Tạp chí Sông Hương -
Nhạc sĩ Minh Quang: Về một thời không thể lãng quên
10:17 | 11/01/2013

Người nhạc sĩ ấy dáng dấp nhỏ bé, ở đâu cũng như chực lẫn vào đám đông bởi sự giản dị. Nhưng ông là người hóm hỉnh và hiểu biết. Ít phát ngôn, kiệm lời, dù cả đời ông đã cống hiến cho âm nhạc, cho quân đội trong vai trò một người nghệ sĩ.

Nhạc sĩ Minh Quang: Về một thời không thể lãng quên

Nhiều người thậm chí nghe tên ông còn thấy có chút gì xa lạ, nhưng khi ai đó kể tên những ca khúc nổi tiếng của ông như “Sông Lô chiều cuối năm”, “Cây đàn ghita một dây”, “Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp - sa - ra”, “Hoa sim biên giới”, “Chiếc lá nhỏ”, “Hoa ban”, “Bài ca biển”...thì giật mình. Té ra cái ông nhạc sĩ thường đi về bận rộn trên con “phố nhà binh” ấy lại là người viết không ít nhạc phẩm làm xao động trái tim người nghe không chỉ của một thời. Minh Quang, người nhạc sĩ quân đội mà chúng ta sẽ trò chuyện trong bài viết này, vừa vinh dự được nhận giải thưởng Nhà nước cho những đóng góp giá trị của ông ở lĩnh vực âm nhạc.

Tháng 12, tháng có ngày kỷ niệm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, cũng là thời điểm sắp sửa khép lại một năm đã qua. Trong chiều cuối năm nghe Minh Quang trò chuyện, lại nhắc về một bài hát của ông rất ám ảnh tâm trí tôi, bài hát Sông Lô chiều cuối năm với những lời ca da diết: “Sông Lô chiều cuối năm/ Bất chợt gặp câu thơ/ Ai bỏ quên giữa dòng/ Câu thơ nói về một người con gái/ Bao năm tháng chờ đợi người lính ấy/ Sao mãi không về....”.Nghe và chợt thấy như mình đã bỏ lại hết phố phường đằng sau, để lòng bâng khuâng trong một không gian đẹp và buồn của âm nhạc, của mối tình dang dở giữa người lính Vệ quốc đoàn và cô thôn nữ trên bến sông xưa.

Minh Quang bảo, khi nghe lại bài hát, nhất là vào những ngày cuối năm, ông cũng thấy lòng chộn rộn khó tả. Tưởng như bao nhiêu nỗi hoài cảm về đời sống, cũng như những ký ức về thời chiến tranh vốn bị mờ đi trong cả năm bởi những bề bộn cơm áo lại thức dậy mạnh mẽ. Minh Quang đã viết ca khúc này hơn 20 năm về trước, với niềm cảm xúc dạt dào về dòng sông mang trong lòng bao nhiêu huyền thoại. Đó cũng là sự tri ân của người nhạc sĩ với những kỳ tích mà cha ông đã tạo ra, những hy sinh thầm lặng của biết bao người cho ngày chiến thắng của dân tộc.

Thời trẻ, Minh Quang từng là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị rồi Đoàn nghệ thuật Quân chủng Hải Quân. Giọng hát Minh Quang đã làm say lòng đồng bào chiến sĩ ở khắp các vùng biên giới, hải đảo Tổ quốc trong những năm 70 của thế kỷ XX. Năm 1973 Minh Quang là nghệ sĩ được đi theo Phái đoàn liên hợp quân sự bốn bên biểu diễn ở đại sứ quán của 4 nước tại Thành phố Hồ Chí Minh. Một tờ báo ở Paris, sau sự kiện đó đã bình luận: “Việt Cộng không chỉ chiến đấu giỏi mà còn hát rất hay”. Những chuyến đi biểu diễn cho Minh Quang nhiều cảm nhận đặc biệt về người lính, rồi ông nhận ra hơn cả việc hát, là nhu cầu được viết. Bài hát Hoa sim biên giới là thành công đầu tiên của Minh Quang trong vai trò người nhạc sĩ. Ngay từ khi ra đời, Hoa sim biên giới đã được phổ biến rộng rãi và rất được công chúng, đặc biệt là những người lính yêu thích”.

Sau Hoa sim biên giới là hàng loạt ca khúc làm nên tên tuổi của một Minh Quang nhạc sĩ, như: Cây đàn ghita một dây, Anh lính tình nguyện và điệu múa Áp - sa - ra, Hoa ban, Chiếc lá nhỏ, Bài ca biển, Sông Lô chiều cuối năm... Những bài hát phần lớn được ra đời sau những chuyến đi, vừa giống như những trang nhật ký, vừa giống như những lời thầm thì cất lên từ trái tim một người nghệ sĩ đã nếm trải mọi khó khăn, gian khổ và vinh quang của đời lính. Không phải tại thời điểm những bài hát này ra đời, không phải tại thời điểm đất nước có chiến tranh, giặc giã, mà ngay cả thời bình hôm nay, nếu bạn đến các đơn vị bộ đội, bạn sẽ thấy những ca khúc này vẫn luôn nằm trên môi những người lính, trong những đêm văn nghệ, hội diễn, và ngay cả lúc tập luyện trên thao trường.

Riêng Cây đàn ghita một dây có thể được xem như là ca khúc “độc quyền” của những người lính nơi hải đảo. Nó lúc nào cũng gắn liền với hình ảnh người lính trong quân phục hải quân ôm cây đàn ngồi hát giữa mênh mông biển trời nơi đảo xa. Như biểu tượng của sự lãng mạn và tình yêu Tổ quốc, lòng quyết tâm giữ gìn bình yên vùng biển đảo Tổ quốc của người lính biển. Cây đàn ghi ta một dây được Minh Quang viết trong một lần ra đảo, bắt gặp những người lính đang say sưa văn nghệ với “nhạc cụ” là nồi, niêu, xoong, chảo và duy nhất cây đàn ghi ta chỉ còn một dây. Bắt được cái tứ ấy, lập tức giai điệu của bài hát ngân lên: “Chỉ lính đảo xa mới có/ Đàn ghi ta một dây/ Chỉ lính đảo xa mới hát/ Đàn ghita một dây/ Hát cho hoàng hôn xuống/ Hát cho mặt trời lên...”.

Nói về những chuyến đi, Minh Quang chia sẻ: “Tôi luôn nghĩ rằng nếu mình viết về người lính mà không đi để gặp họ, chứng kiến những hy sinh, gian khổ của họ, thì tình cảm của mình có khi là sáo rỗng. Sự ân tình của đồng đội những nơi mình đến chính là nguồn cảm hứng mạnh mẽ cho mình viết. Nụ cười rạng rỡ của đồng đội lúc đón mình, hay ánh mắt lưu luyến lúc tiễn đưa là điều mà mình luôn cảm thấy “mắc nợ”. Một tiếng còi tàu rúc lên trên bến cảng buổi chiều cũng cho mình một nỗi bâng khuâng. Hay những ngày lênh đênh trên biển, giữa mênh mông trời nước gợi cho mình nhiều suy ngẫm về con người, về đời sống, về dân tộc. Và những người lính mà mình gặp nơi nhà giàn, những hy sinh của họ mình đã từng chứng kiến, chính là biểu hiện cao nhất về tình yêu và niềm tự hào dân tộc. Viết là cách để nhắc nhở với chính mình, với hôm nay, rằng chúng ta không bao giờ được lãng quên những con người đã hiến dâng tuổi xuân, xương máu của mình cho Tổ quốc...”.

Gần 40 năm làm âm nhạc trong màu áo lính, Minh Quang đã viết về tất cả các quân chủng, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng như Hải quân, Pháo binh, Bộ binh, Đặc công, Tăng thiết giáp... Ông cũng “ba cùng” với anh em bộ đội chiến sĩ ở tất cả các binh chủng này, để hiểu về họ, chia sẻ những nhọc nhằn với họ. Minh Quang đến binh chủng nào cũng được chỉ huy, cán bộ chiến sĩ ở đó xem như người nhà. Đối với Minh Quang, đó thực sự là một phần thưởng.

Chiến tranh đã là quá khứ gần nửa thế kỷ. Nhạc sĩ Minh Quang tự thấy mình may mắn vì được làm nghệ thuật trong một thời dẫu là khó khăn, nhưng là thời “không thể lãng quên” của dân tộc. Về lại thời bình, những người nghệ sĩ như Minh Quang có thể đã nhập vào một cuộc sống mới, kể những câu chuyện mới trong âm nhạc. Minh Quang cũng không ngoài dòng chảy ấy. Ông tiếp cận đời sống, không để mình lạc hậu. Ông trân trọng, giúp đỡ những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ.

Ngay ở thời điểm thị trường nhạc trẻ nhốn nháo, xô bồ nhất, ông vẫn luôn nhận xét một cách bình tĩnh, như một người hiểu rõ các xu hướng thời trang trong âm nhạc. Ông tin rằng những rác rưởi, như quy luật của sự phát triển, sẽ dần dần mất đi mà chúng ta không cần quá sốt ruột. Những gì giá trị sẽ còn lại.

Và hôm nay đây ngồi trò chuyện với ông, nhắc lại lời nhận xét năm nào, ông bảo: “Đã bớt lộn xộn trong nhạc trẻ rồi đấy. Công chúng và các nghệ sĩ đã bắt đầu tìm đến những giá trị thật. Cứ xem, Tùng Dương cover lại bài hát cũ Chiếc khăn piêu mà luôn đứng đầu danh sách bình chọn “Bài hát yêu thích” trong nhiều tháng qua để thấy, người ta đã ngán ngẩm những thứ âm nhạc hổ lốn, nhất thời, xủng xẻng ngôn từ, trống rỗng cảm xúc rồi...”.

Vì sao hôm nay chúng ta không có nhiều bài hát hay về đề tài quân đội và người lính, như thời chiến tranh? Băn khoăn này được Minh Quang giải đáp: “Nguyên nhân nằm ở chỗ, những người sáng tác không có những chuyến đi thực tế để hiểu về bộ đội thời bình. Những người nghệ sĩ hôm nay gần như không biết người lính nơi hải đảo, biên giới họ đang làm gì, tâm tư nguyện vọng của họ là gì. Tôi xin nói rằng, khi đời sống càng phát triển, đô thị hóa càng nhanh, vật chất càng dồi dào thì sự hy sinh của người lính càng lớn. Họ cầm súng đứng gác ở những nơi mà dù cho đất nước hòa bình rồi thì nguy cơ chiến tranh vẫn có thể xảy ra, máu có thể vẫn đổ. Kẻ thù chưa khi nào nguôi rình rập mảnh đất xương máu của cha ông chúng ta. Họ dầm trong mưa rét, sương giá và đối diện cái chết để đồng bào mình yên tâm lao động, sản xuất, kinh doanh, làm giàu. Không đi và chứng kiến, không viết về những hy sinh ấy của người lính hôm nay là chúng ta có lỗi với họ...Tôi nghĩ, quân đội cần phải tổ chức nhiều hơn những chuyến đi thực tế cho người nghệ sĩ, mở các cuộc vận động sáng tác về đề tài người lính thì chúng ta chắc chắn sẽ có nhiều ca khúc hay về đề tài này”.

Hỏi Minh Quang, ông sẽ còn tiếp tục sáng tác về đề tài người lính chứ. Câu trả lời của ông khiến ta không khỏi ngạc nhiên và suy ngẫm: “Tôi nghĩ ở một chừng mực nào đó, khái niệm người lính hôm nay cũng cần được hiểu rộng hơn. Đó không chỉ là những người cầm súng nơi biên giới, hải đảo, mà đó còn là những con người đang miệt mài lao động để tạo ra của cải vật chất cho xã hội, đất nước. Những người công nhân giỏi, những người nông dân sáng tạo, những người doanh nhân làm giàu cho xã hội cũng chính là những anh hùng trên mặt trận xây dựng đất nước. Họ rất cần được ngợi ca. Nhưng hãy nhìn xem, lâu lắm rồi chúng ta không còn được thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật về chủ đề này. Nếu tôi viết về một ông giám đốc doanh nghiệp, người tạo công ăn việc làm cho hàng vạn công nhân, đóng góp tiền của cho cộng đồng, đóng thuế cho nhà nước, chia sẻ với người nghèo trong xã hội thì rất có thể người ta sẽ hiểu tôi PR cho ông này. Không ở đâu muốn phát sóng bài hát của tôi. Họ thà phát sóng những bài hát tình ái nhạt nhẽo, ngôn từ thảm họa còn hơn. Chúng ta đã tạo ra một lối nghĩ, lối tư duy thực dụng như vậy để “dè chừng” với người nghệ sĩ. Tất nhiên ở đâu đó còn có chuyện ăn tiền để viết ngợi ca. Nhưng đó chỉ là số ít. Những người tài giỏi thực sự, đóng góp nhiều cho xã hội tại sao lại không thể trở thành đề tài của âm nhạc, tại sao lại không thể phổ biến trong công chúng và tạo ra sức lan tỏa để động viên, khuyến khích, khơi gợi cảm hứng cho lớp trẻ? Yêu thương một con người cụ thể, một điều gì đó cụ thể bao giờ cũng tốt hơn nói những điều chung chung. Trong nghệ thuật hay âm nhạc cũng vậy thôi. Nói yêu quê hương đất nước thì dễ, nhưng yêu thương trân trọng từng con người cụ thể mới là khó...”.

Với nhạc sĩ Minh Quang, cảm hứng chủ đạo trong các sáng tác của ông luôn là cảm hứng về quê hương, đất nước. Ông ít viết về tình cảm lứa đôi, những câu chuyện cá nhân vụn vặt. Ông hay nói về tâm trạng của người trí thức trước những biến đổi thời cuộc và trước vận mệnh của dân tộc. Tâm thế ấy của Minh Quang dễ hiểu, vì ông đã từng là một người lính. Những người lính thường ít nghĩ cho bản thân mình, luôn cho đi mà không cần nhận lại. Ca khúc mới nhất của Minh Quang được viết bằng tâm sự của một người công dân yêu nước, trong những ngày “sự kiện biển Đông” nóng trên các phương tiện truyền thông.  Nó có tựa đề: Nước tôi, với phần lời thấm thía, như nhắc nhở các thế hệ tương lai về chủ quyền dân tộc: “Nước tôi thăng trầm thịnh suy binh đao trận mạc/ Nước tôi thắng giặc hoàn gươm thơ nghiêng Văn Miếu/ Nước tôi giặc tan Thánh Gióng về trời/ Yên thư tuyệt nhiên định phận Nam quốc sơn hà/ Nước tôi lòng sông man mác bờ tre/ Chiều nghe tiếng sáo đồng quê/ Nước tôi địa linh sinh những anh hùng/ Biết yêu thương và biết căm thù/ Ngàn năm trăm năm nước tôi...”

Theo Bình Nguyên Trang - ANTG

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng