“Từ bờ biển Ðông Dương có thể thực hiện chuyến du lịch tuyệt vời từ 2-3 ngày đến quần đảo Hoàng Sa... Nếu chúng ta rời tàu và lên một trong những hòn đảo của quần đảo ở phía bờ biển khuất gió bằng thuyền, người ta còn bị ngạc nhiên hơn nữa.
Ta nhận thấy, xuyên qua lớp nước trong xanh như pha lê, từng chi tiết các san hô sống mà sự đa dạng về màu sắc và hình thái làm ta liên tưởng đến các khu vườn của thiên đường, nơi hội tụ những kỳ hoa dị thảo đẹp nhất trên trái đất [...]. Người ta dự kiến rằng trong một thời gian nhất định, một tour du lịch gọn nhẹ ra quần đảo Hoàng Sa rất đáng được xem xét”.
Những dòng trên đây không phải là bút ký du lịch của một du khách lãng mạn nào của thế kỷ 21. Nó được trích từ báo cáo khoa học hằng năm của một giám đốc Hải học viện (tên gọi cũ của Viện Hải dương học - tiền thân là Trạm nghề cá Ðông Dương) được thành lập từ ngày 22-9-1922. Từ thời điểm đó, các nhà khoa học Pháp đã tiến hành nhiều chuyến khảo sát ở quần đảo Hoàng Sa - nơi Chính phủ Pháp đã thiết lập quyền cai trị tiếp quản từ chính quyền Nam triều.
Nội dung nghiên cứu của các chuyến khảo sát này rất đa dạng: địa lý, địa chất, thủy văn động lực biển, sinh vật trên đảo, sinh vật dưới biển, tiềm năng khai thác và sử dụng tài nguyên, tiềm năng du lịch, kế hoạch xây dựng các khu dân cư trên đảo và các công trình phục vụ cuộc sống của dân cư...
Bảy chuyến khảo sát quần đảo Hoàng Sa kéo dài từ năm 1925-1953 đã mang lại một kho tư liệu khoa học rất đa dạng và đặc biệt quý hiếm bởi tính khách quan, chân thực của nó. Thông qua các báo cáo, người ta có thể nhận thấy những bằng chứng chủ quyền hiển hiện một cách đương nhiên qua các thao tác khoa học, qua cách xác lập hồ sơ, qua mô tả những hoạt động của các nhà khoa học và cư dân trên quần đảo.
“Ðoàn khảo sát thống nhất đệ trình lên toàn quyền Ðông Dương việc xây dựng ngọn hải đăng ở đảo Hoàng Sa thay vì ở đảo Tri Tôn như dự kiến trước đây... Vào ngày 26-10-1937, tàu Paul Bert và tàu Astrolabe được vận dụng để vận chuyển người và nguyên vật liệu phục vụ công trình xây dựng đèn biển... Ðể phục vụ công trình, 70 tấn vật liệu đã được chuyển ra Hoàng Sa”. Có không ít ghi chép như thế nằm trong các bộ hồ sơ mà người Pháp để lại, ảnh tư liệu về động thực vật, thổ nhưỡng và phong cảnh trên đảo cũng khá phong phú.
Viện Hải dương học đã tổ chức dịch từ tiếng Pháp và biên soạn lại để phổ biến các thông tin khoa học của ngành mình trong phạm vi hẹp. Thật đáng mừng nhưng cũng rất tiếc vì những thông tin quý giá như vậy chưa được phổ biến rộng bởi một NXB “đại chúng” hơn. Hi vọng lần xuất bản tới, NXB Khoa Học Tự Nhiên và Công Nghệ sẽ có thêm những động thái quảng bá để cuốn sách quý này đến với công chúng cả nước và thế giới.
Theo THU HÀ - TTO