Tạp chí Sông Hương -
Bầu trời trong giọt nước
10:15 | 07/01/2013

Trong 10 năm trở lại đây, Nhà văn Đặng Thân âm thầm ghi nhận về các đồng nghiệp đáng chú ý trên văn đàn. Và nay, tập sách có cái tên là lạ Dị-nghị-luận Đồng-chân-dung đã ra đời. Với 37 bài viết công phu, bằng thứ ngôn ngữ rất riêng chiếm đến gần 500 trang, cuốn sách hứa hẹn một cuộc tranh luận.

Bầu trời trong giọt nước

Thoạt nhìn, Dị-nghị-luận Đồng-chân-dung NXB Hội Nhà văn và ThaihaBook 2013 người ta có cảm tưởng rằng, cuốn sách có hai phần chính, riêng biệt, là nghị-luận và chân-dung, còn chữ đồng, dị chẳng qua chỉ là cái thú chơi chữ, vốn rậm rì, của Đặng Thân.

Nhưng, đọc vào rồi thì thấy hình như không phải như vậy. Dị-nghị-luận, là một thứ nghị luận khác, khác với những gì đã trở thành định kiến, nhất phiến, rắn đặc. Còn đồng-chân-dung thì, tuy viết về một chân dung, nhưng lại cứ lẩn khuất nhiều chân dung, của người khác đã đành, mà còn của chính người đó.

Hơn nữa, cắc cớ hơn, nghị luận và chân dung lại hòa trộn vào nhau: trong nghị luận có chân dung, trong chân dung có nghị luận, tạo ra sự bội trùng những mắt lưới giăng mắc vào nhau.

Đó là lối-viết-Đặng-Thân. Một lối viết không triển khai dọc theo chiều liên kết, kế tiếp, mà mở rộng theo chiều lựa chọn bởi những trích dẫn, bình luận ngoại đề, danh ngôn Đông Tây kim cổ, những quy chiếu về thực tại sống sít.
Nó làm cho long mạch văn bản cứ tưởng như bị chặt đứt, rời ra thành những mảnh, đoạn. Thế là người đọc ăn sẵn ở ta hoặc tự mình phải nhọc công ghép lấy một con rồng hoàn chỉnh cho mình, hoặc cứ để cho hình tượng long ẩn tự hình thành ở mỗi mảnh đoạn. Như vậy, ở lối viết này, bầu trời với tư cách là cái tổng thể, không nằm ở đại dương mà trong giọt nước.

Mỗi chân-dung-nghị-luận hoặc nghị-luận-chân-dung của Đặng Thân là một giọt nước. Nhưng được viết với lối đặc tả. Nghĩa là, tóm lấy một điểm cốt yếu, miêu tả và diễn giải nó ra. Thế là hình thành một lịch sử chân dung. Mà mỗi chân dung thì có một lịch sử riêng.

Cả cuốn sách, vì thế, là những lịch sử, lịch sử số nhiều. Các lịch sử này vừa tồn tại song song, vừa xoắn luyến vào nhau tạo thành một thế giới đa chiều kích, đa giọng điệu. Nó là một cái nhìn khác của Đặng Thân so với 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần], nhưng lại là một diễn giải cùng cho thứ chân-dung-đồng-dị-Đặng-Thân.

Tuy vậy, quyển sách của Đặng Thân không kén đọc, mà là một cuốn sách cho mọi người. Bởi lẽ, ai cũng tìm thấy trong sách một điều gì đấy của mình và cho mình. Hay, ít nhất, nó cũng hấp dẫn người ta ở một văn phong độc đáo, sôi nổi và ít nhiều khiêu khích.

Theo Đỗ Lai Thúy - TPO

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng