Tạp chí Sông Hương -
Ánh nhìn chéo về truyền thống lễ hội Việt – Pháp
16:42 | 10/01/2013

Trưng bày Ánh nhìn chéo: Truyền thống lễ hội Val-de-Marne và Yên Bái tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam giúp người xem tiếp cận sự đối thoại và cộng hưởng thú vị giữa những nền văn hóa khác nhau ở hai nơi rất xa nhau: Val-de-Marne - một tỉnh không xa Thủ đô Paris của Pháp, và Yên Bái - một tỉnh miền núi Tây Bắc của Việt Nam.

Ánh nhìn chéo về truyền thống lễ hội Việt – Pháp

Yên Bái nằm ở vị trí giao thoa giữa 2 vùng Đông Bắc và Tây Bắc Việt Nam, nơi sinh tụ của 30 dân tộc, trong đó người Kinh chiếm hơn nửa dân số, còn lại là các tộc người Thái, Tày, Dao, Cao Lan, Xa Phó, Mông... Sự phong phú của các tộc người khiến cho Yên Bái lưu giữ, bảo tồn được trên 30 lễ hội truyền thống mang đậm nét văn hóa cộng đồng như: lễ hội cầu mùa, cầu mưa (dân tộc Thái); lễ hội gầu tào (dân tộc Mông); lễ tết nhảy (dân tộc Dao); lễ hội lồng tồng (dân tộc Tày); lễ hội cầu an (dân tộc Nùng)... Các lễ hội truyền thống của Yên Bái diễn ra quanh năm, đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của nhân dân và khách tham quan. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Phạm Duy Cường, nhận thấy điểm mạnh này, ngay từ năm 1998, tỉnh đã phối hợp với các địa phương và một số nước trên thế giới để truyền bá văn hóa lễ hội, đáng chú ý nhất là sự phối hợp giữa tỉnh Yên Bái và tỉnh Val-de-Marne tổ chức trưng bày về truyền thống lễ hội. Xét về vị trí địa lý, Yên Bái và Val-de-Marne mặc dù cách xa nhau nhưng vẫn tìm thấy nhiều điểm tương đồng trong văn hóa lễ hội. Bên cạnh đó, mỗi tỉnh lại có lễ hội mang sắc thái riêng. Đặc biệt, các lễ hội của cả 2 tỉnh đều có sức sống mãnh liệt, yếu tố tâm linh thành kính, thể hiện khát vọng của con người hướng tới chân, thiện, mỹ...

Là người có nhiều trải nghiệm ấn tượng trong quá trình điền dã tại các lễ hội của 2 tỉnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Yên Bái Nguyễn Đức Hợp cho biết, khác với cách trình bày mà người xem đã khá quen thuộc là giới thiệu các lễ hội truyền thống, trưng bày Ánh nhìn chéo nhấn mạnh truyền thống lễ hội, từ quan niệm, mục đích, ý nghĩa đến diễn trình các lễ hội của cư dân ở Val-de-Marne cũng như của người Thái, Tày, Việt, Khơ mú, Mông... ở Yên Bái. Người xem dễ tiếp cận sự đối thoại và cộng hưởng thú vị giữa những nền văn hóa khác nhau ở hai nơi rất xa nhau. Những tương đồng tại các lễ hội 2 tỉnh không phải quá khó để cảm nhận. Đó là tính chung: coi trọng yếu tố nước, coi trọng thiên nhiên và nhịp điệu chuyển đổi của thiên nhiên, coi trọng phụ nữ - chủ thể sinh sản và phát triển nhưng cũng là đối tượng dễ bị tổn thương; chú trọng khuyến khích thế hệ trẻ trân trọng những sản vật của tự nhiên và của con người... Nếu như các lễ hội ở Val-de-Marne ngày nay mang nhiều yếu tố giải trí để phù hợp với bối cảnh đô thị hiện đại, và nhiều lễ hội chỉ còn trong hồi ức, hoài niệm, thì các lễ hội ở Yên Bái mang đậm nét tín ngưỡng, bên cạnh những hoạt động vui chơi. Đặc biệt, nhiều lễ hội của các cộng đồng cư dân Yên Bái được hình thành từ rất lâu đời, qua nhiều thế hệ được bảo tồn, phát triển và nâng cao trở thành một trong những hoạt động đáp ứng nhu cầu giải trí và sáng tạo trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật.

Vào mùa xuân và mùa hè ở Val-de-Marne, người Pháp có lễ hội hoa huệ chuông, lễ hội bò béo, lễ hội Saint-Jean, lễ hội hóa trang, lễ hội hoa. Ở Yên Bái, nhiều lễ hội đánh dấu sự chuyển mùa được người Tày, Thái, Mường, Việt, Khơ mú tổ chức vào mùa xuân, hè hoặc thu, với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh và vật nuôi phát triển: hội lồng tồng của người Tày, lễ cầu mùa của người Khơ mú, lễ mở cửa rừng của người Mường, tết síp xí của người Thái... Ở Val-de-Marne có hội thi câu cá, lễ hội thuyền hoa, lễ hội nước, thi bơi, đấu giáo trên sông... thì Yên Bái có đua thuyền ở lễ hội đền Nam Cường, lễ hội đình Khả Lĩnh với nghi thức rước nước trang trọng. Với ý nghĩa tôn vinh phụ nữ, ở Val-de-Marne có lễ hội bà mẹ đông con, lễ hội phụ nữ đảm đang, cuộc thi Hoàng hậu sông Marne và Hoa hậu quán rượu bờ sông; người dân ở Yên Bái có lễ rước Mẫu đền Đông Cuông, lễ Vu lan của người Việt. Với trẻ em và thanh niên, Val-de-Marne có lễ hội trường học, lễ hội trẻ em...; Yên Bái có Tết Trung thu, lễ cấp sắc của người Dao... Trân trọng những sản vật của mình, Val-de-Marne có lễ hội mùa gặt, lễ hội hái nho, lễ hội người trồng rau, lễ hội lợn, lễ hội hoa phong lan...; Yên Bái có lễ hội cây chè của người Mông ở Suối Giàng, lễ cơm mới của người Thái...

Có những lễ hội đã thuộc về quá khứ, có những lễ hội đương đại nhưng có mối liên hệ sâu xa với quá khứ, cũng có những lễ hội thuần túy chỉ thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí và lễ hội cũng có những sự biến đổi, thích nghi... Nhưng dễ thấy rằng: cho dù ở đâu và trong bất kỳ bối cảnh nào, truyền thống lễ hội của các cộng đồng cư dân luôn có sức sống bền bỉ và đó là một phần quan trọng trong văn hóa ở mỗi xứ sở. Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Gs, Ts Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, với Ánh nhìn chéo, các dân tộc ở 2 tỉnh nói riêng và 2 đất nước nói chung sẽ hiểu hơn về nền văn hóa đặc sắc và phong phú của 2 quốc gia, châu lục. So sánh những điểm tương đồng và khác biệt của hai vùng văn hóa cách xa nhau càng giúp chúng ta thấy rõ hơn tầm quan trọng của vấn đề bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa, hướng tới phát triển bền vững.

Theo Hương Sen - TPO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng