Tạp chí Sông Hương -
Nghệ thuật có được hư cấu lịch sử?
14:27 | 18/12/2012

“Tiểu thuyết lịch sử không thể là hư cấu lịch sử” hay “Có thể hư cấu 100% với điều kiện hư cấu đó phải nhằm phát hiện ra 100% sự thật lịch sử”, đó là những ý kiến trái chiều của các đại biểu trong cuộc hội thảo khoa học “Sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử” do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Nghệ thuật có được hư cấu lịch sử?
Cảnh trong phim

Hiện nay các nhà văn, nhà viết kịch bản đều “né” viết về đề tài lịch sử. Bởi lẽ họ vẫn loay hoay tìm giải đáp giữa những những ý kiến trái chiều về mối quan hệ giữa sự thật lịch sử và hư cấu nghệ thuật. Đây là vấn đề không còn mới mẻ nhưng hầu như lúc nào cũng được đặt ra.

PGS. TS Phan Trọng Thưởng cho rằng sáng tạo về đề tài lịch sử vừa có sự tự do, vừa có sự mất tự do. Tự do ở khâu lựa chọn đối tượng, lựa chọn nhân vật và sự kiện lịch sử. Tự do ở khâu lựa chọn nhân vật và sự kiện lịch sử. Nhưng khi đã lựa chọn rồi thì nhà văn và nhà nghệ sĩ không còn được tự do nữa, họ đã bị nhận vật - sự kiện chế định trở lại. Do vậy, mượn cớ bịa đặt, xuyên tạc lịch sử hay minh họa, nhại lại lịch sử đều không phải là mục đích của nghệ thuật.

Chính vì sự loay hoay đó nên bên cạnh những tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử đã gặt hái được những thành công, vẫn có những tác phẩm gây băn khoăn, bức xúc, thậm chí là sự bất bình của nhiều văn nghệ sĩ và công chúng như: Phẩm tiết Giàn thiêu, Hội Thề, Lý Nhân Tông kế nghiệp…

PGS. TS Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, có một nguyên tắc mà tất cả các nhà sáng tạo văn học, nghệ thuật về đề tài lịch sử phải tuân thủ, đó là tôn trọng chân lý lịch sử, không bôi nhọ hình ảnh những anh hùng lịch sử đã được cả dân tộc tôn vinh.

Tác phẩm nghệ thuật phản ánh các nhân vật lịch sử với sự sáng tạo của người nghệ sĩ là biến các sự kiện, nhân vật lịch sử trong các tác phẩm điện ảnh với quan điểm thẩm mỹ của người nghệ sĩ đã mang lại một vẻ đẹp mới ở các nhân vật lịch sử, tạo cho công chúng niềm tin ở con người, khích lệ lòng yêu nước, cảnh báo cho họ trước những hiểm họa mà bài học lịch sử đã mang lại.

Tiểu thuyết lịch sử đòi hỏi người viết phải có tâm, phải tôn trọng lịch sử, phải tỉnh táo đánh giá, phải hết sức công tâm, nghĩa là phải gạn đục khơi trong, không được đem tà tâm vào ngòi bút.

Có thể thấy rằng, viết về đề tài lịch sử không dễ, vì nhà văn không phải người sao chép lịch sử, tái hiện lịch sử mà chỉ mượn nhân vật, bối cảnh để lý giải một vấn đề lịch sử. Nhưng trước những sự kiện lịch sử, nhà văn phải hư cấu như thế nào để không được bóp méo lịch sử, để hậu thế hiểu thêm về lịch sử dân tộc mình.

Theo PLVN

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng