Tạp chí Sông Hương -
Tâm linh và Nghệ thuật
10:10 | 11/03/2013

Đây là bài viết của nữ nhà báo Emily Esfahani Smith về cuộc gặp nhà phê bình nổi tiếng Paglia tại bảo tàng Mỹ thuật Philadelphia, trò chuyện về cuốn sách mới của bà, về tôn giáo, và sự phát triển của nghệ thuật, văn hóa ngày nay.

Tâm linh và Nghệ thuật

 


Nhà phê bình văn hóa và tranh đấu nữ quyền Camille Paglia (năm 2012)

Thế giới mỹ thuật đang bị khủng hoảng tinh thần, đã không hề có một ý tưởng mới nào trong nhiều năm. Đó là lập luận của nhà phê bình văn hóa và đấu tranh nữ quyền Camille Paglia trong cuốn sách mới của bà: Hình ảnh lộng lẫy - Hành trình hội họa từ Ai Cập đến chiến tranh giữa các vì sao (Glittering Images: A Journey Through Art From Egypt to Star Wars). Cuốn sách chắt lọc từ loạt bài phê bình Vỡ, Thổi phồng, Đốt cháy năm 2005 – là một cuộc khảo sát sơ lược về mỹ thuật phương Tây trong 29 bài tiểu luận, mỗi bài tập trung vào một khía cạnh riêng. Các chủ đề có: Những bức tượng Cycladic (khoảng 3500-2300 trước Công nguyên), Thánh Saint Peter của Bernini (khoảng 1647-1653), Những cô nàng ở Avignon của Picasso (1907), và một số bất ngờ như bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao – Sự trả thù của người Sith do George Lucas viết kịch bản và đạo diễn. Paglia giải thích trong lời giới thiệu, cấu trúc cuốn sách dựa trên những hình ảnh mộ đạo trong kinh nhật tụng, như “những buổi lễ Misa của các thánh”.

Đối với Paglia, nhu cầu tâm linh xác định tất cả tác phẩm nghệ thuật vĩ đại – tất cả các tác phẩm nghệ thuật tồn tại. Nhưng trong thời đại trần tục của chúng ta, các cuộc vận động tự do chống lại tôn giáo cũng đã gây tổn hại cho nền hội họa. “Chế nhạo tôn giáo là quá trẻ con, triệu chứng của một trí tưởng tượng còi cọc”, Paglia viết. “Tuy nhiên, thái độ hoài nghi đã trở thành bắt buộc trong thế giới mỹ thuật, chỉ đơn giản là một lý do khác để dẫn đến sự nông cạn của rất nhiều tác phẩm đương đại, không có những ý tưởng lớn”. Trong lịch sử mỹ thuật vĩ đại của phương Tây đã có các chủ đề tôn giáo, hoặc rõ ràng hoặc tiềm ẩn. Paglia nói: “Kinh Thánh là cơ sở cho rất nhiều tác phẩm nghệ thuật lớn, có tầm sâu xa hơn so với bất cứ điều gì toát ra từ nền văn hóa ngày nay”. Như một kết quả của sự phá sản tinh thần, mỹ thuật đang mất dần tính nổi bật của nó trong nền văn hóa của chúng ta. “Mỹ thuật được biết đến ngày nay”, bà viết, “chỉ khi một bức tranh bị đánh cắp hoặc được bán đấu giá với con số kỷ lục”.

Là một giáo sư nghiên cứu tự do tại Đại học Mỹ thuật Philadelphia, nơi bà dành sự nghiệp học thuật để giảng dạy các họa sĩ tương lai, Paglia đã nhìn thấy cuộc khủng hoảng của thế giới nghệ thuật diễn ra trực tiếp. Dạo quanh co tùy ý qua các hành lang của viện bảo tàng Philadelphia, thỉnh thoảng dừng lại vì ngạc nhiên trước một bức tượng bán thân La Mã cổ đại hoặc một bức tranh thời trung cổ vẽ Đức Trinh Nữ và Hài nhi, bà kể với tôi hai câu chuyện.

Cuối những năm 1980, Paglia dạy một khóa giới thiệu về lịch sử mỹ thuật tên là “Nghệ thuật và Văn minh” cho sinh viên năm thứ nhất. Khi giảng đến thời kỳ Phục hưng, Paglia quyết định giới thiệu với học trò tác phẩm hai phần của Michelangelo trên trần nhà nguyện Sistine là Cám dỗBị đuổi khỏi Vườn Địa đàng. Sau bài giảng từ sách Sáng thế của Paglia về cảnh này, một sinh viên đã tiếp cận bà, “vui vẻ cho biết, cô ấy rất vui được tìm hiểu vì đã thường xuyên nghe nói về Adam và Eve nhưng chưa bao giờ biết những gì liên quan tới họ”.

 


Cuốn sách Hình ảnh lộng lẫy của Paglia và một số bức tranh chủ đề

 

 

Gần đây, vào đầu những năm 2000, Paglia giảng dạy một khóa học mà bà đã khởi xướng từ những năm 1980, “Nghệ thuật của Lời ca”, hướng về các nhạc sĩ và có một bài giảng tâm linh là Đi xuống, Moses (Go down, Moses – trong Cựu ước, cùng tên với tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Mỹ William Faulkner). Nhưng chẳng có mấy người biết Moses là ai hoặc câu chuyện thế nào. “Nếu bạn là một nghệ sĩ mà không nhận ra tên Moses”, bà nói, “thì phương Tây đã chết. Chấm hết. Nó đã tự tử”.

Hơn hai mươi năm trước, Paglia có một cuộc hành trình khám phá nghệ thuật bằng cuốn sách đột phá Biểu tượng tính dục - Nghệ thuật và suy đồi từ Nefertiti đến Emily Dickinson (Sexual Personae: Art and Decadence from Nefertiti to Emily Dickinson). Nó bắt đầu sự nghiệp của bà như là một nhà phê bình văn hóa thông minh và bền bỉ, bỗng nhiên xuất hiện trên khắp các phương tiện truyền thông, nói về các chủ đề khác nhau, từ Madonna và Elizabeth Taylor cho đến nạn hãm hiếp và cải cách giáo dục. Trong cuốn sách, Paglia lập luận rằng văn hóa phương Tây đã có một loạt thay đổi về tính dục (Mona Lisa là người đàn bà lập dị thích đau đớn khi giao hoan, Dickinson là thiếu phụ khổ dâm ở Amherst). Cuốn sách có tất cả các điểm nổi bật của Paglia: làm cho độc giả mê đắm với văn phong hấp dẫn, đẹp và quyết liệt, và mổ xẻ về nữ quyền. Không cần phải nói, cuốn Biểu tượng tính dục gây ra nhiều phản ứng giận dữ và đánh dấu cái tên Paglia trở thành tài năng đặc biệt về học thuật và nữ quyền.

Có một người đặc biệt mà bà không thể không nhắc đến là nhà báo bảo thủ Christopher Hitchens – tác giả cuốn Chúa không hề vĩ đại (God is not Great), giống bà là có một tinh thần tự do, cấp tiến, theo chủ nghĩa vô thần. Sự khác biệt chính giữa hai người là Hitchens khinh thường tôn giáo và Thiên Chúa còn Paglia thì tôn trọng và nghĩ rằng đó là nền tảng của văn hóa và nghệ thuật phương Tây. Paglia gọi Hitchens là “một trưởng giả ích kỷ không có ý tưởng thực sự nào ngoại trừ vì sự thăng tiến cá nhân của mình”.

Sự bài bác tôn giáo trong thế giới mỹ thuật lên đến đỉnh điểm vào những năm 1980 và 1990 qua những cuộc bút chiến tới mức báng bổ thánh thần, biến sự đả phá Kitô giáo thành một phép thử của nghệ thuật tiền phong (avant-garde) đương đại. “Không có gì nhàm chán hơn so với thứ tín ngưỡng tự do có giá trị gây sốc trao tầm quan trọng vô ý thức cho một tác phẩm nghệ thuật”, bà viết trong cuốn sách mới của mình. Trong sự vội vã bảo vệ các công trình kém cỏi như bức ảnh Piss Christ của Andres Serrano (1987, miêu tả một cây thánh giá ngập trong nước tiểu) và bức tranh Đức Thánh nữ Đồng trinh Maria của Chris Ofili (1996, bị thị trưởng New York lúc đó là Rudolph Giuliani gọi là “bệnh hoạn”), các tổ chức mỹ thuật đẩy lùi chính nó vào sự lũng đoạn bè phái mà từ đó nó không thể vượt lên nữa. Vì thế, nhiều người dân Mỹ xem thế giới hội họa là hợm hĩnh, vô giá trị, và hèn hạ. Mục tiêu của Paglia trong cuốn sách Hình ảnh lộng lẫy là thay đổi cách người dân Mỹ thường nghĩ về mỹ thuật. Paglia (có một con trai mười tuổi) đặc biệt quan tâm đến tình trạng giáo dục nghệ thuật trong giới trẻ. Qua tìm hiểu về nghệ thuật ở các trường công thì mới biết chủ đề tôn giáo bị cấm tiệt. 

Cuối cùng, bà nói về cấu trúc bài bản của cuốn sách: trong phần đầu tiên, bà dẫn người đọc qua một loạt tác phẩm mỹ thuật cổ điển nổi tiếng như bức tượng đồng cổ Người đánh xe ngựa của Delphi (khoảng 475 TCN), Venus soi gương của Titian (khoảng năm 1555), và Hoa diên vĩ của Claude Monet (1900), hy vọng sẽ đạt được sự tin tưởng của người đọc. Sau đó, bà giới thiệu nhiều tác phẩm thử nghiệm và trừu tượng khó hiểu, như bức tranh Green Silver của Jackson Pollock (khoảng năm 1949), nỗ lực để trình bày với độc giả rằng đây là những tác phẩm hội họa đẹp và thần bí. “Họa sĩ trừu tượng là những người tìm kiếm tâm linh”, bà nói. Một trong những điểm nổi bật của Hình ảnh lộng lẫy là khả năng nắm bắt ý nghĩa huyền ảo của Paglia với các tác phẩm mới đây, như tác phẩm Cánh đồng sấm sét (The Lightning Field) của Walter De Maria (1977). Tia chớp cắt qua bầu trời là cơn thịnh nộ của Đức Chúa Trời, Paglia đặt vấn đề, hay là ánh sáng mặc khải của hoàn mỹ và sáng tạo?

Nếu tất cả họa sĩ vĩ đại đều tìm kiếm tâm linh, thì sự suy ngẫm nghệ thuật vĩ đại là một kinh nghiệm tôn giáo. Paglia nói với hai tay rộng mở như muốn ôm cả bảo tàng: “Đây là giáo đường của tôi”. Và Paglia đang chờ đợi những sự thay đổi: “Một xã hội mà lãng quên nghệ thuật là đang để lạc mất linh hồn”.

Theo Tri Sơ - NDBND

Các bài mới
Các bài đã đăng