Tạp chí Sông Hương -
Khi người chuyển giới viết tự truyện
10:09 | 15/04/2013

Chuyển giới là tự truyện cũng là tập phóng sự khá toàn diện và chi tiết về một nhóm người thiểu số nhưng nổi bật: những chàng trai khẳng định mình là phụ nữ.

Khi người chuyển giới viết tự truyện

 

Thực ra giả sử nếu bạn là một người nữ từ tâm hồn nhưng lại sống trong thân xác đàn ông thì cũng là một kiếp sống... thú vị, về phương diện trải nghiệm. Biết đâu, nếu người chuyển giới tin rằng họ từng có nhiều kiếp làm đàn bà chán chê rồi, họ sẽ sống kiếp đặc biệt này theo kiểu khác?!

Nhiều nhân vật trong Chuyển giới (NXB Văn học) khẳng định: Nếu không được sống thì chí ít được chết trong hình hài giả nữ, họ cũng cam lòng. Tự dưng y học hiện đại lại nghĩ ra trò phẫu thuật chuyển giới. Đâm ra nó trở thành cứu cánh cho những người “thân sâu hồn bướm”.

 “Người chuyển giới không chỉ gồm những người đi phẫu thuật chuyển đổi giới tính mà còn bao gồm người cải trang thành nữ, sống đúng với giới tính của mình”. 

 

Trần Minh Ngọc

Chuyển giới là đoạn đời của Trần Minh Ngọc, 33 tuổi, được Nguyễn Ngọc Thạch ghi lại. Nhân vật xưng tôi kể về hành trình chuyển giới đầy bi kịch nhưng không phải của chính mình. Song vì được miêu tả từ trong cuộc, nên những nỗi đau vẫn lan truyền được tới người đọc. Hơn một nhân vật gặp cái chết, HIV, tù tội... trước khi chạm tới đích: đủ tiền sang Thái phẫu thuật.

 

Tất nhiên đây không phải là câu chuyện của những người giàu có hay nổi tiếng có đủ điều kiện để đi phẫu thuật thẩm mỹ tùy thích. Các nhân vật trong truyện thường phải hát đám ma để mưu sinh. Bi kịch của những nhân vật trong Chuyển giới cũng không vượt khỏi mâu thuẫn mà ai cũng có thể phải đối mặt khi mang khát khao không thể kiểm soát, mà lại thiếu điều kiện để thỏa mãn nó.

Khi Dung hỏi Ngọc rằng bao giờ mới làm đàn bà (tức phẫu thuật), Ngọc trả lời: “Anh cũng không biết. Ngày còn nhỏ anh muốn làm đàn bà, mặc đồ nữ, nhưng đến khi gặp mọi người (ý nói người chuyển giới- NV), bước vào cuộc sống của những người chuyển giới, anh lại chùng lòng. Anh không sợ kỳ thị, không sợ dư luận, chỉ muốn giữ hình dạng đàn ông để có thể danh chính ngôn thuận bảo vệ mọi người. Dù gì ở đất nước mình, đàn ông mặc đồ nữ cũng không dễ có tiếng nói”.

Dường như những người chuyển giới hay còn gọi là “bóng lộ” chịu sức ép kỳ thị gấp đôi những người chỉ đồng tính. Trần Minh Ngọc lập một diễn đàn mạng cho người đồng tính. Anh cho hay, ban quản trị diễn đàn vẫn phải xóa những bình luận kiểu như: “Lũ bóng lộ là một lũ bệnh hoạn, làm dơ cộng đồng đồng tính...” Ngọc chia sẻ: “Chuyện dơ sạch tôi chẳng buồn nhắc đến, chỉ thấy là ngay trong cộng đồng, chúng tôi cũng bị ghẻ lạnh, mà càng cô đơn, chúng tôi lại càng phấn đấu sống tốt hơn”.

Câu chuyện mà Ngọc kể lại có thể khiến những người chuyển giới bớt cô đơn. Và biết đâu qua đó, họ thấy cuộc sống còn có những lối đi khác, rằng phẫu thuật chưa chắc đã phải cách tối ưu để khẳng định giới tính. Quán quân Next Top Angel 2012 (cuộc thi sắc đẹp cho người chuyển giới do Trần Minh Ngọc khởi xướng) từng trả lời báo: “Được là phụ nữ, sống với con người thật của mình là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đó không thể nào lớn hơn niềm hạnh phúc được gia đình hiểu, quan tâm và yêu thương thật lòng”.

 

Những người được xem là giới tính bình thường cũng có phần chịu trách nhiệm về chất lượng sống của người đồng tính và chuyển giới. Giả sử cộng đồng không dị nghị, kỳ thị về các xu hướng giới tính ít phổ biến, biết đâu người chuyển giới sẽ thoải mái sống đúng với những gì tạo hóa ban cho- nghĩa là không quá ám ảnh bởi chuyện phẫu thuật. Hoặc nếu họ vẫn muốn phẫu thuật, thì chuyện đó sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng, bình tĩnh hơn.

 

Theo N.M.Hà - TPO

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng