Tạp chí Sông Hương -
Đại gia đình Hoàng Sa
08:49 | 25/03/2013

 Ba thế hệ theo nghề biển, 9 người con trong gia đình vừa là chủ tàu vừa là thuyền trưởng của gần chục con tàu bám biển Hoàng Sa. Nhắc đến gia đình ông Trương Văn Trọng (82 tuổi, phường Xuân Hà, Thanh Khê, TP Đà Nẵng), từ người dân đến bộ đội biên phòng và cán bộ ngành thủy sản đều trầm trồ: Hiếm có nhà nào như thế!

Đại gia đình Hoàng Sa
Ảnh: Nguyễn Huy.

 

 

Biên đội tàu cá gia đình anh Hay chuẩn bị vươn khơi Hoàng Sa
Biên đội tàu cá gia đình anh Hay chuẩn bị vươn khơi Hoàng Sa .

 

Biên đội tàu gia đình

7 giờ 30, gió thốc nhẹ từ cửa biển Đà Nẵng. Anh Trương Văn Hay, chủ tàu ĐNa 90235TS, con trai thứ 4 của lão ngư Trương Văn Trọng, hoàn tất khâu kiểm tra cuối cùng trước chuyến hành trình ra Hoàng Sa.

Con tàu 340 CV từ âu thuyền Thọ Quang (Sơn Trà), cất tiếng máy rầm rào, tung bọt. Anh Hay dáng người to đậm, nước da ngăm đen, chất giọng sang sảng, cùng 13 bạn tàu thành kính thắp hương mở biển đầu năm.

Neo sát bên, 7 chiếc tàu công suất lớn: ĐNa 90202 của anh trai cả Trương Văn Tài, ĐNa 90328TS anh thứ Trương Văn Tình, ĐNa 90304 của em trai Trương Văn Minh, và tàu ĐNa 90402 của em trai Trương Văn Kinh... vừa làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng, sẵn sàng trước giờ nhổ neo.

 

 Chín người con tôi ai cũng bám nghiệp ngư dân, 4 đứa cháu con hai anh ruột cũng đi biển. Tính cả các con cháu có đến 13 chiếc tàu công suất lớn ngang dọc Hoàng Sa. Sóng gió tai ương có thể ập đến lúc nào, nhưng tôi luôn căn dặn con cháu cố giữ lấy nghề, bảo vệ vùng biển truyền thống.

Ông Trương Văn Trọng

“Ra Hoàng Sa, mỗi người chọn một vị trí giữa biển đánh bắt, nếu gặp tọa độ có luồng lạch cá lớn thì cùng chia sẻ”, anh Hay nói. 48 tuổi, vị thuyền trưởng này giắt lưng hơn 30 năm kinh nghiệm bám biển. Giống như cha, các con trai ông Trọng từ 15-16 tuổi đã bắt đầu đi biển. Hết đánh bắt gần bờ, Hay theo cả tàu lớn ra biển lộng.

 

22 tuổi, lần đầu tiên, Hay được chủ tàu tín nhiệm cử chỉ huy con tàu lớn nhất nhì Đà Nẵng - lúc đó công suất chỉ gần 90CV. “Hồi đó làm gì có máy định vị, thông tin liên lạc như bây giờ. Đi bằng kinh nghiệm, cứ canh đài và đường bay quốc tế thẳng tiến. Vậy mà chuyến biển nào cũng tôm cá đầy tàu” - anh Hay kể.

Chỉ vài năm sau, chàng ngư dân trẻ mạnh dạn đóng chiếc tàu đầu tiên trong đời ngư dân với công suất 60CV. Năm 1994, đóng thêm một con 60CV nữa, thành đôi tàu nức tiếng bấy giờ. Chưa đầy chục năm sau, vị thuyền trưởng Hoàng Sa tiếp tục cải hoán, nâng cấp và đầu tư thành đôi tàu mới, với công suất 340CV lớn bậc nhất Đà Nẵng, chinh phục khắp các vùng biển Hoàng Sa.

 

Ông Trọng căn dặn những người con thuyền trưởng trước giờ ra khơi.
Ảnh: nguyễn huy
Ông Trọng căn dặn những người con thuyền trưởng trước giờ ra khơi. Ảnh: nguyễn huy.

 

Các thành viên trong gia đình “đua nhau” sắm tàu công suất lớn. Anh cả Tài mở đầu bằng chiếc tàu 60CV, rồi nâng lên hơn 90CV, và bây giờ là ĐNa 90204 với công suất trên 300CV. Em gái Trương Thị Hiền, dù không trực tiếp đi biển, cũng sắm tàu ĐNa 90658 (hơn 300CV), cho chồng Đỗ Nở (Sơn Trà) trực chỉ Hoàng Sa... 2 -3 năm trước, có lúc, cả nhà sở hữu hơn chục chiếc tàu công suất lớn. Giờ còn 8 chiếc, do một số tàu cũ đã bán đi, chờ đóng mới.

Thiên tai, nợ nần vẫn không bỏ biển

Hơn 20 năm không ra khơi, nhưng nhắc chuyện nghề, lão ngư Trương Văn Trọng vẫn hứng khởi: Ít nhất ba thế hệ trong gia đình tôi đều kiên trì bám biển.

Chuyến biển hơn 60 năm trước, con tàu nhỏ gia đình ông Trọng bất ngờ gặp sóng lớn, đánh úp. Ông Trương Ngọc Lữ, bố ông Trọng cùng người chú ruột Trương Ngọc Lim quyết tâm ở lại cứu tàu, xua ông bơi thúng vào bờ. Ông Trọng may mắn thoát chết, nhưng cha và chú mãi mãi ở lại với biển khơi. 20 tuổi, ông Trọng một tay vực dậy cả nghề ngư phủ cho gia đình.

 

Thuyền trưởng Hay cùng các ngư dân cột chặt lá cờ Tổ quốc trước giờ xuất phát trực chỉ Hoàng Sa.
Ảnh: nguyễn huy
Thuyền trưởng Hay cùng các ngư dân cột chặt lá cờ Tổ quốc trước giờ xuất phát trực chỉ Hoàng Sa. Ảnh: nguyễn huy.

 

Lần đầu đóng tàu mới 60CV, ông Trọng vươn ra khai thác vùng biển Hoàng Sa bằng nghề lưới chuồn, lưới cản. Cuối năm 1978, trong lúc đánh bắt ngoài Hoàng Sa, tàu ông Trọng bị nhóm người vượt biên nhảy lên uy hiếp rồi cướp mất. Chúng bỏ lại con tàu cũ nhỏ để ông tự vào bờ. Khánh kiệt, nhưng ông quyết đóng tàu mới.

“Giờ nghỉ biển mà nhiều khi còn nhớ da diết, huống hồ lúc sung sức. Cái nghiệp rồi, tôi thích sự phóng khoáng, phiêu lưu của nó. Nên dù thất bại, khó khăn vẫn vươn lên, kiên trì bám biển”.

Sau những chuyến biển Hoàng Sa, ông Trọng hướng dẫn con cái thêm nghề mực xà, câu cá ngừ đại dương, lưới rê, rồi mở biển ngang dọc cả vùng biển Trường Sa. Năm 2005, con thứ 3 của ông là Trương Văn Thương, trong chuyến đi biển với bạn tàu, đã bị sóng dữ cuốn trôi. “Sóng gió tai ương có thể ập đến lúc nào. Nhưng tôi luôn căn dặn con cháu cố giữ lấy cái nghề, bảo vệ vùng biển truyền thống” - ông Trọng tâm sự.

Lần nào cũng thế, biên đội tàu gia đình ông Trọng đều mang theo hương khói, để tưởng nhớ tổ tiên, người thân bỏ mạng giữa trùng khơi. Anh Hay bảo: Chính cha đã truyền nhiệt huyết bám biển cho con cháu. Năm 2006, tàu anh Hay lạc hai lần giữa tâm bão Chanchu và Xangsane. Con tàu bị đánh thốc cả dòm dù, mọi người tháo hết giàn mực, cột với đá thành từng bó rồi quăng xuống biển, hãm mạn tàu khỏi bị sóng đánh úp. “Nhờ trời, chứ sức người lúc đó chẳng là gì so với 4 ngày trong thiên tai”, anh Hay nói. Cập bờ, con tàu tơi tả.

Chưa hết, riêng em trai Trương Văn Minh, trong lúc trú bão ở Hoàng Sa bị sóng đánh úp con tàu 90 CV. Năm 2007, vừa neo đậu ở âu thuyền đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị), con tàu mới sửa chữa của anh Hay tiếp tục bị sóng lớn đánh thốc lên ụ đá, hư hại...

Thiên tai và những chuyến biển thua lỗ khiến gia đình anh Hay không ít lần lâm cảnh nợ nần. Năm 2007, anh phải bán một lô đất, đến năm 2010, bán thêm một trong hai chiếc tàu để dồn tiền trả nợ.

“Lúc đó tưởng bỏ nghề. Nhưng nghỉ ít thời gian lại thấy nhớ biển và lên đường. Biển ăn sâu vào máu thịt các thành viên trong gia đình rồi. Cũng nhờ mọi người trong nhà chung một chí hướng, san sẻ, giúp đỡ nhau qua hoạn nạn”, anh Hay nói.

Dựa vào nhau trước sóng gió

Chuyến mở biển đầu năm, biên đội tàu gia đình anh Hay đầy khí thế: Mùa biển trước, các tàu đánh bắt khá thuận lợi, ai cũng giắt lưng vài trăm triệu đến cả tỉ đồng. Hơn chục chuyến biển năm 2012, tính trung bình nghề lưới vây của anh Hay đạt 10 tấn/chuyến. Chuyến biển tháng 7-2012, tàu ra khơi 2 tuần lễ thu về 23 tấn hải sản các loại. Giá cá ngừ thời điểm đó cao, đạt 35-36.000 đồng/kg nên anh thu vài trăm triệu đồng lãi ròng.

Trong căn nhà cao tầng, khang trang, chị Lê Thị Chung (46 tuổi), vợ anh, tự hào: Nhiều chuyến thua thiệt, nhưng nhờ anh em trong nhà kiên trì mới được như bây giờ. Anh Trương Ngọc Kinh, chủ tàu ĐNa 90402 dự định: sau chuyến biển khai Xuân, anh em hùn nhau mua thêm chiếc tàu trên 200CV với giá 1,5 tỷ đồng.

Anh Tài kể thêm: Các thành viên trong gia đình không chỉ giúp nhau mà còn thường xuyên tạo điều kiện cho các bạn tàu địa phương. Anh Hay có trên 10 lần tham gia cứu hộ cứu nạn.

Cuối năm 2011, đang ra khơi đánh bắt, tàu anh Hay nhận lệnh của BĐBP Đà Nẵng yêu cầu đến cứu hộ, cứu nạn tàu ĐNa 90189 của ngư dân Sơn Trà bị chết máy đang trôi dạt trên biển. Dù cách 125 hải lý, anh quyết chuyển hướng đạp sóng 2 ngày 2 đêm đến cứu kéo an toàn...

Thiếu úy Nguyễn Huỳnh Bá Biên, Trạm trưởng trạm Biên phòng Thanh Hà (Thanh Khê) nói: Gia đình ông Trọng là gia đình duy nhất của Đà Nẵng có nhiều thành viên, nhiều thuyền trưởng, nhiều tàu cá nhất. Hoạt động khai thác của các thành viên gia đình ổn định, hiệu quả.

Theo Đại tá Bùi Anh Tú, Đồn phó Đồn Biên phòng Phú Lộc, việc duy trì, phát triển các đội tàu như đại gia đình ông Trọng góp phần đắc lực phát triển kinh tế biển, phối hợp cứu hộ cứu nạn, trao đổi thông tin trên biển và phòng chống xâm phạm chủ quyền.

Theo Nguyễn Huy - TPO

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Bô lão Rocker (25/03/2013)