Nhân dịp NSND Đặng Nhật Minh về Huế, tại Cồn Nón, bãi đất bồi cạnh Đập Đá, Nhóm Những người bạn Cố đô Huế và Trung tâm Du lịch Huế xưa Huế nay đã tổ chức buổi giao lưu giữa tác giả bộ phim truyện nhựa Cô gái trên sông với bạn bè văn nghệ sĩ và khán giả Huế hâm mộ điện ảnh đích thực.
Đặng Nhật Minh là một người con ưu tú của Huế, sống ở Hà Nội nhưng tấm lòng luôn luôn hướng về quê hương. Ông trần tình, những thành công trong các tác phẩm của mình có sự ảnh hưởng rất lớn của tính cách và tâm hồn Huế. Đằng sau những tác phẩm của ông nhiều người nhận ra tâm hồn và tính cách Huế của tác giả, cho dù phim không làm ở Huế, cốt truyện, đề tài của phim đều không phải là Huế. Phim của ông có nhiều cơ hội được trình chiếu ở nước ngoài, khi xem nhiều người nhận ra đó là phim do người Việt Nam làm, tính cách nhân vật là tính cách con người Việt Nam. Cách đây ba năm, trong lễ trao tặng thưởng, lần thứ hai của tỉnh Thừa Thiên Huế cho các nhà khoa học và văn nghệ sĩ không ở Huế nhưng có nhiều cống hiến cho sự nghiệp văn học nghệ thuật của Huế giai đoạn 1975-2010, tôi nghe Đặng Nhật Minh bày tỏ: “Dù đã nhận được khá nhiều giải thưởng quốc tế và quốc gia nhưng tặng thưởng này có ý nghĩa rất đặc biệt. Tôi cám ơn đấng sinh thành đã nuôi dưỡng tôi bằng truyền thống gia đình và bằng tâm hồn Huế”.
Lần này tôi lại nghe Đặng Nhật Minh cám ơn thời bao cấp. Ông nói: “Tôi đội ơn thời kỳ bao cấp”. Thời ấy chỉ có một ông chủ duy nhất là Nhà nước chi tiền làm phim. Và làm phim không nhằm vào mục đích kinh doanh, vì thế mới có những bộ phim để đời, có tác phẩm để tự hào, được xem như là kinh điển, là chuẩn mực của điện ảnh Việt Nam, chuông thanh xa vọng xứ người như Chung một dòng sông, Con chim vành khuyên, Bao giờ cho đến tháng mười... Bây giờ ngoài Nhà nước, còn có 40 ông chủ khác. Đó là 40 hãng phim tư nhân. Bỏ tiền làm phim họ lấy mục tiêu lợi nhuận đặt lên hàng đầu. Khi điện ảnh trở thành môi trường kinh doanh, bị đồng tiền chi phối thì không thể có tác phẩm chất lượng cao. Hiện nay, mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất được 15 bộ phim truyện nhựa, trong đó có hai phim do Nhà nước cấp kinh phí. May thay, vẫn có những nhà điện ảnh làm phim vì danh dự, và nhờ đó Đặng Nhật Minh mới làm được bộ phim Đừng đốt. Một số ông chủ hãng phim tư nhân sau khi xem Đừng đốt khen hay, chúc mừng, nhưng cũng rất thành thật với tác giả: Phim rất hay nhưng chúng tôi không dám làm phim kiểu như thế này.
Cảnh phim “Cô gái trên sông”. Ảnh: Đặng Nhật Minh cung cấp |
Đặc điểm chung của điện ảnh thế giới hiện nay là giải trí. Chức năng giải trí lấn lướt chức năng giáo dục và chức năng thẩm mỹ. Cơ chế làm phim giải trí mở ra thị trường điện ảnh rộng lớn, nó không mang dấu ấn một dân tộc nào nên đến được khắp các châu lục. Đáng buồn là phim giải trí của Việt Nam không hội nhập được. Tưởng bắt chước phim Hollywood, phim Hàn Quốc thì sẽ hội nhập, hoá ra không phải. Có phim lợi nhuận khổng lồ như Mỹ nhân kế, thu 53 tỷ trong ba tuần chiếu nhưng không hội nhập được do không có bản sắc riêng, cũng không gắn với đời sống cộng đồng, xa với sinh hoạt điện ảnh thế giới. Ngay chính khán giả Việt Nam cũng bỏ về nửa chừng trong buổi chiếu khai mạc Liên hoan phim Quốc tế vừa rồi (2012) tại Hà Nội. Ấy là do phim không có được những hình ảnh, dấu ấn con người đặc trưng Việt Nam. Trong khi phim của các nước bạn họ nhìn trực diện vào đời sống và đặt ra những vấn đề bức xúc cần phải giải quyết. Ở một góc nhìn đồng cảm và tương tự, dịch giả Bửu Ý ấm ức: Rất tiếc là hình ảnh Việt Nam rất hiếm thấy trong các phim nước ngoài, ít hơn rất nhiều lần so với hình ảnh của Campuchia, Thái Lan?
Trước khi vào Huế, Đặng Nhật Minh có đọc một bài báo của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề xuất ý tưởng xây dựng Huế theo mô hình thành phố nhân văn. Ông rất tâm đắc, và cho rằng phải xây dựng nền điện ảnh nhân văn mới có được nhiều tác phẩm truyền đời, và có tác phẩm hội nhập với thế giới. Một vài khán giả hỏi về mục đích giáo dục và mục đích giải trí bên nào nặng, nhẹ trong quá trình làm phim, Đặng Nhật Minh chia sẻ: Dù được Nhà nước cấp tiền làm phim, ngay cả trong thời điểm có những cơ quan tổ chức cho cán bộ đi xem phim tập thể, sau khi xem phải viết thu hoạch, ông vẫn làm phim theo cảm xúc của mình, không chịu một sự áp đặt nào cả. Khi làm phim Đặng Nhật Minh không có ý định giáo dục, dạy bảo ai điều gì. Ông làm phim như một lời tâm sự với khán giả. Và chỉ mong được khán giả chia sẻ với mình, mong muốn phim sẽ góp phần nuôi dưỡng tâm hồn đẹp hơn, đồng cảm với nhân vật và đồng cảm với mọi người xung quanh. Đặng Nhật Minh kể, lần sang Ấn Độ tham gia Ban giám khảo LHP, sau buổi chiếu phim Bao giờ cho đến tháng mười, có một khán giả bản xứ tuổi ngoài 50 đến gặp ông với đôi mắt rưng rưng và nói rằng: Tôi khóc khi xem phim Bao giờ cho đến tháng muời…
Đặng Nhật Minh xúc động còn lớn hơn vị khán giả người Ấn. Ông xem đó là một sự chia sẻ, đền đáp.
Đó chính là bản lĩnh là thành quả lao động nghệ thuật của người nghệ sĩ tài năng và chân chính.