Tạp chí Sông Hương -
Cuộc sống nơi đảo chìm Trường Sa
15:54 | 23/02/2013

Những người lính ngày đêm canh giữ chủ quyền ở đảo chìm chật hẹp vẫn đang phải tính toán chi ly cho từng giọt nước ngọt, từng thùng rau xanh…

Cuộc sống nơi đảo chìm Trường Sa
Với lính đảo, nước ngọt, rau xanh luôn được trú trọng số một để đảm bảo bữa ăn đủ chất, có sức khỏe sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Nguyễn Đông

Nhìn từ xa, những đảo chìm Côn Lin, Len Đao, Núi Le, Tiên Nữ, Tốc Tan… như ngọn hải đăng giữa sóng biển Trường Sa. Các đảo đều có kiến trúc giống nhau. Từ cầu cảng, nơi cập xuồng và canô, dẫn vào là bia chủ quyền, đến khu nhà bếp, phòng ở, hội trường. Phía trên nóc của tòa nhà kiên cố là lá cờ đỏ sao vàng. Những diện tích nhỏ hơn được thiết kế thùng gỗ để trồng rau xanh, bể chứa nước ngọt...

 

Từng 2 năm làm đảo trưởng đảo chìm Tốc Tan, thiếu tá Bùi Đình Dương, Phó tham mưu trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, tâm sự với anh đó là những tháng ngày nhớ nhất của nghiệp lính. Ngày đó, lính đảo thiếu hơi ấm từ đất liền, những cánh thư phải chờ đợi đến 6 tháng mới đến được tay lính đảo, người thân. Tết đến, người lính cả năm phấn đấu đạt danh hiệu chiến sĩ tiến tiến mới được nói chuyện qua bộ đàm với người thân trong đất liền.

"Năm 2006 sóng điện thoại ra đến Trường Sa lớn rồi 2 năm sau các đảo chìm nối được liên lạc với đất liền. Cuộc sống ở đảo chìm cũng thay da đổi thịt từ đó, chiến sĩ giờ đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, dàn karaoke… Nhiều đảo chìm đã có nhà tiếp dân để tiện cho việc cứu chữa, hỗ trợ ngư dân ở ngư trường Trường Sa", thiếu tá Dương nói.

 

Tuy nhiên, so với các đảo nổi hay nhà giàn thì cuộc sống ở đảo chìm vẫn còn nhiều gian khó. Ra đảo Tốc Tan C nhận nhiệm vụ cùng đợt có đoàn văn công ra biểu diễn văn nghệ, thiếu úy Nguyễn Hữu Nên nhớ mãi cảnh lính đảo và văn công đứng đàn hát ngay hành lang vì đảo quá chật. "Có khi cả năm mới được văn công ghé đảo, anh em muốn giữ lại để vui văn nghệ, nhưng không có chỗ nên đành chia tay trong tiếc nuối", anh Nên kể.

Ngồi trong căn phòng chừng 6 m2, anh Nên nói do đặc thù công việc ở đảo chỉ có anh và trưởng đảo có phòng riêng, các chiến sĩ còn lại phải ngủ giường tầng. Khi anh em giặt chăn màn gặp trời mưa thì đành nằm ghép trên chiếc giường chiều ngang 80 cm. Không ít chiến sĩ ở đảo chìm đi tuần tra đêm bị sảy chân ngã nhào vì diện tích quá chật hẹp.

 


Không phải lúc nào cũng có rau xanh, lính đảo vẫn phải thường xuyên dự trữ rau, củ, quả. Ảnh: Nguyễn Đông
Những đảo chìm nhỏ không có nhà ăn riêng hay trạm xá, tất cả sinh hoạt đều diễn ra ở phòng ở. Mỗi khi trời mưa bão, sóng cao vài mét đổ vào đảo, các chiến sĩ phải đóng kín cửa bật điện để ăn cơm. Những cuộc điện thoại về đất liền phải hét to như cãi nhau để át tiếng sóng biển.

"Không như đảo nổi, anh em ở đây sau giờ tập luyện muốn chạy bộ hay đánh bóng chuyền cũng chịu thua, chỉ còn cách tập tạ hay học đàn, làm hoa ốc biển…", thiếu úy Nên nói và cho biết mới đây đảo được trang bị đầu kỹ thuật số nên anh em mê môn thể thao vua có dịp được hò hét, bàn luận sôi nổi. Đảo chật nên đôi khi anh em giận nhau cũng chỉ được vài tiếng là lại làm lành.

 

Thượng úy Nguyễn Đình Dinh ở đảo Cô Lin hỏi người đối diện: "Đã bao giờ thấy người lớn tắm kiểu em bé chưa?". Thấy khách ngơ ngác, anh Dinh giải thích vào mùa hè, để tiết kiệm nguồn nước ngọt trên đảo, các chiến sĩ phải tắm nước biển rồi ngồi vào chậu như trẻ con để tráng lại chút nước ngọt, sau đó đổ riêng vào thùng dành tưới cho rau. Nước vo gạo cũng được bỏ riêng để rửa và tưới rau.



Mỗi khi trời nổi dông, anh em lại gọi nhau dọn vệ sinh những vị trí trống ở mái hiên để mắc vòi hứng nước, để riêng vào thùng chờ lắng xuống lấy phần nước phía trên sinh hoạt. Mùa mưa thì bình quân 2 ngày tắm một lần, còn mùa khô thì 4 ngày mới dám tắm. Buổi sáng đánh răng, rửa mặt chỉ với một ca nước…

 

Rau xanh được tận dụng từ những diện tích mái hiên, hay trồng trong hộp xốp, thùng gỗ. Hạt giống từ đất liền cũng được kén chọn để thích nghi với điều kiện khí hậu ngoài đảo, thường là những giống rau ngắn ngày và chỉ trồng để lấy thân. "Nhiều hôm trời nổi dông giữa đêm, anh em không kịp chuyển thùng rau vào nhà nên bị sóng đánh tan, lính đảo chìm chỉ biết đứng nhìn nhau bởi những ngày sau đó lại quay về với củ quả và thịt hộp dự trữ lâu ngày", thiếu úy Nguyễn Bá Hoàng, đảo chìm Núi Le, chia sẻ.

Trăn trở với việc nâng cao đời sống của lính đảo chìm, thiếu tá Bùi Đình Dương nói: "Ý tưởng thì cũng có rồi. Đó là xây dựng một khu nhà giàn ngay trên biển, có cầu thang từ đảo chìm đi sang. Phía dưới nuôi lợn, gà. Phía trên trồng rau xanh thì không lo thiếu rau hay bị sóng biển đánh dập. Nhưng khổ nỗi vẫn còn mắc câu chuyện kinh phí, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước và của tỉnh Khánh Hòa thì còn lâu lắm ý tưởng mới thành hiện thực".

 

Theo Nguyễn Đông - Vnpress

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng