Tạp chí Sông Hương -
Triết gia Trần Đức Thảo - Niềm tự hào lớn của chúng ta[*]
20:28 | 07/06/2013

NGUYỄN ĐÌNH CHÚ

Bài viết này  nhằm phác thảo chân dung một người Việt Nam mà - nhà cách mạng tiền tiền bối đồng thời là một học giả Mácxit tiên phong và trứ danh, anh hùng lao động, Trần Văn Giàu - đã viết trong bài Trần Đức Thảo - nhà triết học (1) :  “ Mình không có triết học. Nếu có thể nói có một nhà triết học thì người đó là Trần Đức Thảo. Trần Văn Giàu là một giáo sư triết học hay nhà nghiên cứu triết học”. Người đệ tử này cũng xin được nói thêm, mong rằng không sai : thanh danh Việt Nam trên trường quốc tế, về học thuật, có lẽ đến nay chưa ai vượt qua Triết gia Trần Đức Thảo.  Sau đây xin được phác thảo chân dung cụ thể của Triết gia Trần Đức Thảo ở dạng  ban dầu.(1)

Triết gia Trần Đức Thảo - Niềm tự hào lớn của chúng ta[*]
chân dung Trần Đức Thảo, (tranh internet)

1.   Trần Đức Thảo ; người con ưu tú của Kinh Bắc- Bắc Ninh “ cái nôi  của người Việt, của văn hóa Việt” :

Trần Đức Thảo sinh năm 1917 tại Thái Bình, mất năm 1993 tại Paris, quê làng Song Tháp, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, thuộc dòng họ Trần , hậu duệ của vưa Trần Nghệ Tông. Thân sinh là cụ Trần Đức Tiến ,  công chức của ngành bưu điện dưới thời Pháp thuộc , là người đức độ, giàu lòng nhân ái, đã từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghia Thục ( 1907), có công cải cách , mở mang làng Song Tháp, được dân làng rất kính trọng. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị An , con nhà danh giá , từng thuộc nhiều thơ ca dân tộc như Ai tư vãn của Ngọc Hân công chúa, Vè thất thủ kinh đô...để thường đọc cho con nghe.  Hai cụ sinh được hai trai. Con trưởng là Trần Đức Tảo,  đậu cử nhân luật, sau ngày cách mạng tháng Tám thành công, đã hăng hài tổ chức các đội văn nghệ địa phương để cổ động nhân dân tham gia kháng chiến chống  Pháp , hoạt động trong ngành ngoại giao, hy sinh  năm 1947, liệt sĩ.

Trần Đức Thảo ở Thái Bình đến  5 tuổi, theo cha về sống, học tập, trưởng thành ở Hà Nội cho đến năm  1936 du học tại Pháp. Cả cuộc đời của Triết gia hầu như không gắn bó  mấy với quê hương nhưng tình quê vẫn đậm đà sâu nặng. Ước vọng thiết tha nhất cuối đời của Triết gia là sau khi qua đời được vê an nghỉ nơi quê cha đất tổ.  Triết gia là người con của Kinh Bắc, một trong tứ trấn vây quanh Thăng Long - Đông Kinh xưa là : Sơn Tậy , Sơn Nam, Hải Đông và Kinh Bắc trong đó chủ yếu là Bắc Ninh mà học giả Nguyễn Văn Huyên, người khai sinh  ngành dân tộc học hiện đại Việt Nam đã coi là   “cái nôi của người Viêt, của văn hóa Việt”. Nhà khảo cổ học  thời nay, cố giáo sư Trần Quôc Vượng  cũng nói đó là  “ cái nôi- cốt lọi- hạt nhân của người Kinh - Việt, vùng đất chủ yếu của xứ Bắc...vùng  văn hóa Kinh Bắc rực rỡ nhất, hài hòa nhất của buổi đầu kỷ nguyên văn minh Đại Việt”. Còn vị  thiền sư nổi tiếng học giả và thần học Thích Nhất Hạnh với bút danh Nguyễn Lang trong tác phẩm Việt Nam Phật giáo sử luận cũng cho biết địa danh Luy Lâu thuộc huyện Thuận Thành , Bắc Ninh, vào hạ bán thế kỷ thứ II sau công nguyên đã là một Trung tâm Phật giáo bề thế ngang tầm hai Trung tâm Phật giáo lớn nhất của Trung Hoa là Lạc Dương và Bành Trạch (2).  Bắc Ninh đúng là cái nôi của văn hóa Việt bắt đầu bắng sự kết giao với văn hóa  Phật giáo. Và tiếp theo, một khi văn hóa Việt kết giao với văn hóa Hán để thành văn hóa Việt Hán cũng lại từ mảnh đất gieo trồng đầu tiên là Bắc Ninh, Kinh Bắc. Ở đây,  không chỉ là nơi đi đầu mà còn là nơi từng sản sinh ra nhiều người xuất chúng  nhất cho đất nước.  Khoa thi Hán học đầu tiên vào năm 1075. Người đậu đầu là Lê Văn Thịnh quê Bắc Ninh. Chế độ thi của Hán học  kéo dài 844 năm , trong đó có 47 vị Trạng nguyên thì Bắc Ninh chiếm  12 vị. Đứng thứ hai là Hải Dương có 7 vị, Người đậu Trạng nguyên đầu tiên một khi chế độ thi cử có danh hiệu Trạng nguyện thì cũng là người Bắc Ninh : Nguyễn Quan Quang ( 1246) quê Từ Sơn, Đông Ngàn. Có 2890 vị đại khoa từ phó bảng trở lên thì Bắc Ninh chiếm 348 vị , còn Hải Dương thứ hai thì có 245 vị. (3).Thời vua Lê Thánh Tông lập Hội Tao Đàn do nhà vua làm Nguyên soái  thì Phó soái lại vẫn người Bắc Ninh : Thái Thuận. Có thể nói thêm, thiên tài văn chương Việt Nam là “ Nguyễn Du viết  Kiều đất nước hóa thành thơ” (Chế Lan Viên),  vĩ đại , phi thường như thế nhưng thử hỏi nêu thân mẫu Nguyễn Du không phải là bà Trần Thị Tần, người Bắc Ninh thì liệu có Truyện Kiều không? Đành rằng đã phải thấy thiên tài Nguyễn Du trước hết là sản phẩm của đất  Lam Hồng ... Còn thời nay thì  một triết gia duy nhất của Việt Nam lừng danh thế giới là Trân Đức Thảo không phải là người của làng Song Tháp, xã Châu Khê, huyện Từ Sơn thuộc tỉnh Bắc Ninh đó sao.

Bắc Ninh đã là như thế. Trần Đức Thảo trong chiều sâu thẳm của tâm thức đã từ cái nôi văn hóa cốt lọi đó của người Việt  mà thành một trí thức hiện đại trong thời đại nền văn hóa Việt Nam ta đã  vượt khỏi phạm vi ảnh hưởng văn hóa khu vực để vươn ra phạm vi văn hóa toàn thế giới và mang tinh hiện đại.

2.Trần Đức Thảo : một trí thức trọn đời yêu nước

Băc Ninh, Kinh Bắc không chỉ là nơi sản sinh cho đất nước nhiều  người xuất chúng mà cũng là nơi có Thánh Gióng, biểu tượng đầu tiên và sáng chói nhất cho ý chí độc lập của dân tộc; là nơi đã vang lên bài thơ Thần Nam quốc sơn hà  bên sông Như Nguyệt trong công cuộc kháng chiến chống giặc Tống xâm lược , được xem là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Tổ quốc Việt Nam ; là nơi từng là  chiến địa ác liệt chống giặc Nguyên Mông.( Quế Võ , Từ Sơn ...); là nơi Bình Định vương Lê Lợi  đặt  tổng hành dinh( Bồ Đề - Gia Lâm) lãnh đạo nghĩa quân Lam Sơn mở các chiến dịch cuối cùng chống giặc Minh xâm lược giành toàn thắng về cho đất nước; là nơi  có cuộc khởi nghĩa  Hoàng Hoa Thám chống thực dân Pháp xâm lược  bền bỉ 13 năm trời (Nhã Nam). Kế tiếp sau là những Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, Hoàng Quốc Việt  thuộc lớp người đi đầu trong phong trào cách mạng vô sản... Riêng họ Trần  gốc ở Tức Mặc thuộc đất Sơn Nam , là dòng họ hiển hách nhất , đã cùng dân tộc lập  chiến công chống giặc  Nguyên Mông oai hùng  nhất trong lịch sử  thì cũng đã có một nhánh đến sinh cơ lập nghiệp trên đất Bắc Ninh trong đó có chi phái họ Trần ở Song Tháp, Châu Khê, Từ Sơn, để lại truyền thống gia phong gia tộc thể hiện ở ngay gia đinh cụ Trân Đức Tiến thân sinh Trần Đức Thảo mà trên đây đã nói qua.  Triết gia Trần Đức Thảo,  một trí thức trọn đời yêu nước, có nguồn gốc quê hương, họ tộc, gia đình vững chãi đó.

Trần Đức Thảo cũng như nhiều thanh niên Việt Nam ưu tú khác, có thể kể sơ qua: Phan Văn Trường, Nguyễn An Ninh,  Nguyễn Thế Truyền, Nguyễn Mạnh Tường, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Trần Văn Giàu,  Lê Văn Thiêm, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Xiển... dưới thời Pháp thuộc  du học Pháp đều với động cơ  trước hết phải học cho người Pháp biết dân tộc Việt Nam mình cũng  thông minh chẳng thua gì người  Pháp, từ đó tiếp nhận tinh hoa văn hóa Pháp, văn hóa Âu  Mỹ để trở về xây dựng, phát triển  văn hóa dân tộc trong thời buổi “ mưa Âu gió Mỹ”, trong  vận hạn  rủi ro “Á Âu xáo lộn hông pha hắc/ Pháp Việt phận minh tớ đội thầy”( Phan Bội Châu) đang diễn ra ngày một sôi động, gay gắt, trong đó không tránh khỏi sự áp đảo khá nặng nề của phương Tây đối với phương Đông trên phương diện văn hóa và tinh thần bên cạnh sự nâng đỡ của nó.  Cho nên có thể nói với những người như Trần Đức Tháo  lúc báy giờ học là yêu nước. Vì yêu nước mà phải học cho ra học dù học ở đâu. Nhưng lại không chỉ có học. Còn phải có những hoạt động khác từ tấm lòng yêu nước. Chẳng phải vì thế mà  tháng 12 - 1944, đang là Tùy viên nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp, trong báo cáo chính trị tại Đại hội Đông Dương ở Avignon, Trần Đức Thảo  đã trình bày chương trình xây dựng nền dân chủ ở Đông Dương và tại đây cũng đã tiếp xúc với  các nghị sĩ đảng Cộng sản Pháp phụ trách nghiên cứu các vấn đề chính trị. Rồi đầu năm 1945, nhân danh Tổng phái đoàn của người Đông Dương, Trần Đức Thảo  cùng kỹ sư Lê Viết Hường đã gặp Tổng bí thư đảng Cộng sản Pháp Maurice Thorez để  được hứa ủng hộ giúp đõ phong trào yêu nước ở Đông Dương mà  lời hứa đã được thực hiện. Cách mạng tháng Tám thành công. Ngày mồng 2 tháng  9 , Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập. Tại Pháp , Trần Đức Thảo viết truyền đơn, họp báo ủng hộ Việt Minh và chính phủ Hồ Chí Minh. Trên tờ báo Le Monde, khi nhà báo hỏi :   “Người Đông Dương sẽ làm gì khi quân đội viễn chinh Pháp tới ?”. Trần Đức Thảo trả lời : “ Phải nổ súng”. Vì câu nói này, chính phủ Pháp đã bỏ tù ông với tội danh gây mất an ninh của nước Pháp. Trong ngục tù, Trần Đức Thảo đã viết bài báo nổi tiếng  Sur L indochine ( Về Đông Dương) phản đối thực dân Pháp đang mưu toan trở lại Đông Dương và nêu cao quyết tâm của Đông Dương bảo vệ nền độc lập.  Bài báo  được đăng trên Tạp chí  Les  Temps modernes sau ba tháng được ra tù do có sự phản đối của đảng Cộng sản Pháp và nhiiều  trí thức tiến bộ Pháp. Năm 1946, trong dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự hội nghị  Fontainebleau, Trần Đức Thảo đã làm thư ký cho Người và sau khi Hiệp ước Fontainebleau được ký kết thì xin về nước nhưng Hồ Chủ tịch đã nói, đại ý :  Hoan nghênh  nhiệt tình  của chú nhưng hiện tại chú về thì chưa có đất dụng võ cho chú. Cứ an tâm ở lại để phát triển học thuật và tranh thủ gây quan hệ tốt với người dân Pháp tiến bộ. Nghe theo lời  Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Đức Thảo  ở lại Pháp hơn năm năm nữa để ra sức phát triển sự nghiệp triết học của minh theo hướng Mácxit hóa  và viết  nhiều bái báo kêu gọi kiều bào ủng hộ Việt Minh, ủng hộ kháng chiến chống thực dân Pháp  xâm lược.  Và đến cuối năm 1951, nghĩ mình ở xa Tổ quốc không đóng góp được gì dáng kể cho công cuộc kháng chiến của nước nhà, Triết gia  quyêt định  về nước để được trực tiếp tham gia kháng chiến, để được đưa triết học vào  thực tiễn cuộc sống của đất nước như chính Triết gia đã nói trong lời tự thuật. Đây là một sự kiện quá ư đặc biệt trong cuộc đời của Triết gia Trần Đức Thảo, một biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước nồng nhiệt của Triết gia. Bởi chúng ta biết, lúc này cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc chống Pháp xâm lược đã bước vào giai đoạn vô cùng ác liệt. Không ít trí thức văn nghệ sĩ từng bỏ cuộc sống đô thành hăng hái đi kháng chiến nhưng rồi vì lẽ này lẽ khác trong đó chủ yếu là không chịu dựng được gian khổ  nên đã bỏ kháng chiến về thành. Trong khi đó thì Triết gia Trần Đức Thảo , ngược lại, từ giã Paris hoa lệ, Paris thủ đô ánh sáng của thế giới, tìm đường qua Luân Đôn, Praha, Mátcờva, Bắc Kinh về Tân Trào tham gia kháng chiến. Phải chăng ở thời điểm này, hiện tượng này, là cá biệt. Sau này, trước hiện tượng Triết gia Trần Đức Thảo về nước, đã có người nghĩ khác, ví như tác giả Phan Tam Khê, một Viêt kiều tại Pháp trong  bài văn ai điếu Triết gia rất mực thắm thiết và tôn kính đã có ý  nói “ giá gì Bác không về lại cố quốc thì giờ đây Bác đã là gì dưới trời Âu”. Nói thế , có lẽ là do chỉ nghĩ đơn thuần về điều kiện sách vở , môi trường học thuật dĩ nhiên là nếu ở lại Pháp thì có phần thuận lợi hơn  về nước đang có chiến tranh chống Pháp tiếp theo là chống Mỹ. Nhưng với Triết gia Trần Đức Thảo thì khác. Phải đặt số phận, quyền lợi của Tổ quốc lên trên sự nghiệp , quyền lợi cá nhân. Vồn là đệ tử của Triết gia, tôi chưa bao giờ nghe Triết gia ngay cả khi gặp vất vả , có chút gì hối tiếc về chuyện bỏ Paris về nước tham gia kháng chiến. Cả sau này nữa, cũng không nghe ai nói gì về Triết gia trong chuyện đó.

3. Trần Đức Thảo : một lưu học sinh đã làm vẻ vang cho Tổ quốc Việt Nam  trên đất Pháp:

Không  chỉ một Trần Đức Thảo mà những lưu học sinh Việt Nam tại Pháp thuở ấy đã có nhắc tên trên đây , dĩ nhiên là còn sót nhiều, đều  nổi danh học giỏi . Ví như giáo sư Nguyễn Mạnh Tường  đã để lại một kỷ lục mà đến nay , 80 năm rồi, trên đất Pháp, với lưu học sinh các nước , kể cả học sinh Pháp ,  hình như chưa  ai phá được kỷ lục là 22 tuổi trong 01 tháng 17 ngày bảo vệ thành công hai bằng tiến sĩ quốc gia về Luật học và Văn chương. Đến  nỗi  báo chí Pháp đã phải cảnh báo chính phủ Pháp hãy coi chừng Việt Nam có những người xuất chúng như thế. Với  Nguyễn Văn Huyên cũng vậy, trong dịp bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Sorbonne, lại cũng có một giáo sư phản biện  nhắc chính phủ Pháp cần coi chừng trong việc đáo tao cho thuộc địa Đông Dương những người như thế. Lê Văn Thiêm sau này là một trong hai vị Hiệu trưởng đầu tiên của Trường Đại học  Sư phạm Hà Nội  chúng ta, là người Việt Nam đầu tiên có phát minh định lý toán học... Với Trần Đức Thảo, năm 1936, sau khi đậu tú tài Toán hoc, Triết học và học năm đầu đại học Luật tại Hà Nội,  đến Paris học lớp dự bị để sau đó thi vào trường  Cao đẳng sư phạm  ở phố Ulm tuy mang danh  là trường Cao đẳng nhưng chinh là trường danh giá nhất của nền đại học Pháp, ít ra là trước đây. Không ít học giả, nhà khoa học nổi tiếng nhất của nước Pháp đã xuất thân từ trường này. Ra đời, viết sách chỉ đề tác giả là Ancien  élève  de  L  école Normale Supérieur d Ulm ( cựu học sinh trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm) thì  danh giá đã hơn các bằng cao cấp khác. Muốn thi được vào trường này thường là sau khi đậu tú tài phải học chương trình dự bị trong hai năm. Mà khi thi khoảng một ngàn thí sinh, trúng tuyến chỉ độ dăm sáu chục . Người hỏng thi sẽ được vào thẳng học năm thứ hai của các trường đại học khác. Trần Đức Thảo đã trúng tuyển  vào học trường này. Trong thời gian học tại đây, Trần Đức Thảo còn phải học thêm bằng đại học về giáo dục Triết học vì đó là một trong điều kiện để được làm luận án tốt nghiêp về sau. Cũng trong thời gian này, gặp lúc  nước Pháp có chiến tranh, Trần Đức Thảo phải đến trú tại Khoa Văn chương thuộc trường Đại học Clérmond Ferrand và may mắn được gặp giáo sư Jean Cavaillès hướng dẫn nghiên cứu hiện tượng luận của Edmond Husserl và  sau đó cũng được giáo sư hướng dẫn  luận án tốt nghiệp về hiện tượng luận của Husserl với kết quả xuất sắc, thủ khoa(1943),  nhưng là dân thuộc địa nên chỉ được đồng thủ khoa  (Premier exaequo). Trong nước,Tạp chí Nghiên cứu Đông Dương đưa tin:Một thạc sĩ mới người Bắc Kỳ -Công báo ngày 28- 8- 1943 thông báo cho chúng ta biết thành công sáng chói của giới đại học với vị trí  thứ 1 đồng hạng của ông Trần Đức Thảo trong kỷ thi triết học...” có kèm  theo ảnh . Theo  Tiến sĩ Cù Huy Chử người có điều kiện gần gũi với Triết gia Trần Đức Thảo hơn ba mươi năm , cũng là người chuyên nghiên cứu hầu như độc nhất vô nhị về Trần Đức Thảo ở Việt Nam hiện nay và con trai là Luật sư Cù Huy Song Hà trong sách  Giáo sư Trần Đức Thảo- Biển quê hương dào dạt và Trầm tư triết học ( NXB Lao động) vừa ra mắt bạn đọc cách đây ba tháng thì tính từ ngày có Trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm đến những năm 50 của thế kỷ XX, về người ngoại quốc, duy nhất có một Trần Đức Thảo  tốt nghiệp  triết học mà là thủ khoa.

Sau khi tốt nghiệp, Trần Đức Thảo được ở lại tại trường Cao đẳng Sư phạm phố Ulm làm tiếp luận àn Thạc sĩ triết học vẫn về Hiện tượng luận của Husserl. Năm 1944, Trần Đức Thảo sang Bỉ để  trực tiêp nghiên cứu Husserl  và thêm nữa là Hégel. Sau đó trở lại Pháp làm  tùy viên nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp. Nhiều  người  vẫn cho rằng với thành tựu triết học đã có tiếp theo đó, Trần Đức Thảo dư sức bảo vệ thành công luận án triết học . Nhưng Trần Đức Thảo đã bỏ không bảo vệ bởi lúc này tâm trí đang hướng vế cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc mà phải chuẩn bị để về tham gia trực tiếp.

Đúng là với  Triết gia Trần Đức Thảo cũng như những tri thức Việt Nam từng lừng danh học vấn trên đất nước Pháp thuở ấy, học thật giỏi là một cách để làm vẻ vang cho đất nước đang trong cơn bị cực lầm than dưới ách thống trị của thực dân Pháp.  Thiết tưởng hôm nay chúng ta phải thấy thêm điều đó khi nói đến lòng yêu nước của người Việt Nam du học ngoại quốc  thời đó.  Năm 1955, tại đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông khi còn thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhà cách mạng lão thành, giảng viên chính trị là thầy Hà Huy Giáp đã hơn một lần  khoái chá hùng hồn nói trước các lớp sinh viên chúng tôi: “dân tộc ta cực kỳ thông minh. Có người học giỏi như ông Trần Đức Thảo học cho Tây thua liển xiểng”. Linh mịc Cao Văn Luận , một người mà năm 1946, dduwpwvj Chủ Tịch Hồ Chí Minh, trong dịp sang Pháp dự Hội nghị Fonteanebleau gặp gỡ , vận động ủng hộ cách mạng, sau này trong Hồi ký Bên dòng lịch sử đã coi Trần Đức Thảo là một trong ba người Việt Nam ưu tú nhất trên đất nước Pháp, gồm Phan Châu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Trần Đức Thảo..

4.  Trần Đức Thảo: Triết gia duy nhất của Việt Nam trên trường quốc tế

Sự nghiệp triết học của Triết gia Trần Đức Thảođể lại cho đất nước và cũng là cho thế giới , theo TS Cù Huy Chử cho biết là gần 200 tác phẩm  bằng tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Đức với khoảng 15 ngàn trang ( qui đổi thành trang 13/19). May măn  là về cơ bản đang được lưu giũ tại Thư viện gia đình của cố Tiến sĩ  Cù Huy Chử  tại Ân- Tùng - Trang, 32 Bác Ái, phường Bình Thọ, quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh sau khi đã được phép của Triết gia Tràn Đức Thảo lúc còn sống và  Bác sĩ Trần Đức Tùng  cháu ruột của Triết gia, người có tư cách  pháp nhân duy nhẩt về di sản Trần Đức Thảo ủy quyền. Nguồn di sản này đã được thu gom từ nhiều nơi : Vụ Thông tin khoa học của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Nhà xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, Thư viện quốc gia Việt Nam, Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ... Đặc biệt, TS Cù Huy Chử trong nhiều  năm tháng đã cùng con trai bỏ công sức hoàn thành công trình Danh mục về di sản của GS Triết họcTrần Đức Thảo dày 522 trang khổ giấy A1. Trong đó, ngoài phần  mở đầu, có phần thứ nhất  : Danh mục tác phẩm sáng tác bằng tiềng Pháp , tiêng Đức, tiếng Việt( từ trang 1 đến trang 92) . Phần thứ hai: Danh mục tác phẩm dịch thuật từ tiếng Đức, tiếng Pháp( từ trang 93 đến trang 101). Trong các công trình  sáng tác và dịch thuật này ,  chưa công bố cũng khá nhiều. Phần thứ ba : Danh mục thư từ thuộc về GS Trần Đức Thảo ( từ trang 103 đến  trang 137). Phần thứ tư: Danh mục Tiểu sử - Lý lịch -Ảnh tư liệu - Hồ sơ thuộc về GS. Trần Đức Thảo ( từ trang 139 dến trang 204). Phần thứ năm : Danh mục các công trình nghiên cứu về GS Trần Đức Thảo ( từ trang 205 đến trang 239). Phần thứ sáu: Bút tích của GS Trần Đức Thảo ( từ trang 241 đến trang 333). Phần thứ bảy:Trang bìa và trang tiêu biểu cho các tác phẩm của GS Trần Đức Thảo đang được lưu giữ tại thư viện của  Ts Cù Huy Chử (từ trang 335 đến trang 508). Phụ lục (từ trang 508 đến trang 522). Tất cả được sắp xếp để trong  các hộp hồ sơ được đánh số từ  01 đến 037.. Mỗi hồ sơ đều có danh mục được đánh số thứ tự . Xin được kể lể tẩn mẩn một chút như thế để quí vị có thể hình dung phần nào  độ bề thề quá ư bề thế về cái gọi là sự nghiệp học thuật của Triết gia Trần Đức Tháo  là gì . Đồng thời cũng thấy được tâm huyết - tâm lý lân tài  và công sức phi thường của bố con người họ Cù này mà có lẽ đã được ông anh ruột, ông bác ruột là nhà thơ lớn (Cù) Huy Cận truyền hơi cho là thế nào. Có thể là người Việt Nam ta, trừ một số rất ít, còn nói chung chưa biết gì mấy về  Triết gia Trần Đức Thảo. Trong khi cái tên Trần Đức Thảo đã lừng danh không dễ có với người Việt Nam trong giới trí thức đặc biệt giới triết học của thế giới. Chịu khó tìm đọc qua Bản Danh mục di sản của GS triết học Trần Đức Thảo của bố con  TS Cù  Huy Chử, ở phần thứ năm: Danh mục những công trình nghiên cứu về GS Trần Đức Thảo , biết những lời đánh giá của người nước ngoài như  Roger Garaudy từng  xuất thân Cao đẳng Sư phạm phố Ulm, từng là ủy viên Bộ Chính trị, lý luận gia của Đảng Cộng sản Pháp; André Haudricourt nhà ngôn ngôn học trứ danh của thế giới; Lucien Sève nhà triết học có tiếng của Pháp ...; biết những gì được viết trong mục Trần Đức Thảo của Tự điển triết học và Tự điển bách khoa hiện tượng học của Pháp ; biết nội dung cuộc Hội thảo khoa học hai ngày về Trần Đức Thảo tại Trường Cao đẳng Sư Phạm ở phố Ulm vào tháng 6 năm 2012 vừa qua ...; biết tình hình tác phẩm của Triết gia Trần Đức Thảo đã được in ấn , dịch thuật tại các tạp chí lớn, nhà xuát bản lớn của Pháp, Anh, Mỹ, Tây Ban Nha, Hungary, Hà Lan, Nhật Bản...; rồi nữa là quan hệ học thuật gắn bó sâu sắc của Triết gia Trần Đức Thảo với nhiều trí thức có tên tuổi của thế giới như Alexander Kojève ( Pháp), Jean Paul Sartre  (Pháp), Edgar Morin ( Pháp), Lucien Sève ( Pháp), J. Ferrand ( Pháp),   Daniel J. Herman ( Anh), Robert S. Cohen ( Mỹ), Vincent von Wroblewsky ( Đức), Ferruccio Rossi- Landi (Ý), Gyorgy Szépe ( Hungary), Ubajenhi Lurektop ( Liên Xô)...là có thể hình dung được phần nào thanh danh trên trường quốc tế của Triết gia Trần Đức Thảo là thế nào. Người đệ tử này ở  đầu bài viết có nói là về thanh danh học thuật trên trường quốc tế đến nay trong phạm vi người Việt Nam có lẽ chưa ai vượt qua Triết gia Trần Đức Thảo trong tâm trạng ít nhiều vẫn sợ mang tiếng thầy hát trò khen giống như cha hát con khen thì đến đây đã phần nào bớt sợ. Với thế giới là như thế. Còn trong nước thì ở Sài gòn trước năm 1975, một số học giả khả kính như Nguyễn Hiến Lê,  Nguyễn Đăng Thục...cũng đã tỏ ra rất quí trọng Triết gia Trần Đức Thảo khi tiếp xúc với tác phẩm Triết lý đi đến đâu của Triết gia. Sau ngày thống nhất đất nước, dù là muộn, nhưng được thời gian ủng hộ. cuốn sách Triết gia lữ hành Trần Đức Thảo do Phạm Thành Hưng và Trần Ngọc Hà biên soạn, NXB Đại học quốc gia xuất bản năm 2006 đã tập hợp được các bài viết về Triết gia  Trần Đức Thảo của các tên tuổi trong nước  như Trần Văn Giàu, Nguyễn Đình Thi, Hà Xuân Trường, Phan Ngọc, Phùng Quán, Đỗ Lai Thúy... có thêm Jean Paul Jouary...đều là những lời ngợi ca . Tiếp đó, cũng trong năm 2006 , có cuộc tọa đàm  về Trần Đức Thảo tại Thư viện quốc gia  với sự có mặt của nhà thơ Việt Phương, người thân cận nhất của Chủ tịch Phạm Văn Đồng và cũng nhiều năm là cầu nối giữa  GS Trần Đức Thảo với cụ Chủ tịch này, GS Phạm Như Cương, nguyên Viện trưởng viện Triết học, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, hai vị lão GS  của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhà văn Đỗ Chu, PGS -TS. Phạm Thành Hưng... Trong cuộc họp, có vị  cho biết ( không biết chính xác đến đâu) là hiện nay , ở châu Mỹ Latinh có trường phái triết học Trần Đức Thảo. Ở Nhật Bản , Trần Đức Thảo được coi là một trong ba triết gia lớn nhất thế giới của thế kỷ XX.  Ở Đức thì chính cố GS- VS Hoàng Trinh từ lâu đã kể chuyện mình sang Cộng hòa dân chủ Đức xin giúp đỡ tìm hiểu Hégel thì được mấy giáo sư Đức nói : “  Việt Nam của đồng chí có Giáo sư Trần Đức Thảo là bâc thầy chúng tôi về Hégel mà sao lại còn phải sang đây”. Ở Pháp, có người đề cao Triết gia Trần Đức Thảo đã có công lớn đi đầu trong việc nối liền hai nến triết học Pháp- Đức. Rồi nữa, năm 2007, Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn thuộc Đại học quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học cả một ngày, kỷ niệm 90 năm sinh của Triết gia Trần Đức Thảo và ra mắt giải thưởng Trần Đức Thảo cho sinh viên khoa Triết học ,  với 27 bản tham luận gộp laị tựa như một bản hợp xướng  ngợi ca có pha chút âm điệu cảm thương  Triết gia  cũng đã có lúc vất vả với chuyện trần gian.

Sự nghiệp và thanh danh của Triết gia Trần Đức Thảo lừng lẫy như thế nhưng cụ thể nội dung triết học của triết gia là gì đối với số đông học giới  Việt Nam ta, xem ra lại không phải là điều dễ dáng. Bởi để hiểu được nội dung triết học Trần Đức Thảo một cách tương đối thấu đáo phải có những điều kiện cần thiết nhưng không dễ có với mọi người . Đó là :

- Phải có trình độ tiêng Pháp, đặc biết là tiếng Đức, thật giỏi vì số công trình của Triết gia thuộc hai thứ tiếng này là chinh, và cho dù có được dịch ra tiếng Việt thì sự hao hụt không phải là ít.

- Phải có trình độ hiểu biết nhất định về triết học thế giới, đặc biệt là triết học phương Tây vốn là môi trường phát sinh phát triên triết học của Triết gia.

- Phải có  hiểu biết tới mức cần có về  khoa học tự nhiên như vật lý học hiện đại, sinh vật học, và khoa học nhân văn như nhân chủng học, sử học, tâm lý học, ngôn ngữ học, logic học... Cứ nhìn vào các loại sách  tham khảo một cách uyên bác mênh mông của Triết gia sẽ thấy  phải như thế.

- Quan trọng nữa là phải có một năng lực tư duy trừu tượng khoa học như thế nào đó thì mới thâm nhập được vào tác phẩm của Triết gia trong khi đất nước mình vốn có thế mạnh về tư duy cụ thể mà nghèo về tư duy trừu tượng. Cứ nhin vào ngôn ngữ nước nhà thì thấy đặc điềm này. Dù rằng đến thời đại ngày này đã có sự vươn lên nhất định nhưng vẫn chưa dễ gì trong việc tiếp nhận công trình triết học của Triết gia vốn là người có một năng lực tư duy trừu tượng chưa có người Việt Nam thứ hai như thế. Còn với Việt kiều đã có ai chưa thì ở đây chưa biết.

Đúng là để đi vào ngóc ngách, mê cung mê trận của thế giới triết học   Trần Đức Thảo mà GS Trần Văn Giàu coi là vị triết gia duy nhất của đất nước, nhà thơ  Huy Cận coi là nhà triết học lớn của thế kỷ, GS Vũ Khiêu coi là nhà  triết học lỗi lạc của  Việt Nam và thế giới, và có người đã đặt lên địa vị thiên tài , thật không dễ với nhiều người. Tuy vậy, về đại  lộ của nó thì qua nhiều công  trinh nghiên cứu, thiết tưởng cũng đã rõ. Mà điểm xuất phát và cũng trở thành đỉnh cao là về Hiện tượng luận Husserl và Hégel để rồi chuyến sang chủ nghĩa Mác với bản lĩnh cá nhân vững chãi theo tinh thần tiếp  biến ra tiếp biên, kể cả phủ định của phủ định. Đặc biệt với lợi thể của một người không chỉ rất  giỏi tiếng Pháp mà còn rất giỏi tiếng Đức để đọc Mác từ bản gốc và sự am hiểu sâu sắc ngọn nguồn của chủ nghĩa Mác là triết học cổ điển Đức, triết học phương Tây nói chung . Trên đại lộ này, nổi lên  một số hiện tượng từng được đông đảo dư luận chú ý  như: sự phản bác giáo trình của Alexandre Kojève về  hiện tượng luận tinh thần  của Hégel , sự tuyên bố đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh ( 1948). cuộc tranh luận với Jean Paul Sartre ( cuối 1949 đầu 1950)về chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa hiện sinh. Paul Sartre thì cho rằng chủ nghĩa Mác chỉ có giá trị trên phương diện chính trị kinh tế học, không trên phương diện triết học. Triết học là thuộc chủ nghĩa hiện sinh. Trần Đức Thảo thì khẳng định giá trị toàn diện của chủ nghĩa  Mác trong dó có triết học...Và những tác phẩm được đánh giá cao nhất của sự nghiệp là: Phénoménologie  et  Matérialisme dialectique ( Hiện tượng luận và Chủ nghĩa duy vật biện chứng ) ,Recherches sur L origine  du langage et de la concience ( Tìm hiểu nguồn gốc ngôn ngữ và ý thức )là. tác phẩm được giải thưởng Hồ Chí Minh,La  Logique du présent vivant  (Logic của cái hiện tại sống động)... Riêng với chủ nghĩa Mác, triết gia Trần Đức Thảo đã được nhà nghiên cứu Cù Huy Chử coi là người có công phát triển, đưa chủ nghĩa duy vật biện chứng lên mức chủ nghĩa duy vật biện chứng nhân bản. Thiết tưởng  có thể định danh như thế về triết gia Trần Đức Thảo trên hành trình  triết học của mình. Bởi lẽ , cảm hứng chủ đạo dọc suốt đại lộ triết học của Triết gia vẫn lấy con người,  đặc biệt là con người tự nhiên sinh học làm trung tâm cốt lọi cho công cuộc khám phá, phát hiện trong tâm thế “ nhật tân , nhật nhật tân , hữu nhật tân”. Dĩ nhiên, có  vĩ đại đến đâu, được ca tụng đến đâu cũng không tránh khỏi ít nhiều sự thử thách của thời gian, sự phản biện của học giới. Rất mong rằng cuộc Hội thảo khoa học quốc tế lân đầu tiên này về Triết gia Trần Đức Thảo tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ là một cái mốc lớn đánh dấu một thời kỳ nghiên cứu khám phá toàn diền và thấu đáo giá trị  tư tưởng triết học Trần Đức Thảo, vị Triết gia hiện đang là duy nhất của Việt Nam, ngay trên đất nước Việt Nam, để từ đó thúc đẩy sự phát triển triết học Việt Nam

5. Trần Đức Thảo: người khai sinh bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học thuộc nền giáo dục của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại trường Đại học Sư Phạm Hà Nội.

Trong thời gian còn ở  Pháp, triết gia Trần Đức Thảo đã được mời  giảng ở một số trường Đại học về  cổ sử Hy La và Hégel khá nổi tiếng. Riêng với đất nước thì ngay khi còn ở Pháp , vào năm 1849 ngày 4 tháng 9 ,  Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh cử làm thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục. Sau khi về nước, Triết gia làm việc một thời gian tại văn phòng Tổng bí thư Trường Chinh, rồi về Ban Văn - Sử - Địa trung ương, tiền thân của Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn Việt Nam sau này. Sau ngày Hòa bình lập lại ở miền Bắc 1954, Thủ đô Hà Nội được giải phóng, hai trường Đại học Sư phạm Văn khoa và  Đại học Sư Phạm khoa học, tiền thân trực tiếp của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hôm nay, được thành lập. Giáo sư Trần Văn Giàu- bí thư đảng  ủy của hai trường, đã thân hành sang Ban Văn Sử Địa mời Triết gia Trần Đức Thảo về làm Trưởng khoa Sử của Trừơng Đại học sư phạm Văn khoa, . Không những thế, còn nhường chỗ ở tại 16Đ ngõ II Hàng Chuối cho Triết gia Trần Đức Thảo để sang ở tại 16 Phan Huy Chú không tốt không yên tĩnh bằng. Triết gia Trần Đức Thảo trở thành người khai sinh ra bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học thế giới tại Trường Đại học Sư phạm Văn khoa Hà Nội mà cũng là của nền giáo dục đại học thuộc chính thể Việt Nam dân chủ cộng hòa. Nội dung giảng dạy của GS gồm Lịch sử tư tưởng phương Tây trước  Mác và  chuyên đề  Biện chứng pháp thần kinh được dạy ở năm thứ hai và thứ ba. VềLịch sử tư tưởng phương Tây trước  Mác thì sau này đã được NXB Khoa học xã hội in và phát hành. Có được sách này là do  trong khi thầy giảng bài chỉ nói suông, học trò phải xin thấy lập ban cán sự để ghi chép bài giảng của thấy rồi xin thấy duyệt lại để đem in ronéo làm tài liệu học tập cho sinh viên. Nhóm cán sự do Cao Huy Đỉnh làm trưởng nhóm nhưng sau vài tháng thì Nguyễn Đinh Chú thay làm trưởng nhóm cho hết cả hai năm hoc. Cùng nhóm còn có Phạm Hoàng Gia, Hoàng Thiệu Khang, Đoàn Mai Thi . Còn chuyên đề Biện chứng pháp thần kinhnghiên cứu quá trinh phát triển biện chứng thần kinh từ trạng thái vô sinh đến hữu sinh và với hữu sinh là từ loài giun đến loài bò sát, đến loài cá , đến loài chim, đến loài động vật có vú, đến vượn người và loài người. Năm 1965, chuyên đề này đã được dịch ra tiền Pháp in trên Tạp chí La Pensée (Tư tưởng) , một Tạp chí có uy tín lớn ở Pháp với Lời tòa soạn đại ý nói : về tên tuổi của Triết gia Trần Đức Thảo thì chẳng cần giới thiệu vì đã quá quen thuộc với độc giả châu Âu. Điều cần nói ở đây là sống trong hoàn cảnh Việt Nam có khó khăn về điều kiện sách vở, thông tin mà tác giả vẫn có được thành quả nghiên cứu đáng kính nể . Tại Trường Đại học sư phạm  Hà Nội lúc này, Giáo sư Trần Đức Thảo trên tư cách  một nhà giáo quả là một hiện tượng  kỳ lạ chưa từng thấy trong các nhà giáo xưa nay. Có thể nói là một nhà giáo “ phản sư phạm” trăm phần trăm nhưng chính lại là “đại siêu sư phạm”. Đến lớp không một mẩu giáo án, không ngồi ở ghế mà ngồi ghé lên bàn, không hề nhìn sinh viên, chỉ nhìn ngược lên trần nhà giảng đường và nói thì lúng túng, thỉnh thoảng lại tự mỉm cười . Nói chung, học trò chẳng hiểu gì lắm. Vậy mà cô cậu nào cũng làm ra vẻ hiểu. Nếu không thì nhận là mình dốt sao. Trong lớp lại có vài ba vị tập nói kiểu philôdôp của Thầy. Có hai vị cùng đang theo đuổi một bạn gái xinh đẹp nhất của lớp lại ra oai bằng bút chiến với nhau trên Tạp chí Sinh viên Việt Nam về  vấn đề   “Hạt nhân duy lý của Hégel” mà khi biết chuyện thầy báo cả hai đều nói rờ nói rận. Thêm nữa là sinh viên Y Dược bấy giờ chưa tách Y và Dược, chung sân với Đại học Sư phạm,  có mấy cậu cũng sang nghe nhờ. Rồi nữa  nghe nhờ, còn một số giáo viên cấp ba của Hà Nội. Đặc biệt, nhà Đạo học số một của Việt Nam- giáo sư Cao Xuân Huy- cũng  đến nghe. Đại giảng đường 35 Lê Thánh Tông từ phòng chính cho đến chuồng gà hầu như hôm nào có giờ giảng của Giáo sư Trần Đức Thảo cũng chật ních và tĩnh lặng.  Có hiện tượng kỳ lạ như thế là vì tiếng đồn về GS quá lớn. Nào là đậu đầu  triết học của École  de Normale Supérieur ở phố Ulm trường danh tiếng nhất của nước Pháp, thắng Jean Paul Sartre  trong cuộc tranh luận, bó Paris hoa lệ về nước tham gia kháng chiền mặc cho gian khổ... Lại thêm mấy lời tôn vinh của các vị Giáo  sư danh tiếng trong trường. Ví như với GS Trần Văn Giàu, một người cũng được đồn đại ghê gớm: nào là  thủ khoa trường Đại học phương Đông của Liên Xô trên cả Titô, Tổng thống của nước Nam Tư, Maurice Thorez,  Tổng bí thư của Đảng Cộng sản Pháp, vào Đảng Cộng sản Pháp trước khi có Đảng Cộng sản Đông Dương. dạy triết học Mácxít ở năm thứ nhất, hấp dẫn lớn nhưng khi học trò tán dương  thầy thì thầy nói : khoan đã , muốn biết thế nào là triết học hãy chờ lên năm thứ hai học với thầy Thảo là người đọc gần hết sách của thư viện Paris. Hay như lời của nhà cách mạng lão thành Hà Huy Giáp mà trên đây đã nói tới. Quả thật lúc này, tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội có một thế hệ giáo sư gồm các vị là Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Mạnh Tường, Cao Xuân Huy,TrầnVăn Giàu, Trương Tửu, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Huy Thông, ... đều là những ông trùm văn hóa của đất nước ,  không chỉ của đương thời mà còn là mãi mãi. Nhưng trong dư luận ở ngay nhiều vị giáo sư nói ra thì danh giá nhất vẫn thuộc về GS Trần Đức Thảo. Chính đó là những gì tạo nên hiện tượng sùng bái của học trò đối với GS Trần Đức Thảo như trên vừa nói. Nhưng ở đây lại có vấn đề  “ phản sư phạm” nhưng lại chính là “đại siêu sư phạm” nghĩa là thế nào xét về phương diện khoa học sư phạm ?  Theo  người đệ tử này đã tự cảm nghiệm và vô cùng biết ơn GS Trần Đức Thảo, vì cho rằng  sau 55 năm hành nghề, dẫu  với bộ môn Lịch sử tư tưởng triết học , chưa đến giữa đường đã đứt gánh để quay về với nghiệp văn chương, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu viết lách, nếu có được một chút gì đó với đời thì trước hết là nhờ có sư phụ Trần Đức Thảo. Bởi chính Người đã gieo vào mình một ám ảnh suốt đời phải đeo đẳng và phấn đấu là sự thềm khát suy nghĩ, thèm khát một năng lực tư duy trừu tượng khoa học, dù ít đù nhiều, cái mà Thầy đã có. Mặc dù chuyện lịch sử văn chương vẫn khác chuyện lịch sử tư tưởng triết học, nhưng nghiên cứu khoa học văn chương cũng rất/ rất cần đến năng lức tư duy đó. Nói “đại siêu sư phạm” là thế. Nhà sư phạm cao cường nhất, đặc biệt là người giảng dạy đại học muốn kết hợp với nghiên cứu khoa học phải là như thế. Để không chỉ là phát sáng cho học trò mà cao hơn nữa là làm sao gieo được vào học trò một nỗi ám ảnh suốt đời để học trò biết theo mình mà tự phát sáng. Điều này quả còn là của hiếm. Đây là chuyện cá nhân người đệ tử này mà cũng là của một thế hệ học trò từng có hạnh phúc lớn được thụ giáo với giáo sư Trần Đức Thảo.

Với sự nghiệp giáo dục của nước nhà,  còn nữa là những quan điểm của GS về việc xây dựng phát triển nền giáo dục đại học. Nhờ đã từng gắn bó nhiều  năm với nền giáo dục đại học của nước Pháp nổi tiếng là nước văn hóa và phần nào cũng là nền giáo dục đại học của châu Âu, cộng thêm tinh thần dân tộc bền vững , với cương vị một thành viên Hội đồng giáo dục quốc gia đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm từ năm 1949 khi chưa về nước, sau đó là chủ nhiệm khoa Sử của trường Đại học Sư phạm Hà Nôi rồi chung cho cả hai Trường Đại học Sư phạm Hà Nội  và Đại học Tổng Hợp Hà Nội trong hoàn cảnh chưa tách khoa trong khi đã có thêm Trường Đại học Tổng Hợp Ha Nội , Phó Giám đốc Trường Đại học Tổng Hợp Hà Nội, GS Trần Đức Thảo đã có nhiều đề xuất kiến nghị đích đáng về việc xây dựng phát triển nền đại học Việt Nam dân chủ cộng hòa theo hướng  khoa học, dân tộc và hiện đại để có trình độ thế giới. Theo giáo sư, đã là đại học nhất thiết  phải kết hợp việc giảng dạy với nghiên cứu khoa học. Phải cân đối giữa  việc đào tạo khoa học cơ bản với khoa học chuyên nghiệp. Đặc biệt phải coi trọng khoa học xã hội nhân văn. Phải nhanh chóng khắc phục tình trạng lạc hậu do có hoàn cảnh chiến tranh và cố gắng vươn lên cho  kịp thế giới. Cần coi trong ngành văn khoa nhưng phải có văn khoa riêng và văn khoa sư phạm riêng. Sự mở lớp đại học văn khoa bên cạnh các lớp văn khoa sư phạm trong trường Đại học sư phạm văn khoa sau năm 1954 mà sau này có  khoa văn Đại học sư phạm Hà Nội đồng thời có khoa văn Đại học Tổng Hợp Hà Nội ở miền Bắc rồi ở cả nước vốn từ ý tưởng của GS Trần Đức Thảo là chính.

Kính thưa quí vị !

Triết gia Trần Đức Thảo : một con người như thế, một cuộc đời như thế, một sự nghiệp như thế ! Thật là niềm tự hào lớn, rất lớn của chúng ta, gần gũi nhất là thầy trò Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội trong đó có thầy trò khoa Triết học, mà cũng là của người dân Kinh Bắc - Bắc Ninh, của người Việt Nam ta, những ai đã biết , sẽ biết đến Triết gia. Nhất là một khi đã nhận ra rằng :một đất nước muốn trở thành một đất nước hùng cường, sánh vai với năm châu thế giới, không thể không có triết học. Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946, chưa muốn Triết gia Trần Đức Thảo về nước ngay mà tạm ở lại Pháp thêm để có điều kiện nâng cao hơn nữa thành quả nghiên cứu triết học chính là vì  ý thức sâu sắc rằng tương lai đất nước phải có triết học  với những triết gia như Trần Đúc Thảo.  Còn hơn năm năm sau. Triết gia Trần Đức Thảo về nước, hôm trước được Thủ tướng Phạm Văn Đồng mời cơm,  hôm sau cũng được Hồ chủ tịch  gặp , mời cơm và Bác nói: Chú về là Bác rất mừng. Mong chú hãy đem tài năng phục vụ kháng chiến thắng lợi. Điều Bác kỳ vọng ở GS Trần Đức Thảo không gi khác là ở phương diện triết học, vốn rất cần cho đất nước mà đang rất hiếm. Thì đúng là Triết gia Trần Đức Thảo mặc cho đất nước có khó khăn, bản thân có lúc cũng gặp điều bất trắc, nhưng gì thì gì vẫn thanh thản, bền bi tiếp tục cống hiến cho đất nước , cho nhân loại thêm những thành quả triết học sáng giá để  đất nước có  thêm niềm tự hào. 

Kính thưa quí vị !

Để kết thúc bài viết , người đệ tử này chỉ mong sao Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, Nhân dân Bắc Ninh hãy có cách gì đó để sớm thỏa mãn hương hồn, vong linh của một người con ưu tú của Bắc Ninh mà  cho đên nay vẫn là độc nhát vô nhị của đất nước  trên phương diện triết học, trong những năm cuối đời cứ thiết tha một điều là sau khi qua đời được về an nghỉ ngàn thu nơi quê cha đất tổ: làng Song Tháp , xã Châu Khê, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh  “cái nôi xưa nhất của  người Việt, của văn hóa Việt”. Xin hãy biết rằng Triết gia  không vợ không con, lại xa quê xa họ tộc, có được một người cháu ruột lại cũng đã có tuổi và sống tít tận trong Nam, cho nên đã hai chục năm nay, tại Nghĩa trang Văn Điển, Triết gia đã nghỉ mà chắc là  chưa an , và không chừng sẽ  ứng với câu Kiều của Nguyễn Du, người cháu ngoại của Bắc Ninh: “ Ấy... ai người viếng  thăm”, cô đơn, lạnh lẽo lắm, Trời đất ơi ! Chúng ta ơi ! Bà con Bắc Ninh , Từ Sơn, Châu Khê, Song Tháp ta ơi !

 

                                 Yên Hòa thư trai, những ngày cuối đông lạnh buốt

                                                        ( 1 - 2013)

Chú thích.

    [*]: Tham luận tại Hội thảo quốc tế về Trần Đức Thảo do Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức [7.5.2013]

  1. Trong bài  này một phần  tư liệu là dựa  vào các công trình của cố TS Cù Huy Chử. Xin phép và xin cảm tạ hương hồn TS.
  2. Lạc Dương: kinh đô Trung Hoa đời nhà Hán, nay là một huyện thuộc tỉnh Hà Nam.  Bành Trạch: nằm ở hạ lưu sông Dương Tử, hiện thuộc tỉnh Giang Tô.
  3. Các số liệu này được rút ra từ sách Việt Nam hướng tới nền giáo dục hiện đại của GS-TS Nguyễn Đình Hương in tại Công ty cổ phần văn hóa tổng hợp Hưng Phú. 2009

                                                                                             Theo Văn hóa Nghệ An

Các bài mới
Các bài đã đăng