Tạp chí Sông Hương -
Mùa vác đá xây đảo Trường Sa
08:25 | 31/01/2013

Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã gọi lính công binh hải quân chinh phục biển ấy là “Những người kê cao Tổ quốc”. Ông từng làm cả bài thơ ngợi ca những người lính dầm mình dưới sóng biển vác gạch đá xi măng sắt thép xây đảo, nâng độ cao của đảo…

Mùa vác đá xây đảo Trường Sa
Ảnh: Xuân Thủy

Trong ký ức đi biển Đông của tôi, có hai điều ám ảnh luôn đối lập, giày vò không bao giờ xóa khỏi trí nhớ:

Một là, kiếp người quá nhỏ bé mong manh trước sóng nước trùng trùng mênh mông rợn ngợp và bí ẩn, xa xôi. Thiên nhiên khổng lồ nghiệt ngã lúc nào cũng có thể đè bẹp, nuốt chửng hoặc nhấn chìm xóa sạch mọi dấu vết con người xuống đáy sâu. Trên là trời dưới là nước, biển cả cũng chẳng quên bao bọc, vây hãm, cầm tù con người; rất có thể người đi biển chết bởi sự vắng lặng cô đơn chứ không phải khổ cực, đói khát.

Hai là, nhưng đứng trước đường bao đá hộc, xi măng - cốt thép vạm vỡ gân guốc kè quây đảo nổi; cơi nới, xây cao đảo chìm…; tôi lại thấy cái bất khuất, lì lợm, vĩ đại của con người chinh phục biển cả bằng cái đầu lạnh lùng và trái tim ấm nóng.


Nhà thơ Đỗ Trung Lai đã gọi lính công binh hải quân chinh phục biển ấy là “Những người kê cao Tổ quốc”. Ông từng làm cả bài thơ ngợi ca những người lính dầm mình dưới sóng biển vác gạch đá xi măng sắt thép xây đảo, nâng độ cao của đảo… từ nhiều năm trước và in ở báo Quân đội Nhân dân.

Trong ký ức xa xăm diệu vợi của mình, đại tá Nguyễn Viết Nhất vẫn hằn in những ám ảnh buồn vui của năm 1988 mãi mãi không quên. Biển Đông cuộn sóng, các thế lực nước ngoài đem quân chiếm đóng trái phép một số bãi san hô ngầm ở thuộc quần đảo Trường Sa. Bộ đội hải quân được lệnh chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Khu vực biển Trường Sa hết sức căng thẳng. Việc xây dựng các công trình và nhà ở trên đảo để bảo vệ vững chắc chủ quyền là vấn đề khẩn trương, cấp bách.

Lúc 21h30 ngày 16.2.1988 (đêm 30 Tết Mậu Thìn), Trung đoàn Công binh 131 nhận lệnh tối khẩn của Bộ Tư lệnh Hải quân điều gấp một tiểu đoàn đang đóng ở Hà Tu vào Cam Ranh để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt: xây dựng công trình tại đảo Trường Sa. Lính công binh ít khi tập trung ở doanh trại, quanh năm suốt tháng tỏa ra khắp mọi miền đất nước theo những công trình trên đảo biển; ngày Tết được nghỉ là náo nức về quê về nhà; đồng chí trung đoàn trưởng cũng về quê ăn Tết. Đêm Ba mươi vô vàn bụi mưa phùn li ti bay mang cái hơi lạnh, ẩm ướt phả vào mặt. Doanh trại yên tĩnh đến lạ lùng. Lòng người thời khắc giao thừa linh thiêng chầm chậm đến gần, mà nhiệm vụ người lính ra đảo xa lại đến nhanh. Náo nức xen lẫn một ít bồn chồn, có thêm một chút nữa nghiêm trang trong đêm cuối năm. Cuộc họp cán bộ chủ chốt mở rộng đến cán bộ tiểu đoàn phổ biến nhiệm vụ mới “quân lệnh như sơn”. Không một ai hoang mang, băn khoăn, ngại ngùng trước một biển Đông rợn ngợp và Trường Sa xa lắc, tuy cũng phảng phất một chút se buồn nghĩ đến ngày sắp tới xa người thân.

Đại tá Vũ Tiến Quỳnh - Trung đoàn trưởng, vốn là sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân Sự, ra trường nhận bằng kỹ sư năm 1983. Năm 1988, anh đeo quân hàm thượng úy là một trong những người đầu tiên đi xây đảo. Anh Quỳnh nhớ lại: Cuộc họp tan thì cũng là lúc pháo giao thừa nổ giòn giã đón năm mới. Cán bộ lãnh đạo chỉ huy và cơ quan chia nhau đến các gia đình ở rải rác quanh khu vực đóng quân ở Hòn Gai chúc Tết. Không cười đùa, hân hoan, cũng không ủ dột buồn, vui vừa đủ, nói vừa đủ và nghĩ ngợi những việc sắp phải làm. Chúc tết rồi phổ biến tình hình, giao nhiệm vụ đi xây dựng đảo cho từng cán bộ, chiến sĩ ở ngay trong nhà của họ. Một cuộc giao và nhận lệnh có một không hai trong lịch sử quân đội khi biển đảo Trường Sa “nổi sóng lớn” đang mong chờ người lính công binh hải quân. Trung đoàn vừa điện báo, vừa tổ chức, huy động tất cả số ô tô hiện có để sang hôm sau về các vùng quê đón cán bộ, chiến sĩ đang ăn tết ở gia đình kịp trở lại đơn vị nhận nhiệm vụ. Một cuộc chia tay nghẹn ngào, xúc động trong sớm ban mai những ngày đầu năm để vào Cam Ranh chuẩn bị ra Trường Sa. Người đi, bánh chưng, giò lụa, đào phai… cũng đi cùng.


Đại tá Nguyễn Viết Nhất khi ấy 28 tuổi, đeo quân hàm thượng úy. Đứa con nhỏ vừa sinh. Việc quân việc nhà trăm mối lo toan, chàng sĩ quan đương sức trai vồng giấu người vợ trẻ, chỉ dám nói đi công tác dài ngày; không dám bảo đi xây đảo Trường Sa. Tình hình ngoài khơi rất căng thẳng, tàu chiến của nước ngoài đã xâm phạm chủ quyền biển đảo. Rất có thể hi sinh, thượng úy Nguyễn Viết Nhất nhìn vợ yếu con thơ mà dưng dưng thương xót. Trong các ngày chuẩn bị đi đảo, anh vét đến đồng tiền cuối cùng mua hai cái nồi áp suất Nga. Anh Nhất bảo vợ: “Anh đi xa không ở nhà chăm mẹ con em được. Anh mua một cái nồi áp suất cho em. Hàng tuần, em cố dành tiền mua mấy cái móng chân giò ninh kỹ, ăn lấy sữa cho con bú.” Vợ anh nước mắt lưng tròng, chị thoáng nhận ra có một điều gì đó rất hệ trọng đối với chồng. Không nói nên lời, chị chỉ biết ôm chặt đứa con trai nhỏ vào lòng, mặc cho những giọt nước mắt nóng hổi trào ra. Anh Nhất cũng giấu đứa em trai, bảo: “Anh đi công tác xa dài ngày. Anh mua cái nồi áp suất này, em ở nhà thỉnh thoảng mua xương ống xương sườn ninh lấy nước nấu canh cho bố. Em nhận lời, cho anh yên tâm ra đi.” Tôi đã từng viết một bài bút ký “Lính công binh không có thời bình”, bây giờ ngồi viết những dòng chữ này, tôi lại thêm một lần nữa khẳng định: Với lính công binh hải quân, lúc nào cũng ở trong tình trạng chiến tranh.

Giữa tháng 3 năm 1988, chiến sự ở Trường Sa bùng nổ dữ dội. Tầu chiến của nước ngoài bắn cháy 3 tầu vận tải của ta ở các đảo Gạc Ma, Cô Lin, một số chiến sĩ hải quân đã anh dũng hi sinh. Không khí chiến tranh căng thẳng trùm xuống, cả nước lên tiếng tất cả cho Trường Sa. Một ngày sau khi chiến sự nổ ra ở Trường Sa, Đoàn 131 đã tổ chức 2 khung, mỗi khung gồm 24 cán bộ chiến sĩ vượt sóng biển Đông ra Trường Sa xây đảo. Khung 1 xây dựng nhà C.3 ở đảo Đá Lớn A do đồng chí Lê Đức Thiết - Trợ lý kỹ thuật trung đoàn làm khung trưởng. Còn khung 2 xây dựng nhà C.3 ở đảo Đá Lớn C do đồng chí Nguyễn Văn Hanh - Đại đội trưởng C12 làm khung trưởng, và trợ lý chính trị tiểu đoàn Nguyễn Kiều Kinh làm khung phó.

Những người lính công binh dạo ấy lần đầu đi biển. Tất cả đều say sóng. Ngồi cũng say. Nằm cũng say. Nhưng người say ít dìu người say nhiều, cuối cùng họ cũng ra được đến đảo. Cột bê tông đúc sẵn. Khung gỗ đã gia công. Mái tôn. Cánh cửa… lần lượt được vận chuyển lên đảo. Chỉ 12 ngày, lính công binh hải quân đã lắp ráp hoàn chỉnh, thử độ bền, bàn giao nhà cho những người lính giữ đảo, trở về đất liền trong niềm vui và ánh mắt nhìn tin cậy của đồng đội.

Sau một thời gian, lính công binh hải quân tiếp tục xây dựng nhà C.2 trên đảo Thuyền Chài. Tình hình quần đảo Trường Sa càng diễn biến phức tạp thì nhiệm vụ xây dựng đảo càng khẩn trương, quyết liệt. Trung đoàn 131 nhận nhiệm vụ nặng nề hơn là xây liên tiếp 5 nhà C.1 ở các đảo Tiên Nữ, Núi Le, Đá Lớn, Đá Đông, Đá Lát. Nếu như nhà C.2, nhà C.3 là những khung sẵn, vận chuyển ra đảo chỉ việc lắp ráp thì nhà C.1 vừa là chỗ ở lâu bền vừa là công sự chiến đấu, đòi hỏi phải thi công tại chỗ, yêu cầu kỹ thuật cao hơn, công sức nhiều hơn và tất nhiên sẽ rất phức tạp.

Hơn 20 năm đã qua, đại tá Vũ Tiến Quỳnh vẫn nhớ biển cả mênh mông, như nuốt chửng cái tàu chở lính công binh xây đảo Trường Sa, có cảm giác nó chỉ nhỏ như cái lá tre. Sức chở khoảng 40 tấn cả người và vật liệu xây dựng, tàu bé chật chội không có phòng riêng, từ đoàn trưởng đến lính đều phải tìm một chỗ trên boong mắc võng tòong teng mà nằm. Dịp Tết Nguyên Đán cũng là mùa biển động. Nắng cháy, mưa chan cũng cứ phải phơi mình ở giữa trời mà hứng nước biển sóng đánh tung lên boong tàu rát mặt.

Bạn đọc hãy hình dung, trước đây những đảo chìm ở Trường Sa không có nhà ở, thủy triều lên thì nước ngập trắng băng, thủy triều xuống thì trơ đá san hô như đảo Thuyền Chài dài cả 40 cây số. Bộ đội ta phải đóng quân ở đó để bảo vệ chủ quyền biển đảo, cần có nhà ở, lô cốt, công sự chiến đấu khi có giặc xâm lăng. Vậy thì, xây nhà và các công trình trên đảo chìm như thế nào là giải một bài toán nan giải cần trí tuệ mồ hôi, nước mắt. Tôi đã có dịp ra Trường Sa. Tôi đã tận mắt nhìn thấy các đảo chìm có hai cái nhà: Một cái cũ kĩ gió mưa bào mòn giống hình dáng cái lò vôi, có các lỗ giống lỗ châu mai hoặc lỗ thông gió gì đó; bây giờ không dùng, thường là lính ta tận dụng để vật liệu, dụng cụ hoặc trồng rau. Một cái mới 3 tầng, khang trang, nhìn cứ như một khu biệt thự đẹp lung linh, phơi mình trong nắng mới. Nhưng, trước đó là nhà mái tôn, khung gỗ cột bê tông cắm xuống nước bám chặt vào nền san hô. Vậy là, đã có ít nhất có 3 loại nhà ở đảo chìm do lính công binh xây dựng mà tôi nhìn thấy. Còn trước đó nữa là loại nhà gì đó (là thế hệ 1) thì tôi chưa biết được?


Xây nhà C1 ở đảo chìm có vô vàn cái khó nhưng gian truân nhất vẫn là chuyển vật liệu đá hộc, đá răm, xi măng, cát, sắt thép vào nơi tập kết. Thường là phải làm 1 cái nhà tạm dài đủ cho mấy chục lính ở, ngủ, sau đó mới xây dựng nhà đảo. Thượng tá Đào Văn Bạn - Tham mưu trưởng trung đoàn 131 kể:

“Dạo ấy, mọi công việc đều làm bằng sức người thủ công với đôi bàn tay truyền tải vật liệu vào đảo. Tàu chở vật liệu neo lại, xuồng sắt hạ xuống. Lính ta sỏ dây ni lông không chìm vào hai khuyên tròn ở hai đầu và đuôi xuồng, cố định một đầu dây vào tàu, còn đầu kia cố định vào một điểm cọc ở đảo chìm. Đá hộc chất lên xuồng, những bàn tay con trai lần theo dây ni lông kéo xuồng vào đảo. Xếp đá làm nền. Rồi đá dăm, đá sỏi, cát xi măng, sắt thép… lần lượt chuyển vào theo. Vì vướng bãi san hô ngầm, tàu chở vật liệu không thể vào gần được, xuồng chở vật liệu theo dây kéo dài vài cây số. Người lính dầm mình dưới nước mặn, vật lộn với sóng biển kéo xuồng. Hai bàn tay sây sát, bợt bạt. Không chỉ sóng to, gió lớn, mưa chan mà cả những ngày đẹp trời cũng thử thách người lính công binh. Sau này, có tàu to chở vật liệu, có cẩu trục đá, sắt thép xuống xuồng thì việc bốc vác bằng đôi tay và vai có bớt cực nhọc, nhưng đơn vị lại gặp những khó khăn mới. Trục vật liệu xuống xuồng không hề dễ dàng..”

Tôi cố hình dung ở đất liền, cần cẩu cố định, xe ô tô ăn hàng cũng đứng cố định, độ gió không mạnh, nhưng người lái cẩu và người chỉ huy, điều khiển cẩu nhả hàng bao giờ lương cũng cao, mà vẫn xảy ra không ít tai nạn. Có cây cẩu cao lênh khênh trục một cuộn sắt 6 nặng mấy tấn, thả xuống thùng xe không thả, ông lái cẩu lại thả trúng… nóc ca bin, buồng lái bẹp dúm làm anh chàng lái xe đang ngồi trong chết không kịp ngáp.

Ở biển, sóng dồn tàu chở vật liệu lắc lư, cần cẩu cũng lắc theo. Sắt cây, hoặc thùng đá hộc bị gió đập đung đưa chao đảo, phải điều chỉnh rất khéo mới căn đúng khoang xuồng dưới nước cũng đang bị sóng biển xô lắc, dập dềnh. Xuồng neo đầu đuôi bằng hai sơi dây cố định vào tàu nhưng vẫn bị sóng dồn nâng lên hạ xuống. Bao giờ cũng vậy, đơn vị thi công phải chọn hai người lính vạm vỡ nhất đứng ở hai đầu xuồng đón hàng. Đón đợi. Căn chỉnh. Nhằm giữa lòng xuồng. Và chờ cho xuồng được sóng nâng lên cao tương đối thăng bằng mới ra lệnh gấp: Nhả hàng. Ấy vậy mà cũng đã xảy một tai nạn đáng tiếc chỉ vì sóng quật mạnh quá, cuộn sắt nặng mấy tấn thả xuống lệch một bên xuồng. Xuồng nghiêng và lật úp làm đồng chí Nguyễn Duy Thiệu quê ở Quảng Ninh ngã theo đập đầu vào mạn tàu, cả cuộn sắt cả người lao xuống nước. Chìm nghỉm. Nước trong vắt, nhìn thấy rõ cuộn sắt đang đè lên đồng đội dưới độ sâu mấy hơn chục mét mà không làm sao vớt lên được. Chỉ đến khi thuê ngư dân đánh bắt xa bờ thạo biển cả lì độ sâu lặn xuống mới đưa được đồng đội đã tắt thở lên tàu. Lại một trường hợp hi sinh nữa: trong lúc tạo hố móng, mìn nổ, sức ép quá mạnh và sóng tạo ra từ sức nổ đã làm đồng chí Nguyễn Văn Vĩ quê Nghệ An hi sinh. Các anh được đưa lên tàu chở về đất liền. Cả hai người lính đều hi sinh ở đảo Đá Lớn đang độ tuổi hai mươi tràn đầy sức sống. Nơi ấy sẽ còn hai ngôi mộ gió trong tâm tưởng cả những người lính sau này ra giữ biển, vẫn nhớ thương đồng đội đã kê đảo cao lên khỏi mặt nước mà hi sinh. Không có thời bình! Lính công binh không có thời bình là như thế!


Bên bàn nước trà ở sảnh tầng hai đơn vị, tôi và nhà thơ Đỗ Trung Lai trò chuyện thân mật với trung đoàn trưởng, đại tá Vũ Tiến Quỳnh. Anh Quỳnh vừa ở cảng Cam Ranh đón quân từ Trường Sa về đất liền. Nước da bánh mật, gương mặt sạm nắng gió, anh giơ đôi bàn tay lên, bảo: “Người lính chúng tôi mỗi lần đi xây đảo, cứ thay da 3 lượt là không thay nữa. Có ở biển đảo lâu đến cả năm cũng không bóc da nữa. Quen nước biển, nắng gió rồi mà”. Sự thật thì, cũng có người mới hôm trước da bóc vẩy bong ra, đỏ au, vài ngày sau nắng to nước mặn ngấm lại thay da tiếp.

Da thịt con người đấu với nước biển, nắng gió, đấu với đá hộc, sắt thép xi măng. Mỗi chuyến xuồng chở được khoảng 7 tấn, mỗi con tàu chở hàng trăm tấn vật liệu để xây nhà C1. Lính công binh cứ thế dầm mình suốt ngày dưới nước truyền tải hết từng ấy số vật liệu hỏi có gian lao nào bằng?

Nói về sự cố bị bão mưa, giông gió bứt ra khỏi đảo thì phải kể đến lần trôi dạt pông tông dạo đơn vị xây dựng đảo Tiên Nữ. Biển động dữ dội bất thường đến mức tàu Hạ Long 01 trên đường ra đảo bị sóng đánh mắc cạn. Nguồn tiếp tế lương thực, thực phẩm và vật liệu xây dựng công trình bị cắt, nguy cơ thiếu thốn trăm bề đang đến gần. Theo kế hoạch thì tầu trễ đã 2 tuần, Khung trưởng Trần Quốc Thống quyết định giấu anh em thông tin tàu mắc cạn để tránh hoang mang dao động và kiên trì tiếp tục kè đảo chờ đợi trong hi vọng. Sóng mỗi lúc một to và thủy triều dâng cao. Anh em đã bắt đầu hoang mang, lo sợ. Cùng lúc căng thẳng ấy, đột nhiên một cơn sóng lừng xô vào pôngtông đánh đứt giây xích neo. Pôngtông trôi dạt không định hướng. 75 con người bị đẩy lên đỉnh điểm hoảng sợ. Lệnh phát ra khẩn cấp múc nước biển đổ vào khoang pôngtông tăng thêm sức nặng cản trôi dạt. Nhưng thi công một thời gian thì xô, chậu cái thủng đáy, cái bẹp dúm, múc chẳng được là bao nước. Tín hiệu cấp cứu phát đi trong biển động bịt bùng. Lệnh của đất liền: bằng mọi giá phải cứu được người và cứu cả pôngtông. Vừa múc nước đổ vào khoang pôngtông vừa chờ mong, hi vọng. Cuối cùng, thần may mắn cũng mỉm cười với những người lính. Mưa gió dịu dần. Tàu Hạ Long 01 mờ xa phía chân trời… Hai ngày đêm người lính đã kiên cường chiến đấu với tử thần.

  Đại tá Nguyễn Viết Nhất cũng đã một lần bị bứt khỏi đảo. Dạo ấy, mấy anh em đang ngủ, chẳng hiểu sao linh tính mách bảo anh Nhất đang nằm giữa lại chuyển ra nằm phía cầu thang. Bỗng dưng nhìn ra ngoài biển thấy dông gió nổi lên ngùn ngụt. Chỉ kịp kêu lên: “Cứu xuồng!” rồi anh lao ra ngoài. Hai chiến sĩ nữa chạy theo. Cả ba mới nhẩy vội lên xuồng, chưa kịp chèo thì sóng đánh ập vào rồi lại dật ra xa, xuồng bị kéo khỏi đảo. Anh em đảo nhìn thấy mà bất lực, điện thoại cho tàu nhưng ngay lúc đó nếu nổ máy chạy thì tàu cũng sẽ bị lật. Sóng gió vẫn không ngừng kéo xuồng đi, và đảo cứ mờ xa dần mà nước biển hắt vào khoang càng nhiều. Anh Nhất vẫn vững vàng động viên anh em, cứ hai người múc nước thì một người chèo. Anh em trên đảo đặt ống nhòm thay nhau theo dõi xuồng trôi dạt. Trôi dạt từ sáng sớm đến ba giờ chiều thì biển trời quang mây tạnh, tàu khởi động đi tìm kiếm. Móc được xuồng và đưa được ba anh em lên tàu thì tất cả đều xỉu vì đói khát, mệt mỏi, và cả mừng rỡ vì thoát chết.

Ở Trung đoàn 131 có nhiều cán bộ đi xây đảo Trường Sa nhiều lần. Trung tá Lê Ngọc Khôi đã 11 lần đi biển đảo, anh tính cộng chi li tất cả các đợt thì anh cũng có 7 năm 6 tháng sống ở giữa trời nước mênh mông biển đảo. Đại tá Vũ Tiến Quỳnh, đại tá Nguyễn Viết Nhất, thượng tá Đoàn Văn Thấn, thượng tá Đào Văn Bạn… cũng phải bằng từng ấy năm tháng ở đảo hoặc nhiều hơn. Hiện nay, Trung đoàn 131 vẫn có 75 cán bộ chiến sĩ ăn bám trụ ở đảo Đá Tây A và đảo Trường Sa Lớn. Quần đảo Trường Sa của Tổ quốc đang còn nhiều việc phải làm. Những bước chân không nghỉ của người lính công binh hải quân sẽ còn tiếp tục xây đảo chìm đảo nổi to cao lên mãi

Theo SƯƠNG NGUYỆT MINH - VNQD

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng