Huế hiện có khoảng 50 đình làng cổ nhưng một số đã bị xuống cấp nghiêm trọng, có nguy cơ biến mất. Nhiều nơi là di tích quốc gia mà nhếch nhác hơn cả… quán cóc.
Từ bao đời nay đình làng là hình ảnh thân quen gắn bó với tâm hồn biết bao thế hệ người dân Việt, là nơi chứng kiến mọi sinh hoạt, lề lối và sự đổi thay trong xã hội. Nhờ những giá trị cao quý mà nhiều ngôi đình làng đã được công nhận Di tích lịch sử, văn hóa Quốc gia.
Đình làng Phú Xuân nằm trên đường Thái Phiên (phường Tây Lộc, TP. Huế) là Di tích lịch sử, văn hóa cấp Quốc gia, nhưng khi đến đây chúng tôi mới giật mình trước sự đối xử thậm tệ của con người với ngôi đình.
Khuôn viên làm nơi để vật liệu xây dựng…
Trong đình thì thành nhà kho.
Không còn một viên ngói âm dương nào cả.
Không những vậy, kết cấu của ngôi đình Phú Xuân đã thay đổi hoàn toàn so với hiện trạng ban đầu: mái gói âm dương giờ được thay bằng mái tôn cũ kĩ, tường xi măng cốt thép, mất hết các cánh cửa… Bên cạnh ngôi đình là 2 nhà cao tầng lấn át vẻ tôn nghiêm xưa.
Những cột xà đình Dương Phẩm còn sót lại chực đổ sập xuống.
Tất cả các phần chính của ngôi đình đã bị mục nát hư hỏng, phần chính nơi để thờ cúng đổ xiêu vẹo, các sắc phong bài vị nằm lăn lóc, không được ai bảo quản. Vì thế mà ngôi đình này lâu nay không còn được lưu giữ thờ cúng mà biến thành bãi để xe, nơi đổ vật liệu của người dân sống xung quanh.
Kiến trúc cổ kính, đẹp đẽ của ngôi đình Dương Phẩm đã gần như biến mất.
Đình làng Thế Lại Thượng được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1999, nằm trên đường Bạch Đằng (phường Phú Hiệp) có lối kiến trúc ba gian, lợp ngói âm dương, chạm khắc hoa văn, họa tiết công phu, độc đáo… Thế nhưng từ lâu ngôi đình “biến thành” trường tiểu học Phú Hiệp với hai dãy trường học chiếm hầu hết diện tích của ngôi đình, mái ngói âm dương đã thay bằng ngói tôn cũ.
Những ngôi đình làng ấy nếu không được trùng tu sửa chữa kịp thời thì trong nay mai một nét đẹp văn hóa Huế sẽ chỉ là vang bóng một thời.
Theo Thảo Đan – Báo Kiến Thức