của thiện và ác ấy cũng có thể được tìm thấy trong các tác phẩm dân gian hiện đại kiểu Harry Potter, một hiện tượng làm say mê, cuốn hút giới trẻ. Đây là một thứ truyện nhiều biến hóa trên cung cách từ xưa, loại nguyên tắc kể chuyện đơn giản nhất trên thế giới. Mieder điểm qua một cổ tích yêu thích của mình: Sao Thalers (The Star Thalers) - một câu chuyện ít được biết đến hơn là loại truyện của Anh em Grimm: “Ở đây thì niềm hy vọng và công lý bắt tay nhau, tạo nên giá trị và âm vang cho câu chuyện”.

Nhưng không chỉ có thế, cổ tích còn xác quyết những chân lý về con người, kinh qua thời gian và các nền văn hóa.

“Trong cổ tích, những vấn đề bình thường muôn thuở, những vấn đề thường nhật của con người thường được diễn tả bằng ngôn ngữ thơ và tượng trưng. Chúng ta có thể nhận ra những câu chuyện cổ vượt qua mọi biên giới quốc gia. Chuyên gia truyện cổ tích đã có nhận định như vậy”.



Một thế giới mới

Tình yêu Truyện cổ tích và Ngôn ngữ Đức đến với Mieder theo đường vòng. Sau khi tốt nghiệp trung học ở Đức, ông đi du học tại Mỹ. Ban đầu, chàng thanh niên muốn trở thành một nhà toán học, nhưng một hội thảo về văn hóa dân gian Đức đã ảnh hưởng lớn đến cuộc đời khiến ông quyết định đi theo con đường kết nối hai nền văn hóa Đức - Mỹ.

Những kỷ niệm ở Đức sống dậy: “Vào những năm 1950, người ta được khuyến mãi khi mua một hộp bơ là một tấm tranh giấy đầy màu sắc, tôi đã rất nỗ lực thu thập làm thành một cuốn album. Với cuốn album này, tôi bước vào thế giới của truyện cổ tích”.

 

 


Harry Potter, một cổ tích thời hiện đại

 


Cổ tích bước vào thế giới phẳng

Ngày nay, mọi sự đã thay đổi. Thời đại kỹ thuật số đã làm biến chuyển mạnh mẽ sự phổ biến của cổ tích. “Những gì mà phải mất hàng thập kỷ để truyền tải thì hôm nay xảy ra như chớp”, Mieder nhận xét, “câu hỏi đặt ra là sự tồn tại những hình thức mới của cổ tích và tục ngữ. Hầu hết chúng đã nhanh chóng biến mất. Tuy nhiên, thông qua internet, bạn có thể xác định rõ hình thức nào được chấp nhận”. Người ta thấy được khả năng tiếp cận những câu chuyện cổ và các tác phẩm liên quan có khác nhau. Bây giờ, các câu chuyện hiếm khi phải truyền miệng mà thông qua phim ảnh truyền hình hoặc internet. Mieder giải thích: “Bạn khó có thể nghe được một câu chuyện cổ do một người nào đó trên phố kể lại. Mặc dù chúng ta đều biết truyện cổ tích, nhưng lại không nói về chúng”.

Kỳ vọng liên quan đến hình ảnh và tốc độ đáng kể - câu chuyện cũng đã thay đổi: phim trở nên nhanh hơn, bối cảnh và diễn biến cốt truyện phức tạp hơn. Sự lạm dụng bằng cách sản xuất quá nhiều những ấn phẩm tương tự làm cho cổ tích đi đến bờ vực lỗi thời. Nhưng thời gian gần đây, Mieder quan sát thấy sự quan tâm đáng kể và ý thức của nhiều người đối với cổ tích. “Điều quan trọng là làm sao để cổ tích có thể đi vào giới trẻ như một sợi dây nối liền. Khi nhìn xã hội chính trị hiện tại, liệu bạn có đặt cho mình câu hỏi: mình có thể làm được điều ấy không nếu không cần đến sự giúp đỡ của người khác? Tôi nghĩ rằng cổ tích với những thông điệp đơn giản như tính nghĩa hiệp, lòng vị tha và ý chí can đảm đã cung cấp từng phần khiến cho các câu trả lời dễ dàng”.

Giữa các nền văn hóa

Wolfgang Mieder đã cho ra đời hơn 200 ấn phẩm và khoảng 500 bài báo có chủ đề liên quan đến truyện cổ, dân ca và tục ngữ. Nhưng ông vẫn luôn khiêm tốn. Mặc dù có nhiều giải thưởng quốc tế, ông nói mình không phải là người xứng đáng duy nhất giành được vinh dự ở Giải thưởng Truyện cổ tích châu Âu. Còn có những người khác đã có ảnh hưởng sâu sắc đến các công trình nghiên cứu quốc tế về cổ tích và tục ngữ.

“Trong lớp, tôi muốn hướng mỗi sinh viên tự tìm cách tiếp cận riêng đối với cổ tích. Tại sao chúng ta đọc những câu chuyện cổ, chúng đại diện cho hệ thống giá trị nào? Sâu thẳm nhất, tôi cố gắng trở thành một đại sứ tinh thần, hoạt động vì sự kết nối giữa hai nền văn hóa”, ông nói.

Mieder nhận được Giải thưởng Truyện cổ tích châu Âu 2012 vào ngày 13 tháng 9 tại Volkach bei Würzburg, Bavaria.

                                                                                                Theo Trịnh Sơn - NDBND
 

Các bài mới
Các bài đã đăng