Theo chân đoàn quân giải phóng những ngày khói lửa mù trời năm 1975 có bài hát “Sông Đak Rông mùa xuân về”. Tác giả của ca khúc mà ai cũng thuộc ngày ấy là nhạc sĩ Tố Hải, hiện sống ở TP. Nha Trang.
Nhìn cái vẻ tuềnh toàng có phần lọ mọ của ông lão 77 tuổi này, ít ai dám nghĩ đó là một nhạc sĩ nổi tiếng. Trong thi ca và âm nhạc, có những “kiệt tác” mà tác giả của nó chưa hề đặt chân đến cái địa danh mà họ đề cập trong tác phẩm của mình nhưng vẫn... hay, vẫn không bị liệt vào dạng “bịa đặt”. “Sông Đak Rông mùa xuân về” là trường hợp như thế.
Tôi hỏi nhạc sĩ: “Nghe nói bác không biết sông Đak Rông ở đâu mà sao vẫn... liều như vậy?”. Tố Hải xuề xòa: “Mấy ông văn nghệ hay thêm thắt mắm muối vô đó mà. Năm 1961, về hoạt động ở vùng tây Quảng Nam, sao lại không biết Đak Rông?”. Tôi truy: “Nhưng sông Đak Rông ở Quảng Trị mà không gian của bài hát thì có vẻ Tây Nguyên quá, sao không là sông Sê San, sông Krông Nô... chẳng hạn?”. Ông im lặng, những ký ức chưa bao giờ mờ trong ông.
Tố Hải về công tác ở Đoàn Văn công Giải phóng khu IV cho đến năm 1968. Trước ngày chiến dịch Mậu Thân nổ ra, ông cùng một số anh em trong đoàn có nghe “chỉ thị miệng” từ cấp trên là chuẩn bị về thành, sắp giải phóng rồi. Nghe cấp trên nói thế, hai tiếng “đak” - tiếng đồng bào Tây Nguyên có nghĩa là “nước”, và “krông” - có nghĩa là “lớn”, làm rộn lên trong ông một giai điệu: “Chim kơ tia bay tới, nghiêng cánh chào Đak Rông...”. Chẳng ngờ, bước chân của đoàn văn công chưa kịp chạm vào cửa ngõ Đà Nẵng thì đành phải quay trở lại rừng. Thế là ca khúc dở dang ấy ông đành cho vào ba lô.
Năm 1970, ông cõng đứa con trai chưa đầy 3 tuổi của mình ra Bắc. Đến năm 1975, trận đánh Buôn Ma Thuột mở màn cho chiến dịch giải phóng miền Nam thắng lợi giòn giã. Sông Đak Rông ngủ im trong ba lô ngày nào lại thức dậy cùng ông.
Tố Hải nhớ lại: “Tôi ngồi lì suốt buổi chiều và hoàn thành luôn phần 2 của ca khúc. “Cái suối đổ về sông, cái sông ra biển lớn, ta nối tấm lòng dân bằng tình yêu cách mạng...”. Như bị dồn nén đến 7 năm, ca từ cứ tuôn chảy cùng với những nốt nhạc rộn vui tràn lên trang giấy. Viết xong, tôi đạp xe từ Cầu Giấy mang theo bài hát xuống Đài Tiếng nói Việt Nam. Ca sĩ Kiều Hưng - giọng ca vàng thời ấy - đã chắp cánh cho bài hát của tôi “bay” theo đoàn quân giải phóng, rầm rập tiến về Sài Gòn mùa xuân năm 1975”.
Sinh năm 1936 trong một gia đình nông dân nghèo ở xã Phan Rí Thành (huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận). 16 tuổi, Tô Trấp (tên thật của nhạc sĩ Tố Hải) đã đi theo kháng chiến rồi tập kết ra Bắc và trở lại miền Nam vào diện sớm nhất. Không phải đến “Sông Đak Rông...” ông mới nổi tiếng, mà ngay từ đầu những năm 60, giới nhạc sĩ đã biết đến Tô Trấp qua ca khúc được Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu “Lời ca không tắt” viết về tấm gương lẫm liệt Trần Thị Vân ở Quảng Nam.
“Sông Đak Rông...” đã đưa ông đến với Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2012, nhưng có lẽ “giải thưởng” lớn nhất của đời ông đó là mỗi khi ai đó cất lên giai điệu “Chim kơ tia bay tới, nghiêng cánh chào Đak Rông...” là người ta nghĩ ngay đến Tố Hải.
Theo Lao động