Những cuốn sách trở nên tuyệt hơn khi chúng ta hiểu chúng hơn: đọc đi đọc lại, và biết rằng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được chúng. ĐBND giới thiệu bài của Joan Wickersham trên báo Địa cầu Boston (The Boston Globle).
Vào năm mười tám tuổi, tôi kết bạn với một nhà văn tuổi tầm ba mươi. Một ngày nọ tôi hỏi ông đang đọc sách gì. “Tôi đang bắt đầu đọc lại” - ông nói. Chắc ông hết sách rồi, tôi nghĩ bụng. Lúc ấy tôi hơi tiếc cho ông, và chột dạ khi nghĩ rằng sau này chắc không còn nhiều sách hay cho mình trong khoảng mươi năm nữa. Phải chăng ông bạn vong niên ấy đã gợi ý rằng rồi sẽ có lúc chúng ta mắc kẹt với sự lặp lại?
Hôm nay, hơn ba thập kỷ sau, tôi mới vỡ ra những gì ông nói. Bạn không bao giờ hết sách để đọc, thế nhưng cũng giống như khám phá những điều mới lạ, một trong những niềm vui lớn của cuộc sống là đọc lại: trở lại với cuốn sách lần thứ hai hay thứ ba hay thậm chí lần thứ năm, và xem thử tác phẩm đã sâu sắc và rộng mở hơn chừng nào từ lúc bạn ghé thăm nó lần trước đó.
Lần đầu bạn đọc cuốn Ước vọng lớn lao của Dickens, hẳn bạn chỉ đọc để nắm cốt truyện. Điều xảy ra tiếp theo là gì? Ân nhân bí ẩn của Pip là ai? Và Estella, cô gái có trái tim lạnh lùng mà anh yêu, sẽ xiêu lòng và nhận lời cầu hôn của anh không? Dickens sẽ làm thế nào để dệt nên các sợi chỉ, và tấm thảm sẽ như thế nào vào lúc nó hoàn thành? Lần thứ hai đọc cuốn sách, bạn đã thấy hết toàn cục các họa tiết của tấm thảm. Bạn biết rằng đây là tác phẩm về sự ảo tưởng. Bạn nhận ra những sai lầm của Pip với tư cách là người dẫn truyện. Bạn có thể tin vào những điều anh ta kể, nhưng không nên tin tưởng khi anh ta nói với bạn về ý nghĩa của chúng. Bạn hiểu rằng đây là cuốn sách nói về những sai lầm – và diễn tả chi tiết cái cách chúng ta mắc sai lầm, Dickens đã làm rất đúng cách.
Lần đầu tiên đọc Ethan Frome, bạn thấy chán. Có lẽ bạn đang độ tuổi thiếu niên, và đọc tiểu thuyết trong một lớp học tiếng Anh ở trung học. Các giáo viên giới thiệu bởi vì nó ngắn. Tuyết, nước đá, và một đống người vùng Tân Anh Cát Lợi cộc cằn kiệm lời. Để làm cho mọi việc tồi tệ hơn, tác phẩm bắt đầu với cảnh các nhân vật chẳng đáng kể, điều đó khiến bạn có thể muốn ném cuốn sách ra cửa sổ - vẫn cái cửa sổ mà thông qua đó bạn sẽ muốn quăng cả Madame Bovary, Đỉnh gió hú và Antonia của tôi.
Nhưng nếu bạn đọc lại Ethan Frome một lần nữa hai mươi năm sau đó, bạn sẽ ngạc nhiên trước bao nhiêu niềm đam mê và lòng trắc ẩn mà Edith Wharton đã có thể đúc kết giữa các dòng của cuốn sách bình dị đó. Hình thức của tác phẩm hoàn toàn phù hợp với chủ đề của nó, đó là một cuốn tiểu thuyết kiệm lời về những người ít nói, về những cảm xúc sâu sắc khó diễn đạt thành lời. Cuốn sách trở nên khác đi khi bạn đọc lại, khi bạn đã sống đủ lâu để hiểu được những điều mà ngôn từ không thể diễn tả. Như những gì mà người thuật lại nói trong chương đầu tiên trước khi ông ấy biến mất khỏi cuốn sách. “Ý nghĩa sâu xa hơn của câu chuyện nằm trong các khoảng trống”.
Lần đầu tiên bạn đọc Middlemarch, hầu như là trong thời sinh viên, bạn nghĩ rằng đó là cuốn sách về những người khác. Bạn không bao giờ hướng cuộc sống của mình đi sai đường, giống như các nhân vật dễ mến nhưng lạc lối của George Eliot: Dorothea, kết hôn với một người đàn ông mà cô nghĩ là thiên tài nhưng hóa ra lại là một kẻ ích kỷ, đa nghi, nhăn nhó và luôn tỏ vẻ thông thái rởm. Lydgate, một bác sĩ trẻ theo chủ nghĩa lý tưởng, lại yêu phải một thằng ngốc vị kỷ. Fred, người vẫn cứ ngoan cố vung tiền cho dù cô gái mà anh yêu chỉ kết hôn với anh nếu anh biết dừng lại. Tất cả họ đều bắt đầu với những ước mơ và tham vọng, cuộc sống khiến họ thất vọng và ngay cả chính họ cũng làm bản thân mình thất vọng. Có thể bạn sẽ nghĩ, đáng thương thay cho những kẻ ngốc.
Khi bạn đọc cuốn sách một lần nữa - lúc bạn khoảng ba mươi tuổi chẳng hạn - bạn có một chút sợ hãi lạ lùng rằng đó là một cuốn sách về bạn. Bạn chưa từng phạm phải những sai lầm như các nhân vật của George Eliot, nhưng bạn đã phạm các sai lầm khác. Bạn có nỗi thất vọng của riêng bạn. Kế hoạch sự nghiệp không thành. Sai lầm trong chuyện tình cảm. Bí mật mà bạn giấu kín, với hậu quả tai hại; bí mật được đưa ra ánh sáng, lại chẳng khác gì thảm họa. Bạn vẫn còn ở đây, nhưng bạn điềm đạm, ít bóng bẩy hơn. Tóm lại, bạn đã từng trải.
Ngày tháng đi qua, càng lớn tuổi, bạn ngày càng sẵn sàng hơn cho việc đọc lại cuốn Middlemarch. Thời gian này bạn sẽ nhận ra rằng nó không phải là một cuốn sách về những người khác và nó cũng chẳng phải là một cuốn sách về bạn. Nó là cuốn sách về tất cả chúng ta. Trong thực tế, tác phẩm văn chương này là bức tranh toàn cảnh về con người mang tính bao quát nhất, đồ sộ nhất, vô tư nhất, và nhân bản nhất từng được viết. Tôi đọc lại tác phẩm khoảng một năm trước, với một người bạn bảy mươi bảy tuổi cũng từng đọc lại cuốn đó. Hầu như mỗi buổi sáng, chúng tôi đều gọi nhau ra để tán dóc về các cư dân của Middlemarch, những gì họ đã làm và tại sao. Thị trấn của George Eliot đã trở thành thị trấn của chúng tôi.
Việc đọc lại là không bao giờ cũ. Những cuốn sách thay đổi vì chúng ta thay đổi. Những cuốn sách trở nên tuyệt hơn khi chúng ta hiểu chúng hơn: đọc đi đọc lại, và biết rằng ta sẽ chẳng bao giờ hiểu hết được chúng.
Theo Trà Kha - NDBND