Tạp chí Sông Hương -
Dân mình bám biển: Người dùng tai dò luồng cá đi
08:12 | 30/11/2012

Bây giờ phần lớn tàu của ngư dân đi biển xa đều đã được trang bị máy định vị dò cá, giúp gia tăng hiệu suất đánh bắt. Tuy nhiên, trước khi phương tiện hiệđại này ra đời, ngư dân ta vẫn làm nghề dựa vào kinh nghiệm, họ nhìn con nước, xem hướng gió để tìm luồng cá…

Dân mình bám biển: Người dùng tai dò luồng cá đi
Ông Bạch Văn Liễu (bìa phải) đang kể về nghề nghe cá “nói chuyện” cho người dân trong làng chài nghe.

Đến làng chài khu phố Hải Trung (thị trấn Phước Hải, Đất Đỏ, Bà Rịa-Vũng Tàu), hỏi ông Bảy Liễu không ai không biết. Ông nổi tiếng với khả năng “nghe” được tiếng của các loài cá trên biển. Khả năng đặc biệt này giúp gia đình ông và những người bạn ghe có cuộc sống khấm khá.

Cha truyền con nối

Năm nay đã 65 tuổi, nhưng ông Bảy Liễu (tên thật là Bạch Văn Liễu), vẫn rất khỏe mạnh, nhanh nhẹn, đôi mắt tinh tường, trí nhớ tốt. Ông cho biết, hồi còn nhỏ, ông thường theo cha đi đánh bắt cá hoặc mót cá, cào nghêu. Năm 17 tuổi, ông được cha truyền cho cách “nghe”, phân biệt được âm thanh của các loại cá để xác định đúng luồng cá. Do là dân biển, quen với cuộc sống sông nước, lại được cha truyền nghề, cộng với đức tính chăm chỉ, ham học hỏi, nên chưa đầy một năm sau, ông đã “hành nghề” thành thạo.

Tôi gắn bó với nghề biển được 41 năm. Khi đi biển, hàng ngày cứ 4 giờ sáng, lúc các thuyền viên còn ngủ, tôi đã phải lặn xuống nước để dò cá. Có khi từ sáng tới chiều không dò được luồng, nhưng cũng có khi chỉ cần 30 phút là tôi đã tìm ra”, ông Bảy Liễu nói.

Hỏi ông Liễu bí quyết, ông cười và cho rằng, ông được trời phú cho khả năng thính giác đặc biệt nên mới may mắn đến thế. Nhờ vậy, ông có thể phân biệt được âm thanh các loài cá. Chẳng hạn, cá nốc nanh nếu tụ tập thành bầy sẽ phát ra tiếng cụp… cụp; cá ngao vòng lại phát ra tiếng lục đục, âm vang cả một vùng; trong khi cùng tiếng kêu ấy của cá đù thì nhỏ và thanh thoát hơn hoặc phát ra tiếng kêu bụp… bụp…

Chỉ cần lặn xuống nửa mét nước biển, ông Liễu có thể nghe được tiếng các loài cá ở độ sâu 50m trong một phạm vi rộng. Ngoài việc phân biệt được tiếng động của cá, ông Bảy Liễu còn có tài đoán được số lượng cá để thông báo cho thuyền viên giăng lưới đánh cá.

Thông thường mỗi chiếc ghe ra khơi thường có từ 15-20 người, nhưng người có khả năng dò cá như ông Bảy Liễu thì rất ít và là người có vai trò rất quan trọng, quyết định sự thành bại của mỗi chuyến biển. Ông Liễu cho biết thêm, người thợ dò cá phải chịu khó, chịu khổ và nhất là phải chịu lạnh giỏi thì mới “trụ” lại được với nghề lâu dài.

Khấm khá nhờ khả năng đặc biệt

Ở khu phố Hải Trung nói riêng và làng chài Phước Hải có 20 người biết dò cá, đến nay, con số này là gần 50 người, bởi đây là nghề cha truyền con nối. Gia đình ông Liễu đã có 4 đời làm nghề này. Khả năng đặc biệt về dò cá đã giúp cho ông và nhiều người dân ở đây có cuộc sống ổn định, con cái được học hành đến nơi đến chốn.

Theo ông Liễu, sau một chuyến đi biển về, nếu các thuyền viên khác được chi một phần tiền công thì ông được gấp 4 lần. Cũng như bao người dân làng chài khác thường sinh đông con, gia đình ông Liễu có đến 9 người con. Nhưng nhờ khả năng đặc biệt của mình mà các con ông đều được học hành và có công việc ổn định.

Theo ông Bảy Liễu, hồi mới vào nghề, cũng có nhiều lúc ông dò cá sai nhưng sau này thì luôn chính xác. Vì vậy, ông được người dân nơi đây cũng như bạn ghe các tỉnh, thành khác quý mến và trọng vọng. 7 năm nay, ông đã nghỉ ngơi sau khi truyền lại bí quyết cho 2 người con trai.

“Cả cuộc đời tôi gắn với nghề đi biển và dò cá. Nghề cá đã cho tôi và gia đình nhiều thứ. Giờ đây tuổi đã cao, sức khỏe có hạn không cho phép tôi đi biển nữa nên tôi nhớ nghề lắm. Những lúc rảnh rỗi, tôi vẫn ra bờ biển để hỏi thăm cuộc sống người dân và ngắm biển”, ông Liễu xúc động nói.

Theo Cẩm Nhung - Báo Bà Rịa-Vũng Tàu

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng