Tạp chí Sông Hương -
Hội họa Việt Nam có nhiều nghịch lý
10:49 | 18/03/2013

 “Hội họa Việt Nam giai đoạn Trường Mỹ thuật Đông Dương đã tạo ra rất nhiều họa sĩ được thế giới biết đến, hơn hẳn các nước lân cận như Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, kể cả Trung Quốc và Nhật Bản. Cho đến nay tình hình ngược lại, nghệ thuật đương đại của các nước lân cận được thế giới biết đến nhiều hơn Việt Nam”.

Hội họa Việt Nam có nhiều nghịch lý

 

Ông Jean-Francois Hubert (Pháp), chuyên gia về hội họa Việt Nam của hãng đấu giá nghệ thuật Christie’s, nhận xét như vậy tại khóa tập huấn giám tuyển nghệ thuật kéo dài 10 ngày vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật Huế.

Ông Hubert cho rằng các tác phẩm có giá trị của Việt Nam rất ít được quảng bá ra thế giới bởi người Việt mà phải thông qua các nhà sưu tập tranh quốc tế. Giới giàu có của người Việt hiện nay rất đông đảo, chủ yếu chú ý đến mua sắm các loại như xe hơi đắt tiền, nhà cửa..., trong khi rất ít chú ý đến sưu tập tác phẩm nghệ thuật, chưa coi nghệ thuật là một kênh đầu tư. Điều này khác hẳn với người phương Tây. Các bảo tàng mỹ thuật ở Việt Nam cũng sở hữu những tác phẩm hội họa rất có giá trị nhưng không có bảo tàng nào có thể nâng tầm quốc tế.

Trong khi đó tại Trung Quốc và Singapore đã có những bảo tàng nghệ thuật quy mô, tầm cỡ. Còn các gallery từ Hà Nội đến TP.HCM, có nhiều điểm na ná nhau, chưa tạo được những dấu ấn riêng. Các họa sĩ Việt Nam cũng chưa thật sự năng động trong việc tự giới thiệu về mình và tác phẩm của mình. “Các họa sĩ phải tự triển lãm tranh của mình thường xuyên, chính các hoạt động đó sẽ tạo nên một lớp công chúng và nghệ sĩ có thói quen đến xem tranh và tranh của chính mình sẽ được người ta biết đến nhiều hơn” - ông Hubert nói.

Theo phân tích của ông Wang Zineng (phụ trách nghệ thuật châu Á thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại Đông Nam Á của Christie’s), tranh Việt Nam tham gia thị trường quốc tế qua các cuộc đấu giá phần lớn của các họa sĩ thuộc thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương. Ông ghi nhận giai đoạn từ năm 1990 đến nay, tranh của Lê Phổ (1907-2001) tham gia 1.064 phiên. Kế đến là Vũ Cao Đàm (1908-2000) 393 phiên và Mai Trung Thứ (1906-1980) 359 phiên. Các tác phẩm khác của Nguyễn Gia Trí (1908-1993) 54 phiên, Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) 32 phiên, Lê Thị Lựu (1911-1988) 11 phiên, Tô Ngọc Vân (1906-1954) 6 phiên, Lê Văn Đệ (1906-1966) 6 phiên và Nam Sơn (1890-1973) 3 phiên...

Riêng trong năm 2011, tranh của Lê Phổ có mức giá gần 1,6 triệu USD cho 64 tác phẩm, Vũ Cao Đàm khoảng 345.000 USD cho 24 tác phẩm và Mai Trung Thứ 340.000 USD cho 16 tác phẩm... Các tác phẩm này được bán nhiều nhất tại thị trường Hong Kong, kế đến là Singapore, sau đó là Mỹ và Pháp...

Theo Thái Lộc - Ngọc Hiển - TTO

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng