Suốt 8 năm qua, họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân (sinh 1972) đã âm thầm tích lũy... vô số thứ lủng củng, trong đó có rất nhiều dây điện để thực hiện cuộc triển lãm tranh - sắp đặt mang tên Phố (khai mạc chiều 14-12, tại Trung tâm Triển lãm VH-NT Việt Nam (Hà Nội). Triển lãm đã gây chú ý, và nhiều tranh cãi.
Có thể nói, Phố là tác phẩm sắp đặt quy mô lớn nhất (cả về dung lượng không gian lẫn khối lượng vật thể) của nghệ sĩ Việt Nam từ trước đến nay.
Vừa vào cổng triển lãm, đập vào mắt người xem là bề bộn những cột điện, xe lu, máy cẩu, xe nâng, xe ô tô tải, xe trộn bê tông, những quả ru lô, con sứ điện to như thùng phi… Lơ lửng trên cao hàng chục mét là búi dây điện khổng lồ.
Phía trên sân khấu là một “quần thể” loa dày như rận bám lưng trâu, thậm chí có thêm cả taxi, vài chiếc xe máy, xe sidecar… Bục để diễn giả phát biểu là một tủ điện còn nguyên những mẩu quảng cáo dán đầy.
Nhiều người, ngay cả người trong giới mỹ thuật, thoạt đầu cũng khó hiểu với quang cảnh hỗn mang này, tưởng như lạc vào một công trường. “Hay là trung tâm Triển lãm VH-NT đang sửa?” - một người xem lầm tưởng.
Theo nghệ sĩ, anh muốn bày ra một đời sống ngổn ngang, và “có những thứ cần thiết cho đời sống, nhưng cũng là sự đe dọa đời sống”.
Nghệ sĩ cũng tâm sự, để di chuyển, sắp đặt hàng chục tấn thiết bị, bê tông, dây điện… anh đã phải nhờ hơn chục bạn nghệ sĩ hùng hục làm như cửu vạn suốt mấy ngày, trước ngày khai mạc cả bọn phải thức đến 2h sáng.
Là trai Hải Phòng - thành phố công nghiệp, có phải vậy mà Dân ám ảnh với dây điện, cột điện, máy móc? Trong giới, anh có biệt hiệu Dân “dây điện”.
Anh cho biết, riêng lượng dây điện dùng trong triển lãm lần này là 2 tấn. Về những xe cộ kiểu xe cẩu, xe trộn bê tông, xe lu… Dân cho biết, anh phải mượn và thuê để làm tác phẩm sắp đặt.
Sắp đặt lần này sử dụng toàn bộ sân và cả sân khấu của Trung tâm Triển lãm, bên trong phòng triển lãm tranh còn có khá nhiều sắp đặt nhỏ hơn (nhưng cũng dài cả mét), giữa phòng là một sắp đặt với gần 20 cột điện (thật) bằng sắt!
Bên cạnh phần triển lãm sắp đặt, Nguyễn Ngọc Dân trưng bày 20 bức tranh phố. Một số với chất liệu sơn dầu, số còn lại, có cái anh không dùng toan, mà sắp đặt luôn dây điện, ô tô máy bay đồ chơi, sứ cách điện trong khung. Anh nói “Hay ở chỗ, tranh có thể xem từ cả hai mặt”. Tuy nói thế, anh vẫn treo tranh sát tường.
Không chỉ có tranh và sắp đặt, Phố còn được đầu tư thêm phần ánh sáng. Trên sân khấu có một màn hình khá lớn chiếu cảnh các nghệ sĩ đang trong quá trình sắp đặt tác phẩm.
Có ý kiến cho rằng đây là một câu chuyện về phố Hà Nội hiện đại mà từ đó người xem có thể ý thức lại về hành vi của mình nhằm lưu giữ vẻ đẹp phố phường.
Nhưng cũng có ý kiến nói việc dồn tất cả những thứ nhem nhuốc vào một chỗ là việc làm kỳ quặc, “trông không thấy đẹp”.
Như để trả lời trước cho những ý kiến loại này, nhà phê bình Nguyễn Quân viết, trong bài giới thiệu cho triển lãm: “Quá trình dàn dựng không gian trưng bày - được ghi hình - đã là một performance (trình diễn - PV).
Những sắp đặt phì đại, ngoại cỡ cùng các phương tiện di chuyển tạo ra một không gian tương tác tích cực giữa nghệ thuật và công chúng”.
Bên cạnh nhiều ý kiến khen, chủ yếu về tính hoành tráng của tác phẩm, về sự dấn thân của nghệ sĩ; cũng có nhiều ý kiến của giới chuyên môn cho rằng sắp đặt này quá rườm, thiếu điểm nhấn.
Và dường như nghệ sĩ quá tham khi huy động quá nhiều thứ “khủng” vào tác phẩm mà chưa lưu tâm đến hiệu ứng thị giác.
Nhiều người, kể cả họa sĩ và người xem bình thường, thích sắp đặt với gần 20 cột điện sắt phía trong phòng hơn.
Triển lãm cũng rất ồn ào trên trang soi.com.vn, một trang mạng dành cho giới nghệ sĩ tạo hình và nghệ sĩ đương đại.
Tuy có vẻ ngẫu hứng với những vật thể phì đại, một số tiểu tiết lại được nghệ sĩ rất chăm chút. Như bản giới thiệu triển lãm được công phu viết tay trên một tấm gỗ lớn.
“Giấy mời” là một chiếc cốc gốm biến thể từ hình con sứ cách điện, trên in chữ và hình vài màu. Dân được tiếng là “chịu chơi” mà.
Buổi họp báo trước triển lãm của anh có Chủ tịch Hội Trần Khánh Chương đến. Ông say sưa với ý tưởng điện với đời sống con người… Nguyễn Ngọc Dân cũng mời được nhiều VIP đến trong buổi khai mạc.
Về sự kỳ công, anh tâm sự, để có được triển lãm sắp đặt quy mô hoành tráng, anh đã phải tỉ mỉ sưu tầm từ nhiều năm nay.
Nhiều lần anh cất công mò mẫm về những nơi tái chế sắt vụn ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh để rồi khuân về nhà toàn… đồng nát.
Dân kể, nghe phong thanh ở đâu có những cây cột điện cũ, hay những chiếc loa phóng thanh rỉ thời xưa là lập tức anh gác hết mọi việc lao đến tìm mua hoặc xin bằng được. Anh cũng chia sẻ, không chỉ là tiền, mà chỗ chứa những đồ lỉnh kỉnh này mới là chuyện phức tạp nhất.
Nguyễn Ngọc Dân tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996. Kể từ lần ra mắt đầu tiên Chân dung biển (2003), Dân đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm, trong đó có cuộc tại Hà Lan (mang tên Phía trên thành phố).
Năm 2007, triển lãm sắp đặt Vắt qua phố tái hiện phố phường chằng chịt dây điện tại sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Triển lãm mở đến hết ngày 19-12.
Lê Anh HoàVề sự kỳ công, anh tâm sự, để có được triển lãm sắp đặt quy mô hoành tráng, anh đã phải tỉ mỉ sưu tầm từ nhiều năm nay.
Nhiều lần anh cất công mò mẫm về những nơi tái chế sắt vụn ở Vĩnh Phúc, Bắc Ninh để rồi khuân về nhà toàn… đồng nát.
Dân kể, nghe phong thanh ở đâu có những cây cột điện cũ, hay những chiếc loa phóng thanh rỉ thời xưa là lập tức anh gác hết mọi việc lao đến tìm mua hoặc xin bằng được. Anh cũng chia sẻ, không chỉ là tiền, mà chỗ chứa những đồ lỉnh kỉnh này mới là chuyện phức tạp nhất.
Nguyễn Ngọc Dân tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1996. Kể từ lần ra mắt đầu tiên Chân dung biển (2003), Dân đã thực hiện nhiều cuộc triển lãm, trong đó có cuộc tại Hà Lan (mang tên Phía trên thành phố).
Năm 2007, triển lãm sắp đặt Vắt qua phố tái hiện phố phường chằng chịt dây điện tại sảnh Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội.
Triển lãm mở đến hết ngày 19-12.
Theo Lê Anh Hoài - TPO