Tạp chí Sông Hương -
Khi nhà văn không chịu làm...độc giả
09:54 | 16/01/2013

Thi thoảng trên báo chí, chúng ta lại bắt gặp những bài viết rôm rả bàn luận, góp ý nhằm "nâng cao chất lượng sáng tác cho cả một nền văn học", với những kỳ vọng rất... vĩ đại, trong khi có một điều giản dị nhưng thiết thực, là làm sao để con người trong cuộc sống đương đại không từ bỏ thói quen đọc sách, thì lại ít được các tác giả chú ý đề cập.

Khi nhà văn không chịu làm...độc giả

Theo tôi, đối với những người viết văn, đây là một điều tối cần thiết, bởi như ai đó nhận xét, đến nhà văn lớn cũng cần lời động viên nhỏ. Một vị tướng sẽ mất "uy" nếu không có những người lính "tiền hô hậu ủng"; một nhà văn sẽ trở nên vô vị nếu sách mình in ra không có người đọc. Nhưng thực tình, cùng nghiêm khắc nhìn lại, độc giả của chúng ta hiện nay ở đâu? ở đâu, nếu như chính chúng ta, những người viết còn chẳng tha thiết với việc đọc sách của nhau? Thậm chí, mang danh là người cầm bút, mà đến những cuốn sách thuộc hàng kinh điển, có thể xếp vào danh mục "sách của mọi nhà" cũng không buồn đọc, thì hy vọng gì tới những độc giả suốt ngày phải đầu tắt mặt tối lo việc mưu sinh?

Còn nhớ trước đây, trong những năm tháng chiến tranh, một nhà văn thuộc hàng  lãnh đạo của Hội Nhà văn Việt Nam đã đọc diễn văn khẳng định mạnh mẽ rằng, nền văn học của chúng ta là một nền văn học lớn, chẳng thua kém bất cứ nền văn học nào trên thế giới. Vậy nhưng đi vào tìm hiểu, tôi lại được biết, bình sinh vị này rất ít đọc sách của các tác giả trong nước. Tôi từng được nghe con trai của nhà văn nọ kể: Bấy giờ là vào thập niên 80 (của thế kỷ XX), tiểu thuyết "Cù lao Chàm" của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ra đời, gây xôn xao dư luận bạn đọc cả nước. Một cuộc hội thảo được tổ chức xoay quanh sự kiện này.

Là một trong những người được mời tham gia phát biểu, song chỉ đến trước thời điểm diễn ra hội thảo chừng một tiếng, ông nhà văn nọ mới lật giở xem qua vài trang của cuốn tiểu thuyết. Vậy mà, khi vào hội thảo, nghe ông phát biểu một cách say sưa, hùng hồn, ai cũng tin là ông đã nghiền ngẫm cuốn sách này rất kỹ, và ngay từ lúc cuốn sách… mới ra đời. Riêng người con trai của ông nhà văn thì tự hào cho rằng bố mình có "ăngten" rất thính nhạy, chỉ qua một vài ý kiến đề dẫn, ông đã nắm bắt được những đặc điểm cơ bản của cuốn sách. Cũng có người biết thực hư câu chuyện lại cho rằng, sở dĩ những người nhận thấy phát biểu của ông nhà văn nọ là "sâu sắc" là bởi rất có thể họ cũng như ông, chỉ đọc cuốn sách một cách lớt chớt mà thôi.

Trước đây, trong một bài viết, tôi từng nhắc tới chuyện sau khi nhà văn Nguyễn Khải tạ thế, có cây bút viết bài phúng viếng ông, đã nói mình rất tâm đắc với tiểu thuyết "Mùa lạc" của Nguyễn Khải (trong khi Nguyễn Khải không có cuốn "tiểu thuyết" nào như vậy, mà chỉ có một truyện ngắn lấy tên "Mùa lạc" từng được đưa vào giảng dạy trong nhà trường). Và tôi đã viết lại rằng, ý kiến đó khiến tôi "ngờ ngợ", không rõ người viết có thực đọc tác phẩm nói trên của nhà văn Nguyễn Khải không? Gần đây, đọc những bài viết có tính phúng viếng nhà văn Băng Sơn, tôi cũng "ngờ ngợ" không rõ các tác giả viết về ông với những nhận định chắc nịch kia có đọc những cuốn sách mà họ đề cập tới? Bởi nếu đọc, chắc họ không thể nhắc nhầm cuốn sách mang tên "360 phố phường Hà Nội" của Băng Sơn ra thành "Hà Nội 36 phố phường" (gần trùng với tên cuốn sách "Hà Nội băm sáu phố phường" của Thạch Lam) được.

Cũng vậy, cách đây hơn tháng, trên báo điện VietNamnet, tôi được đọc bài viết có cái tiêu đề khá to tát "Tại sao văn học Việt chưa có tác phẩm đỉnh cao?". Tôi đọc và càng tin (cũng như thêm hiểu vì sao) văn học Việt Nam "chưa có tác phẩm đỉnh cao" thật, bởi trong bài viết, nữ tác giả sau khi chê trách nền văn học chúng ta không có được những "đỉnh cao" nghệ thuật như một số kiệt tác của văn học hai nước Nga, Trung Quốc, đã dẫn ra tên một số cuốn, và cuốn của nhà văn Nga Bulgacov được tác giả này dẫn ra là "Nghệ nhân Maraghita" (đúng ra phải là "Nghệ nhân và Magrarita"). Chỉ nội một cái tên mà sai đến hai lỗi vậy, tôi ngờ rằng tác giả nhắc mà chưa đọc cuốn sách. Bởi đọc thì sẽ thấy, nghệ nhân và Magrarita là hai nhân vật khác nhau, một nam một nữ, chứ không có nghệ nhân nào tên là Maraghita cả.

Chưa hết, vừa rồi, đọc ý kiến của một nhà văn bình luận về truyện ngắn "Lỏng và tuột" của nhà văn Trần Đức Tiến (được tải trên trang web của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn), tôi thấy nhà văn này mấy lần nhắc tới tác phẩm "Đi về nơi hoang vắng" của nhà văn Nhật Tuấn và tấm tắc cho rằng, tác phẩm này còn "trên cả "Nỗi buồn chiến tranh" và "Thời xa vắng" bởi chiều sâu tư duy, tầm cao tư tưởng và sự tinh tế trong nghệ thuật ẩn dụ". Tôi cũng "ngờ ngợ" không rõ, với những nhận xét trên, nhà văn nọ có thực đọc (và đọc kỹ) cuốn sách của nhà văn Nhật Tuấn không, bởi - theo như tôi biết (và một độc giả khác lên tiếng nhận xét sau đó) thì nhà văn Nhật Tuấn không có cuốn nào là cuốn "Đi về nơi hoang vắng" cả, mà chỉ có cuốn "Đi về nơi hoang dã". Bạn đọc này nhận xét thật dí dỏm: "Trời ơi, hoang dã so với hoang vắng thì lùi xa về tiền sử tới cả triệu năm".    

Nhiều dẫn dụ xung quanh việc đọc của các nhà văn vô tình lại làm tôi nhớ tới lần một tác giả người Việt, nhân nhắc tới tên tuổi nhà văn Anh gốc ấn Độ Salman Rushdie đã gọi cuốn tiểu thuyết "Những vần thơ của quỷ Satan" của ông là một... tập thơ. Có lẽ vì nghe cái tiêu đề "Những vần thơ...", mà tác giả quy cho nó là... thơ chăng?

Trước cuộc sống có tốc độ phát triển chóng mặt như hiện nay, nhiều người viện dẫn  lý do "thiếu thời giờ" để biện giải cho việc ít đọc sách của mình. Kỳ thực, như nhà văn Tô Hoài có lần thổ lộ với tôi (khi tôi thể hiện sự thán phục trước sức viết, sức đọc của lão nhà văn), rằng thì "Con người ta thích chơi chứ mấy ai thích... viết, thích... đọc. Vả lại, chơi mới tốn thời gian chứ viết, chứ đọc thì tốn mấy...". Tôi cho rằng ý kiến này không phải không có cơ sở. Thì trong thực tế, chúng ta chẳng từng chứng kiến những chuyện rất chi là "nghịch cảnh": Thân nhau, quý nhau, có thể rủ rê nhau đi hết quán này quán khác, nhậu nhẹt tưng bừng, nói cười rổn rảng; rồi mỗi dịp hội họp thì tay bắt mặt mừng, hỉ hả tào lao với nhau đủ chuyện trên trời dưới đất, song thử hỏi có được bao nhiêu người trong số ấy ta có thể kể tên chính xác một vài tác phẩm (hoặc đặc điểm cơ bản) trong đời sáng tác của họ, dù rằng sách họ in ra, ta đều được biếu, tặng? Lẽ nào việc chơi, việc nhậu thì "thoải mái vô tư", mà để dành một chút thời gian cho việc đọc nhau lại khó đến vậy sao?

Nói tới đây, bất giác tôi lại nhớ tới chuyện xảy ra với một lão nhà văn nọ. Ông là một nhà văn có thâm niên trong quân ngũ, từng tham gia các chiến dịch lớn từ thời chống Pháp tới chống Mỹ. Sách ông được in dày cả... mét, dễ tới dăm bảy chục cuốn. Vậy mà, tại một cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Thành ủy Hà Nội và các văn nghệ sĩ thủ đô lần ấy, ông đã phải bức xúc lên tiếng "tố cáo" một ủy viên BCH Hội Nhà văn về việc ông tặng sách vị này tới hơn một năm, song "vừa rồi hỏi lại thì vị nói vẫn chưa bố trí được thời gian để... đọc". Kết luận vấn đề, nhà văn nọ đề nghị Thành ủy Hà Nội phải có biện pháp "mạnh" với những người mà ông cho là "khoác áo nhà văn nhưng lại bàng quan với văn học".

Mặc dù rất đồng cảm với nỗi niềm của lão nhà văn, nhưng tôi hiểu, bức xúc thì bức xúc thế thôi, một khi ai đó đã không chịu đọc thì ta cũng chẳng cách nào buộc họ làm khác được. Thậm chí, có nhà văn còn phát biểu trắng trợn: "Tôi chẳng hơi đâu chịu mất thời gian để đọc những tác phẩm mới ra lò, chưa rõ giá trị thế nào. Thà làm trò thằng khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Cứ chọn tác phẩm đoạt giải Nobel mà đọc". Một tác giả khác thì mềm mại hơn: "Mỗi lần đọc trang sách hay của một tác giả nào đó, tôi lại thèm viết vô cùng. Những lúc đó tôi tự trách mình: Sao không đầu tư nhiều thời gian hơn nữa cho việc sáng tác. Thế là, tôi bỏ ngay cuốn sách đang đọc dở ấy xuống, và lao vào viết". Từ những dẫn dụ trên, ta có thể thấy rằng, không phải cứ tặng sách cho các nhà văn là ta có thể yên tâm đã tìm được người đọc tâm đắc. Theo chỗ tôi biết, nhiều người khi mới theo mộng văn chương đã đọc một lượng sách lớn hơn rất nhiều khi họ trở thành một nhà văn danh tiếng.

Cổ nhân từng nói "bể học mông mênh", không ai có thể tự tin vỗ ngực rằng mình cái gì cũng biết. Cũng vậy, số lượng sách mà một đời người có thể đọc hết so với "túi khôn nhân loại" chắc chắn cũng chỉ như muối bỏ bể. Song vấn đề là khi đưa ra ý kiến về một tác giả, tác phẩm nào đó thì phải trên cơ sở "kỷ luật phát ngôn", nghĩa là có đọc hãy nói, chứ đừng nhắm mắt phán bừa, kiểu "thầy bói xem voi". Hơn nữa, đã là nhà văn, là người cầm bút thì dù với lý do gì, cũng không nên bàng quan với những gì mà đồng nghiệp của mình lao tâm khổ tứ tạo ra. ở đây, tôi hoàn toàn tán đồng ý kiến của TS Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Cổ phần sách Thái Hà khi ông cho rằng: "Để xây dựng thói quen đọc sách cho trẻ thì cha mẹ hãy là người bắt đầu". Mượn cách nói này của ông, tôi cũng xin có đôi lời: "Để xây dựng thói quen đọc sách cho độc giả thì giới cầm bút hãy là những người bắt đầu..."


Theo  Phạm Khải - CAND

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng