Tạp chí Sông Hương -
Phạm Duy - Đời người như nắng chiều rực rỡ
09:20 | 01/02/2013

Tin tức về sự ra đi của Nhạc Sĩ Phạm Duy làm bàng hoàng những người yêu nhạc của Ông cho dù sự ra đi này không phải là điều khó dự đoán với một người ở độ tuổi gần bách tuế.

Phạm Duy - Đời người như nắng chiều rực rỡ

Kể cũng lạ, cuộc hội ngộ lần đầu của tôi với Ông cũng gắn liền với cái chết. Lần đầu tiên tôi được chính Ông giới thiệu về nhạc lại là một đĩa nhạc do Ông tổng hợp với tên gọi “cái chết tuyệt vời”. Bây giờ, đứng trước sự ra đi này, tôi chợt nhớ đến quan niệm của Ông về cái chết.

Có lẽ, Ông là người trải qua nhiều cảm xúc trên đời, từ sự vinh quang do con người xưng tụng cho đến sự tẩy chay, cấm đoán; từ tình cảm chung thủy với người vợ yêu cho đến những giây phút lãng mạn, bay bổng ngoài vợ, chồng. Duy chỉ có cái chết vẫn ám ảnh ông trong âm nhạc từ vài chục năm qua. Những bản nhạc Tạ ơn đời, Đường chiều lá rụng, Nắng chiều rực rỡ, Cái chết tuyệt vời , Những gì đem theo vào cõi chết… cho thấy sự suy tưởng và quan niệm tươi đẹp của người nhac sỹ tài hoa này về cái chết. Hôm nay, Ông đã được biết đến cảm xúc cuối cùng của một đời người – sự sinh tử của chính Ông.

Cuộc đời với Phạm Duy là một mùa xuân. Ngay trong những nhạc phẩm nói về cái chết, Ông cũng luôn nhắc đến điểm khởi đầu của cuộc sống: ba trăm ngày trong gói, ngóng trông ra đời góp mối chung vui (Tạ ơn đời) hay xuân trong tôi, đã khơi trong một đêm vui… một đêm gối chăn phòng the đón cha mẹ về (Xuân ca)…. Vì thế, khi nói đến cái chết, Ông cũng coi đó như một cuộc dạo chơi cuối cùng của Ông.


Chiều rơi trên đường vắng

Có ta rơi giữa chiều

Hồn ta theo vạt nắng, theo làn gió đìu hiu…

Từng chiếc thuyền hồn lướt trôi

Neo đứt một lần cuối thôi

Cho cánh buồm lộng gió vơi, gió đầy…

Từng tiếng xào xạc ngất ngây

Là tiếng cội già khóc cây

Hay tiếng lòng mình khóc ai… giờ đây (Đường chiều lá rụng)


Trong cuộc dạo chơi vào cuối chiều ấy, Ông xưng tụng giây phút cuối cùng của đời người bằng hình ảnh của nắng chiều rực rỡ với những ân tình tuyệt đẹp của mình. Có một lần, Ông bảo người viết nên nghe bài Nắng chiều rực rỡ. Tôi có hỏi Ông, tại sao lại là nắng chiều rực rỡ. Ông trả lời đời người như ráng nắng buổi chiều, với tôi, ráng nắng buổi chiều đẹp lung linh lắm vì nó mang toàn bộ khao khát sống của tôi một cách mãnh liệt nhất, vì thế:


Chờ buồn gì trong giây phút chia lìa

Khi chiều về lung lay trúc tre

Chớ buồn gì khi tan nắng đêm về

Cho thuận đường âm dương bước đi…

Từng vạt nắng chói chang

Còn chảy loang trước hiên…

Em có thấy không nắng chiều rực rỡ

Em có thấy không nắng đẹp còn đó

Có lẽ, khao khát sống và niềm tin yêu cuộc sống của Ông tràn đầy ngay trong những lời ca về cái chết. Và trong cái chết ấy, tình yêu đôi lứa, tình yêu nhân loại và cuộc đời vẫn đầy ắp: chớ lịm người nghe anh sắp qua đời… anh chỉ còn bên em chút thôi… nếu phải lìa xa nơi thế gian này, còn một ngày vui muôn nỗi vui… cuộc tình anh với em.. chỉ còn giây phút thôi… thì tình xin cứ coi là nghìn tia nắng rọi (nắng chiều rực rỡ).

Trong gần một thế kỷ sống, Ông đã tham gia vào định hình nền tân nhạc Việt Nam bằng trên một nghìn bản nhạc và cũng có những quyết định gây tranh cãi trong cuộc đời mình. Khi quyết định trở vể lại quê nhà, Ông đã phải đánh đổi sự xa cách gia đình, con cháu nhưng Ông được sống theo đúng khao khát lớn nhất của mình là được trút những hơi thở đẹp đẽ nhất của mình trên quê mẹ. Ông đã được sống trong cả một thế giới âm nhạc của mình.

Với những gì được biết, tôi tin rằng gia đình Ông không bày tỏ sự phản đối kịch liệt về quyết định trở lại quê hương nhưng cũng không thể không có băn khoăn về một cuộc phiêu lãng cuối đời của một ông lão gần trăm tuổi. Chúng tôi còn nhớ vào đầu hè năm 2004, trong lần trở về thăm quê trước khi quyết định hồi hương, Ông hỏi nhiều người thân quen về quyết định lớn cuối đời của mình. Lý lẽ mà Ông đưa ra chỉ đơn giản là “tôi yêu tiếng nước tôi, tôi yêu đất nước tôi, tôi yêu người nước tôi”.

Hẹn nhau sẽ nâng niu ngày tới

Năm hai ngàn với trăm năm thật dài

Được gọi tên thế kỷ nào đây

Trăm năm tình ái hay trăm ngậm ngùi

Hỏi em nhé cuộc tình ta mãi mãi đơn côi

Hay cuộc tình đôi mãi mãi yên vui (Hẹn em năm 2000)

Thực ra, Ông đã trở về từ rất lâu trong khao khát được sống và được chết trên quê hương Việt Nam. Cuộc trở về ấy đã cho Phạm Duy một hồi kết đẹp với cuộc tình lớn với quê hương. Gần 30 năm phiêu lãng ở xứ người, Ông cũng chỉ mong chờ ngày về để trăm năm sống là trăm năm tình ái, là trăm năm đôi lứa trên quê hương, với những người yêu và với âm nhạc. Thế nên, chẳng thể lấy bất kỳ đại lượng nào để cân đong, để kết luận về tính đúng sai của quyết định này.

Tim vang còn giây lát

Hơi run còn thơm ngát

Dương gian còn trong mắt

Nghe tiếng hát chưa nhạt tan

Bao nhiêu là thương mến

Bao nhiêu là quyến luyến

Với bao nhiêu niềm xao xuyến

Đời vắng xa như mẹ hiền (Tạ ơn đời)

 Với những gì được biết về Ông, tôi tin rằng trong giờ phút cuối của mình, Phạm Duy sẽ thương mến những hơi thở cuối cùng của đời mình như đã từng viết trong Tạ ơn đời. trong những ngày tháng sống với ước nguyện được yên nghỉ trên quê hương, Ông đã thể hiện rõ sức sống và đam mê sống của mình. Chưa bao giờ Phạm Duy cho rằng sự trở về là sự đánh đổi những gì đang có để lấy những gì sẽ có. Phạm Duy có cuộc đời của Phạm Duy và Ông làm chủ nó. Những cuộc phiêu lưu cũ hay phiêu lưu mới đều do Ông định đoạt bằng cảm xúc âm nhạc của riêng Ông. Người đời sẽ đánh giá theo cách riêng của người đời, còn Phạm Duy thì mãi nâng niu cuộc đời của Phạm Duy.

Trong những ngày tháng ấy, chúng tôi có nhiều dịp được ngồi và đàm đạo về âm nhạc với Ông. Cơ duyên được gặp Phạm Duy đã làm cho tôi vỡ ra rằng Phạm Duy vừa rất thực tế nhưng cũng thật đơn sơ. Ông không phải là người theo chủ thuyết lãng mạn mơ mộng nhưng không để cho mình rơi vào cuộc sống thực dụng. Đôi khi, nhắc đến một bản nhạc cũ của mình, Ông có thể rơi nước mắt một cách hồn nhiên trước một người trẻ hơn mình rất nhiều. Ông cũng có thể ngủ ngay trước mặt người đối diện và chợt thức giấc để tiếp tục câu chuyện về tình ca, về nhạc dân ca cải cách….
Đôi khi, Ông cũng quên mất một bài hát nào đó, một câu hát nào đó đã từng sáng tác rất lâu nhưng chẳng bao giờ quên một giọng hát nào đó đã từng làm thăng hoa một bản tình ca của mình. Tôi cũng chợt nhận ra rằng, trong từng câu chữ của những bản nhạc, trong từng cách nhả/ gieo giai điệu của một bản nhạc, Phạm Duy rất cầu kỳ và cẩn trọng. Có một lần, Ca sỹ Đức Tuấn và người viết tranh luận trước Ông về cách ngắt câu trong bản “Tình ca” nổi tiếng. Ông phải đứng ra phân xử và cho chúng tôi thấy được việc ngắt câu đúng đắn trong bản nhạc là cả quá trình tích lũy âm nhạc và tư duy về cảm tính âm nhạc của dòng nhạc Phạm Duy.

Hôm nay, tạm biệt Ông bằng một buổi tối đắm mình trong những nhạc phẩm về cái chết, tôi hiểu rằng Ông đã thoát thai của kiếp người bằng triết lý của riêng mình. Trong triết lý ấy, tình yêu luôn tràn đầy với những sắc thái đa dạng. Sự ra đi của ông không phải là sự trở về mà là sự chờ đợi và cống hiến.

Còn rơi rụng nữa

cành khô và lá thành ngôi mộ úa

chờ đến một trận gió mơ cho rữa tình già xác xơ

cho biến thành nhựa sống nuôi tình thơ

Bây giờ, trong cõi nào đó, Phạm Duy đang chờ đợi một kiếp đầu thai với niềm yêu của đời người và của quê hương. Ông đã thỏa ước được trút những hơi run cuối cùng trong bầu trời Việt Nam, được rũa thân xác trên mảnh đất quê hương tươi đẹp và giản dị, được nuôi dưỡng trong những cuộc tình mơ mộng. Thế cũng đủ đẹp và trọn vẹn cho cuộc đời của Ông. Hẹn Ông trong một ngày đẹp nào đó để được tiếp chuyện về âm nhạc.

Chiều tàn trên đường tối

Có ta như rã rời

Hồn ta như gò mối

Đang chờ phút đầu thai.

Theo TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Vietnamnet

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng