Tạp chí Sông Hương -
Người đã hát từ đồng hoang
14:24 | 23/05/2013

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng sinh năm 1944 tại Huế. Mười sáu tuổi tham gia các cuộc xuống đường của học sinh - sinh viên cố đô phản đối anh em nhà Ngô Đình Diệm áp dụng những chính sách hà khắc với dân chúng, chàng trai Phan Văn Thắng đã ghép tên hai người anh Miên và Đức cùng tên mình để thành bút danh Miên Đức Thắng. Sáng tác đầu tiên của Miên Đức Thắng có tựa đề "Ngày xuân dưới mái học đường".

Người đã hát từ đồng hoang
Chân dung nhạc sĩ Miên Đức Thắng.

Góp phần vào chiến thắng 30/4/1975 thống nhất đất nước, không thể không kể đến phong trào đấu tranh đô thị của giới trẻ miền Nam. Tham gia "hát cho dân tôi nghe" thời ấy, nhạc sĩ Miên Đức Thắng có tập nhạc "Hát từ đồng hoang", và bị chính quyền Sài Gòn kết án 5 năm tù khổ sai. Bây giờ ở tuổi cổ lai hy, nhạc sĩ Miên Đức Thắng vẫn còn nguyên sự rộn ràng khi nhắc về những ngày hào hùng và ngạo nghễ "đất ta ta xới, đất ta ta bồi, đất ta ta tới, đất ta ta ngồi..."

Sau khi vào Sài Gòn theo học Đại học Vạn Hạnh, Miên Đức Thắng càng thấu hiểu nỗi bi thống của một thế hệ thanh niên không thể tự quyết định số phận mình trước tương lai mù mịt. Nhận thấy không thể tiếp tục ngọt lạt các bản tình ca đôi lứa, Miên Đức Thắng chuyển sang viết những bài hát tưng bừng khí thế đấu tranh để cổ vũ bạn bè cùng chí hướng. Có sẵn giọng hát truyền cảm, lại biết chơi nhiều nhạc cụ, Miên Đức Thắng tự biểu diễn những ca khúc của mình tại các tụ điểm văn hóa cũng như các cuộc xuống đường kêu gọi hòa bình. Nhiều lần bị an ninh chế độ cũ gay gắt cảnh cáo và nhiều lần bị dọa đuổi cổ khỏi giảng đường, Miên Đức Thắng không hề nao núng, không hề sợ hãi. Nhạc sĩ Miên Đức Thắng nhớ lại: "Lúc đó sao mà hăng hái thế. Người ta càng đe nẹt thì mình càng hứng khởi sáng tác. Cứ vài ba ngày lại có thêm bài mới, tôi lại hát trước đám đông dù biết có thể bị bắt nhốt bất cứ lúc nào!"

 

Năm 1967, tập nhạc "Hát từ đồng hoang" gồm 10 ca khúc của Miên Đức Thắng được Tổng hội sinh viên Sài Gòn ấn hành, tạo được hiệu ứng mạnh mẽ lan rộng trong cộng đồng. Các giới chức chính quyền Việt Nam Cộng Hòa không giấu được sự bực bội, nhưng lệnh cấm đầu tiên được ban bố từ… tỉnh Tây Ninh. Về sự kiện hơi tréo ngoe này, lục lại tư liệu cũ, báo Tin Sáng cuối năm 1967 có mẩu tin ngắn như sau: "Đại tá tỉnh trưởng Tây Ninh vừa ký Thông cáo số 5167-TN ra lệnh cấm tất cả quán ăn, tiệm giải khát… cho phổ biến những bản nhạc của nhạc sĩ Miên Đức Thắng, vì phần nhiều không được sự kiểm duyệt của Bộ Thông tin, và có nội dung phản chiến, đã làm giảm tinh thần chiến đấu của quân đội, đồng thời còn gây bi quan cho SV- HS và thanh niên nam nữ. Yêu cầu đồng bào thi hành triệt để Thông cáo này. Nếu ai bất tuân sẽ chịu tội trước pháp luật!". Theo ký ức dạt dào của nhạc sĩ Miên Đức Thắng thì, tuy có cái lệnh hăng xằng kia nhưng nhiều chủ phòng trà tại Sài Gòn vẫn bất chấp, vẫn mời Miên Đức Thắng trình diễn những bài hát trong tập nhạc "Hát từ đồng hoang".

Tuy nhiên, Miên Đức Thắng chỉ ca hát bán công khai "từ ruộng đồng hoang vu hôm nay, ta cùng hát với nhau lời này" được khoảng hơn một năm thì… biến cố lớn xuất hiện. Đại tá Đặng Văn Quang từ vị trí tỉnh trưởng Tây Ninh được thăng hàm Trung tướng và chuyển về làm cố vấn an ninh cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Cái lệnh cấm ngày trước chỉ có phạm vi một tỉnh được cải biên thành lệnh cấm có giá trị toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng hòa. Không còn tư cách nhạc sĩ, Miên Đức Thắng vẫn điềm nhiên bước lên sân khấu bằng tư cách… ca sĩ. Sau khi hát những ca khúc của các nhạc sĩ cùng lập trường tranh đấu với mình như Phạm Thế Mỹ hoặc Tôn Thất Lập, chàng ca sĩ Miên Đức Thắng bèn tranh thủ hát ca khúc của bản thân. Khán giả vỗ tay nồng nhiệt chừng nào thì Miên Đức Thắng gần kề nguy hiểm chừng ấy. Và chuyện gì đến cũng đã đến, một đêm cuối tháng 10/1969, lúc Miên Đức Thắng đang say sưa vừa đàn vừa hát "đất cho ta sống, quê hương ta bồng, đất cho ta chết, quê hương ta về" thì bị mật vụ bủa vây còng tay và áp giải thẳng vào trại biệt giam.

 

Ngày 23/1/1970, tòa án Mặt Trận của chế độ Việt Nam Cộng hòa đã mở phiên tòa xét xử nhạc sĩ Miên Đức Thắng. Các tờ báo thân thiết với chính quyền Sài Gòn hân hoan đưa tin, bài về vụ này. Ví dụ, trên tờ Tiền Tuyến số ra ngày 24/1/1970 có một bài hoành tráng với cái tít lớn: "Chi tiết phiên tòa Quân Sự xử vụ "nhạc phản chiến": Nhạc sĩ sinh viên Miên Đức Thắng bị phạt 5 năm khổ sai". Nội dung bài báo có đoạn như sau: "Theo bản cáo trạng, nhạc sĩ Thắng khai là sinh viên ban Xã hội tại Đại học Vạn Hạnh. Niên khóa 1968, Thắng được giữ chức vụ Trưởng ban Văn Nghệ trường Đại học Vạn Hạnh, tạm trú tại phòng chứa sách của trường này. Tháng 12/1967, Thắng đã đưa cho Tổng hội Sinh viên Sài Gòn xuất bản 500 tập nhạc "Hát từ đồng hoang" gồm 10 bản nhạc chống chiến tranh do Thắng sáng tác: "Lời ru", "Sáng mai chim hót", "Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh", "Tình ca cho mẹ", "Viên đạn", "Đêm nghe người rồi", "Gọi quê hương mà nhớ", "Tiếng ca trên vùng đất khô", "Bài ca về người", "Hát từ đồng hoang". Thắng được dành ưu tiên 50 tập, giữ lại 1 tập, số còn lại tặng cho bạn bè và những người ái mộ. Thắng không rõ Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã phân phối các tập nhạc trên như thế nào… Những lời lẽ bản nhạc mà Thắng sáng tác đã nói lên những oán trách về cuộc chiến tranh…. Khác hẳn các bản nhạc Trịnh Công Sơn nói lên thân phận làm người trong một quốc gia có chiến tranh…"

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng hồi tưởng: "Phiên tòa xét xử tôi có rất đông nhân sĩ và trí thức tới dự, tất cả đều bày tỏ sự phẫn nộ với chính quyền Sài Gòn. Khi nghe tuyên án, tôi chỉ nói lời sau cùng ngắn gọn: "Những ca khúc tôi viết ra chỉ để chia sẻ với đồng bào tôi, dân tộc tôi đang bị đọa đày và đau thương. Dù bị 5 năm khổ sai hay nhiều hơn nữa, tôi cũng không ân hận. Tôi thấy mình không có tội gì!".

 

Phiên tòa xét xử nhạc sĩ Miên Đức Thắng đã thu hút sự chú ý của công luận quốc tế. Rất nhiều tờ báo có phóng viên thường trú tại Sài Gòn đã theo dõi và phản ánh vụ án lịch sử trớ trêu này. Chẳng hạn, tờ Far Eastern Economics Review phiên bản tiếng Anh phát hành tại Pháp số ra ngày 26/2/1970 có bài mỉa mai rằng, phiên tòa của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đã công khai xác lập kỷ lục cho Miên Đức Thắng trở thành nhạc sĩ đầu tiên trên hành tinh phải đứng trước vành móng ngựa và nhận một sự phán quyết nghiệt ngã, chỉ vì những sáng tác của chính mình. Đồng thời tờ báo trên cũng in lại 4 bài hát "Viên đạn", "Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh", "Lời ru" và "Gọi quê hương mà nhớ" của Miên Đức Thắng bị kết tội "có lời lẽ phản chiến"

Trước sự phản đối của các lực lượng tiến bộ trong nước và sức ép của dư luận nước ngoài, chính quyền Nguyễn Văn Thiệu không thể đưa Miên Đức Thắng ra Côn Đảo thực hiện bản án 5 năm khổ sai. Ngày 27/4/1970, nhạc sĩ Miên Đức Thắng được trả tự do.

 

Hơn 40 năm đã trôi qua, nhạc sĩ Miên Đức Thắng lý giải: "Trong bài "Lời ru", tôi có câu "ngủ đi con, ngủ đi con, rồi ngày mai khôn lớn bán nước mà làm quan". Trong bài "Viên đạn" thì tôi viết "Ôi những viên đạn bằng đồng, thật tươi, thật đỏ hồng. Các nước bạn đồng minh tặng cho dân Việt mình. Dân Việt cần cơm áo, bạn đồng minh hiếu thảo tăng viện trợ thật cao, những viên đạn đỏ hồng. Những viên đạn bằng đồng, dân Việt chết đói khô, không làm sao nhai được…". Còn trong bài "Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh", tôi lại viết "Vì con không muốn giết bao anh em của mình, vì con không muốn giết nên con làm tù binh…". Chính quyền Nguyễn Văn Thiệu căm ghét mình cũng phải, kết án mình cũng phải!".  Nói tới đây, nhạc sĩ Miên Đức Thắng bật cười cay đắng, và lại ung dung cất giọng hát: "Rồi ngày mai đất ta vươn thơm mùa lúa mới, rồi ngày mai đất ta hoa lên hồng môi cười, rồi ngày mai quê hương xanh lên màu sông núi, vì ngày nay dân ta quyết sống vì đất này".

Lẽ thường, chính nghĩa luôn có sự uy nghiêm riêng. Chính vì phiên tòa ấy mà nhiều sáng tác của Miên Đức Thắng được chấp cánh bay xa. Trong chương trình "Những lời phản kháng của phong trào thế giới ủng hộ Việt Nam" tổ chức tại Paris năm 1973, bên cạnh tác phẩm của Tố Hữu, Lê Anh Xuân, Chế Lan Viên… được diễn ngâm, thì ca sĩ nổi tiếng nhất nước Pháp lúc bấy giờ là Y Montant đã tự dịch và hát ba ca khúc "Viên đạn", "Mẹ ơi nuôi con lớn để con làm tù binh", "Lớn mãi không ngừng" của Miên Đức Thắng. Hiện tại nhạc sĩ Miên Đức Thắng vẫn giữ băng ghi âm đêm thơ nhạc ấn tượng này, và coi đó là phần thưởng quý giá cho những năm trai tráng đầy lý tưởng của mình!

 

Nhạc sĩ Miên Đức Thắng năm nay nhấp nhỏm tuổi 70. Bốn người con gái của ông đã là những tiến sĩ, bác sĩ, kiến trúc sư thành đạt, nên ông yên tâm dành mọi sức lực cho niềm đam mê nghệ thuật. Không chỉ sáng tác ca khúc, Miên Đức Thắng còn vẽ tranh sơn dầu và làm gốm. Tuy nhiên, nhạc sĩ Miên Đức Thắng hé lộ, ông đã nghiên cứu y học gần nửa thế kỷ và có chút ít kỹ năng chữa bệnh không dùng thuốc. Minh chứng cho điều này, ông khoe những bài hát mà ông xếp vào thể loại âm nhạc trị liệu, như "Mai kia lòng độ lượng", "Độc quyền tro bụi" hay "Trùng tu giọt lệ"

Tp HCM, tháng 4/2013

 

Theo Lê Thiếu Nhơn - CAND

 

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng