Nếu là một người hoài cổ hẳn bạn sẽ chọn lựa cách nói này: Lạc vào không gian Festival nghề truyền thống Huế 2013 như lạc vào giữa nghìn xưa. Đi dọc theo bờ con sông Hương thơ mộng, trải dài trên đường mang tên của một thi nhân, chúng ta sẽ cảm tưởng như chính mình đang chạm vào nghìn xưa, đang nghe những tiếng thì thầm của tiền nhân vọng về trong từng thớ gỗ, từng mảnh đất nung, từng tấm lụa thêu diệu kỳ....
Giữa không gian trưng bày Gốm Phước Tích, chúng ta thấy được sự thịnh vượng một thời của cha ông. Để thấy cuộc sống chính là hoài thai từ nơi đất mẹ. Bên cạnh sẽ là không gian trưng bày Pháp lam, nơi lưu chứa trong đó những giai thoại, những mẩu chuyện xưa. Kỹ nghệ pháp lam du nhập vào Việt Nam đầu thế kỷ XIX, thời vua Minh Mạng. Pháp lam Huế thực sự đọc đáo với những mảng phù điêu, màu sắc tươi tắn, cường độ mạnh với các tông màu bổ trợ, tương phản do sự sáng tạo đầy tâm huyết của nghệ nhân.
Gốm Phước Tích |
Hương vị của núi rừng, màu sắc huyền bí, sự mê hoặc của tộc người sẽ đến với chúng ta qua Nghề dệt zèng của đồng bào dân tộc A Lưới. Đây là nghề truyền thống lâu đời của dân tộc Tà Ôi, trong từng tấm vải, từng sợi chỉ là cả những dấu tích của cha ông, những người sống giữa rừng và chết giữa rừng.
Giữa phố thị mãi mê với những huyền thoại về rừng |
Sơn thôn bên khung cửi |
Tuổi thơ là tuổi của mơ mộng. Nếu người già đi tìm những hoài niệm từ những vật cổ thì trẻ thơ đến với Festival Huế lần này lại mải mê với những cánh diều. Chưa ai có thể xác định rõ cánh diều Huế được làm từ năm nào, nhưng ít nhất cũng đã trên 300 năm, từng đó cũng đã là mấy cả đời người. Diều ban đầu chỉ là một trò chơi của trẻ thơ rồi về sau diều đi vào lễ hội, đi vào những tín ngưỡng dân gian của con người.
Chạm vào nghìn xưa |
Đêm hoàng cung không thể thiếu đèn lồng. Lồng đèn Huế gợi cho chúng ta nhớ về những câu chuyện trong thâm cung. Nét đẹp cổ kính mê hoặc của nó như thể lưu chứa cả một quãng thời gian đồ sộ, cả một không gian cung đình đầy những dấu tích.
Thiếu nữ bên nông kén |
E lệ bên cầu |
Bài và ảnh của MP