Tạp chí Sông Hương -
Tiễn đưa nhà văn Võ Hồng...
09:04 | 05/04/2013

15 giờ chiều hôm qua (4-4-2013), ở thành phố Nha Trang, nhà giáo - nhà văn Võ Hồng (Tuổi Trẻ ngày 1-4) đã rời căn nhà thân thuộc cùng gác văn của ông tại số 51 đường Hồng Bàng, TP Nha Trang, đến nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang Suối Ðá, ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.

Tiễn đưa nhà văn Võ Hồng...

Trong cuộc tiễn đưa, có con trai và con gái lớn trong ba người con của ông ở nước ngoài đã về lo hậu sự cho cha, cùng thân quyến và rất đông bạn bè cố tri, học trò, xóm giềng, nhiều đồng nghiệp là nhà giáo ở những trường mà ông đã từng dạy, nhiều nhà văn, nhà thơ ở Khánh Hòa và những người mến mộ ông...

Trong bài thơ Di ngôn (1989) của mình, Võ Hồng đã viết và dặn dò: “Sau khi tôi chết/Xin giữ y nguyên dùm mọi dấu vết/Của những ngày u buồn trĩu nặng hồn tôi/Ðây: cây bút màu đen sớm tối không rời/Ðây: cuốn vở cất đầy những mảnh lòng hiu hắt/Kia: chồng sách không bao giờ ngăn nắp/Này: góc vườn, hoa rụng trải lối đi/Trên khung rào thưa, lá khẽ thầm thì/Nơi sân thượng xin để nguyên chiếc ghế/Kê sát lan can, hướng xuống mặt đường/Nơi những đêm dài, trong tối đầy sương/Tôi ngồi lặng, mắt chong chờ đợi/Ðợi một người đi không hẹn trở lại/Hun hút đường dài... vun vút xe qua/... Cho đến một ngày kia... tôi sẽ nhẹ nhàng giã từ/Hạnh phúc yêu thương... Băng giá mây mù.../Nhưng trên sân, chiếc ghế cô đơn uy nghi còn đó/Tiếp tục ngồi chờ, lặng lẽ chờ cho mãi đến thiên thu”.

Chiều qua, trên sân cũ trước phòng văn của Võ Hồng hoa vẫn nở, lá vẫn xanh và nhẹ rung theo từng làn gió biển thổi vào. Chỉ những trái xoài non từ nhà hàng xóm rụng xuống sân văn của ông là vẫn nằm im bên những chậu hoa không có người kịp nhặt... Trong căn phòng nhỏ nhắn, đơn sơ của ông đã bớt đi bừa bộn, sáng sủa hơn. Trên đầu giường của ông vẫn là tủ sách để nguyên cho tiện tay với. Phía vách cuối giường là ba chiếc kệ kê sát vào nhau chứa đầy những tác phẩm của Võ Hồng cùng rất nhiều sách và sách... Căn gác là nơi không chỉ gắn bó với nhà văn Võ Hồng suốt mấy mươi năm và là “xuất xứ” nhiều tác phẩm của ông ở quãng đời sau này cho đến ngày ông dừng bút, mà còn là chốn thân thương với nhiều nhà giáo, nhà văn nổi tiếng, với nhiều học trò, người ngưỡng mộ nhà giáo - nhà văn Võ Hồng tìm đến để được nghe ông chuyện trò, giảng giải... mỗi khi đến thành phố biển Nha Trang.

Cuộc tiễn đưa nhà văn Võ Hồng về nghĩa trang Suối Ðá vào chiều hôm qua không có lộ trình đi vòng ra đường Trần Phú ven biển Nha Trang như nhiều đám tang khác ở thành phố này. Thế nhưng, trong cả cuộc đời và văn chương của ông thì thấm đượm rất nhiều tấm lòng, tình yêu của Võ Hồng với những vùng đất ông sống, với dải đất miền Trung và cả nước Việt mến yêu...

Ðó cũng chính là những giá trị không chỉ về mặt văn chương mà còn sẽ là sử liệu cho nhiều thế hệ mai sau, khi muốn tìm hiểu những giá trị văn hóa, muốn dựng lại những hình ảnh về cuộc sống một thời, về con người với những vùng đất đã đọng lại chân thật trong văn chương Võ Hồng. Tiễn biệt ông và cũng chính là một lần ta tạ ơn ông về những giá trị nhân văn mà ông đã để lại, góp cho cuộc đời...  

Theo PHAN SÔNG NGÂN - TTO

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng