Tạp chí Sông Hương -
Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế
08:34 | 08/05/2013

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là đàn tế duy nhất còn hiện hữu ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế.

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế
Toàn cảnh đàn Sơn Xuyên (ảnh phối cảnh) theo tư liệu cũ năm 1925

Trong quần thể di tích Cố đô Huế có tất cả 5 đàn tế bao gồm: Đàn Nam Giao, Đàn Sơn Xuyên, Đàn Xã Tắc, Đàn Tiên Nông, Đàn Tịch Điền. Kiến trúc các đàn tế này khá độc đáo còn được ghi chép trong một số tài liệu cũ.

Kiến trúc theo thuyết Tam tài của Đàn Nam Giao

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là nơi các vua nhà Nguyễn tổ chức lễ tế trời đất vào mùa xuân hàng năm, thuộc địa phận phường Trường An, thành phố Huế. Đây làđàn tế duy nhất còn hiện hữu (dù không còn nguyên vẹn) ở Việt Nam, cũng là đàn tế duy nhất còn tồn tại trong số nhiều đàn tế cổ ở Huế. Đàn Nam Giao đã được nhà Nguyễn khởi công xây dựng vào ngày 25/3/1806. Sau khi hoàn thành, vua Gia Long lần đầu tiên tổ chức lễ tế Giao tại đây vào ngày 27/3/1807.

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế

Đàn Nam Giao triều Nguyễn. Ảnh: Wikipedia

Đàn Nam Giao triều Nguyễn là một tổ hợp các công trình kiến trúc gồm Giao đàn, Trai cung, Thần trù và Thần khố trong khuôn viên hình chữ nhật có diện tích đến 10ha. Trung tâm của khuôn viên đàn Nam Giao là Giao đàn, hướng về phía Nam, gồm 3 tầng:

Tầng trên cùng là Viên đàn, xây hình tròn, tượng trưng cho Trời. Đàn có đường kính 40,5m, cao 2,8m; xung quanh xây lan can cao hơn 0,8m, dày 0,3m, quét sơn màu xanh. Mặt đàn lát gạch và đặt sẵn 28 viên đá tảng chân cột để mỗi khi tế sẽ dùng một tòa nhà che bằng vải màu xanh (được gọi là Thanh ốc) lên trên. Từ năm 1846 trở đi tòa nhà này được gọi là Hoàng khung vũ. Bốn mặt Viên đàn có thềm, thềm phía nam 15 bậc, ba mặt còn lại đều 9 bậc. Đây là nơi diễn ra các hoạt động lễ nghi chính trong lễ tế Nam Giao.

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế

Một phần bề mặt Viên đàn. Ảnh: Wikipedia

Tầng giữa là Phương đàn hay còn gọi là Tùng đàn, xây hình vuông, tượng trưng cho Đất. Đàn có cạnh dài 83m, cao 1,1m; xung quanh xây lan can, cao 0.9m, dày 0,3m, quét sơn màu vàng. Khi tế Giao, người ta dựng một tòa nhà che vải vàng (gọi là Hoàng ốc). Bốn mặt Phương đàn có thềm, đều 5 bậc. Đàn này, dưới thời Nguyễn, là nơi tế thần Mặt Trời, Mặt Trăng, Tinh Tú, Mây, Mưa, Gió, Sấm, Năm và Tháng, Núi, Biển, Sông, Đầm Phá, các vị thần núi ở các sơn lăng các vua nhà Nguyễn, thần giữ lăng tẩm và phần mộ cùng tất cả các vị thần trong toàn quốc.

Tầng dưới cùng xây hình vuông, tượng trưng cho Người. Đàn có cạnh dài 165m, cao 0,84m; xung quanh xây lan can cao 0,93m, dày 0,3m và quét sơn màu đỏ. Mặt trước đàn có xây hai hàng đá tảng, mỗi hàng 6 tảng để cắm tàn. Góc Đông Nam đàn có xây một cái bệ gọi là lò “phần sài”, là nơi đốt con sinh để tế. Ở góc Tây Bắc đào một cái lỗ để chôn lông và huyết của con sinh, gọi là huyệt “ế mao huyết”. Bốn mặt đàn này có thềm, đều 4 bậc.

Có thể thấy kiến trúc đàn Nam Giao triều Nguyễn tuân thủ chặt chẽ theo thuyết Tam tài cũng như quan niệm “Trời tròn Đất vuông”. Đàn Nam Giao gồm ba tầng xây chồng lên nhau với các dạng thức và màu sắc khác biệt. Trời tròn biểu hiện bằng Viên đàn với lan can quét vôi màu xanh (“thiên thanh”: trời xanh). Đất vuông biểu hiện bằng Phương đàn với lan can quét vôi màu vàng (“địa hoàng”: đất vàng). Tầng dưới cùng cũng hình vuông, lan can quét vôi màu đỏ biểu hiện cho Người (“xích tử”: con đỏ).

Trời-Đất-Người (tức “Tam tài”: Thiên-Địa-Nhân) được thể hiện trong mối quan hệ vừa có tính tách biệt tương đối, vừa thống nhất tuyệt đối. Đặc biệt, yếu tố Con Người được thể hiện rất rõ ràng và khá bình đẳng với tất cả Trời Đất và các vị thần linh. Nhà nghiên cứu Phan Thanh Hải cho rằng “đây chính là đỉnh cao tư tưởng thái hòa của Việt Nam dưới thời Nguyễn”.

Nét huy hoàng xưa của đàn Xã Tắc

Đàn Xã Tắc ở Huế được xây dựng thời Gia Long nằm tại phường Thuận Hòa, thành nội Huế. Năm 1806, nhà Vua đã hạ lệnh cho tất cả các dinh trấn trong cả nước gửi đất tinh sạch về để dựng đàn, tượng trưng cho đất đai của cả đất nước. Diện mạo của Đàn Xã Tắc, nằm lộ thiên quay mặt về hướng Bắc. Quy mô đàn tế tương đối lớn, gồm hai tầng:

 Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế

Đàn xã tắc trong ảnh xưa. Ảnh tư liệu

Tầng trên cao 1,6m, hình vuông mỗi cạnh dài 30m, được làm bằng gạch vồ dày 0,8m đất của đàn được thu từ mọi miền trong cả nước, gồm 12 lớp đất đá sỏi… mỗi lớp dày khoảng 15cm, quanh tầng có hệ thống lan can, trỗ 4 cửa thông ra 4 hướng với các bậc thang lên xuống tầng dưới.

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế

Đàn trong quá trình phục dựng. Ảnh: Internet.

Tầng dưới cao 1,23m, mỗi cạnh dài 74m, nền tầng nay được đầm từ 6 loại đất khác nhau theo chiều ngang, tầng này cũng có lan can cao khoảng 90cm và 4 tầng tam cấp ở 4 hướng như tầng trên.

Xung quanh đàn còn có bia “Thái Xã Chi Thần” và một hồ nước rộng là minh đường, có tường thấp và trổ 3 cửa ra 3 hướng Đông-Tây-Bắc.

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế

.Một lễ tế được phục dựng lại. Ảnh: Internet

Sau khi Vua Bảo Đại thoái vị vào năm 1945 cũng như bao công trình khác của triều đại, đàn Xã Tắc mất đi chức năng của mình, đàn bị sử dụng sai mục đích vốn có, bị người dân trưng dụng làm nhà ở. Sau năm 1975 thì đàn hoàn toàn biến mất và chỉ còn lại tấm bia “Thái Xã Chi Thần”.

Hiện nay, đàn đã được phục dựng trở lại và hàng năm đã tổ chức lễ tế Xã Tắc với quy mô lớn.

Những đàn tế chỉ còn trong thư tịch cổ

Đàn Sơn Xuyên được xây dựng dưới thời nhà Nguyễn, là nơi cúng tế toàn bộ thần núi, thần sông của đất Thừa Thiên xưa. Đàn được xây dựng vào năm 1852, thời vua Tự Đức. Việc xây dựng đàn được triều Nguyễn giao Bộ Công trực tiếp phụ trách. Di tích này được dựng theo khuôn mẫu của đàn Xã Tắc.

Khám phá kiến trúc “độc” của đàn tế cổ ở Huế

Toàn cảnh đàn Sơn Xuyên (ảnh phối cảnh) theo tư liệu cũ năm 1925

Theo Quốc Sử Quán, kiến trúc của Đàn Sơn Xuyên rất giống với đàn Nam Giao và đàn Xã Tắc vì đàn Sơn Xuyên hiện nay vẫn còn giữ những cấu trúc cơ bản, nhất là tầng trên. Cả hai tầng của đàn Sơn Xuyên vốn đều được xây bó quanh bằng gạch vồ và đá núi, giữa đổ đất nện chặt. Tầng trên cao hơn 1m, mỗi cạnh rộng khoảng 22m; tầng dưới cao gần 0,5m, mỗi cạnh dài khoảng 45m. Kích thước tuy nhỏ hơn nhưng về tỉ lệ giữa các tầng đàn thì khá giống đàn Xã Tắc. Đàn Sơn Xuyên được xem là khuôn mẫu tốt để nghiên cứu phục hồi đàn Xã Tắc.

Đàn Sơn Xuyên hiện nay nằm trong khuôn viên Trường tiểu học Phường Đúc (245 Bùi Thị Xuân, thành phố Huế). Đàn hiện nay đang bị hủy hoại, nó chỉ còn lại một phần nhờ vào sự bảo vệ tự phát của thầy cô trường tiểu học Phường Đúc.

Ngoài ra, hai đàn tế Tiên Nông và Tịch Điền ở kinh thành Huế chỉ còn lại hình ảnh trong thư tịch cổ. Hai đàn tế cổ này hiện nay đã biến mất và chìm sâu vào lòng đất. Khả năng phục dựng lại các đàn tế cổ này là không thể, nó chỉ còn là hình ảnh dùng để làm tư liệu, vị trí chính xác của đàn hiện nay các nhà khảo cổ vẫn chưa tìm ra.

 

Theo Báo Kiến Thức

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng