Tạp chí Sông Hương -
Lý Sơn - 20 năm đảo lại trẻ ra
15:18 | 05/01/2013

Huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi vừa tổ chức kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập huyện đảo (1-1-1993). 20 năm, hòn đảo ngày càng trẻ ra, thêm diện mạo mới, trở thành tiền đồn trên biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

Lý Sơn - 20 năm đảo lại trẻ ra
Đảo Lý Sơn

Dân lao - dân đảo

20 năm trước, mỗi khi thấy đoàn tàu chở các ngư dân huyện đảo Lý Sơn vào đất liền, mọi người lại dùng từ: “Mấy ông dân lao vô đó”. Lao cũng có nghĩa là đảo. Tuy nhiên, dùng từ “lao” khiến hòn đảo này trở nên biệt lập, nghèo nàn và xa ngái.

Ngày đó, con đường ra đảo chỉ 18 hải lý, nhưng ra đảo trên con tàu phành phạch, chòng chành trên sóng với tốc độ rùa. Mệt nhoài, tàu mới ra tới đảo. Chuyện ra đảo du lịch, thăm thú là điều hoang tưởng của một ai đó.

Thời của 20 năm trước, ngư dân Lý Sơn luôn có mái tóc vàng hoe, hệ quả của những ngày ngụp lặn dưới biển, phơi nắng thiêu đốt. Kế đó là nước da đen láng. Tới nỗi người ta hay nói đùa: “Ông mà vào bếp thì không biết đâu mà tìm”.

152 chiếc thuyền của thời thành lập huyện, phần lớn là những con tàu công suất nhỏ, lạch xạch gần bờ. Có được 426 chiếc tàu công suất lớn của ngày hôm nay, đồng thời gắn với cái tên “ngư dân huyện đảo Lý Sơn đi Hoàng Sa, Trường Sa” hoành tráng, những lão ngư đã phải thực hiện bài toán liên kết phần 10 mà đến giờ này đã thấy rõ hiệu quả.

 

Nghèo, vốn liếng ít, cứ 10 ngư dân hùn đóng một chiếc tàu. Trong số đội tàu đánh bắt thành công, ít có con tàu nào đơn phương độc mã sở hữu một người. Sống ở đảo, trước mặt, sau lưng, chỗ nào cũng là biển, bài học đoàn kết trở thành phương châm sống còn.

Mỗi khi muốn đề cập công việc với một con tàu, ông thuyền trưởng thường thông qua hội đồng 10 ngư dân. 10 ngư dân chung sức đấu cật với biển, vật lộn với thiên nhiên, chia sẻ kinh nghiệm đánh bắt.

Chính vì vậy, sản lượng khai thác hải sản của đội tàu Lý Sơn luôn chạm tới chỉ tiêu. Kinh tế phát triển, những ngôi nhà mới mọc lên khang trang. Có nhiều khu nhà nguy nga hơn cả đất liền.

Lý Sơn trở thành điểm du lịch của cả nước. Nể phục dân đảo, cái từ dân lao tự dưng biến mất từ thời nào không ai rõ.

“Tổng sản lượng hải sản đánh bắt năm nay trên 34.000 tấn” - ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn vừa báo tin vui.

Hoàng Sa - Trường Sa

Đối với ngư dân huyện đảo Lý Sơn, phát triển kinh tế biển cũng nhờ sự đột phá và định hướng của nhà nước.

Năm 1984 - khi chưa hết cái thời bao cấp, 4 chiếc thuyền máy công suất lớn (2 chiếc làm nghề lưới chuồn và 2 chiếc làm nghề vây rút chì) tại Lý Sơn được hạ thủy.

Ông Nguyễn Sao ở xã An Hải - Lý Sơn là người cầm càng để “quay” nền kinh tế cho xã đảo. Đây là những con tàu nằm trong dự án đánh bắt xa bờ.

Thời còn tỉnh Nghĩa Bình (Quảng Ngãi và Bình Định), với tầm nhìn của mình, Tỉnh ủy đã “cắm” cho huyện đảo những con tàu đột phát.

Ông Bùi Văn Lịnh (65 tuổi), một trong những thuyền viên đi trên 2 thuyền mang số NB 4859 TS và NB 4860 TS, hồi tưởng: Mỗi ngày tiến đến gần sát đảo Hoàng Sa hơn.

Từ đảo Linh Côn, các ngư dân đã áp sát vào trung tâm quần đảo Hoàng Sa và tự tin đặt chân lên đảo Phú Lâm - một trong những đảo chủ chốt của quần đảo Hoàng Sa...

Không có thiết bị thông tin hiện đại như bây giờ, đối với người thân trong đất liền, họ chỉ biết con tàu mở biển ra Hoàng Sa, khoảng 20 ngày thì quay về đất liền.

Chuyện tiến độ đánh bắt trên biển, hay gặp bão tố người trong bờ chẳng hay biết gì. chiếc tàu nào quá thời gian mà không thấy bóng dáng, đội tàu đó coi như “thôi rồi, đã ở lại với mấy ông Hoàng Sa”. Chuyện hoạn nạn và mất tích xảy ra thường xuyên, nhưng trong bờ đành vô vọng không biết cách gì để cứu.

Đi đánh cá ở Hoàng Sa, các ngư dân quyết định chọn con đường xa hơn để đánh bắt, đó là tiến ra vùng biển Trường Sa của Tổ quốc. Không có định vị, đoàn tàu hành trình men theo bờ biển vào đến phía Nam và bẻ ngoặt ra Trường Sa.

"Chiến hạm" - lá chắn

Sau 20 năm, kinh tế Lý Sơn tăng gấp 11 lần; tiểu thủ công nghiệp tăng gấp 12 lần; tàu thuyền từ 152 chiếc đã tăng lên 426 chiếc với tổng công suất 43.370 mã lực... Trong kế hoạch thực hiện chương trình hành động số 15 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đã xác định: “Xây dựng đảo Lý Sơn là đơn vị tiền tiêu canh giữ bảo vệ chủ quyền biên giới trên biển”.

Kinh tế phát triển, an ninh quốc phòng được chú trọng đầu tư, đảo Lý Sơn trở thành lá chắn, một chiến hạm ở phía Đông của Tổ quốc.

Cơn khát nước trên đảo đã được khắc phục, giờ huyện đảo chỉ còn khát điện. Dịp này, ông Bí thư Huyện ủy Võ Xuân Huyện nhắc lại tin mừng: “Đường cáp ngầm cấp điện cho đảo Lý Sơn dài 26km xuất phát từ cảng Sa Kỳ, cấp điện cho đảo điện áp 22kV, công suất 10MW. Dự kiến thời gian thi công 27 tháng, kinh phí ước tính 320 tỷ đồng”.

Từ một hòn đảo được nhắc đến như hòn lao vắng vẻ u buồn, giờ đảo Lý Sơn đã trở thành điểm đến của người dân cả nước.

Từ những ngư dân da cháy nắng, tóc vàng hoe, giờ chỉ còn gặp những ngư dân vóc dáng lực lưỡng, điều khiển những con tàu trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại.

Từ con tàu già cỗi đưa khách chòng chành ra đảo, giờ được thay bằng con tàu cao tốc 2.000 – 3.000 mã lực. Tỏi Lý Sơn, vốn không tên tuổi giờ đã trở thành sản phẩm đệ nhất tỏi Việt Nam...Đảo ngày càng trẻ hóa về mọi mặt.

Ở huyện đảo Lý Sơn, mọi cái đều thay đổi sau 20 năm. Tuy nhiên, có những điều không hề đổi thay. Ông Nguyễn Thanh Tùng, nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện, từ thầy giáo, trở thành lãnh đạo huyện rồi đến lúc về hưu.

Tuy nhiên, cả hòn đảo này chẳng ai gọi ông Phó Chủ tịch Tùng mà chỉ gọi ông bằng 2 từ “thầy Tùng”.

Tinh thần tôn sư trọng đạo, những giá trị văn hóa truyền thống, tinh thần hải đội Hoàng Sa, dù qua trăm năm cũng không hề thay đổi.

Theo Lê Văn Chương - TPO

 

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng