Tạp chí Sông Hương -
Thơ đương đại: Bất hạnh, lạc hậu?
15:04 | 21/01/2013

Ra mắt tập tiểu luận Thơ như là mỹ học của cái khác, Đỗ Lai Thúy gọi tên 7 nhà thơ mà theo ông là mang đến những “cái khác” thực thụ cho thơ ca Việt Nam thời hậu Thơ Mới, từ Nguyễn Xuân Sanh đến Bùi Giáng.

Thơ đương đại: Bất hạnh, lạc hậu?
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy trong buổi ra mắt sách sáng 20-1. Ảnh: Mi Ly.

Tập tiểu luận văn học Thơ như là mỹ học của cái khác của Đỗ Lai Thúy do NXB Hội Nhà văn và Nhà sách Song Thủy ấn hành, là cuốn sách nghiên cứu phê bình thứ 15 của tác giả. Buổi ra mắt sách tổ chức khá lặng lẽ tại một quán cafe ở Hà Nội.

Thơ Việt có gì sau Thơ Mới?

Đó là câu hỏi đã được Đỗ Lai Thúy trả lời qua cuốn sách mới nhất-nhà phê bình Mai Anh Tuấn, giảng viên ĐH Văn Hóa nhận định.

Trong Thơ như là mỹ học của cái khác, tác giả chọn ra 7 cái tên, gồm: Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt và Bùi Giáng – những nhà thơ tiêu biểu trong một “cuộc chạy tiếp sức” (chữ của Đỗ Lai Thúy), “đưa thơ Việt từ tiền hiện đại, qua hiện đại, cập bến hậu hiện đại, nhịp bước cùng thế giới đương đại”.

Theo tác giả, 7 nhà thơ này có sự liên kết mà ông tìm kiếm: mỗi người tìm ra một cái khác so với trước đó nhưng vẫn bộc lộ hạn chế, người sau khắc phục hạn chế đó những lại vấp phải hạn chế khác, và cứ thế 
tiếp nối.

“Thơ Việt Nam không chỉ là Thơ Mới hay thơ Cách mạng mà còn được tạo nên bởi những gương mặt mà tác giả đã giải quyết trong cuốn sách này” – Mai Anh Tuấn nhận xét. Anh cho rằng những gương mặt thơ ca mà người viết lựa chọn là rất “đích đáng”, là những người từ trước đến nay vẫn được nhắc đến nhưng hầu hết với sự ái ngại, 
định kiến.

“Đỗ Lai Thúy không đến với phê bình để tìm kiếm danh vọng mà với mong muốn tìm sự công bằng cho thơ ca Việt Nam. Đó là một thái độ phê bình rất trong sạch” – lời Mai Anh Tuấn.

Nỗi bất hạnh của thơ đương đại?

Liên quan đến một câu hỏi về thơ cách tân và con đường đến với số đông, Đỗ Lai Thúy khẳng định: “Thơ ca cách tân không dành cho đại chúng”.

Ông diễn giải: “Nói thế này người ta thường không thích, nhưng tôi nghĩ thơ ca cách tân dành cho một giới đặc tuyển. Chính giới này sẽ thay đổi quan niệm trước rồi từ đó mới ảnh hưởng đến số đông. Không có sự cách tân nào ảnh hưởng tức thời đến số đông, đừng hy vọng 
điều đó”.

“Xã hội ta bất hạnh ở chỗ không có một giới đặc tuyển, một giới elite (ưu tú, về thưởng thức nghệ thuật). Trước đây thì có, nhưng những biến động xã hội đã làm tầng lớp đó tan vỡ. Những biến chuyển mới nên đi qua giới đặc tuyển rồi mới đến từng công chúng cụ thể. Cách tân trong thơ ca phải đi theo con đường đó”.

Không thể có sự đồng hành giữa số đông và cách tân

“Nếu có một trường hợp cách tân thơ mà số đông không thích thì tôi cho đó là may mắn. Cách tân mà số đông thích ngay thì là vứt đi”. Chính vì thế những tác giả mang khát vọng cách tân thường phải chấp nhận một điều không phải là không đau đớn đối với người cầm bút: không có hoặc có rất ít người đọc.

“Thơ Mới đến bây giờ người ta vẫn thích là vì thẩm mỹ lạc hậu” – nhận định của Đỗ Lai Thúy. “Số đông thích không có nghĩa là nó còn nguyên giá trị. Đó là một điều đáng buồn của thơ ca” (?)

“Chúng ta không nên căn cứ vào thẩm mỹ số đông để đánh giá những thứ cần vận dụng khả năng thẩm mỹ cao hơn. Điều đó rất nguy hiểm. Công chúng cần có thời gian để theo được cái mới, nhưng lúc đó thì những người đặc tuyển đã tiến thêm một bước”- ông Thúy nói.

Nhà giáo Mai Anh Tuấn chung nhận định: “Không thể vin vào sách giáo khoa hoặc giáo trình để tôn vinh mãi những gương mặt đã được giảng dạy mà quên bẵng đi những gương mặt thực sự đem lại cái mới, cái khác cho thơ ca Việt Nam đương đại”.

Phê bình không đắt hàng bằng… thơ Phong Việt

Nhà phê bình trẻ Nhã Thuyên nói đùa, 7 nhà thơ mà cuốn sách nhắc đến không phải là những tên tuổi ăn khách như nhà thơ Nguyễn Phong Việt, người mới đây ra tập Đi qua thương nhớ bán hết veo mấy nghìn bản trong ít ngày. Điều mà tác giả cuốn sách trông đợi là sự lan tỏa của những giá trị thơ ca thực sự, dù chậm rãi và trong một phạm vi nhỏ.

Tên gọi Thơ như là mỹ học của cái khác lạ với công chúng số đông nhưng lại quen các độc giả thường xuyên của tác giả (có lẽ không nhiều). Trước đó, ông có những đầu sách như Bút pháp của ham muốn; Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy; Sự đỏng đảnh của 
phương pháp…

Theo Mi Ly - TPO

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Đêm trăng biển (16/01/2013)