Tạp chí Sông Hương -
Khi phế liệu chiến tranh lên tiếng
09:07 | 04/12/2012

Khá đông người đã đến xem triển lãm Tôi kể chuyện này ngay sau buổi khai mạc (sáng 3-12) tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (Hà Nội).

Khi phế liệu chiến tranh lên tiếng
Hai học sinh Trường Trưng Vương, Hà Nội xem khẩu hiệu viết trên mảnh tên lửa SAM-2

Phần lớn hiện vật trong triển lãm do nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến (phóng viên ban phóng sự - báo Hà Nội Mới) sưu tầm, số còn lại được mượn của các cá nhân. Các đồ vật làm từ phế liệu chiến tranh: hộp đựng xilanh làm từ mảnh xác máy bay, vỏ quả bom 250 cân Anh làm thành kẻng, vỏ đạn pháo 130mm, 105mm làm thành các loại lọ cắm hoa, dây dù hàng đan thành võng, dù pháo sáng làm thành khăn choàng cắt tóc, mũ sắt làm cối giã cua, đèn làm từ vỏ quả đạn M79, những chiếc lược làm từ mảnh xác máy bay B.52 rơi xuống làng hoa Ngọc Hà...

Ông Nguyễn Phong (36B Trần Hưng Đạo, Hà Nội) từng tham gia chiến tranh biên giới - tâm sự: “Tôi rất thích những đôi dép cao su trong triển lãm này, nó gợi cho tôi nhiều câu chuyện thời chiến tranh. Triển lãm này rất hay, rất cần thiết, không chỉ đối với người xưa để gợi nhắc lại kỷ niệm, mà với những người trẻ cũng rất quan trọng, để thế hệ sau không quên thế hệ cha ông đã đấu tranh giành độc lập dân tộc như thế nào. Những kỷ vật này khiến người ta nhớ lại một thời người dân nghèo khổ, phải chắt chiu tất cả, dù đó chỉ là một mảnh dù, một chiếc vỏ lựu đạn”.

Không chỉ đến để hồi nhớ kỷ niệm, khá nhiều học sinh đã đến xem triển lãm ngay sau giờ khai mạc. Huyền Ngân, Nam Phương - hai học sinh lớp 6 Trường Trưng Vương - nhanh nhẹn đi một vòng triển lãm, đến đâu cũng trực tiếp sờ vào từng vật dụng, tỉ mỉ đọc từng dòng chú thích. Một học sinh khác thì xuýt xoa: “Lần đầu tiên chúng cháu được xem những vật dụng này. Ngày trước các ông, các bác khéo tay thật”.

Dù chưa phải là bộ sưu tập với đầy đủ các vật dụng, nhưng Tôi kể chuyện này đã giúp người xem nhớ về chiến thắng của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến chống quân xâm lược ở thế kỷ 20, về sự khéo tay, sáng tạo của họ. Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, Tôi kể chuyện này chỉ là gợi ý cho các câu chuyện mà người xem triển lãm sẽ kể cho nhau. Song mục đích lớn hơn, anh muốn gửi thông điệp “hòa bình” đến tất cả mọi người. Chiến tranh gây đau thương, mất mát cho người dân cả bên thắng lẫn bên thua...

Tôi kể chuyện này mở cửa đến hết ngày 8-12, do báo Hà Nội Mới tổ chức nhân dịp kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”.

Theo H.T.P. - TTO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng