Tạp chí Sông Hương -
50 tỉ đồng cho phim nghệ thuật
09:25 | 13/03/2013

Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ điện ảnh Việt Nam đang được Cục Điện ảnh trình Chính phủ. Liệu đề án được thông qua có là cú hích lớn, thay đổi diện mạo điện ảnh Việt Nam vốn đang tẻ nhạt?

50 tỉ đồng cho phim nghệ thuật
Bộ phim Bi, đừng sợ có thể thực hiện là nhờ sự hỗ trợ kinh phí của nhiều quỹ điện ảnh nước ngoài - Ảnh: T.L

Mặc dù trong luật Điện ảnh (năm 2007) đã quy định cần có quỹ hỗ trợ điện ảnh, song đến tận bây giờ đề án thành lập mới có thể hoàn thành. Quỹ hỗ trợ điện ảnh, theo lời TS Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh, sẽ dành chủ yếu hỗ trợ cho các nhà làm phim độc lập, các tác phẩm điện ảnh thuộc dòng phim tác giả, phim nghệ thuật.

 

Điện ảnh Việt Nam hiện có hai dòng phim chính (tạm chia) là: phim thương mại (phim tư nhân) và phim lịch sử, chính trị (phim nhà nước). “Diện mạo điện ảnh trong nước đang rất tẻ, có phần phiến diện. Trong khi đó, thế giới và ngay như nhiều nước Đông Nam Á đã hỗ trợ phát triển dòng phim tác giả, phim nghệ thuật từ lâu và tạo được những làn sóng mới. Nhưng dù sao, muộn còn hơn không!”, nhà làm phim độc lập, đạo diễn Phan Đăng Di chia sẻ.

 

Những bộ phim tác giả chú trọng tới tính sáng tạo, thể nghiệm nghệ thuật và không đặt ra mục đích thương mại. Trước nay, các nhà làm phim độc lập Việt Nam vẫn phải cậy nhờ chủ yếu ở các quỹ hỗ trợ điện ảnh nước ngoài. Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp đã tìm kiếm và kêu gọi tài trợ cho dự án Đập cánh giữa không trung từ năm 2010, đến giờ 60% tổng kinh phí đã được huy động, hầu hết đến từ các quỹ hỗ trợ điện ảnh của nước ngoài - giống như con đường mà Bi, đừng sợ của đạo diễn Phan Đăng Di từng đi trước đây.

Không chỉ đầu tư tiền làm phim, theo đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, các quỹ hỗ trợ điện ảnh còn mang ý nghĩa khác là “ghi nhận - công nhận sự sáng tạo, đặc sắc, khác biệt, chất lượng nghệ thuật của bản thân dự án phim”. Hơn nữa, “việc các dự án được các quỹ hỗ trợ điện ảnh uy tín lựa chọn cũng chính là dấu thông hành cực tốt để nhà sản xuất tiếp tục vận động tài chính từ các nguồn khác: hãng phim, hãng phát hành, rạp chiếu...”.

Dự kiến, kinh phí hoạt động quỹ được hỗ trợ là 50 tỉ đồng, ngoài ra có thể trích từ 3% giá tiền của mỗi chiếc vé xem phim ở các rạp chiếu. Theo thống kê từ Cục Điện ảnh, doanh thu của các rạp chiếu phim năm qua đạt tới 47 triệu USD. Theo cách này, có thể nhẩm tính nguồn tài chính của quỹ sẽ không hề eo hẹp.

 

Cần sự công tâm, vì nghệ thuật

Nhưng tài chính chỉ là yếu tố cần, quan trọng hơn là việc sử dụng tiền hiệu quả đến đâu. Chẳng phải nhà nước vẫn dành ngân sách hỗ trợ cho việc sản xuất phim hằng năm đó sao? Nhưng nhìn lại, có mấy bộ phim được đầu tư theo con đường này có chất lượng nghệ thuật cao hay trụ được trong thời gian dài ở rạp chiếu?

 

Đạo diễn Phan Đăng Di thì đưa ra ví dụ, Quỹ điện ảnh thế giới nằm trong Liên hoan phim quốc tế Berlin (Đức) có nguồn tài chính không quá lớn và được vận hành với bộ máy gọn nhẹ khoảng 4-5 chuyên gia, nhưng hằng năm họ vẫn chọn lựa chính xác các dự án, sau này được giải thưởng tại các liên hoan phim uy tín. Lý do là hội đồng nghệ thuật làm việc công tâm, có chuyên môn cao, tiêu chí lựa chọn rõ ràng. Bởi thế, tiêu chí kiểm duyệt và lựa chọn cũng là câu chuyện đáng bàn. “Phải có sự minh bạch, không chỉ trong tài chính mà cả tiêu chí lựa chọn. Bất cứ quỹ nào mở ra ủng hộ nghệ thuật thì xét trên tiêu chí nghệ thuật chứ không phải bất cứ tiêu chí nào khác. Xin đừng lấy nhãn quan ngoài nghệ thuật để khắt khe trong kiểm duyệt hay lựa chọn”, đạo diễn của Bi, đừng sợ chia sẻ quan điểm.

Dù chưa thể chắc chắn cú hích này có thể làm thay đổi diện mạo điện ảnh, nhưng khi dòng phim nghệ thuật được kích thích, có thể lạc quan rằng đời sống điện ảnh sẽ phong phú, sôi động hơn.

 

Theo Minh Ngọc - TNO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng