Tạp chí Sông Hương -
Được vẽ chân dung, thích hay không ?
08:04 | 04/02/2013

Feliks Topolski (1907-1989) là họa sĩ chuyên vẽ hí họa, minh họa và tranh tường. Ông là người đã vẽ lại một số nhân vật và các sự kiện lịch sử quan trọng nhất của thế kỷ XX. Sinh ở Ba Lan và toàn bộ sự nghiệp sáng tạo tập trung ở London, Topolski chấp nhận quyền tự do sáng tạo hiện đại, nhưng làm việc ở ngưỡng của dòng chính thống, một phần nhờ phong cách đậm nét chủ nghĩa biểu hiện, và nhận được cả sự ca ngợi và tranh cãi.

Được vẽ chân dung, thích hay không ?

Năm 1960, Trung tâm Harry Ransom thuộc Đại học Texas ở Austin mua lại bức chân dung George Bernard Shaw khổ lớn, kích thước đầy đủ của Topolski, cùng với các hình minh họa. Trung tâm Ransom sau đó đặt Topolski vẽ chân dung của hai mươi nhà văn Anh vĩ đại nhất thế kỷ XX. 

Các bức chân dung hợp thành bộ tranh Hai mươi tác gia vĩ đại lấy cảm hứng từ một loạt ý kiến thẳng thắn của các đối tượng. Năm 1963, Trung tâm Ransom đã viết thư cho hai mươi đối tượng để yêu cầu họ cho phép tái tạo các bức chân dung. Mặc dù hầu hết các đối tượng đồng ý, nhưng nhiều người bày tỏ sự không ưa những bức tranh bằng nhiều thái độ lịch sự khác nhau.

Nhiều năm sau, F. Warren Roberts, Giám đốc của Trung tâm Ransom, đã khẳng định với Topolski rằng phản ứng của người dự “có lẽ là một lời khen ngợi tài năng của ông hơn bất cứ điều gì khác, bởi vì dường như ông có một khả năng độc đáo để gọi ra những tính cách ẩn sâu của nhân vật và trình bày chúng thật sinh động”.

1. T.S. Eliot (1888-1965) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

 

Eliot đã không ngồi mẫu cho bức chân dung này. Topolski kể: “Tôi tình cờ gặp ông năm mươi phút trên xe điện ngầm và bắt đầu phác thảo từ xa, ngay cả trước khi nhận ra quý ngài thật quyến rũ, kiêu ngạo, đội mũ mềm đen, trang phục văn phòng, thu hút bởi thái độ rõ ràng trong giờ cao điểm trái ngược với những người thuộc cấp, thư ký bình thường xung quanh mình. Điều này dẫn đến bức vẽ phóng khoáng về một Eliot với áo choàng đỏ trịnh trọng giữa bối cảnh nghiêm trang”. Eliot phản đối mạnh việc Trung tâm Ransom sử dụng bức chân dung của mình cho một bài viết trong tạp chí Texas Quarterly.

2. William Empson (1906 - 1984) - Tranh sơn dầu, 1960

 

 

 

 

Empson là một trong vài người thuộc nhóm “Hai mươi tác gia vĩ đại” ngưỡng mộ các bức vẽ của Topolski, thể hiện qua văn bản của F. Warren Roberts: “Cảm ơn đã gửi cho tôi một bức ảnh chụp bức tranh Topolski vẽ tôi, và tôi sẵn sàng cấp quyền cho các bạn để tái tạo nó... Nếu tranh không hoàn thành được, tôi thiết tha đề nghị Đại học Texas cung cấp cho chúng tôi ít nhất là một bản phác thảo sơ bộ của mỗi bức tranh. Những bản phác thảo mang trọn vẹn các lời bình luận dí dỏm và năng lực của Topolski, và tôi hy vọng một số người sẽ luôn suy nghĩ giống tôi, rằng họ đẹp hơn so với ở trong tranh. Ở mức độ nào thì họ cũng sẽ tìm thấy sự thú vị tương ứng. Đây sẽ là một thành quả phù hợp với một chương trình đã được thực hiện đàng hoàng”.

3. E. M. Forster (1879 - 1970) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

 

“Dĩ nhiên các bạn có toàn quyền để hoàn tất bức chân dung, và rất lịch sự khi tham khảo ý kiến tôi. Bản thân tôi không nghĩ rằng đó là một biếm họa thành công, mà là một sự không phải lẽ cho lắm”.

4. W. H. Auden (1907 - 1973) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

5. John Betjeman (1906 -1984) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

6. Cyril Connolly (1903 - 1974) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

7. Graham Greene (1904 -1991) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

 

Greene, nghĩ rằng nhà phê bình Herbert Read sẽ viết một bài báo để cổ vũ các ấn phẩm của triển lãm Hai mươi tác gia vĩ đại, đã đồng ý để có bức vẽ chân dung của mình. Được thông báo rằng Read đã từ chối, Greene viết cho F. Warren Roberts: “Chỉ vì việc ngài Herbert Read bạn của tôi viết bài nên mới đồng ý cho các bạn sử dụng bức chân dung như một minh họa. E rằng tôi không thích tác phẩm của ông Topolski nên các bạn đừng sử dụng bức hí họa đó nữa”.

8. Aldous Huxley (1894 - 1963) - Sơn dầu và acrylic trên vải, 1961

 

 

 

 

“Kiểu cách của Topolski gây khó chịu về thẩm mỹ và hoàn toàn không tương thích với thể loại chân dung hoặc ngay cả với biếm họa đích thực... Bức tranh này đối với tôi thậm chí không khác mấy giữa một bức chân dung biếm họa so với vẽ nguệch ngoạc”. 

Một thời gian ngắn sau khi viết lá thư này, Huxley đã chết, theo Topolski, “căn cứ vào một số nguồn tin, người chị dâu Lady của Huxley đã đau khổ lao vào tôi và gần như buộc tội: bức ảnh đen trắng bệnh hoạn chụp từ bức vẽ Huxley của tôi được gửi theo thông lệ của Đại học Texas làm cho Huxley khủng hoảng, và bà khăng khăng rằng nó đã góp phần làm cho ông ấy suy sụp”.

9. Cecil Day - Lewis (1904 - 1972) - Tranh sơn dầu, 1962

 

 

 

 

“Tôi không phản đối bức biếm họa của Topolski xuất hiện trong bài viết các bạn dự kiến, mặc dù tôi có thể đảm bảo, riêng tư, rằng tôi không giống xác chết như bức chân dung ám chỉ”.

10. Louis MacNeice (1907 - 1963) - Tranh sơn dầu, 1960

 

 

 

11. John Osborne (1929 - 1994), John Whiting (1917 - 1963), Arnold Wesker (sinh năm 1932) và Shelagh Delaney (sinh năm 1939) - Sơn dầu, 1962

 

 

 

12. J. B. Priestley (1894 - 1984) - Tranh sơn dầu, 1962

 

 

 

 

“Tôi đã gửi cho các bạn bức điện như sau: ‘Cả gia đình tôi lớn tiếng phản đối Topolski vì cả hai lý do cá nhân và thẩm mỹ’... Tôi đảm bảo không phải vì tính kiêu ngạo. Tôi đã thường được miêu tả gần giống một con quái vật, nhưng tôi được quyền trình bày con quái vật của riêng mình, cũng giống như một con voi không phải được tạo ra để trông giống như một con tê giác. Bức phác thảo biếm họa chân dung này thực sự gây sốc lắm”.

13. Herbert Read (1893 - 1968) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

14. Bertrand Russell (1872 - 1970) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

15. George Bernard Shaw (1856 - 1950) – Tranh sơn dầu, 1943

 

 

 

 

“Đó là một bức tranh tuyệt vời của Topolski, nhưng nó làm cho tôi già thêm hai mươi tuổi. Điều này cho tôi một lý do mới để sống cho đến khi tôi già như thế”.

16. Edith Sitwell (1887 - 1964) – Sơn dầu và acrylic trên ván, 1959

 

 

 

17. C. P. Snow (1905 - 1980) - Tranh sơn dầu, 1962

 

 

 

 

Snow đã viết cho F. Warren Roberts: “Tôi có nhiều thói xấu, nhưng không có lòng kiêu căng tự nhiên. Bạn cứ thoải mái dùng các bức họa chân dung của Topolski nếu muốn”.

18. Stephen Spender (1909 - 1995) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

 

“Tôi ghét bức chân dung này, nhưng nếu bạn phải dùng thì cứ việc!”

19. Evelyn Waugh (1903 - 1966) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

 

“Nói chung, tôi làm những gì có thể để tránh đưa hình ảnh mình lên báo chí vì sợ bị người lạ bắt chuyện ở nơi công cộng. Nguy cơ này không phát sinh từ sự kích động do bản vẽ của Topolski. Do đó, bạn cứ vô tư sử dụng nó bất cứ cách nào”.

20. Rebecca West (1892 - 1983) - Tranh sơn dầu, 1961

 

 

 

 

West viết cho F. Warren Roberts: “Đó là hên hay xui mà tôi đã được ông Topolski vẽ. Tôi đồng ý chỉ vì người thư ký tạm thời khi tôi vắng mặt đã trả lời một lá thư của Topolski với lời lẽ khiếm nhã, và tôi cảm thấy có nghĩa vụ sửa chữa bằng cách đồng ý ngồi làm mẫu cho ông ấy... Nhưng tôi thực sự cảm thấy mình là một phụ nữ nhỏ bé, nặng dưới 59kg, xuất hiện kín đáo, thật khó để chấp nhận một bức biếm họa, mà phải công nhận rằng đó là một bức biếm họa, chỉ có thể là bức biếm họa về một phụ nữ quá khổ và béo phì, một loại phu nhân bệ vệ trong tranh của Gilray... Tôi hy vọng việc từ chối của mình không làm bạn xấu hổ chút nào cả”.

                                                                                               Theo Trịnh Hải Âu - NDBND

Các bài mới
Các bài đã đăng