Mỗi năm có hàng ngàn tập thơ được in ra. Nhưng đã rất lâu, mới có một người "khuấy động" được thị trường thơ vốn "ngủ im lìm" quanh năm suốt tháng. Người đó là nhà thơ trẻ Nguyễn Phong Việt, hiện sống tại Tp HCM...
Tập thơ "Đi qua thương nhớ" (NXB Văn học & Công ty sách Phương Đông phối hợp xuất bản) của Nguyễn Phong Việt đã lập kỷ lục với 10.000 cuốn bán hết trong 50 ngày. Hướng tới ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, vừa qua, Nguyễn Phong Việt đã có buổi ra mắt phiên bản đặc biệt cuốn thơ "Đi qua thương nhớ" tại Hà Nội.
Tập thơ gồm 62 bài, với nội dung về tình yêu đôi lứa, mà nói như tác giả, là "câu chuyện của một mối tình, của những dằn vặt, ám ảnh lẫn tuyệt vọng của một quãng đời yêu thương". Rất nhiều người nghi ngờ, thậm chí không tin vào con số bán 10.000 tập thơ này, nhất là trong bối cảnh phát hành hiện nay. Những ai đã từng tham dự buổi offline của Nguyễn Phong Việt tại Hà Nội và Tp HCM thì sẽ thấy, thật hiếm có buổi ra mắt, giới thiệu sách nào mà độc giả lại ùn ùn kéo đến, rút ví mua sách. Trung bình mỗi người mua 1 cuốn, thậm chí có người mua liền 5-7 cuốn để tặng bạn bè. Những độc giả tới mua sách đó, tất nhiên không phải là các nhà văn nhà thơ nổi tiếng, vì "tuổi" của Nguyễn Phong Việt chưa quen nhiều các cô các bác văn chương đình đám ấy. Độc giả mua "Đi qua thương nhớ" có thể là học sinh, sinh viên, hoặc công chức, nằm trong "phân khúc" mà anh nhắm tới: độ tuổi 20-30. Họ đã là fans của Phong Việt trên mạng xã hội, và theo dõi từng bài thơ nóng hổi Phong Việt vừa viết xong và đưa lên Facebook. Họ đã chờ đợi cuốn sách này từ vài ba năm nay, vì thế, dễ hiểu vì sao "Đi qua thương nhớ" đã nhanh chóng tạo được làn sóng mua sách khi vừa ra mắt.
Tuy vậy, nói về kỷ lục bán sách "rất hiếm hoi" trong thị trường sách hiện nay, Nguyễn Phong Việt ví mình như người "trúng số" thơ. "Cuốn sách của tôi là một duyên may, và thật sự có khá nhiều yếu tố may mắn để làm nên thành công của cuốn sách, như cái bìa sách ấn tượng của NTK Nguyễn Công Trí, như phần trình bày rất đẹp của bạn Quỳnh Anh, như những hình ảnh rất đẹp của những người bạn ở Việt Nam lẫn ở Pháp… Và trên hết, tôi nghĩ mình đã kể được một câu chuyện mà mọi người thấy được bóng dáng của mình ở trong đó. Tôi vẫn tin rằng công chúng thơ chưa bao giờ quay lưng, và việc cuốn sách "Đi qua thương nhớ" bán được với số lượng bản in như thế trong một khoảng thời gian kỷ lục đã nói lên được nhận định này. Tôi không phải là người viết chuyên nghiệp, cuốn sách ra đời từ những người đọc yêu quý của tôi khi họ muốn có một cuốn sách như một quà tặng tinh thần dành cho bản thân và bạn bè. Và cũng có lẽ bởi vì tôi không mưu cầu bất cứ điều gì với cuốn sách này (vì hơn 90% nội dung đã được post trên mạng và mọi người đều đã đọc), viết với một tâm thế thoải mái… nên mọi thứ đã đến một cách tự nhiên như thể tôi là người "trúng số" so với những người viết khác" - Nguyễn Phong Việt nói.
Ngày thơ Việt Nam vừa diễn ra rầm rộ khắp cả nước, thu hút hàng vạn người làm thơ cũng như công chúng yêu thơ vào mỗi độ rằm tháng Giêng. Đó là sự thật. Và sự thật này chứng tỏ đất nước ta vẫn còn rất nhiều người yêu thơ. Thậm chí, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều từng nhận định Việt Nam là cường quốc thi ca. Là nhà thơ trẻ gắn liền với kỷ lục vừa lập, Nguyễn Phong Việt thừa nhận "thời điểm nào thì thơ văn vẫn là một món ăn tinh thần không thể thiếu với người Việt, cho dù Internet phát triển đến mức nào đi chăng nữa, thì cảm giác cầm một cuốn sách mình yêu quý trên tay với người đọc vẫn là thứ cảm giác không gì thay thế được". Theo tác giả Nguyễn Phong Việt, nhà thơ "cần nuôi dưỡng công chúng cho riêng mình. Mỗi người mua cuốn sách "Đi qua thương nhớ" của tôi đều là một ân tình mà tôi nghĩ tôi luôn nợ họ, vậy thì việc trân trọng người đọc của mình là chuyện cần phải làm, ít nhất là với cá nhân tôi".
Mọi chuyện bắt đầu từ năm 2007, khi trào lưu văn học mạng vẫn còn đang nóng hổi. Nguyễn Phong Việt sáng tác xong bài thơ nào là đưa lên mạng, lên trang Facebook của mình. "Tôi viết, tôi chia sẻ và tôi nhận lại được những comment của mọi người để lại tiếp tục cùng nhau chia sẻ những suy nghĩ ấy về một câu chuyện mà tôi vừa kể". Lượng độc giả truy cập, đọc và chia sẻ những vần thơ của anh ngày càng nhiều lên, thậm chí có cả các trang Fanpage do người đọc yêu quý lập ra. Cái tên Nguyễn Phong Việt và thơ "made in Nguyễn Phong Việt" trở nên phổ biến với rất nhiều bạn trẻ. Thế rồi, nhiều năm trôi qua, Nguyễn Phong Việt quyết định tập hợp bản thảo để in thành sách.
Đã có những nhà thơ, nhà văn trẻ thổi bùng lên một xu hướng nào đó, lôi cuốn được rất nhiều độc giả trong một khoảng thời gian ngắn rồi nhanh chóng chìm vào im lặng, đó là quy luật của cuộc sống. Dẫu biết vậy, Nguyễn Phong Việt dường như vẫn khá tin tưởng vào con đường của mình: "Tôi nhận ra một điều rất đơn giản, thơ hay bất cứ loại hình văn học nào vẫn chưa mất đi công chúng của mình, chẳng qua là những gì mà mình viết ra có thể chạm được đến trái tim, đến cảm xúc của người đọc hay không mà thôi".
Trả lời câu hỏi: "Đi qua thương nhớ" chưa kịp "cắt cơn sốt", anh đã bắt tay vào phần hai của "dự án thơ". Có vẻ anh đang… được đà?", Nguyễn Phong Việt thừa nhận: "Đúng là thành công của "Đi qua thương nhớ" giúp tôi có động lực để viết "Từ yêu đến thương". Tôi viết phần 2 này như là một cách trả nợ với người đọc của mình. Vì "Đi qua thương nhớ" có quá nhiều day dứt, ám ảnh… nên "Từ yêu đến thương" sẽ là mạnh mẽ và bao dung hơn rất nhiều. Và "Từ yêu đến thương" cũng là cách mà tôi chia sẻ với người đọc của mình, dù như thế nào thì đến một ngày phải tự mình đứng dậy, tự mình bước tiếp… và một ngày không xa mình sẽ tìm thấy được đúng yêu thương mà mình mong chờ". Dự kiến, "Từ yêu đến thương" sẽ được tác giả viết trong khoảng 2 năm, và dự kiến phát hành vào đầu 2014.
Cuối cùng, Nguyễn Phong Việt là ai? Xin thưa, đó là chàng trai sinh năm 1980 tại Tuy Hòa, Phú Yên, là cựu học sinh chuyên ban Nguyễn Huệ. Anh là thành viên Hội bút Vòm Me Xanh - báo Mực tím, ba lần đoạt giải thưởng Bút mới của báo Tuổi trẻ, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ-Tin học Tp HCM.
Theo Thanh Bình - CAND
|
|