Tạp chí Sông Hương -
Bức thư viết chung của Van Gogh và Gauguin
14:04 | 18/12/2012

Bức thư hấp dẫn của các nghệ sĩ viết tay trên cuốn vở bài tập tiếng Pháp được bày bán ở Paris vào tháng 12 năm nay.Bức thư hấp dẫn của các nghệ sĩ viết tay trên cuốn vở bài tập tiếng Pháp được bày bán ở Paris vào tháng 12 năm nay.

Bức thư viết chung của Van Gogh và Gauguin

Bức thư viết tay của Vincent van Gogh và Paul Gauguin trên giấy rẻ tiền xé ra từ một cuốn vở bài tập ở trường, nói về tình bạn và hy vọng. Được viết tại thời điểm quan trọng trong sự nghiệp của cả hai người, nó đề cập ước mơ về việc thành lập một cộng đồng không tưởng của anh em họa sĩ, về một sự phục hưng nghệ thuật mới, và về các bức tranh bấy giờ được công nhận là kiệt tác.

Thực tế không êm ả gì. Ngay sau khi gửi thư đi, họ tranh cãi dữ dội và một trong các hành vi tự hủy hoại nổi tiếng nhất lịch sử là Van Gogh đã tự cắt tai mình. Đó là một hành động đánh dấu sự sa sút cuối cùng của nghệ sĩ người Hà Lan trước khi dẫn đến phát điên và tự tử.

Giờ đây bức thư dài bốn trang có chữ ký của cả hai họa sĩ xuất hiện trong một bộ sưu tập tư nhân trước khi được bán đấu giá tại Paris vào tháng 12, dự kiến đạt giá 500.000 Eur.

Thomas Venning, một chuyên gia thuộc nhà đấu giá Christie cho biết, tài liệu này cung cấp một cái nhìn sâu sắc về “hai họa sĩ sống chung nổi tiếng nhất trong lịch sử”.

“Tôi dành cả đời mình nghiên cứu những lá thư và đây là một trong những lá thư hấp dẫn nhất, tuyệt vời nhất mà tôi từng thấy”, ông nói. “Nó sẽ đưa bạn vào nhà của họ, vào cuộc sống của họ tại thời điểm cụ thể ấy. Bạn có thể tưởng tượng Van Gogh đang ngồi viết thư trên giấy rẻ tiền bởi vì họ vốn nghèo khó, và nói với Gauguin: ‘Anh hoàn tất đi’”.

Bức thư viết trên giấy kẻ ô của những cuốn vở bài tập tiếng Pháp và được gửi đến Emile Bernard, một họa sĩ trẻ tiên phong đã truyền cảm hứng cho cả hai người. Nó được soạn thảo vào tháng 11 năm 1888 tại Arles ở Provence, nơi Van Gogh thuê hai tầng của một ngôi nhà tư nhân, số 2 Place Lamartine, chủ đề của bức tranh La Maison Jaune.

Tuần trước đó, sau nhiều tháng trì hoãn, Gauguin đã đến để sống và vẽ với Van Gogh trong một hoặc hai năm. Lúc bấy giờ, thế giới nghệ thuật của Pháp đã chuyển hướng từ trường phái  Ấn tượng sang Hiện đại và Siêu thực, nhưng Van Gogh và Gauguin vẫn chưa được công nhận rộng rãi.

Van Gogh, tinh thần mong manh và dễ bị kích động, đã phấn khích như trẻ con. Trong thư, ông trình bày ấn tượng đầu tiên của mình về họa sĩ Pháp.

“Gauguin làm cho tôi quan tâm nhiều hơn bất cứ người nào - rất nhiều - từ lâu tôi đã nghĩ rằng trong nghề nghiệp họa sĩ lấm lem, cần thiết nhất với chúng tôi là những người có đôi bàn tay và bụng dạ của dân lao động – và sự tinh tế tự nhiên hơn – khí chất đam mê và rộng lượng hơn so với thị dân phong lưu Paris suy đồi và kiệt sức.

Bây giờ không có sự nghi ngờ gì nữa, chúng tôi đang ở trong vóc dáng của một sinh vật trinh nguyên với bản năng của một con thú hoang dại. Trong Gauguin, máu và tình dục đã lấn át tham vọng”.

Ông còn viết: “Chúng tôi đã thực hiện một số chuyến du ngoạn tới các nhà chứa và có nhiều khả năng là chúng tôi có thành quả ở đó. Tại thời điểm này Gauguin có một bức tranh giống kiểu bức tranh quán cà phê đêm mà tôi vẽ, nhưng với chất liệu từ các nhà chứa. Nó hứa hẹn sẽ đẹp.

Tôi đã hai lần quan sát những chiếc lá dương rơi trên đại lộ và lần thứ ba là quan sát toàn bộ con đường này, hoàn toàn màu vàng” (Les Alyscamps).

Van Gogh viết rằng ông và Gauguin đang thảo luận về “chủ đề tuyệt vời của một hiệp hội các họa sĩ xác định” và “linh cảm về một thế giới mới... và một sự phục hưng lớn trong nghệ thuật” của ông mà cái nôi của nó sẽ được tìm thấy ở vùng nhiệt đới.

Ở trang cuối bức thư, Gauguin viết thêm: “Đừng nghe Vincent theo cách bạn đã biết anh ấy thiên về sự ngưỡng mộ và niềm đam mê đồng nghiệp. Là một họa sĩ, tôi cho rằng ý tưởng của anh ấy về tương lai của một thế hệ mới ở vùng nhiệt đới là hoàn toàn đúng, và tôi vẫn có ý định trở lại ở đó khi tôi có tiền bạc. Biết đâu có một chút may mắn...?”

Tám tuần sau, ngày 23 tháng 12, sự cộng tác dẫn đến một kết cục trầm trọng khi họ cãi nhau dữ dội hơn, người ta tin rằng, do Van Gogh đã chi tiêu ngân sách ít ỏi của cuộc sống chung vào gái mại dâm, và do ông không chịu ngừng uống rượu áp xanh.

Van Gogh đe dọa bạn ông bằng một lưỡi dao cạo trước khi tự cắt tai mình. Ngay sau đó, ông bắt đầu phải vào nhiều nhà thương tâm thần và qua đời năm 1890 ở độ tuổi 37 sau khi tự bắn vào ngực.

Gauguin trở lại Paris, sau đó mở một xưởng vẽ ở Polynesia thuộc Pháp, nơi ông qua đời năm 1903, ở tuổi 54. Đôi bạn này không bao giờ gặp lại nhau.

Venning nói rằng bức thư tiết lộ những đặc tính khác nhau của hai người đàn ông, và thời kỳ êm đềm trước bão tố trong mối quan hệ của họ. “Đó là khoảnh khắc của tình bạn, sự lạc quan và chia sẻ công việc. Có vẻ mọi thứ sẽ tốt đẹp và họ đã đạt được rất nhiều thành quả trong một khoảng thời gian ngắn”. Ông nói thêm: “Những sự kiện kịch tính theo sau lá thư này làm cho nó buồn quá. Đó là một tài liệu gây sững sờ”.

                                                                                          Theo TRI SƠ - NDBND

Các bài mới
Các bài đã đăng