Khi môi trường sống thuần phác bị phá vỡ, thậm chí có khu vực bị đô thị hóa quá nhanh, nhanh đến không kịp… thở; kinh tế, xã hội, lối sống… gần như bị đảo lộn, hiện tượng tiêu cực xã hội lâu nay chỉ xuất hiện ở các thành phố lớn đang lây lan đến tận vùng miền hẻo lánh nhất. Cộng đồng dân tộc miền núi đang cần đến tác phẩm văn học hay, đẹp để nhận diện, đẩy lùi cái xấu và xiển dương cái tốt, cái đẹp.
Nhà văn trong cộng đồng cần theo kịp và vượt qua hiện thực nóng hổi kia. Muốn thế, nó cần đến nhiều con người tài năng. Bởi chỉ tài năng mới có thể tìm được phương thức nghệ thuật khả dĩ nhất tác động đến cộng đồng. Vậy, đâu là người tài?
1. Tuyển tập thơ mới nhất tập hợp nhiều giọng điệu khác nhau từ ba thế hệ thơ thuộc nhiều dân tộc thuộc vùng miền khác nhau (Thơ dân tộc và miền núi đầu thế kỷ XXI, 2011). Từ thế hệ thứ nhất thời chống Pháp và chống Mỹ sang thế hệ thứ hai thời hậu chiến và đổi mới cho đến thế hệ thứ ba là thế hệ sinh ra sau khi đất nước thống nhất, đủ cho ta cái nhìn toàn cảnh về khuôn mặt thơ dân tộc thiểu số Việt Nam, hôm qua và hôm nay. Nhìn tổng thể, trong khi ở các tỉnh phía bắc, thế hệ các nhà thơ dân tộc thiểu số nối tiếp nhau cấp tập xuất hiện, mà ở đất Tây Nguyên chỉ nổi lên vài ba người đơn lẻ. Các tài năng văn học khu vực này đang ở đâu? Đó là câu hỏi lớn.
2. Về văn xuôi, mười lăm năm dò dẫm sau đất nước mở cửa, bước sang thế kỷ XXI, văn xuôi dân tộc thiểu số ở các tỉnh phía bắc có những bước tiến nhảy vọt, cả về chất lẫn lượng. Cùng với những nỗ lực cách tân thơ ca của các tên tuổi như Y Phương, Lò Ngân Sủn, Mai Liễu, Dương Thuấn… văn xuôi các dân tộc thiểu số phía bắc đã có chuyển biến lớn từ lối viết cổ truyền sang lối viết vận dụng nhiều yếu tố hiện đại, từ kể sang tả, từ khái quát bề mặt sang phân tích tâm lý chiều sâu, đa dạng và đa diện hơn.
Ở Tây Nguyên và Trung bộ, văn xuôi vẫn nằm trong dòng chảy chung của trào lưu hiện thực xã hội. Truyện ngắn hay tiểu thuyết như thể một thứ bút ký hay ghi chép nâng cấp. Thế nên cảm giác chung khi đọc bút ký hay ghi chép của Y Điêng hay Linh Nga thì thích hơn các truyện dài/ngắn của họ. Còn thế hệ mới như Niê Thanh Mai dù có đôi nét hiện đại đề cập cuộc sống đương thời với tâm thế của con người hôm nay, cũng không nằm ngoài dòng chảy đó.
Các tác giả Chăm có cách viết khác hơn. Khác từ Inrasara cho đến Trà Vigia. Tác phẩm của họ là những chuyện kể mang tính cá nhân, địa phương, tạm bợ trong hoàn cảnh cụ thể; nó không đòi hỏi ở đó một chân lý phổ quát, ổn định và đòi hỏi mọi người tin vào nó. Văn xuôi các tác giả Chăm, sau đó xuất hiện thêm Jalau Anưk, Đồng Chuông Tử, Tuệ Nguyên... Trong khi đó cả vùng Tây Nguyên rộng lớn, chỉ có mỗi Niê Thanh Mai, còn Nam Bộ hoàn toàn là vùng trắng. Tại sao?
3. Nhìn vào thực tế sinh hoạt chữ nghĩa ba vùng miền ở Tây Nguyên, Nam Trung bộ và Nam bộ, đâu là các công trình nghiên cứu về văn học dân tộc của Khmer, Êđê, Giarai, Churu, Bana...? Dù chưa đầy đủ, các sử thi Tây Nguyên đã được sưu tầm, dịch thuật và công bố. Nhưng chúng có đến tay người dân ở làng bản hẻo lánh không? Câu trả lời là không. Và đâu là công trình văn học dân tộc do chính người của cộng đồng làm ra? Nếu chưa có, thì thế hệ sau lấy gì tiếp thu truyền thống để sáng tạo?
Về học ngôn ngữ và văn hóa dân tộc, trong khi vùng đồng bào Khmer và Chăm, con em hai dân tộc này được học tiếng và chữ (trong đó có văn hóa) hết cấp tiểu học; sau đó có nơi còn tổ chức học nâng cao, thì con em dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên - do điều kiện khách quan lẫn chủ quan - ít được hưởng điều này. Mà tiếng, chữ và văn hóa quan hệ máu thịt với việc sáng tác văn chương thế nào, là điều không phải bàn.
Về chất kích thích từ thế hệ nhà văn đi trước, may mắn là mỗi dân tộc đều có đại biểu. Nếu người Khmer Nam bộ có Thanh Pôn, người Chăm Nam Trung bộ có hai khuôn mặt là Inrasara và Trà Vigia, thì đội ngũ thế hệ nhà văn, nhà thơ đi trước ở Tây Nguyên và Trung bộ càng đông hơn nữa: Y Điêng, Kim Nhất, Nga Hơvê, Linh Nga Niêk’ Đam.
Yếu tố cuối cùng, là “đất” cho tài năng văn học đâm chồi và lớn mạnh. Đây là yếu tố mang tính quyết định. Các cây bút trẻ người dân tộc thiểu số sống xa các trung tâm văn hóa lớn, nên ít có điều kiện giao lưu quen biết; điều kiện kinh tế eo hẹp càng không cho phép họ in tập thơ hay truyện ngắn đầu tay; ngay cả việc đăng các sáng tác ở tạp chí văn hóa nghệ thuật địa phương, hay tạp chí Văn hóa dân tộc, cũng không dễ dàng với họ. Nghĩa là điều kiện xuất hiện của các cây bút mới người dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu miền xa gần như là bất khả.
Vậy phải làm gì? Thử nhìn sang cộng đồng Chăm. Đặc san Tagalau ra đời vào mùa Katê năm 2000, sau mười ba kỳ, đã trình làng hàng loạt khuôn mặt văn thơ thuộc nhiều thế hệ cư trú ở nhiều vùng miền khác nhau. Thơ và văn xuôi. Tiếng Chăm lẫn tiếng Việt. Là mảnh đất lành cho thế hệ mới xuất hiện và thể nghiệm. Có thể nói, ở cộng đồng này, việc cho ra đời và giữ phong độ đều đặn của đặc san Tagalau đánh một dấu mốc quyết định trong tiến trình phát triển văn chương tiếng Chăm hiện đại, cũng như việc hội nhập của cây bút người Chăm vào cộng đồng văn chương tiếng Việt nói chung. Quyết định - bởi trước đó, các cây bút người Chăm hoàn toàn không có điều kiện đăng các sáng tác của mình. Tôi nghĩ, tình trạng của các dân tộc khác ở Tây Nguyên và ở Nam bộ cũng không khác gì người Chăm trước đó chưa lâu.
4. Truyền thống và hiện đại, tiếp thu và sáng tạo… là cụm từ xuất hiện thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng, khi đề cập văn chương, hai thập niên qua. Vậy đâu là bản sắc văn học dân tộc thiểu số Việt Nam? Ta chỉ hiểu được bản sắc một cái gì đó khi đặt nó bên cạnh một/những cái khác. Đâu là bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số Việt Nam? Ở phạm vi hẹp hơn, văn học chẳng hạn, đâu là bản sắc, cái khác biệt nổi bật của văn học dân tộc thiểu số khả dĩ làm đa dạng thêm nền văn học đa dân tộc Việt Nam? Văn chương cổ điển, dân tộc thiểu số đã cống hiến nhiều cái khác lạ cho nền văn học đa dân tộc Việt Nam. Sử thi Đam San, Xinh Nhã, Xống chụ xon xao, Đẻ đất đẻ nước, Mo Mường, các Akayet và Ariya Chăm… gần như là nguồn suối vô tận cho thế hệ đi sau “tiếp thu và sáng tạo” nên những tác phẩm mới. Để có đóng góp mới. Nhưng hỏi các thế hệ vừa qua và cả thế hệ hôm nay, chúng ta đã làm được gì với kho tàng trân bảo phong phú kia do ông bà để lại?
Vẫn còn khá khiêm tốn. Khiêm tốn, khi các nhà thơ Tày, Nùng, Chăm, Thái… viết bằng tiếng mẹ đẻ, cả khi thể hiện qua ngôn ngữ phổ thông là tiếng Việt. Giữa bạt ngàn sáng tạo của tổ tiên từ ngàn năm trước, rồi cả thế hệ gần đây, các cây bút dân tộc thiểu số hôm nay đã có nỗ lực nào để “tiếp thu và sáng tạo”? Và đâu là cái tinh túy đầy bản sắc, để các thế hệ tiếp nối dẫu luân lạc đến tận chân trời xa lạ nào, vẫn không thể đánh mất sợi dây kết liên với cuống rốn kia, khi sáng tác?
Vẫn còn là chưa đủ. Có phải để bảo vệ bản sắc, muốn ôm khư khư truyền thống mà các thi sĩ trẻ người dân tộc thiểu số hãi sợ ngó ra ngoài, không dám mạnh bạo đạp tung cánh cửa truyền thống để bước vào thế giới xa lạ mênh mông ngoài kia không? - Ngược lại là khác. Ưu tư, tìm tòi và khám phá lại. Không ít người trong số họ đã dũng mãnh dấn bước trên con đường mù mờ đó. Thế giới thực là ở bên kia hiện thực đời sống ngày qua ngày, một thế giới mới lạ nhiều cuốn hút đòi hỏi phương cách diễn tả lạ biệt. Gom góp để bảo tồn, họ sẽ làm kẻ giữ kho cho cha ông, không hơn. Tiếp thu và sáng tạo. Tiếp thu mình và thiên hạ để làm ra cái mới, cái khác. Khác cái hôm qua.
Giai đoạn qua các nhà văn dân tộc thiểu số đã có những thành tựu nhất định.
Thế nhưng dù gì thì gì, dẫu có phiêu lưu khai phá tới đâu, dẫu cư trú tận đất trời nào, chỉ khi những đứa con tha phương trở về như là trở về, thì mọi truyền thống và hiện đại, tiếp thu và sáng tạo, tiếp nhận tinh hoa thế giới… thôi còn là những cụm từ, mấy khẩu hiệu vô hồn bật ra ở đầu môi chót lưỡi, mất hết sức nặng vốn có của chúng. Chỉ khi đó thôi, thi sĩ mới tìm thấy mình an cư ở Nhà như là nhà mình giữa miền sỏi đá Quê hương.
Theo Inrasara - ĐBND