Đây là kỳ festival có sự tham gia của hơn 30 làng nghề với gần 200 nghệ nhân đến từ 28 tỉnh thành, với chủ đề “Tinh hoa nghề Việt” đang hứa hẹn nhiều cảm xúc và ý nghĩa.
Vào chiều 26/4, lúc 16h, “Triển lãm thư pháp và tranh thực hiện bằng vật liệu dừa” đã được khai mạc. Tối 26/4, Hội chợ Triển lãm Làng nghề Việt Nam được tổ chức. Sáng 27/4/2013, Lễ khai mạc Không gian tôn vinh nghệ nhân và các làng nghề đã diễn ra.
Đây là kỳ Festival có sự tham gia của nhiều làng nghề với gần 200 nghệ nhân đến từ các làng nghề nổi tiếng trong cả nước như: Thừa Thiên- Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Giang, Quảng Nam, An Giang, Ninh Thuận, Bình Dương,… với những sản phẩm độc đáo, đa dạng cùng những hoạt động nghề sống động.
Dệt thổ cẩm Hà Giang |
Các sản phẩm nghề nổi tiếng như nón lá, thêu, đan đát mây tre, pháp lam, hoa giấy, dệt zèng, mỹ nghệ gỗ, mỹ nghệ kim hoàn, đèn lồng và diều Huế, phấn nụ, nhóm chế biến thực phẩm, mỹ nghệ xương, ngà, mỹ nghệ đồng, sơn mài, tranh làng Sình... của các nghệ nhân và làng nghề trong và ngoài tỉnh Thừa Thiên - Huế đều có mặt tại kỳ festival này.
Tại đây, du khách không chỉ được gặp gỡ mà còn được giao lưu với các nghệ nhân tiêu biểu có bàn tay vàng trên cả nước, được tham quan và tập làm thợ chế tác sản phẩm.
Làm bánh Huế |
Festival nghề lần này còn trưng bày các cổ vật, là sản phẩm có từ hàng trăm năm trước. Bên cạnh đó, sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật và lễ hội hỗ trợ khác với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trong cả nước.
Các làng nghề đã đem đến Huế những sản phẩm độc đáo, như sản phẩm lanh làm từ sáp ong của đồng bào Dao đến từ Quản Bạ - Hà Giang, sản phẩm dệt thổ cẩm Champa Mỹ Nghiệp của Ninh Thuận. Đặc biệt, sẽ kết hợp tái hiện lễ hội Rija Nưgar đặc sắc của đồng bào Chămpa và trưng bày 4 nhạc cụ truyền thống. Riêng làng lụa tơ tằm Hội An (Quảng Nam) sẽ tái hiện toàn bộ các công đoạn làm lụa, từ ủ lá, nhả kén, ươm tơ đến kéo sợi, dệt lụa…
Những kỹ thuật dệt may từ cổ xưa đến hiện đại trên khắp 5 châu sẽ góp mặt trong Lễ hội dệt quốc tế Métaphorses của Pháp |
Nét mới và cũng là điểm nhấn của Festival lần này là lần đầu tiên có các đối tác nước ngoài tham dự. Công chúng sẽ chứng kiến Lễ hội quốc tế dệt may độc đáo với chủ đề Mestamorphoses, giới thiệu thêm 5 kỹ thuật khéo léo về ngành dệt may của Pháp và các sáng tạo mang hơi thở đương đại, triển lãm tre với các tạo hình của nghệ nhân Masao (Nhật Bản), trưng bày trang phục truyền thống của người dân Saijo và ẩm thực Nhật Bản với trà đen Ishizuchi của thành phố Saijo; sự kiện “sự thần kỳ” với sự có mặt của nhà tạo mẫu Minh Hạnh cùng sự tham gia của Francoise Hoffmann (Pháp), Patis Tesoro (Philippin), Kinor Yang (Hồng Kông),…
Trường Tiền