Trong những giá trị minh triết và sách lược tinh túy của tiền nhân, trọng dụng nhân tài mãi là bài học cho muôn đời sau.
Trân trọng hiền tài từ xa xưa đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của minh quân, lãnh tụ. Tưởng không có cách biểu đạt nào thiêng liêng hơn dòng chữ đề bia tiến sĩ ở Văn miếu Quốc tử giám. Đại thần kiệt xuất Thân Nhân Trung được vua Lê Thánh Tông, vị vua anh minh vào bậc nhất giao soạn bài văn bia cho bia tiến sĩ đầu tiên. Trong bài văn bia này, Thân Nhân Trung đã nêu bật được tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với việc hưng thịnh của đất nước: “Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Nhà bác học Lê Quý Đôn học vấn uyên thâm, văn tài chói sáng vượt biên và lịch duyệt trong trước tác về thuật trị nước đã đúc kết rằng “không có tri thức thì không có hưng thịnh” và một trong những nguyên nhân dẫn tới mất nước là “sĩ phu ngoảnh mặt”.
Các bậc tiền nhân quan niệm nhân tài như mạch nguồn tiềm ẩn trong xã hội, phải có cách mới khai thông được. Nhân tài thường không tự tỏa sáng mà phải có chủ thuyết mới có thể thắp sáng lên được. Đối với nhân tài, cái cần đầu tiên không phải là đãi ngộ về vật chất mà là trọng thị về nhân tâm. Người cầu hiền phải thật sự có tâm và có tầm để đủ sức thu phục nhân tài. Người có tâm sáng xuất phát từ tầm nhìn cao rộng, vì đại cuộc mới phát hiện được, lắng nghe được và trọng dụng được nhân tài. Những ai đố kỵ nhân tài, bụng dạ hẹp hòi, thiển cận không sao làm nổi việc này.
Lịch sử nước ta chứng kiến không ít lần sau khi bình định giặc ngoài, thu lại non sông, công cuộc kiến thiết được bắt tay từ chiếu cầu hiền, giao trách nhiệm cho những người có nghĩa vụ tiến cử và khuyến khích những người có tài đức tự tiến cử. Người cầu hiền luôn canh cánh một nỗi là tài mình chưa đủ cao, đức mình chưa đủ dày để vời cho hết những nhân tài còn ẩn dật trong thiên hạ.
Tiếp đến, đó là các khoa thi được tổ chức nghiêm ngặt, công bằng và quy củ để kén chọn nhân tài. Những người đỗ đại khoa xuất thân từ những tầng lớp khác nhau nhưng vẫn được giao trọng trách, gần như không có sự hạn chế về thành phần hay phân biệt. Tuy vậy, khoa cử đã không phải là con đường tiến thân duy nhất của những người có tài. Thời vua Trần Anh Tông, vì thực tài Đoàn Nhữ Hài được bổ ngay làm Ngự sử Trung tán khi còn là một thư sinh trẻ tuổi mà không hề thuộc hàng hoàng thân quốc thích hay dòng dõi trâm anh.
Trọng dụng người tài giỏi, đối với người xưa không chỉ là sách lược của người đứng đầu, được triển khai trong thực tế thông qua các hình thức thu hút, tuyển chọn mà còn được thể chế hóa thành nghĩa vụ pháp lý của những người có phận sự. Điều 174 của Quốc triều hình luật (Bộ luật Hồng Đức) quy định: “Những người làm nhiệm vụ cử người mà không cử được người tài giỏi thì bị biếm hoặc phạt theo luật nặng nhẹ; nếu vì tình riêng hoặc lấy tiền thì xử tội nặng thêm hai bậc”. Đáng ngạc nhiên là cách đây hơn 500 năm, nghĩa vụ tuyển dụng người tài đối với quan chức hữu quan đã được luật hóa với chế tài cụ thể. Thiết nghĩ vượt qua từng ấy thời gian, điều luật này vẫn giữ nguyên tính thời sự.
Sinh thời, đi theo truyền thống quý trọng kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí, bồi đắp nhân tài của tiền nhân, lãnh tụ Hồ Chí Minh là gương sáng về trọng dụng nhân tài. Ngay sau Tuyên ngôn độc lập, cùng với một trong những việc cấp bách phải làm ngay là “phải có một hiến pháp dân chủ” để nhân dân ta “được hưởng quyền tự do dân chủ”, Chủ tịch Hồ Chí Minh liên tiếp có những lời kêu gọi, bài viết bộc lộ sự tha thiết, lòng khát khao, ý chí mong mỏi mời được người tài ra giúp nước, phụng sự nhân dân, căn dặn những người có trách nhiệm lãnh đạo phải biết cách trọng dụng nhân tài. Người nhìn nhận bấy giờ, “nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển nhiều thêm”. Người luôn áy náy: “Chính phủ không nghe đến, không thấy khắp, đến nỗi những bậc hiền tài không thể xuất thân” và giao trách nhiệm cụ thể cho các địa phương tìm kiếm, báo cáo, tiến cử những người tài đức cho Chính phủ. Chủ trương thông thoáng trong trọng dụng nhân tài phát đi từ người đứng đầu Chính phủ đã làm cho nhiều nhân sĩ, trí thức bỏ lại sau lưng cuộc sống phồn hoa, sung túc, danh vọng để đi theo kháng chiến kham khổ mà vinh quang. Nhiều người sau này đã trở thành tri kỷ với Người. Nhà chí sĩ cao tuổi Huỳnh Thúc Kháng lúc đầu ra Hà Nội chỉ để “bày tỏ một vài ý kiến, còn việc khác thì không thể nhận” đã cảm động tấm lòng liên tài của Người mà nhận lãnh trọng trách bộ trưởng Bộ Nội vụ trong chính phủ liên hiệp kháng chiến và quyền chủ tịch nước khi Người đi vắng.
Đúc kết bài học từ tiền nhân về trọng dụng nhân tài, chúng ta thấy chỉ có chủ trương thông suốt, chính sách thỏa đáng, chiến lược thực chất, khung pháp lý đầy đủ và môi trường tương thích mới thu hút được nhân tài. Nếu chỉ quan tâm một cách hình thức, chiếu lệ hay bỏ mặc cho các địa phương tùy hứng mà “chiêu hiền, đãi sĩ” thì nhân tài khó mà ngoảnh lại.
Trọng dụng nhân tài phải mang tầm chiến lược.Và điều quan trọng hơn, muốn trọng dụng được nhân tài thì những người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải có tâm thế để có thể phát hiện và thu phục. Bởi lẽ người xưa có câu rất thanh tao về sự tương ngộ: “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”. Nhưng người xưa cũng có câu đầy cảnh tỉnh về thói bè phái: “Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”.
Theo TS Huỳnh Văn Thới ( phapluattp.vn)