Theo Ban Tổ chức Festival Nghề truyền thống Huế 2013 cho biết, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt,” Festival lần này đã nhận được đăng ký của 33 làng nghề (trong đó có 12 làng nghề của các địa phương trên cả nước, còn lại là của các địa phương trong tỉnh), với trên 170 nghệ nhân
Festival Nghề truyền thống Huế 2013 sẽ diễn ra từ ngày 27/4 đến 1/5, quy tụ hùng hậu những bàn tay vàng và các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ tiêu biểu tham gia. Nổi bật là các sản phẩm của các làng nghề nổi tiếng như nón lá, thêu, đan đát mây tre, pháp lam, hoa giấy, dệt zèng, mỹ nghệ gỗ, kim hoàn, đèn lồng và mỹ nghệ xương, ngà, đúc đồng, sơn mài, tranh giấy…
Không gian Festival Nghề truyền thống 2013 Huế được tổ chức dọc đường đi bộ Nguyễn Đình Chiểu và công viên Tứ Tượng bên bờ nam sông Hương. Tại đây, Ban tổ chức sẽ lắp đặt 18 nhà rường, kiểu nhà đặc trưng của nhà vườn Huế, nhằm làm tôn vinh thêm nét đẹp của các làng nghề đến tham dự Festival Nghề truyền thống Huế 2013.
Trong các ngày diễn ra hội chợ có các hoạt động như biểu diễn văn hóa nghệ thuật phục vụ du khách, trong đó chú trọng các chương trình gắn liền với làng nghề và cuộc sống, sản xuất của người dân ở nông thôn; hội thảo nghề và làng nghề truyền thống Huế với du lịch, tiềm năng và hướng phát triển./.
Mới đây, UBND tỉnh cũng vừa ra quyết định công nhận danh hiệu Làng nghề, Làng nghề truyền thống tỉnh Thừa Thiên Huế cho 08 đơn vị trên địa bàn tỉnh. Đó là: Làng nghề Bún Bánh Ô Sa, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền; Làng nghề Chế biến mắm, nước mắm Tân Thành, xã Quảng Công, huyện Quảng Điền; Làng nghề Đan lát mây tre Thủy Lập, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền; Làng nghề Trồng nấm rơm Lê Xá Đông, xã Phú Lương, huyện Phú Vang; Làng nghề Đúc đồng Huế, phường Phường Đúc và phường Thủy Xuân, thành phố Huế; Làng nghề Đan lát mây tre Bao La, xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền; Làng nghề Hoa giấy Thanh Tiên, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang; Làng nghề Nón lá Mỹ Lam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang.
PV