Tạp chí Sông Hương -
'Tiếng nói mới' từ Việt Nam đến Mỹ
16:11 | 06/06/2013

Dự án dịch văn học Việt - Mỹ mang tên Tiếng nói Việt Nam mới (New Voices from Vietnam) sẽ tuyển chọn truyện ngắn của 19 tác giả Việt Nam dưới tuổi 40 để giới thiệu một diện mạo mới của Việt Nam đương đại cho độc giả nước ngoài. Dự kiến, Dự án này sẽ hoàn thành nội dung vào tháng 6/2013…

'Tiếng nói mới' từ Việt Nam đến Mỹ

Dự án do tiến sĩ văn học người Mỹ Charles Waugh tổ chức thực hiện, nằm trong số 16 dự án được Quỹ Quốc gia dành cho nghệ thuật (viết tắt NEA) của Mỹ tài trợ, mỗi dự án 12.500 USD (thông tin từ trang web chính thức của NEA).

16 dự án này sẽ giới thiệu các tác phẩm văn học từ 14 quốc gia và 12 nền ngôn ngữ đến với thị trường Mỹ, gồm: Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Cuba, Argentina, Trung Quốc, Nhật Bản… Việt Nam là một trong số đó.

“Trẻ hóa” hình ảnh Việt Nam

Trong dự án này, dịch giả Charles Waugh cộng tác với PGS Ngô Văn Giá, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí của Đại học Văn hóa Hà Nội trong vai trò tuyển lựa tác giả, tác phẩm và liên hệ giữa Charles và các nhà văn Việt Nam. Ông Giá cũng là người chọn các dịch giả Việt Nam thực hiện bản dịch.

“Vì chúng tôi bắt đầu dự án cách đây vài năm, nên đến thời điểm này có một vài tác giả đã qua tuổi 40” - Charles nói với TT&VH Cuối tuần trong một buổi gặp mặt giữa anh và một nhóm nhà văn trẻ Việt Nam tại Hà Nội đầu tháng 5.

Tiêu chí lựa chọn các tác phẩm là “thể hiện một góc nhìn văn hóa và gu thẩm mỹ hoàn toàn khác so với những thế hệ nhà văn trước đây của Việt Nam. Các truyện ngắn được chọn phản ánh một nền văn hóa đang phát triển năng động dưới sự ảnh hưởng của hiện đại hóa và toàn cầu hóa”.

“Lâu nay, văn học Việt Nam được biết đến tại Mỹ với một diện mạo khá “già”, gồm toàn các nhà văn lớn tuổi (sinh trước những năm 1960, 1970) và nội dung chủ yếu viết về các cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Trong những tác phẩm đó rất thiếu vắng hình ảnh Việt Nam đương đại. Còn những tác phẩm sắp được dịch hy vọng sẽ cung cấp một diện mạo rõ ràng hơn”.

Các tác phẩm văn học Việt Nam được biết đến nhiều nhất ở phương Tây là tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Nguyễn Ngọc Tư, các tiểu thuyết của Hồ Anh Thái… Mới nhất, tiểu thuyết Cõi người rung chuông tận thế của nhà văn Hồ Anh Thái vừa được dịch sang tiếng Anh và phát hành ở Mỹ với tên gọi Apocalypse Hotel (Khách sạn Ngày tận thế).

“Việt Nam đã tiến xa hơn những gì người Mỹ biết”

Charles nói: “Nhiều người Mỹ không biết gì về Việt Nam ngoài những gì họ thấy trên phim ảnh: đó là một đất nước nơi diễn ra một cuộc chiến tranh tàn khốc. Nhưng rõ ràng người Việt Nam hiện nay đã tiến xa hơn rất nhiều. Một thị trường tự do đã tạo ra một nền văn hóa trẻ năng động, xã hội Việt Nam đều đang biến chuyển nhanh đến chóng mặt”.

“Mỹ là một quốc gia sử dụng nhiều mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam. Với Tiếng nói Việt Nam mới (New VoicesFrom Vietnam), người Mỹ có thể tìm hiểu người dân Việt Nam đang sống cuộc sống thường ngày như thế nào. Việc NEA cấp kinh phí thực hiện dự án dịch thuật văn học Việt Nam cho chúng tôi chứng tỏ chúng tôi không phải là những người hiếm hoi nghĩ đây là một việc làm quan trọng, mà thực tế, nhiều người Mỹ cũng nhận thức được tầm quan trọng của nó”.

Trả lời TT&VH Cuối tuần về việc tại sao không chọn một tiểu thuyết có sức nặng của văn học “trẻ” Việt Nam mà lại tập hợp nhiều truyện ngắn, Charles nói: “Một tiểu thuyết cung cấp một góc nhìn của một tác giả, còn các truyện ngắn cung cấp nhiều góc nhìn của nhiều tác giả khác nhau, từ đó hình ảnh Việt Nam hiện lên đa chiều hơn”.

Tiếng nói mới: đô thị hóa, tha hóa và những thách thức khác

Những tác phẩm được chọn phản ánh rất rõ “Việt Nam mới” qua mắt những người viết trẻ dưới nhiều góc cạnh. Nguyễn Ngọc Tưxuất hiện với Gió lẻ (The Gentle Breeze), tác phẩm từng được lấy làm tên một tập truyện ngắn của chị, chứ không phải Cánh đồng bất tận. Gió lẻ được chọn cùng một chùm tác phẩm về số phận của những người tha hương, từ quê nghèo lên thành phố lớn (Sài Gòn, Hà Nội, Seoul…) và cuộc đấu tranh của họ để sống trong hoàn cảnh nghiệt ngã, quá trình tha hóa nhân cách.

Truyện ngắn Giếng (The Well) của Di Li có nhân vật chính là con lai Việt - Mỹ mồ côi, “zoom” vào ngành đầu tư sân golf - một nghề thời thượng nhưng cũng đầy rủi ro của kinh tế Việt Nam thời nay. Charles gọi đây là “new golf culture” - nền văn hóa golf mới. Nhân vật chính Andy Phúc mang nhiều đặc điểm toàn cầu hóa: có một cái tên lai, làm việc với người nước ngoài, thông thạo tiếng Anh, tiếng Trung Quốc… Trong Giếng, sự gắn bó nặng về tinh thần với đất đai, truyền thống thờ tổ tiên - những nét văn hóa có tính bản sắc của Việt Nam - bị nhân vật chính coi nhẹ và sau này những sự thờ kính tâm linh này quay lại ám ảnh anh ta.

Đỗ Tiến Thụy trong Vết thương thành thị (Wounds Of The City) đã khai thác những thách thức của quá trình đô thị hóa. Sự khắc nghiệt của đời sống thành thị đã thử thách một đôi tình nhân trẻ đến từ miền quê, những người cố gắng trụ lại với cuộc sống bất chấp mồ hôi, nước mắt và nỗi nhục nhã. Sức mạnh của đồng tiền trong một xã hội trọng địa vị cũng là điều tác giả muốn nói.

Khác với bầu không khí thành thị trong những tác phẩm trên, Nguyễn Thế Hùng (Lộc trời - Fortune From God), Đỗ Bích Thúy (Ngải đắng ở trên núi - Sage On The Mountain), Nie Thanh Mai (Cửa sổ không có chấn song - Windows Without Glass), Phạm Duy Nghĩa (Cơn mưa hoa mận trắng - Rain Of White Plum Flowers) lại lấy bối cảnh vùng sâu vùng xa, những nơi nghèo nhất của Việt Nam.

Hiện đại hóa và toàn cầu hóa không thể hiện sắc nét ở những nơi này, nhưng các tác giả đã ghi lại sự thay đổi trong gia đình, sự khác biệt giữa các thế hệ và thời kỳ mà truyền thống phải điều chỉnh để phù hợp với con người mới. Đồng thời, cuộc đấu tranh gay gắt nhất ở Việt Nam hiện nay cũng được khắc họa: đấu tranh giữa bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Những tác phẩm khác: Nguyễn Đình Tú (Một chuyện khó tin - An Unbelievable Event), Phong Điệp (Ma mèo -Ghost Cat), Phan Triều Hải (Đi mãi trên đường - Walking The Road)...

Charles Waugh và các dịch phẩm về Việt Nam

Charles Waugh năm nay 42 tuổi, là Giáo sư văn chương kiêm nhà văn và dịch giả người Mỹ. Hiện anh là giảng viên môn Viết văn tại trường Đại học Bang Utah (Mỹ). Trước dự án này, anh từng cộng tác với dịch giả Nguyen Lien để dịch và phát hành tại Mỹ tập truyện ngắn Việt Nam Family of Fallen Leaves (lấy từ tên tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườncủa nhà văn Ma Văn Kháng).

- Đã in tập sách Tuyển dịch các truyện ngắn Việt Nam về đề tài Chống chất độc da cam của Mỹ tại Việt Nam (Đồng tác giả với GS Huy Liên - Trường ĐHKHXH và NV Hà Nội), xuất bản tại Mỹ năm 2011.

- Tham gia giảng dạy môn Viết truyện ngắn tại Khoa Viết văn Báo chí, ĐH Văn hóa Hà Nội, năm 2011.

- Dự án dịch các truyện ngắn Việt Nam của các tác giả dưới tuổi 40 mang tên Tiếng nói Việt Nam mới cùng PGS Ngô Văn Giá, dự kiến hoàn thành nội dung vào tháng 6/2013.

 

Theo Mi Ly  - Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

 

 

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng