Tạp chí Sông Hương -
Thư mời viết bài tham dự tọa đàm "Đỗ Lai Thúy và Thơ như là mỹ học của cái khác"
10:27 | 02/04/2013

Kính gửi: Các nhà nghiên cứu - phê bình; các nhà giáo; các nhà thơ, nhà văn

Thư mời viết bài tham dự tọa đàm "Đỗ Lai Thúy và Thơ như là mỹ học của cái khác"

Cuối năm 2012, nhà nghiên cứu - phê bình Đỗ Lai Thúy đã công bố chuyên luận Thơ như là mỹ học của cái khác. Đây là chuyên luận thứ hai sau Mắt thơ (1992) được Đỗ Lai Thúy dành toàn bộ dung lượng để điểm lại và giải mã những diễn biến, hiện tượng, thành tựu thơ nổi bật của thơ ca Việt Nam thế kỉ XX. Và cùng với những chuyên luận khác xen giữa hai mươi năm ấy, từ Hồ Xuân Hương hoài niệm phồn thực (1999), Văn hóa Việt Nam nhìn từ mẫu người văn hóa (2005), Bút pháp của ham muốn (2009) đến Phê bình văn học, con vật lưỡng thê ấy (2010), Đỗ Lai Thúy đang thể hiện mình là một nhà nghiên cứu miệt mài, quyết liệt và không ngừng mới mẻ khi tiếp cận, kiến giải nhiều vấn đề học thuật trong văn hóa, văn chương. Ở bối cảnh phê bình văn học và nhất là phê bình thơ đang gây hoài nghi về chất lượng như hiện nay, thì sự xuất hiện Thơ như là mỹ học của cái khác, nhờ sự dày dặn, nghiêm túc của nó, hẳn gây dựng lại ít nhiều niềm tin nhất định cho độc giả.

 

          Khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) tổ chức Tọa đàm “Đỗ Lai Thúy và Thơ như là mỹ học của cái khác”. Chúng tôi trân trọng kính mời các nhà nghiên cứu, các nhà giáo, các quí vị có quan tâm viết bài và tham dự Tọa đàm. Không giới hạn nội dung cụ thể nhưng Tọa đàm chủ yếu đón chờ những ý kiến, đánh giá về chuyên luận trên mấy phương diện cơ bản: lí thuyết hệ hình được tác giả ứng dụng để mô hình hóa thơ ca Việt Nam hiện đại; cái khác như là một phạm trù mỹ học của thơ và của phê bình thơ; quan điểm ‘từ một lịch sử đến những lịch sử thơ’; cách thức tiếp cận và khu biệt hóa giá trị của 7 chân dung thơ; tâm thái và phong cách phê bình thơ... Tọa đàm cũng mong muốn lắng nghe những chia sẻ khác liên quan đến con đường nghiên cứu, phê bình văn học của Đỗ Lai Thúy để các cách đọc về ông được đối thoại và sáng rõ hơn.

Bài viết cần được chế bản trên phần mềm Microsoft Word, font Times New Roman, cỡ chữ 14, dung lượng không quá 10 trang khổ A4. Bài viết đánh máy xin gửi đến địa chỉ: Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hóa Hà Nội (418 La Thành, Đống Đa, Hà Nội); hoặc qua địa chỉ email: sangtacvanhoc@gmail.com (tiêu đề: Bài tham dự Tọa đàm Đỗ Lai Thúy)

Thời hạn nhận bài: trước ngày 20 tháng 4 năm 2013.

Tọa đàm dự kiến sẽ được tổ chức tại Trường Đại học Văn hóa, vào lúc 14h ngày 25 tháng 4 năm 2013.

Mọi chi tiết xin liên hệ: Mai Anh Tuấn, Khoa Viết văn - Báo chí, Trường Đại học Văn hóa  Hà Nội, ĐTDĐ: 0915 948 045.

T/M BAN TỔ CHỨC TỌA ĐÀM

     Nhà văn Văn Giá (Đã kí)

bản điện tử vietvan.vn

 

Các bài mới
Các bài đã đăng